Bảo tàng Báo chí Việt Nam chính thức đi vào hoạt động từ sáng nay (19/6) sau hơn 1.000 ngày triển khai xây dựng, sưu tầm hiện vật và tài liệu. Sự kiện khánh thành bảo tàng là điểm nhấn trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Xuất phát từ ý tưởng, tâm huyết gìn giữ, tôn vinh và phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp đó của các thế hệ người làm báo Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam đã hoàn thiện Đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Đề án bao gồm 3 dự án thành phần là “Dự án Trưng bày Bảo tàng”, “Dự án Sưu tầm hiện vật và tài liệu”, “Dự án Tuyển dụng và đào tạo nhân sự bảo tàng”.
Từ khi được thành lập đến nay, Dự án Sưu tầm tài liệu hiện vật hiện đã và đang tiếp tục triển khai; đã sưu tầm trên 20 nghìn hiện vật, tài liệu được tập hợp và bảo quản tại Kho cơ sở của bảo tàng.
Trong số đó, có trên 700 hiện vật, tài liệu độc đáo, quý hiếm phản ánh những sự kiện quan trọng của lịch sử báo chí Việt Nam được nghiên cứu, lập hồ sơ, thẩm duyệt phục vụ trưng bày. Dự án Trưng bày triển khai đồng thời với Dự án sưu tầm, đến nay đã hoàn tất thi công.
Các không gian trưng bày được bố trí trên diện tích gần 1.500 m2, được khai thác triệt để trên các diện trưng bày khác nhau… Một số điểm nhấn trong các không gian trưng bày gồm có: Hình tượng Bút sen ở gian khánh tiết, Bục kim cương ở gian 1865 - 1925; báo chí Chiến khu gian 1945 – 1954; làm báo dưới hầm gian 1954 - 1975; khu vực “Tưởng niệm các nhà báo đã ngã xuống vì Tổ quốc và nhân dân”, Vì sự nghiệp báo chí Việt Nam…
Theo Hội Nhà báo Việt Nam, đề án xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam xuất phát từ ý tưởng, tâm huyết gìn giữ, tôn vinh và phát huy mạnh mẽ truyền thống tốt đẹp của các thế hệ người làm báo Việt Nam. Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết: “Bảo tàng Báo chí Việt Nam ra đời muộn so với nhiều bảo tàng khác nên công tác sưu tầm, khai thác tư liệu vô cùng khó khăn. Năm 2014, Bảo tàng đã có khoảng 500 hiện vật của các nhà báo lão thành công tác ở Hội nhà báo Việt Nam đóng góp. Để có thể thu thập thêm nhiều hiện vật, chúng tôi đã kêu gọi, vận động các nhà báo hiến tặng hiện vật, tạo nên cái nhìn tương đối tổng quát về lịch sử báo chí”.
Khu trưng bày báo chí chia thành 5 giai đoạn với nhiều hiện vật quan trọng, sinh động, những tài liệu, hiện vật trưng bày trong bảo tàng mang đến bức tranh khá toàn cảnh, khái quát về lịch sử hình thành và phát triển của báo chí Việt Nam. Không chỉ mang ý nghĩa với ngành báo chí, bảo tàng còn hứa hẹn sẽ trở thành một điểm đến của du lịch Hà Nội trong năm nay.
BẢO TÀNG BÁO CHÍ VIỆT NAM
Địa chỉ: Tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam
Lô E2, đường Dương Đình Nghệ, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Thời gian mở cửa:
Sáng: 08h00 - 11h30
Chiều: 13h30 - 17h00