Ấm lòng mùa Đông với 5 món cơm Việt

24/10/2017

Cơm chính là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của người Á Đông, đặc biệt là người Việt. Mọi người dường như đã quen với một mâm cơm bày biện đủ món, canh, kho, xào, luộc được ăn kèm với thố cơm trắng. Nhưng để thưởng thức hương vị đặc trưng của món cơm ở mỗi vùng miền khi mùa đông đến thì nhất định phải điểm qua 5 món cơm này.

Ngọt thơm cơm lam

Cơm lam là món cơm khá phổ biến ở vùng Tây Bắc và Tây Nguyên bởi cách chế biến đậm chất núi rừng không phải đâu cũng có. Cơm lam được làm từ gạo nếp – loại nếp cái hoa vàng, hạt tròn, màu trắng sữa có mùi thơm. Sau khi chọn được gạo nếp, sẽ bỏ gạo vô các ống tre, giang, nứa còn tươi và được nướng trên bếp lửa cho tới khi hơi nước bốc ra thơm phức có nghĩa là cơm đã chín. Lúc này sẽ chẻ bỏ đi lớp vỏ chỉ để lại lớp lạt mỏng bên ngoài để giữ cơm nóng cho đến lúc ăn.

Cơm lam dẻo, ăn lạ miệng, ngoài mùi thơm của nếp còn có mùi thơm từ tre nứa, sẽ rất ngon khi được ăn kèm với muối vừng. Ở vài nơi cơm lam sẽ được nướng kỹ hơn để khi bẻ lớp vỏ ra sẽ thấy ngay lớp cơm vàng ươm, ăn giòn giòn trong miệng. Miếng cơm nóng giòn chứa đựng biết bao tình nghĩa của người dân miền núi.

Đậm đà cơm hến

Đến Huế, bạn có thể bỏ qua món bún bò nhưng nhất định không được bỏ lỡ món bánh nậm và đặc biệt là cơm hến. Cơm hến đậm đà, dân dã như chính cách sống của người Cô Đô vậy.

Cơm hến không phải món ăn dễ chế biến, bởi sự cầu kỳ trong cách chuẩn bị nguyên liệu của món ăn. Muốn cơm hến ngon phải giữ được sự hài hòa của các gia vị, mỗi một thìa cơm phải có vị ngọt của hến, vị nồng của gừng, vị cay cay của ớt, và không thể thiếu vị chua của những miếng khế, vị the the của những lá rau thơm. Cơm hến không chỉ ngon mà nhất định phải đẹp mắt, bát cơm phải có nhiều màu sắc bắt mắt. Tuy món cơm được chế biến cầu kỳ nhưng người nấu phải khéo léo sao cho món cơm vẫn giữ được sự đạm bạc, giản dị của người dân xứ Huế.

Đặc trưng của cơm hến là bát cơm để nguội, được trộn với rau và nhiều loại gia vị, ăn kèm với bát canh hến nóng hổi. Tùy theo sở thích người dùng mà có người trộn cơm lại ăn khô, có người trộn đều rồi chan cả bát canh nóng vào.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Cháy vàng cơm niêu đập

Từ xa xưa người Việt Nam có truyền thống nấu cơm trong nồi đất. Bởi không gì ngon bằng những hạt cơm trắng ngần, dẻo ngọt lại hòa quyện hương thơm của đất. Cơm niêu và cơm đập chứa đựng biết bao tinh hoa của văn hóa ẩm thực Việt. Cơm niêu thì trắng, mềm, dẻo, thơm còn cơm đập thì điệu nghệ, nóng hổi, vàng giòn.

Cơm niêu đập hay gọi tắt là cơm đập. Món cơm này đòi hỏi sự công phu trong cách nấu và sự điệu nghệ trong việc lấy cơm ra khỏi niêu. Nấu được một niêu cơm ngon, không hề đơn giản. Từ khâu chọn gạo, vo gạo cho đến canh lửa phải tỉ mỉ và khắt khe. Khi cơm chín người nấu sẽ gõ nhẹ một cái vào niêu, những mảnh đất nung vỡ vụn rơi xuống, chỉ còn lại một ổ cơm chín vàng giòn rụm. Lúc ăn chỉ cần chan lên trên lớp da vàng giòn ấy một thìa mỡ hành, thế là đã có một món cơm ngon đậm đà hương vị quê hương.

Thanh mát cơm dừa

Người dân Bến Tre thật khéo léo khi biến món cơm bình dị trở thành một đặc sản của nơi đây. Để nấu món cơm này đòi hỏi sự cầu kỳ trong chế biến, bởi để ra được món cơm ngon phải mất gần hai giờ đồng hồ. Cơm dừa được nấu từ gạo dẻo và nước dừa, vỏ quả dừa sẽ được sử dụng như một chiếc nồi đựng.

Không giống như cơm lam được nướng trực tiếp trên lửa, cơm dừa được hấp cách thủy trong một chiếc xửng lớn. Khi cơm chín hơi ngả sang màu vàng, ăn có vị beo béo. Nếm thử cơm dừa, bạn sẽ thấy hương thơm và vị ngọt của dừa đều được giữ lại trong mỗi hạt cơm. Nét đặc trưng của món cơm này là thưởng thực trực tiếp ngay trong trái dừa. Đó là cách để giữ cơm luôn nóng và không làm mất đi hương vị tự nhiên vốn có của nó.

Nếu muốn cho cơm dừa thêm trọn vẹn, nhất định phải ăn kèm với tép rang nước cốt dừa. Ăn một miếng cơm, kèm thêm con tép giòn giòn mới cảm nhận hết vị ngon ngọt, béo bùi của món ăn và đặc biệt là vị thanh mát từ miếng cơm dừa.

Giòn tan cơm cháy

Một trong những đặc sản của vùng đất Ninh Bình là món cơm cháy thơm ngon lạ miệng. Cơm cháy ngon có màu vàng nhạt, đều hạt, giòn mà vẫn dẻo, vị thơm cốm mới mang theo nghĩa tình phù sa. Cơm cháy ngon, đúng tiêu chuẩn phải chọn gạo rất cầu kỳ, thường là gạo tẻ thơm dẻo. Để tạo lớp cháy xém, người ta thường dùng nồi gang dày để nấu cơm. Khi cơm chín thì lấy ra, chỉ để lại phần dính đáy nồi và tiếp tục để trên bếp lửa sao cho có được lớp cháy xém. Trong khi nấu, cần xoay tròn nồi cho nóng đều, lớp cơm cháy mỏng sẽ tự bong ra khỏi thành nồi. Lúc đó mới lấy ra phơi khô, khi ăn mới cho những miếng cơm hơi cháy xém vào chảo dầu sôi chưng lên.

Để có được hương vị đặc biệt đúng điệu của cơm cháy Ninh Bình, người ăn cần phải kết hợp cơm với các thức ăn kèm. Như sự kết hợp khéo léo với các loại sốt thơm ngon, nước mắm mỡ hành, tôm băm, chà bông. Thông thường người Ninh Bình sẽ ăn với thịt hoặc tim, cật xào với hành tây, nấm rơm và cà chua để tạo ra các hương vị riêng biệt.

 

Bài: Bảo Khuyên - Ảnh: Internet

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES