Chùa Hương (Hà Nội)
Là một trong những lễ hội nổi tiếng với người dân miền Bắc, chùa Hương được đông đảo du khách tìm đến mỗi độ xuân sang. Lễ hội chùa Hương được diễn ra tại khu danh thắng chùa Hương (hay còn gọi là Hương Sơn) thuộc Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội. Chùa Hương nằm trong động Hương Tích hay còn được gọi với cái tên khác là chùa Trong.
Lễ hội chùa Hương diễn ra trong khoảng thời gian dài từ tháng 1 đến tháng 3 âm lịch. Khai hội chính thức bắt đầu lễ hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng và kéo dài trong 3 tháng.
Không chỉ được biết đến như một lễ hội du xuân nổi tiếng, lễ hội chùa Hương còn mang đậm nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng của khu vực Bắc Bộ. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên mà còn cảm nhận được tinh thần đoàn kết của dân tộc giữa con người khắp nơi trên đất nước Việt Nam. Bên cạnh đó, lễ hội còn có rất nhiều trò chơi, hoạt động văn hóa đặc sắc như chèo thuyền, hát chèo, leo núi, hát chầu văn...
Bái Đính - Tràng An (Ninh Bình)
Là sự gắn kết giữa quang cảnh thiên nhiên với văn hóa tâm linh, Bái Đính - Tràng An thu hút hàng triệu du khách gần xa đến đây mỗi năm, đặc biệt trong mỗi dịp Tết đến Xuân về. Đặc biệt, du khách có thể kết hợp du xuân, vãn cảnh chùa, lễ chùa và tham quan danh thắng Tràng An.
Tràng An là một địa danh bao gồm những dãy núi uốn lượn bao quanh các dòng suối nước tự nhiên. Bên cạnh đó có vô vàn các hang động kỳ ảo và huyền bí. Đến với Tràng An, ấn tượng với du khách chính là màu xanh thiên nhiên ngút ngàn tầm mắt: trời cao trong xanh trong, đáy nước soi bóng những vách núi đá trùng điệp, các ngọn núi phủ màu xanh dịu mát của cỏ cây… Tất cả cùng hòa quyện mang lại cảm giác bình yên giúp quên đi hết những xô bồ của cuộc sống thường nhật.
Sau ba tiếng lênh đênh trên thuyền du ngoạn Tràng An, hành trình du xuân đưa bạn đến với chùa Bái Đính. Nhìn từ xa, quần thể chùa Bái Đính linh thiêng với những công trình vô cùng hùng vĩ nằm trên ngọn núi cao.
Hiện nay, chùa Bái Đính nắm giữ nhiều kỷ lục nhất Việt Nam như: Tượng phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, Khu chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á, Tượng phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á, Khu chùa rộng nhất, nhiều tượng La Hán và cây bồ đề nhất Việt Nam.
Yên Tử (Quảng Ninh)
Được nhà nước công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên, Yên Tử là dải núi cao thuộc vùng Đông Bắc với hệ động thực vật phong phú. Khu du lịch Yên Tử lưu giữ các di tích lịch sử, văn hóa gắn liền với sự hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Cùng với phong cảnh núi non tuyệt đẹp, khí hậu mát mẻ, thiên nhiên trong lành, Yên Tử trở thành địa điểm du lịch tâm linh thu hút du khách xa gần mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Hội xuân Yên Tử chính thức khai mạc mùng 10 Tết và kéo dài hết tháng 3 âm lịch.
Mộc Châu (Sơn La)
Với khí hậu trong lành, mát mẻ, cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, Mộc Châu được lựa chọn là một trong những điểm đến du xuân lý tưởng ở khu vực miền Bắc.
Mùa Xuân đến, Mộc Châu như “khoác chiếc áo mới” màu sắc của ngàn hoa thơ mộng khiến du khách thích thú khi được hòa mình trong sắc xuân của núi rừng Tây Bắc giữa tiết trời ấm áp.
Đến Mộc Châu, du khách sẽ được cảm nhận không gian tươi xanh của những đồi chè non mơn mởn vươn mình trong sương. Bên cạnh đó, các bản làng cùng sắc hoa đào, hoa mận bừng nở đẹp tựa bức tranh nghệ thuật. Đến bản Tân Lập, du khách có cơ hội đắm chìm vào những thung lũng hoa mận trắng tinh khôi…
Sa Pa (Lào Cai)
Nằm ở độ cao lên tới 1.600 m so với mực nước biển, Sa Pa như “ẩn mình” trong núi non mây ngàn. Hiếm có nơi nào có được vị trí địa lý và khí hậu đặc biệt như Sa Pa bởi một ngày hội tụ đủ bốn mùa: Xuân - Hạ - Thu - Đông.
Mùa Xuân đến, hoa đào nơi núi rừng Sa Pa bắt đầu rạng rỡ chào đón năm mới. Trên mỗi nhánh đào là vô số nụ hoa e ấp đang háo hức đợi dịp khoe sắc thắm.
Dịp Tết Nguyên đán, vùng núi Tả Phìn, Ô Quý Hồ… ngập tràn rừng đào hồng thắm rạng ngời trong nắng xuân. Bên cạnh đó, rừng hoa mận cũng đua nhau nở trắng tựa những áng mây trôi lững lờ.