Chinh phục nóc nhà Yên Bái - đỉnh Tà Chì Nhù

07/10/2022

Ngân Nguyễn vừa có chuyến đi hai ngày leo núi trên đỉnh Tà Chì Nhù, Yên Bái vào tháng 9 vừa rồi . Không chỉ chinh phục được nóc nhà Yên Bái ở độ cao gần 3.000 m, mà cô còn được chiêm ngưỡng mùa hoa chi pâu nở rực cả một vùng đồi.

Ngân Nguyễn (Ngân Mario Maurer, Hải Dương), là một freelancer hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Tà Chì Nhù là đỉnh núi thứ 4 cô chinh phục trong năm nay. Trước đó cô đã leo Nam Kang Ho Tao, Bạch Mộc Lương Tử, Putaleng. Chuyến đi Tà Chì Nhù lần này của cô diễn ra trong 2 ngày 1 đêm.

Tà Chì Nhù nằm ở khu vực xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu được mệnh danh là "nóc nhà Yên Bái", "thiên đường mây nơi hạ giới" với chiều cao 2.979 m. Đây cũng là đỉnh núi cao thứ 7 ở Việt Nam và được du khách chinh phục lần đầu tiên vào năm 2013.

Ngân Nguyễn vừa có chuyến đi hai ngày chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, Yên Bái vào tháng 9 vừa rồi

Ngân Nguyễn vừa có chuyến đi hai ngày chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù, Yên Bái vào tháng 9 vừa rồi

Tà Chì Nhù chủ yếu là đồi dốc cao, đường đi khúc khuỷu, thậm chí có những đoạn là đồi dựng đứng. Khí hậu tại đây thường rất lạnh và gió giật mạnh nên hành trình lên tới đỉnh càng thêm phần khó khăn và nguy hiểm. Tuy nhiên, nhờ sở hữu khung cảnh tuyệt đẹp và vô cùng lãng mạn nên Tà Chì Nhù luôn được nhiều người lựa chọn để đi trekking leo núi.

Ngân Nguyễn dành ra một đêm đầu tiên nghỉ tại lán (di chuyển hơn 10 cây từ chân núi lên đến lán) và ngày hôm sau thì di chuyển từ lán lên đến đỉnh xuất phát từ 5 giờ sáng. Mất khoảng 2 tiếng để cô leo từ lán lên đến đỉnh, vì vừa leo vừa dừng lại ngắm cảnh và chụp ảnh.

“Tà Chì Nhù theo mình đánh giá là một cung leo không quá khó. Điểm đặc biệt nhất ở cung này đó chính là đường leo chỉ toàn là dốc dài, suốt từ chân núi lên đến đỉnh. Rất ít đường bằng. Địa hình từ chân núi lên đến lán không quá đa dạng, nhưng từ lán lên đến đỉnh thì khung cảnh đẹp hơn rất nhiều. Tháng 9, tháng 10 đang vào mùa hoa chi pâu nên bạn sẽ được lạc vào rừng hoa sắc tím này trên đường lên đỉnh”, Ngân Nguyễn cho biết.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Giữa tháng 9 đến đầu tháng 10 là thời điểm đẹp nhất để ngắm hoa chi pâu

Giữa tháng 9 đến đầu tháng 10 là thời điểm đẹp nhất để ngắm hoa chi pâu

Ngoài địa điểm săn mây lý tưởng, Tà Chì Nhù còn thu hút nhiều tín đồ leo núi bởi vẻ đẹp của loài hoa tím mọc dại, trải rộng khắp các sườn đồi của hoa chi pâu. Vốn có tên gọi như vậy bởi khi ai hỏi về loài hoa tím dại, người bản địa cũng nói "chi pâu" (theo tiếng H'mông nghĩa là "không biết", "không hiểu"). Bởi không ai rõ loài hoa này có nguồn gốc từ đâu và tên gọi là gì. Vào độ tháng 9 đến tháng 10 hàng năm, trên khắp các dải đồi núi ở Tà Chì Nhù lại bừng lên sắc tím rực rỡ của loài hoa dại này.

