Vinh quang và cay đắng khi chinh phục đỉnh Everest

06/10/2022

Chinh phục nóc nhà thế giới - đỉnh Everest trên dãy núi Himalaya là khát vọng của không ít người. Để leo được đến đỉnh núi cao hơn 8.000 m này quả thực là điều không hề dễ dàng. Rất nhiều nhà thám hiểm đã phải bỏ mạng khi đang trên đường chinh phục Everest bởi địa hình hiểm trở và sự khắc nghiệt của nơi đây.

Thiệt mạng khi đang chinh phục đỉnh Everest trên dãy Himalaya

Ngày 16/5/2022, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục thành công đỉnh Everest là Nguyễn Thị Thanh Nhã (Celine Nha Nguyen).

Mới đây, trên trang cá nhân Facebook của Thanh Nhã vừa chia sẻ việc Dawa C - thủ lĩnh Sherpa dẫn đoàn mà cô tham gia, đã qua đời. Người thủ lĩnh này bị cơn tuyết lở cuốn đi khi đang mở đường cho đồng đội xuống núi và mất tích trên ngọn núi Manaslu. Trực thăng và đội cứu hộ đã tìm kiếm trên núi liên tục và tìm thấy xác của Dawa bị tuyết cuốn và vùi dưới một vực băng.

Mỗi năm số lượng người đăng ký chinh phục đỉnh núi Everest ngày càng tăng dần. Tuy nhiên số người bị chấn thương và dừng cuộc thám hiểm, thậm chí là bỏ mạng bên những dãy núi tuyết trắng cũng không ít.

Trekking lên đỉnh Everest là một trong những chuyến đi ngoạn mục và đẹp như tranh vẽ trên dãy Himalaya

Trekking lên đỉnh Everest là một trong những chuyến đi ngoạn mục và đẹp như tranh vẽ trên dãy Himalaya

Đỉnh Everest nằm trong khối núi Mahalangur Himal thuộc dãy Himalaya. Có vị trí tại biên giới Tây Tạng và Nepal, đỉnh Everest có độ cao 8.848,86 m so với mực nước biển.

2 người chinh phục đỉnh Everest đầu tiên đó là vào năm 1953 của 2 nhà thám hiểm người New Zealand Edmund Hillary và Tenzing Norgay - một thổ dân Nepal trong vai người dẫn đường. Không chỉ rất cao, ngọn núi còn có môi trường nguy hiểm và khắc nghiệt. Trong thập kỷ qua, mỗi năm đều có nhiều người bỏ mạng khi đang chinh phục nóc nhà thế giới này.

Lượng oxy trên đỉnh Everest rất thấp, nhiệt độ cực lạnh. Người ta còn cho rằng, Everest chỉ dành cho những ai dám đến và không biết mình có thể sống sót để trở về hay không. Tất cả những người tham gia hành trình chinh phục đỉnh núi cao nhất thế giới này đều phải ký giấy bỏ xác lại trên núi. Tuy nhiên, mặc dù tour thám hiểm đắt đỏ, đây vẫn luôn là địa điểm du lịch hàng đầu hấp dẫn nhiều người, nhất là những người leo núi chuyên nghiệp vẫn luôn mơ ước đặt dấu chân mình lên "nóc nhà thế giới".

Không ít người đã thiệt mạng khi chinh phục nóc nhà thế giới này

Không ít người đã thiệt mạng khi chinh phục nóc nhà thế giới này

Theo El País, một tờ nhật báo Tây Ban Nha thống kê từ năm 1953 cho đến nay, đã có hơn 300 nhà leo núi thiệt mạng trên đường lên đỉnh ngọn núi cao nhất thế giới. Một phần ba trong số này đã phải chống chọi với tình trạng thiếu oxy dẫn đến tử vong.

