Rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới Amazon, cung cấp hơn 20% lượng khí oxy trong khí quyển Trái Đất, đang cháy với tốc độ kỷ lục và thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế. Các nhà hoạt động môi trường đã tổ chức biểu tình tại các đại sứ quán Brazil trên toàn thế giới, họ cáo buộc Tổng thống Bolsonaro ủng hộ nông dân đốt phát quang đất rừng để mở rộng đất canh tác.
Vào ngày 26/8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố rằng các nhà lãnh đạo G7 đã đồng ý giúp các quốc gia thuộc lưu vực sông Amazon đối phó với các vụ cháy rừng mà ông mô tả là "cuộc khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng". Song, ông Macron đã chỉ trích Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro vì không làm tròn nghĩa vụ giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Đáp lại những lời "chỉ trích" và đề nghị của ông Macron, đại diện văn phòng của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro nói với trang tin G1: "Chúng tôi đánh giá cao (lời đề nghị của G7), nhưng có lẽ khoản viện trợ này phù hợp với việc trồng cây gây rừng ở châu Âu hơn". Theo đó, Tổng thống Bolsonaro bày tỏ quan ngại liệu việc cung cấp gói viện trợ quốc tế có bao gồm âm mưu khai thác tài nguyên Amazon và làm suy yếu tăng trưởng của Brazil hay không.
Vào ngày 27/8, ông Bolsonaro chia sẻ thêm rằng vì người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã gọi mình là kẻ nói dối, ông Macron sẽ phải xin lỗi trước khi Brazil xem xét chấp nhận gói viện trợ 22 triệu USD của G7.
Cháy rừng ở Amazon đã kéo dài hơn 3 tuần và chưa có dấu hiệu dừng lại. Nó đã biến bầu trời ở Brazil "từ ngày thành đêm". Mặc dù các đám cháy cách São Paulo hơn 2.700 km, nhưng những cơn gió vẫn thổi khói từ chúng đến thành phố này. Một số người dân còn nhận thấy nước mưa có màu đen ngòm như nước cống.
Mâu thuẫn giữa Chính phủ Brazil và các nước châu Âu đang cản trở việc dập tắt các đám cháy rừng Amazon, đe dọa cơ hội phối hợp toàn cầu trong việc bảo vệ "lá phổi" của cả Trái Đất.