Trong chuyến đi chinh phục nóc nhà Yên Bái của Ngân Nguyễn, ngày đầu tiên khá vất vả vì trời mưa to và mưa nhiều. Sang ngày thứ hai thì may mắn hơn bởi trời hửng nắng, thời tiết đẹp nên cô có dịp được săn mây và kịp chụp lại nhiều khoảnh khắc đẹp. Nhưng lúc lên đến đỉnh thì gió to và có nhiều sương mù nên việc chụp hình khá khó khăn.

Với những người chưa có kinh nghiệm leo núi thì không nên thực hiện hành trình này tự túc. Du khách có thể ghép đoàn, đi tour với người dẫn đường

Với những người chưa có kinh nghiệm leo núi thì không nên thực hiện hành trình này tự túc. Du khách có thể ghép đoàn, đi tour với người dẫn đường

“Sau mấy tháng tạm dừng leo núi, bây giờ mình mới được khởi động trở lại, nên cơ chân mỏi hơn bình thường. Tuy nhiên, mình rất yêu thích leo núi và vô cùng háo hức cho chuyến đi này, nên mình không coi đây là một khó khăn”, Ngân Nguyễn nói.

Địa hình Tà Chì Nhù không quá phức tạp, chỉ chủ yếu là dốc, đòi hỏi sức bền cao và kiên trì, nên mình vẫn khuyên mọi người chăm chỉ rèn luyện thể dục thể thao hàng ngày, để khi leo sẽ đảm bảo được sức khỏe tốt nhất.

Ngân Nguyễn cũng đưa ra một số lưu ý khi trekking trên đỉnh Tà Chì Nhù. Khi leo núi, đôi chân là bộ phận quan trọng nhất. Nếu đau chân thì việc leo sẽ khó khăn và vất vả vô cùng, vì vậy cần trang bị tốt cho đôi chân.

Tà Chì Nhù được mệnh danh là

Tà Chì Nhù được mệnh danh là "nóc nhà Yên Bái", "thiên đường mây nơi hạ giới"

Cô nàng chia sẻ thêm: “Trong những chuyến đi gần đây, mình chuyển từ đi giày chuyên dụng sang đi ủng. Đi ủng cảm giác tự tin và chắc chân hơn rất nhiều, hơn nữa rất phù hợp với điều kiện thời tiết nắng mưa thất thường trên núi, cũng dễ rửa và lau chùi nữa. Nên mình khuyến khích các bạn đi ủng và nên chọn kích cỡ lớn hơn 2 size so với chân và cần đi 2 đôi tất để êm chân hơn. Thế nên mình thường mang theo nhiều tất để thay đổi. Cũng không cần mang theo nhiều quần áo, tránh nặng balo và để di chuyển nhẹ nhàng hơn”.

“Hãy cứ đi khi đôi chân còn khỏe và túi còn tiền. Bạn sẽ nhận lại được nhiều điều tuyệt vời hơn những gì bạn tưởng”, Ngân Nguyễn chia sẻ

“Hãy cứ đi khi đôi chân còn khỏe và túi còn tiền. Bạn sẽ nhận lại được nhiều điều tuyệt vời hơn những gì bạn tưởng”, Ngân Nguyễn chia sẻ

Với những ai chinh phục Tà Chì Nhù thì luôn di chuyển liên tục trong rừng với điều kiện đồ ăn uống hạn chế, sức khỏe du khách dễ bị bào mòn. Do vậy, du khách nên chuẩn bị kĩ sức khỏe trước chuyến đi, tập luyện thể dục thể thao. Bên cạnh đó, du khách nên đi ghép đoàn, đi tour cùng hướng dẫn viên; trang bị kĩ năng xử lý tình huống bất ngờ như gặp rắn rết, say nắng, tụt đường huyết...

Mặc dù cung đường chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù không hề đơn giản nhưng du khách sẽ thấy công sức bỏ ra hoàn toàn xứng đáng khi được chiêm ngưỡng khung cảnh thơ mộng tựa trời Âu trên cánh đồng hoa chi pâu trên nóc nhà Yên Bái.

Phương Thảo - Ảnh: NVCC
RELATED ARTICLES