Câu chuyện phía sau Quả cầu Giao thừa ở New York

30/12/2020

Khi những giờ khắc cuối cùng của một năm đến, cả triệu người sẽ tập trung tại Quảng trường Thời đại ở New York. Ở những nơi khác, ước tính một tỷ người sẽ bật TV để theo dõi cảnh tượng giao thừa được chào đón trên toàn cầu.

Giúp việc đi lại trên biển

Vào 60 giây cuối cùng của mỗi năm, tất cả sự chú ý sẽ tập trung vào quả cầu pha lê Waterford nặng năm tấn lấp lánh với hơn 30.000 ngọn đèn LED được thả xuống.

Khi quả cầu chạm đến đáy của một cột cờ được thiết kế đặc biệt, nút chai Champagne sẽ bật lên. Sau đó sẽ là những tiếng reo hò, tiếng cụng ly chúc mừng và những nụ hôn khi mọi người chào đón một năm mới đầy hứa hẹn.

Một phát minh có từ thời Victoria đã tạo cảm hứng cho nghi thức thả quả cầu ở Quảng trường Thời đại đêm giao thừa

Một phát minh có từ thời Victoria đã tạo cảm hứng cho nghi thức thả quả cầu ở Quảng trường Thời đại đêm giao thừa

Nhưng không mấy ai biết đến công lao của người thực sự xứng đáng với lời khen ngợi của họ, một sĩ quan Hải quân Hoàng gia Anh rất sùng đạo có tên là Robert Wauchope. Wauchope được cho là đã có công tạo ra quả cầu thời gian, một cỗ máy tài tình từ thời Victoria vốn truyền cảm hứng cho sự kiện bùng nổ trên Quảng trường Thời đại. Phát minh của ông lấy cảm hứng từ việc đi biển, và nhằm mục tiêu làm cho việc đi lại trên biển an toàn hơn.

Đầu thế kỷ XIX, biết thời gian chính xác là kiến thức quan trọng đối với các thủy thủ. Chỉ bằng cách giữ cho đồng hồ trên tàu được điều chỉnh chính xác, các thủy thủ mới có thể tính toán kinh độ của họ và di chuyển chính xác trên các đại dương. Quả cầu của Robert Wauchope, lần đầu tiên được trình diễn tại Portsmouth, Anh, vào năm 1829, là một hệ thống phát sóng thô sơ, một cách để chuyển tiếp thời gian tới bất cứ ai có thể nhìn thấy tín hiệu.

Thông thường, vào lúc 12:55, một cỗ máy sẽ nâng một quả cầu lớn được sơn phết lên giữa một cái cột hay cột cờ; lúc 12:58, nó sẽ tiến lên đỉnh; và vào đúng 13:00, một công nhân sẽ thả cho nó rơi xuống cột. "Đó là tín hiệu rõ ràng," Andrew Jacob, người phụ trách vận hành quả cầu thời gian tại Đài thiên văn Sydney ở Úc, nói. "Chuyển động đột ngột khi nó bắt đầu rơi xuống thật dễ thấy."

Quả cầu Greenwich

Trước khi quả cầu thời gian được phát minh, thuyền trưởng tàu thường sẽ lên bờ và ghé qua đài thiên văn để kiểm tra đồng hồ của mình so với đồng hồ chính thức. Sau đó, ông ta đem thời gian trở lại con tàu gần như theo đúng nghĩa đen. Phát minh của Wauchope cho phép các thủy thủ điều chỉnh đồng hồ trên tàu của họ mà không cần rời tàu.

"Chúng ta đã quá quen với việc ở đây lúc nào cũng biết rõ thời gian và có sẵn những cách để xem giờ, nhưng trước kia không phải lúc nào cũng vậy," Emily Akkermans, người có danh hiệu đáng ghen tị là "người coi sóc thời gian" tại Đài thiên văn Hoàng gia ở Greenwich, London, nói.

Bảo tàng và di tích lịch sử ở đây lưu giữ quả cầu thời gian còn hoạt động lâu đời nhất thế giới, vốn được thả xuống hàng ngày kể từ năm 1833, trừ phi thời tiết có gió dữ dội, chiến tranh hoặc sự cố kỹ thuật.

Đài quan sát Thiên văn Hoàng gia tại Greenwich, London, là nói có quả cầu thời gian cổ nhất thế giới

Đài quan sát Thiên văn Hoàng gia tại Greenwich, London, là nói có quả cầu thời gian cổ nhất thế giới

Mặc dù giữa trưa có vẻ là thời điểm phù hợp để báo hiệu, nhưng thời điểm đó từng là giờ cao điểm đối với các nhà thiên văn ở đài vốn phải theo dõi vị trí Mặt Trời vào giữa trưa để chỉnh đồng hồ của họ. Đợi một tiếng nữa, đến 13:00, sẽ ít chộn rộn hơn nhiều.

Quả cầu ở Greenwich đã truyền cảm hứng cho hàng trăm quả cầu khác trên khắp thế giới, từ Jamaica đến Nhật Bản. Các quả cầu thường được đặt trên một điểm cao gần cảng, trên đỉnh đài quan sát, ngọn hải đăng hoặc tháp.

Và chỉ dưới một thế kỷ, các thiết bị báo hiệu thời gian này đã phát triển mạnh mẽ. Ý tưởng này thậm chí đã cất cánh trong đất liền. "Không phải chỉ là để phục vụ cho đi biển," Akkermans nói. "Một số quả cầu thời gian được các chủ cửa hàng bán đồng hồ vận hành." Tại Barbados, một quả cầu thả xuống vào lúc 09:00 báo hiệu lớp học bắt đầu cho các sinh viên trên khắp hòn đảo, bà cho biết, dẫn lời một bài báo trên tờ Illustrated London News hồi năm 1888. Nhưng ngày nay, chỉ có một vài nơi còn quả cầu thời gian vẫn trong tình trạng hoạt động.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Cách Greenwich tám mươi dặm, một quả cầu thời gian khác được thả thường xuyên tại thị trấn ven biển Deal, gần vị trí eo biển Manche gặp Biển Bắc. Đây là tòa tháp đầu tiên được kết nối với Greenwich bằng đường dây điện, cho phép nó chuyển tiếp thời gian chính thức của Đài Greenwich cho các thủy thủ, mặc dù ngày nay nó dựa vào tín hiệu phát đi từ đồng hồ nguyên tử Anh. Từ tháng 4 đến tháng 9, quả cầu được thả xuống mỗi giờ từ 09:00 đến 17:00. Và nó cũng đánh dấu năm mới với màn trình diễn nửa đêm đặc biệt vào ngày 31/12.

Những quả cầu khác

Jeremy Davies-Webb, chủ tịch của Deal Museum Trust, nói ông biết có bốn quả cầu thời gian khác đang hoạt động ngoài Greenwich, Deal và Sydney, mặc dù vào một ngày bất kỳ thì rất có thể là chúng sẽ không hoạt động do điều kiện thời tiết hoặc hỏng hóc. Bốn quả cầu này nằm ở Edinburgh, Melbourne, Christchurch và Gdansk.

Ống đã đến thăm tất cả những quả cầu đó trừ quả ở Melbourne, và đặc biệt thích quả cầu ở Ba Lan, vốn đánh dấu mỗi lần nó được thả xuống với hồi kèn vang dội. "Chúng tôi muốn làm điều đó, nhưng những người ở gần chúng tôi sẽ phàn nàn gay gắt," ông nói.

Quả cầu thời gian tại Đài tưởng niệm Nelson cho phép các thủy thủ biết đích xác giờ giấc khi họ đang ở ngoài khơi xa

Quả cầu thời gian tại Đài tưởng niệm Nelson cho phép các thủy thủ biết đích xác giờ giấc khi họ đang ở ngoài khơi xa

Anna Rolls là người coi sóc Bảo tàng Đồng hồ ở London và đã làm việc với quả cầu thời gian Greenwich trong vài năm. "Đó là một thứ trông ngồ ngộ," bà thừa nhận, một cơ chế tinh vi đem đến "điều dễ dàng làm được ngày nay". Tuy nhiên, chính là điều đó, bà phỏng đoán, đã giải thích cho sự hấp dẫn của nó.

Thật ra, mỗi quả cầu thời gian đang hoạt động đều có câu chuyện riêng của chúng.

Quả cầu Greenwich, có đường kính khoảng 1,5 m và được làm bằng nhôm với bề mặt đầy những vết lõm vốn là kết quả của sự hiểu lầm. Vào năm 1958, người ta đã nhìn thấy các nhân viên ở đài, rõ ràng không biết rằng quả cầu đã bị gỡ xuống để sửa chữa tạm thời, đang đá quả cầu quanh sân đài trong một trận bóng đá không chính thức.

Ở Scotland, quả bóng thời gian ở Đài tưởng niệm Nelson bị Súng Một Giờ bắn từ Lâu đài Edinburgh lấn lướt. Khẩu súng này cũng nhằm để báo hiệu thời gian cho tàu bè nhưng kém chính xác hơn quả cầu thời gian bởi vì âm thanh di chuyển với tốc độ tương đối chậm là 1.235km/giờ. Điều này có nghĩa là phải mất thêm vài giây các thủy thủ mới có thể nghe thấy.

Ở khu ngoại ô Williamstown của Melbourne, tháp quả cầu thời gian đã trải qua nhiều vai trò khác nhau. Ngọn hải đăng đá xanh hình vuông tại Point Gellibrand mở cửa vào năm 1849, đúng lúc xảy ra cơn sốt vàng của thành phố, nhưng một thập kỷ sau đó nó đã được chuyển đổi thành tháp quả cầu thời gian. Vào năm 1926, người coi giữ, vốn đã tận tụy thả quả cầu trong vòng 37 năm, qua đời và do không có ai phàn nàn về việc ngưng thả quả cầu, nó đã được cho về hưu, theo nhóm bảo tồn các ngọn hải đăng của nước Úc. Gần đây, các tổ chức từ thiện địa phương đã trùng tu lại máy móc và quả cầu thời gian lại được thả xuống hàng ngày.

Tại Lyttelton, New Zealand, tháp quả cầu thời gian đã sụp đổ sau trận động đất năm 2011 ở Christchurch. Nhưng một chiến dịch gây quỹ đã giúp xây dựng lại cấu trúc di sản đá tráng lệ này, và việc thả quả cầu đã được nối lại vào tháng 11/2018. Và người ta nói rằng binh lính Đức vào năm 1939 đã chiếm những tầng trên của tòa tháp Gdansk, nơi họ lắp đặt một khẩu súng máy và bắn những phát đạn đầu tiên, mở màn Đệ nhị Thế chiến.

Những quả cầu thời gian không hoạt động khác vẫn nằm trên đỉnh các tòa nhà trên khắp thế giới, từ bờ sông ở Cape Town cho đến Đài thiên văn Hải quân Hoa Kỳ ở Washington, DC.

Lễ mừng Năm Mới

Về sự liên hệ với lễ ăn mừng năm mới, câu chuyện bắt đầu vào năm 1907. Tờ New York Times đã sắp đặt một buổi lễ đón giao thừa ở Quảng trường Thời đại vài năm trước đó, được đánh dấu bằng thuốc nổ và pháo hoa. Sau khi nhà chức trách cấm chất nổ, các nhà tổ chức cần một thứ gì đó lấp lánh để đánh dấu giao thừa và họ tìm thấy cảm hứng ở quả cầu thời gian nổi tiếng của Western Union Telegraph, vốn đã hoạt động trên nóc trụ sở công ty ở Broadway từ năm 1877.

New York Times đã chế tạo một quả cầu ấn tượng nặng 700 pound và phủ lên nó 100 bóng đèn 25 watt. Nhưng trên tinh thần trình diễn, các nhà tổ chức đã thay đổi nghi thức quả cầu thời gian để cho thời điểm xác định trọng đại là lúc quả cầu chạm đích chứ không phải khi nó được thả xuống.

Cả triệu người đổ tới Quảng trường Thời đại của New York để đón giao thừa hàng năm

Cả triệu người đổ tới Quảng trường Thời đại của New York để đón giao thừa hàng năm

Chiêu tiệc tùng này đã thành công ngay lập tức. Như tờ báo đã đưa tin vào ngày hôm sau: "Tiếng hét lớn vang lên đã nhấn chìm những tiếng huýt sáo trong một phút. Sức mạnh âm thanh của những người ăn mừng áp đảo cả tiếng còi xe, tiếng chuông và tiếng leng keng. Trên tất cả mọi thứ là âm thanh náo loạn của con người mà từ đó phát ra tiếng mờ nhạt: 'Hoan hô năm 1908'."

Ý tưởng đánh dấu năm mới bằng cách thả một vật thể ngoại cỡ vào thời khắc giao thừa kể từ đó đã lan rộng khắp thế giới. Bermuda thả một củ hành được chiếu sáng. Ở tỉnh New Brunswick của Canada, đó là chiếc lá phong; và ở Boise, Idaho, đó là củ khoai tây. Nhưng trong khi nghi thức thả quả cầu vào thời khắc giao thừa đang được củng cố thì quả cầu thời gian ngày càng biến mất.

Một buổi lễ đón giao thừa ở Quảng trường Thời đại

Một buổi lễ đón giao thừa ở Quảng trường Thời đại

Cho đến thời thập niên 1920, công nghệ này đã lỗi thời và nhanh chóng được thay thế bằng radio, đồng hồ thạch anh và giờ là GPS. Hầu hết các tháp quả cầu thời gian đã bị phá sập, và các cỗ máy sắt bị vứt bỏ. "Hiện không có điểm thực tế nào trong hệ thống quả cầu thời gian," ông Jacob ở Đài thiên văn Sydney, nơi từng cung cấp thời gian cho bang New South Wales, cho biết.

Nhưng nhà thiên văn này, thừa nhận rằng ông thường kiểm tra thời gian trên điện thoại di động, tin rằng điều quan trọng là phải gìn giữ nghi thức hàng ngày đã bị lãng quên này. "Tái hiện nó mỗi ngày nhắc nhở chúng ta rằng trước đây mọi thứ phức tạp và có tổ chức hơn nhiều so với chúng ta nghĩ. Nó là nền tảng cho nhà nước, thương mại, giao thương quốc tế," ông nói.

Ngày nay, những người ngắm nhìn quả cầu thời gian có lẽ chỉ là vài ba du khách trên tàu du lịch dạo bước từ Cảng Sydney và các nhóm học sinh đi tham quan theo chương trình của trường học.

Quả cầu Giao thừa ở New York

Quả cầu Giao thừa ở New York

Tuy nhiên, vẫn còn sự hồi hộp nhất định đối với việc thả quả cầu để đánh dấu một giờ. "Nó kêu một tiếng vút và chạm xuống đáy," ông nói. "Rất vui."

Và ngay cả khi tháp quả cầu thời gian không trụ được, truyền thống này vẫn đứng vững.

Mặc dù Wauchope có thể thấy ác cảm với sự ăn mừng náo nhiệt, đến ngày 31/12, phát minh của ông một lần nữa sẽ chiếm lĩnh sân khấu toàn cầu, làm đúng những gì theo mục đích ban đầu của nó: đánh dấu thời gian trôi qua một cách đơn giản và chính xác.

Hà Lê - Nguồn: BBC
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES