Ca Huế ra đời tính đến nay đã hơn 300 năm, là một sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Huế. Tuy nhiên, những chương trình biểu diễn ca Huế đến nay phần lớn vẫn diễn ra tự phát, không được quản lí chặt chẽ. Thêm vào đó, số lượng nghệ nhân gạo cội còn theo đuổi ca Huế không nhiều, trong khi đó những nghệ nhân trẻ lại ít có cơ hội tìm hiểu chuyên sâu do ảnh hưởng của xu thế thương mại hóa.
Từ thực trạng đáng báo động đó, Sở Văn hóa và Thể thao quyết định thực hiện đề án “Phát huy giá trị và xây dựng ca Huế trở thành sản phẩm dịch vụ văn hóa đặc sắc, giai đoạn 2020 đến 2025”, với 6 mục tiêu cụ thể, gồm: Nâng cao chất lượng chương trình nghệ thuật mẫu, đảm bảo tính đặc trưng của Ca Huế để phục vụ du khách, góp phần khẳng định thương hiệu Ca Huế; Nghiên cứu quy hoạch và hình thành các điểm, không gian biểu diễn, cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động biểu diễn Ca Huế trên sông Hương (bến thuyền, các dịch vụ hỗ trợ…).
Cụ thể, công tác xây dựng các chương trình ca Huế mẫu sẽ bao gồm chương trình ca Huế mẫu phục vụ khách du lịch trên sông Hương và ngoài trời: Nghênh Lương Đình, công viên Thương Bạc, bia Quốc học, công viên Bùi Thị Xuân...và chương trình ca Huế mẫu biểu diễn trong các không gian thính phòng tại 148 Bùi Thị Xuân, TP. Huế và một số địa chỉ: Châu Hương Viên, các phủ đệ, nhà vườn...
Một số điểm dự kiến sẽ tổ chức các chương trình ca Huế mẫu thời gian tới:
Việc thiết kế quà lưu niệm, chế tác nhạc cụ, tranh, ảnh kết hợp với không gian trưng bày, giới thiệu các trang phục, nhạc cụ biểu diễn ca Huế cũng được dự án tính đến. Ngoài ra, dự án sẽ xây dựng các bộ quy tắc ứng xử của hoạt động biểu diễn ca Huế, bộ quy chuẩn về phương tiện, điều kiện địa điểm, không gian tổ chức biểu diễn. Đồng thời, thành lập Hiệp hội Ca Huế để phát huy vai trò tự quản của các doanh nghiệp tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.