Cùng với Nhà hát lớn Bolshoi (Nga), Nhà hát lớn Opera Paris (Pháp) và nhiều nhà hát nổi tiếng trên thế giới như Nhà hát Giao hưởng Berlin Philharmonic (Đức), Metropolitan Opera (New York, Mỹ) cũng cho phép khán giả xem biểu diễn miễn phí trên mạng khi buộc phải đóng cửa trong thời gian có lệnh phong tỏa. Tính tổng cộng, tới ngày 3/5/2020, 8 vở kịch opera và múa ballet sẽ lần lượt được Nhà hát lớn Opera Paris phát trực tuyến để những người yêu thích âm nhạc cổ điển có thể xem tại nhà trong thời kỳ bị cách ly vì đại dịch COVID-19.
Các tác phẩm ở đây đều nằm trong ‘‘bộ sưu tập vàng’’ của Nhà hát lớn Opera Paris, với thành phần nhạc sĩ xuất sắc và diễn viên thượng thặng. Các phiên bản chỉn chu nhất từng được ghi hình trong thời gian qua, nay được phát sóng trực tuyến (livestream) trong đó có rất nhiều tác phẩm kinh điển, từ Don Giovanni đến Hồ thiên nga và Những câu chuyện về Hoffmann. Để xem các tác phẩm này, khán thính giả chỉ cần vào trang web chính thức của Nhà hát lớn Paris. Chương trình này cũng không có "giới hạn địa lý", tức là cư dân mạng có thể truy cập từ bất cứ nơi nào và như vậy có thể chọn thời điểm xem thích hợp với mình.
Chương trình cụ thể như sau:
Sau khi Nhà hát Metropolitan Opera New York đi đầu trong việc phát trực tuyến các tác phẩm cổ điển, hầu hết các nhà hát lớn khác như Berlin State Opera và Royal Opera House và National Theatre (London) đều đã hưởng ứng sáng kiến này, lần lượt tải lên mạng các chương trình chọn lọc xen kẽ nhau để tránh bị chồng chéo hay trùng lập về mặt nội dung. Theo giám đốc Peter Gelb của Nhà hát Munich Opera (Bayerische Staatsoper), các nhà hát lớn đều muốn gửi lời an ủi giới yêu nhạc nói riêng, động viên tinh thần công chúng nói chung trong thời điểm cực kỳ khó khăn này. Nhà hát thủ đô Vienna State Opera cũng nối bước với chương trình đặc biệt dành cho bộ kịch trường thiên Wagner.
Tương tự, thư viện hòa nhạc của Bergen Philharmonic Orchestra, Chamber Music Society of Lincoln Center, Melbourne Symphony Orchestra, Royal Stockholm Philharmonic Orchestra và Detroit Symphony Orchestra cũng được mở miễn phí cho các khán thính giả. Đồng thời, Nhà hát giao hưởng Philharmonie de Paris đã mở rộng ứng dụng "Philharmonie Live" cho nghe miễn phí toàn bộ các chương trình biểu diễn cũng như mời công chúng vào mạng để tham quan trực tuyến Bảo tàng Âm nhạc. Hào phóng nhất có lẽ vẫn là Nhà hát giao hưởng Berlin Philharmonic, có uy tín hàng đầu thế giới, đã tặng cho tất cả những ai muốn nghe nhạc cổ điển một tháng truy cập miễn phí cho toàn bộ thư viện đồ sộ chứa các buổi hòa nhạc tuyệt vời của họ từ năm 1966 đến nay.
Nhờ vào những sáng kiến ấy, giới yêu nhạc vẫn có thể ngồi ở nhà thưởng thức các bản giao hưởng số 5 và số 7 nhân 250 năm ngày sinh của Beethoven trên kênh truyền hình Mezzo. Hầu hết các nghệ sĩ có tên tuổi đều giữ liên lạc với người hâm mộ và hẹn gặp họ mỗi buổi tối trên tài khoản cá nhân Twiteer, Facebook, YouTube và tặng cho họ các buổi biểu diễn ngắn với các trích đoạn từ các tác phẩm nổi tiếng.
Về phần mình, trong chương trình "Âm nhạc đến với bạn" (dù bạn không có cơ hội nghe nhạc), nghệ sĩ vĩ cầm Renaud Capuçon đã tải lên mạng các đoạn video, trong đó anh chơi trực tiếp một giai điệu của Dvorak bằng ứng dụng NomadPlay, cho phép một nhạc sĩ độc tấu biểu diễn cùng với một dàn nhạc giao hưởng. Là một trong những nghệ sĩ hàng đầu tham gia liên hoan Sofa Festival nhằm gây quỹ giúp đỡ các bệnh viện công cộng, Renaud Capuçon nhân dịp này cũng đã kêu gọi khán thính giả bày tỏ tình đoàn kết với các nhân viên ngành y tế Pháp đang ở tuyến đầu chống dịch.
Theo lời nhạc trưởng François Xavier Roth điều khiển dàn nhạc giao hưởng Versailles, giới nhạc sĩ thường không có thu nhập ổn định, phần lớn làm việc độc lập hay có hợp đồng ngắn hạn, nay với mùa dịch tương lai nghề nghiệp của họ lại càng bấp bênh hơn. Tuy vậy, họ vẫn giữ tinh thần lạc quan, vận động cộng đồng chung tay chống dịch, nhắc nhở công chúng tự bảo vệ mình và bảo vệ người khác qua việc ngồi yên trong nhà và thưởng thức nghệ thuật. Một số nghệ sĩ còn vui vẻ bày tỏ rằng họ mong việc các chương trình biểu diễn nghệ thuật được phát trực tuyến sẽ góp phần xóa nhòa khoảng cách xã hội giữa các tầng lớp khán thính giả, đưa những tác phẩm vốn được coi là "hàn lâm" đến với đông đảo quần chúng hơn.