Khắc nghiệt, hiểm trở nhưng vẫn có nhiều người muốn chinh phục

Ở độ cao 8.848,86 m, lượng oxy bao quanh đỉnh Everest chỉ bằng 1/3 so với gần mặt nước biển, điều này khiến các nhà thám hiểm khó thở vì không đủ oxy vì cơ thể con người không thể chịu đựng được độ cao trên 6.000 m. Càng leo lên cao thì lượng oxy càng ít đi, cơ thể sẽ đối mặt với rất nhiều nguy cơ bao gồm phù phổi, phù não và tắc mạch máu.

Ngoài ra những tổn thương do bỏng lạnh sẽ tăng nhanh vì khi ở độ cao như vậy tim phải làm việc nhiều hơn để đưa máu đi khắp cơ thể mang oxy tới các cơ quan. Cơ quan nội tạng được ưu tiên cao hơn, ngón tay và chân là cuối cùng do đó khi phơi nhiễm lạnh hiện tượng bỏng lạnh xảy ra khiến người ta phải cắt đi ngón tay và ngón chân của mình.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Nguyên nhân chủ yếu gây ra cái chết phần lớn là sạt lở, rơi ngã, say độ cao và phơi nhiễm ở nhiệt độ khắc nghiệt...

Max Vũ (TP.HCM), người đã có nhiều chuyến khám phá cung đường ở Everest Base Camp cho biết: “Chinh phục Everest chắc chắn đó là một trong những cung đường hiểm trở, khắc nghiệt nhất. Có rất nhiều người chết khi chinh phục cung đường này bởi sự nguy hiểm nơi đây. Tỉ lệ tử vong trên đỉnh Everest rất nhiều nên đây được xem là trở ngại đối với nhiều người”.

Everest Base Camp chính là trại căn cứ, điểm đầu tiên trong hành trình chinh phục đỉnh Everest

Everest Base Camp chính là trại căn cứ, điểm đầu tiên trong hành trình chinh phục đỉnh Everest

Vậy tại sao việc leo lên được đỉnh Everest lại hấp dẫn đến thế, bất chấp cả chi phí cao và những nguy cơ rình rập?

Với cộng đồng những người thích leo núi và ưa mạo hiểm, để chinh phục được đỉnh Everest chạm đến "nóc nhà thế giới" là khát khao của không ít người. Những người đã chinh phục Everest thành công, sự kiện này có ý nghĩa hơn cả là vượt qua chính mình. Leo lên ngọn núi cao hơn 8.000 m, đứng trên đỉnh của thế giới và sau đó trở về nhà an toàn là một trải nghiệm không gì sánh bằng và không phải ai cũng làm được.

Từ sạt lở, độ cao đến địa hình hiểm trở, bão tuyết… tất cả đều có thể đe dọa đến tính mạng của những nhà leo núi bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, có lẽ đây lại chính chính là động lực khiến nhiều người quyết tâm chạm đến đỉnh cao này.

Đỉnh Everest là ước mơ của biết bao nhiêu người nhưng để ngắm đỉnh núi cao nhất thế giới mà không nguy hiểm đến tính mạng, có thể thực hiện chuyến thám hiểm trekking Everest Base Camp, một trong những cung trekking đẹp kinh điển theo dấu chân các nhà thám hiểm.

Everest Base Camp chính là trại căn cứ, điểm đầu tiên trong hành trình chinh phục đỉnh Everest với độ cao 5.380 m. Đây được xem là cung đường đi khá phổ biến khi đi leo núi ở Nepal.

"Everest Base Camp là một trong những cung kinh điển nhất thế giới, đi dưới nơi trại căn cứ của những nhà leo núi ngắm Everest, nơi đây vừa đẹp và cũng vừa sức đối với những ai đến dãy Himalaya lần đầu. Thường sẽ leo cung cơ bản trước, sau đó tùy thuộc vào cơ thể thích hợp lên được độ cao đó hay không và đảm bảo được sức khỏe thì mới tăng mức độ lớn lên dần dần. Khuyến nghị hãy bắt đầu bằng những ngọn núi từ thấp đến cao, đối với người lần đầu trekking thì nên lựa chọn cung đường nhỏ dễ dàng ở Nepal để có thể ngắm dãy Himalaya một cách trọn vẹn", Max Vũ chia sẻ.

Đỉnh Everest có hai cung đường leo lên chính, đó là cung Tây Tạng và cung phía Nepal. Trong hai con đường chính, ở Nepal dễ hơn về mặt kỹ thuật và do vậy là đường leo được sử dụng thường xuyên hơn.

Ở Nepal đó là đường Đông Nam (Southeast Ridge) được tạo ra bởi Tenzing Norgay và Edmund Hilary vào năm 1953. Từ Tây Tạng, là đường phía Bắc (North Ridge) khi George Mallory biến mất năm 1924 từ lâu trước khi một đoàn Trung Quốc chinh phục đỉnh vào 1960.

Leo từ phía Đông Nam, họ phải đối mặt với cuộc đua qua bức tường băng nguy hiểm Khumbu Icefall nhưng đến ngày gần kề leo đỉnh thì ngắn hơn và dễ dàng đi xuống trong trường hợp khẩn cấp. Leo từ phía Bắc, có thể di chuyển bằng xe đến tận base camp, nhưng các nhà leo núi phải leo rất dài mới đến đỉnh.

Những người Sherpa phi thường

Đỉnh Everest quá cao và khí hậu quá khắc nghiệt không ai có thể sống được, nhưng thung lũng ngay chân núi có người gốc Tạng sinh sống, được biết đến với cái tên Sherpa, ở những ngôi làng cao đến 4,870 m.

Hàng trăm thế hệ dân tộc Sherpa sống trên khu cao nguyên đã trải qua cuộc cách mạng biến đổi gen để thích ứng với tình trạng thiếu oxy. Trên những đỉnh núi cao chót vót của dãy Himalaya, nhóm người Nepal này vang danh nhờ những kỷ lục tốc độ leo núi, khai phá những tuyến đường chưa ai từng leo, năng lực dẫn đường và những kỹ năng phi thường.

Người Sherpa được thuê làm dịch vụ khuân vác hành lý cho những người leo núi lên đỉnh Everest

Người Sherpa được thuê làm dịch vụ khuân vác hành lý cho những người leo núi lên đỉnh Everest

Sống gần với đỉnh núi cao nhất trái đất, người Sherpas coi Himalayas là núi thiêng, họ xây những tu viện phật giáo, treo cờ Lungta trên những đỉnh đồi và thành lập nơi cu trú cho động vật hoang dã như hưu xạ, chim trĩ.

Nhiều người Sherpa được thuê làm dịch vụ khuân vác hành lý cho những người leo núi lên đỉnh Everest. Mặc dù phải chấp nhận leo núi như một nghề kiếm sống trang trải, nhưng người Sherpa không cố mở rộng quy mô các ngọn núi có thể leo lên, với đức tin đó là "nhà của thần linh" mà họ rất tôn trọng.

Ngành công nghiệp leo núi đã đưa họ trở thành một trong những dân tộc giàu có nhất ở Nepal, tuy nhiên, những thành tích leo núi của họ thường ít được cộng đồng leo núi và giới truyền thông phương Tây thừa nhận.

Khả năng leo núi kỳ diệu của người Sherpa, theo suy đoán của giới chuyên môn, có thể một phần nhờ kết quả của sự thích nghi di truyền với cuộc sống ở độ cao lớn, không khí rất loãng. Và nhiều nghiên cứu cho thấy, những người Sherpa được sinh ra với một đột biến gen thuận lợi hơn đã mang lại cho họ khả năng trao đổi chất độc đáo để có thể leo lên những vùng núi cao và khắc nghiệt.

Phương Thảo
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES