Đắm mình trong cảnh đẹp của Hắc Long Giang

07/01/2020

Thường thì du khách chọn rong ruổi giữa mùa thu vì tiết trời dễ chịu, cảnh sắc thiên nhiên rực rỡ. Còn riêng tôi lại quyết định chọn đến Hắc Long Giang vào giữa mùa đông để cảm nhận được thiên nhiên và con người hào sảng nơi đây.

HỒ KÍNH BẠC TUYỆT MỸ NHƯ TRONG TRUYỀN THUYẾT

Khởi hành từ TP. HCM, chúng tôi đến Mẫu Đơn Giang, nơi có hồ Kính Bạc, một tuyệt tác thiên nhiên vùng đông bắc Trung Quốc. Đây là hồ trên núi lớn nhất ở Trung Quốc, nằm ở thượng nguồn sông Mẫu Đơn thuộc dãy núi Hoàn Đạt ở tỉnh Hắc Long Giang. Hồ Kính Bạc có diện tích khoảng 95 km2 với chiều dài 45 km từ bắc xuống nam và chiều ngang khoảng cách rộng nhất từ đông sang tây là 6 km. Độ sâu của hồ ở khu vực phía bắc đạt đến 65 m và hầu như đóng băng hoàn toàn vào mùa đông khi nhiệt độ có khi tụt xuống đến âm 25-30oC. Hồ được hình thành cách đây 10.000 năm trước, khi núi lửa phun trào trong khu vực làm chặn dòng chảy của sông Mẫu Đơn. Phía bắc của dòng sông đổ xuống thác nước Điếu Thủy Lâu cao 40 m hình thành nên hồ. Hồ Kính Bạc nổi tiếng với những vách đá vôi hiểm trở, tương tự như sơn thủy Quế Lâm, và các vùng nước màu ngọc lam của nó là nơi sinh sống của hơn 40 loài cá và san hô nước ngọt.

Empty
ho kinh bac

Chúng tôi mất khoảng 3 giờ đồng hồ di chuyển bằng ô tô từ nhà ga Mẫu Đơn Giang đến hồ Kính Bạc. Vào thời điểm này, Hắc Long Giang đã bước vào độ giữa đông, những đợt gió rít liên hồi khi đi qua vùng núi cao làm những khóm tuyết bám trụ không yên trên những cành cây trụi lá. Từ xa, chúng tôi đã thấy phảng phất hồ Kính Bạc như một tấm gương phản chiếu khổng lồ, càng đến gần càng lấp lánh như kim sa bởi những tia nắng mặt trời phản chiếu. Xe dừng lại bến đỗ và bác tài không quên dặn dò phải chuẩn bị thật kỹ đồ giữ ấm trước khi rời khỏi xe. Hôm nay, chúng tôi được trải nghiệm trên hồ bằng xe máy cày bánh xích kéo theo hàng chục chiếc phao để du khách ngồi lên. Trước hết là việc giữ thăng bằng khi di chuyển trên băng để đến những chiếc xe kéo, chúng tôi được khuyên ngồi ngược lại với hướng di chuyển để tránh việc gió rét có thể làm cơ thể cóng và bỏng lạnh. Nhiệt độ báo là - 27oC. Những đầu ngón tay của tôi dường như tê cóng, không còn cảm giác, mũi thì đỏ như một chú hề vừa mới hoá trang trong rạp xiếc. Xe bắt đầu chuyển bánh đồng nghĩa với việc độ rét buốt càng gia tăng nhưng du khách vẫn phấn chấn reo hò. Xe lượn vòng vèo qua những cột mốc cắm sẵn trên mặt băng, đôi chỗ hất tung lớp tuyết trắng xóa vào mặt du khách. Thiên nhiên quả thật là khắc nghiệt nhưng người dân ở đây vẫn phải làm việc. Một số phục vụ lượng du khách ít ỏi vào mùa đông, số khác tiếp tục công việc đánh bắt cá dưới tiết trời giá lạnh đôi khi kéo dài tận tháng tư năm sau.

Hồ Kinh Bạc đóng băng hoàn toàn vào mùa đông

Hồ Kinh Bạc đóng băng hoàn toàn vào mùa đông

Chúng tôi di chuyển vào giữa lòng hồ và được nghe một trong những câu chuyện truyền miệng của người dân nơi đây về hồ Kính Bạc. Xa xưa, ở hồ nước này có một lão ngư dân góa vợ sống cùng cô con gái tên là Jin Jing. Càng lớn, cô gái càng xinh đẹp với đôi mắt to và khuôn mặt sáng như chiếc gương vàng cùng với tài thêu thùa, đánh bắt cá nổi tiếng khắp vùng. Những thanh niên trong làng đều ao ước kết hôn cùng cô gái. Gần đó, xuất hiện ba con thủy quái thường tạo những cơn sóng dữ đánh đắm thuyền của ngư dân. Đời sống của người dân vùng hồ ngày càng lầm than, tăm tối. Ông lão bèn thông báo tìm ba thanh niên trong làng, dùng ba thanh gươm cùng ông và con gái đi diệt thủy quái. Anh chàng nào tiêu diệt được chúng, ông sẽ gả cô con gái rượu Jin Jing. Tuy nhiên, trong trận chiến quyết định, ba chàng trai làng bộc lộ bản tính yếu hèn và chính cô gái lại cầm gươm lao xuống dòng nước dữ để chính tay mình diệt những con quái vật hung tợn. Lúc tàn cuộc chiến, Jin Jing cũng bắt đầu thấm mệt và chìm dần xuống lòng hồ theo những đợt sóng dữ dội cuối cùng. Từ đó trở đi, mặt hồ trở nên lấp lánh ánh gương như chính gương mặt của cô gái. Người dân bảo rằng chính cô đã hoá thân vào hồ. Để tưởng nhớ đến cô, dân làng đã dùng tên cô để đặt tên cho hồ là Kính Bạc. Về sau, vùng hồ Kính Bạc trở nên bình yên và sung túc quanh năm. Họ thu hoạch được rất nhiều cá và cho rằng do chính cô gái đẹp người đẹp nết Jin Jing đã phù hộ cho họ từ hàng nghìn năm qua.

Một phần góc hồ Kính Bạc

Một phần góc hồ Kính Bạc

Chiếc xe dừng lại để chúng tôi quan sát công việc kéo lưới của một gia đình ngư dân trên hồ. Để đánh bắt cá vào mùa đông, với một mẻ lưới ngư dân thường đào hai cái lỗ to có đường kính khoảng 0,5 m và cách nhau từ 100 - 150 m trên mặt băng dày. Bên dưới lớp băng, họ cố định lớp lưới mỏng ở hai đầu. Khi đó, cá sẽ tự vướng vào lưới và cứ mỗi buổi sáng, họ chỉ cần kéo lưới lên là đôi khi thu hoạch hàng chục con cá to đủ kích cỡ. Đây là nguồn thực phẩm chính của họ, nhất là vào mùa đông. Người dân bảo chúng tôi rằng, đến hồ Kính Bạc là phải thưởng thức món cá đuôi đỏ, thịt trắng muốt, được hấp với một số gia vị trong vùng tạo nên món ăn trứ danh phù hợp trong những ngày lạnh giá. Từ xa xưa, cá ở hồ Kính Bạc còn được xem là loại thực phẩm thượng hạng dành cung tiến cho các bậc đế vương. Tất nhiên sau đó, chúng tôi đã thưởng thức no nê một vài món cá được nhà hàng chế biến từ mẻ lưới của các ngư dân đánh bắt khi nãy. Quả thật, hồ Kính Bạc không chỉ cung cấp lượng thực phẩm trong mùa hè mà cả khi mọi thứ dường như đều ngưng đọng, không còn sự sống như mùa đông khắc nghiệt nơi đây.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty
Empty

LÀNG TUYẾT CỔ TÍCH

Làng tuyết thuộc thành phố Mẫu Đơn Giang, cách thành phố Cáp Nhĩ Tân khoảng 280 km về phía đông nam. Nằm ở độ cao 1.200 m so với mực nước biển, khu vực này chịu ảnh hưởng của hai luồng không khí lạnh từ Siberia và Nhật Bản từ ngoài biển thổi vào, xung quanh được bao bọc bởi đồi núi nên nơi đây lượng tuyết rơi dầy đặc, thời gian rơi kéo dài từ tháng 10 cho đến tận tháng 5 năm sau, độ dày trung bình có thể đạt đến 2 m. Đặc biệt, tuyết của nơi đây tơi xốp và có độ kết dính cao, nên chúng ta có thể chiêm ngưỡng những tấm “màn tuyết” treo trên các mái nhà đổ dài xuống gần mặt đất hoặc kéo sợi như các tơ băng rũ xuống từ những cành cây.

Empty
mot goc cua lang tuyet co

Làng tuyết có tổng cộng ba cổng vào với ba hướng khác nhau gồm: Mẫu Đơn Giang, Ngũ Thường, Á Bố Lực. Du khách có thể chọn lựa cổng vào tùy thuộc vào điểm xuất phát của mình. Nếu du khách xuất phát từ Cáp Nhĩ Tân bằng xe buýt thì mất khoảng 6 giờ đồng hồ để đến làng tuyết; hoặc đi tàu từ Cáp Nhĩ Tân đến Mẫu Đơn Giang từ 2 giờ đến 6 giờ - tùy theo tàu nhanh hay tàu thường, sau đó đi xe buýt đến làng tuyết tầm khoảng 3 giờ nữa. Ngoài ra, du khách cũng có thể đi xe buýt từ Thường Xuân hoặc Cát Lâm sang làng tuyết, mất khoảng 8 giờ. Tất nhiên, hành trình của chúng tôi là xuất phát từ Mẫu Đơn Giang.

Chúng tôi sử dụng loại vé phổ biến vào làng tuyết có giá trị sử dụng trong hai ngày và được kiểm tra bằng cách nhận diện khuôn mặt cho mỗi lần ra vào. Điều này giúp việc kiểm soát lượng du khách cũng như đảm bảo tính an toàn cho họ khi trải nghiệm trong khu vực làng tuyết. Tôi đã phải cởi mũ lông và mắt kính để máy dễ dàng nhận diện hơn sau vài lần trục trặc do máy không nhận diện được khuôn mặt. Việc thuê phòng ngủ trong làng tuyết cũng là một vấn đề cần phải chuẩn bị, nhất là trong mùa cao điểm. Chúng tôi phải đặt dịch vụ phòng ngủ trước 2 tháng vì lượng khách có nhu cầu ngủ trong làng tuyết ngày một nhiều. Rất nhiều đoàn khách nội địa đã phải ngủ ở ngoài làng vì không đặt phòng trước hoặc không đủ lượng phòng cần thiết cho nhóm khách đông. Phòng ngủ ở đây khá tiện nghi với chăn, gối sạch sẽ, đặc biệt là hệ thống sưởi hoạt động rất tốt, hệ thống nước nóng lạnh để sẵn cho du khách sử dụng. Nếu chúng tôi yêu cầu, chủ nhà có thể chế biến phục vụ các món đặc sản quanh vùng.

Empty
Empty

Làng tuyết hiện tại được quy hoạch khá tốt với một trục đường chính, xung quanh là những con đường nhỏ với bảng chỉ dẫn rõ ràng. Hai bên đường là các quầy lưu niệm hoặc các hàng quán phục vụ ăn uống, những quán cà phê, trà thơm lừng phục vụ đến tận khuya, những chiếc xe chó kéo chờ đợi du khách trải nghiệm vào mùa đông. Sau khi nhận phòng và chuẩn bị thêm đồ giữ nhiệt, chúng tôi lần theo những con đường dẫn lên các sườn núi để chụp được toàn cảnh làng tuyết về đêm. Những ánh đèn lồng nhiều màu sắc sẽ làm cho làng tuyết trở thành một thế giới cổ tích lung linh huyền ảo. Trước những ngôi nhà gỗ được phủ đầy tuyết, chủ nhà thường treo những dây ngô vàng óng, đây là những chiến lợi phẩm được thu hoạch trong mùa hè. Họ dùng ngô một phần để chăn nuôi gia súc và trang trí nhà cửa thêm phẩm ấm cúng, sinh động khi mùa đông đâu đâu cũng khoác lên một màu trắng muốt. Nếu du khách muốn tiếp cận gần hơn với những cây nấm tuyết khổng lồ, mọi người có thể bỏ vài trăm tệ mua vé để vào khu tham quan tư nhân bên trong làng tuyết vừa chụp hình thoải mái, vừa được xem biểu diễn nghệ thuật kịch “Nhị Nhân Chuyển” truyền thống của vùng Đông Bắc Trung Quốc. Màn đêm buông xuống, làng tuyết bắt đầu vào thời khắc lễ hội với những hoạt động múa sư tử, bắn pháo hoa, tạt nước nóng để tạo hiệu ứng đóng băng độc đáo, giao lưu lửa trại với người dân địa phương; hay chờ xem những chú tuần lộc, ngựa, dê, cừu diễu hành trên trục đường chính chào đón du khách và báo hiệu một mùa đông sung túc, sum vầy của người dân nơi đây.

Empty
Trò chơi tạt nước sôi

Trò chơi tạt nước sôi

Lang tuyet lung linh duoi anh den
Empty
Empty
Empty

Càng về khuya nhiệt độ càng giảm xuống nhưng không vì thế làm chúng tôi nản lòng. Làng tuyết trở nên lung linh hơn bởi bầu trời trong trẻo đầy sao. Những quán bar, hàng quán bắt đầu nhộn nhịp hẳn lên. Một nhóm bạn trẻ người Trung Quốc đang xuýt xoa với món khoai lang nướng và món ngô luộc nóng hổi, một vài trẻ em thì ăn lấy ăn để những que kem đông tự nhiên hay những viên kẹo hồ lô bọc đường ngọt lịm. Chúng tôi tìm một quán ăn nhỏ để trú ấm và không quên gọi chai bia Cáp Nhĩ Tân cùng với xâu thịt nướng đậm vị cay nồng. Không gian của làng tuyết như bước ra từ trong thế giới cổ tích, kể cả cho người lớn và trẻ con.

THÔNG TIN THÊM

  • Visa: Nếu bạn có hộ khẩu thường trú từ Đà Nẵng trở ra miền Bắc, nộp hồ sơ xin visa trực tiếp tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội; hộ khẩu thường trú từ Quảng Nam trở vào Nam, nộp tại Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở TP. HCM; hoặc thông qua các dịch vụ xin visa Trung Quốc để thuận tiện hơn.
  • Hành trình: Có rất nhiều hãng hàng không khai thác đường bay từ TP. HCM/Hà Nội đến Bắc Kinh hàng ngày. Từ Bắc Kinh, mỗi ngày cũng có chuyến bay nội địa để đến Cáp Nhĩ Tân hoặc các bạn có thể chọn đi bằng tàu hỏa đến Cáp Nhĩ Tân hoặc Mẫu Đơn Giang.
  • Thời tiết: Nhiệt độ vào mùa đông ở tỉnh Hắc Long Giang rất thấp, trời rét buốc và mưa tuyết thường xuyên. Nhiệt trung bình từ -15 đến -25 độ C, có khi giảm sâu đến trên âm 30 độ vào ban đêm.
  • Lưu trú: Bạn có thể lên một số website đặt phòng trực tuyến để đặt phòng ở Mẫu Đơn Giang, Vụ Tùng và Cáp Nhĩ Tân. Vụ Tùng chỉ là một thị trấn nhỏ, nên hầu như những nhà nghỉ chỉ có những dịch vụ tương đối cho du khách thưởng ngoạn hiện tượng hoa sương chỉ xuất hiện vào mùa đông. Đối với Làng Tuyết, bạn nên vào các website Trung Quốc để đặt phòng sớm, ít nhất 3 tháng trước chuyến đi.
  • Ẩm thực: Thịt cừu, thịt bò, đặt biệt là bò Tạng là thực phẩm phổ biến của người dân, họ thường chế biến khô hoặc thịt xông khói rất thơm, ngon. Đừng quên thử cảm giác ăn một ly kem lạnh ở làng tuyết, thưởng thức đặc sản cá ở vùng hồ Kính Bạc và món lẩu nấm cay ở thành phố Cáp Nhĩ Tân.
  • Lưu ý:

- Nên chuẩn bị thuốc chống độ cao, quần áo giữ nhiệt, áo khoác bằng da hoặc lông vũ, găng tay, tất và miếng dán giữ nhiệt.

- Do nhiệt độ tương đối thấp nên hầu như các thiết bị điện tử đều rất mau hết pin, các bạn cần chuẩn bị sạc đầy pin, mang theo sạc dự phòng và luôn giữ ấm các thiết bị này.

  • Một số hoạt động không thể bỏ qua:

- Đánh bắt cá cùng người dân trên hồ Kính Bạc

- Ngắm bình minh trên núi ở làng tuyết

- Chụp ảnh với hiện tượng nước nóng đóng băng

- Cưỡi xe chó kéo

- Ngắm hoa sương ở Vụ Tùng

- Xem triển lãm băng đăng ở Cáp Nhĩ Tân…

  • Chi phí tham khảo: 25 triệu đồng/người, với nhóm từ 8 người.
Nguyễn Hoàng Bảo
RELATED ARTICLES