Đây là tác phẩm điện ảnh thứ ba của anh và đã thành công khi được lựa chọn tham gia hạng mục Phim dài tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII (HANIFF VII), đồng thời là phim được chọn chiếu khai mạc sự kiện này. "Ngày xưa có một chuyện tình" không chỉ đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp của đạo diễn, mà còn là câu chuyện khơi gợi những cảm xúc sâu lắng nhất của tuổi trẻ.
Khúc hồi tưởng của những mối tình đầu
"Ngày xưa có một chuyện tình" xoay quanh tình tay ba giữa ba nhân vật chính: Miền, Vinh và Phúc. Họ lớn lên cùng nhau, gắn bó bởi những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ. Bộ phim khéo léo dẫn dắt khán giả qua những khoảnh khắc ngọt ngào và đầy tổn thương của mối tình đầu. Tuy là tình tay ba, nhưng đạo diễn đã giữ được nét hồn nhiên và bình yên vốn có của câu chuyện gốc, tránh xa các tình tiết gây căng thẳng và kịch tính.
Khán giả dõi theo câu chuyện không khỏi xúc động trước số phận từng nhân vật. Miền và Vinh có một kết thúc trọn vẹn, nhưng hành trình của Phúc lại là sự chia ly kéo dài từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành. Mất đi tình mẹ từ nhỏ, sống dưới sự giáo dục khắc khe của ông nội, Phúc dường như dành tất cả tình cảm cho cha và cả Miền. Tuy vậy, hoàn cảnh đã buộc cậu phải rời xa mối tình trong trẻo ấy, kết thúc bộ phim với hình ảnh đầy lặng lẽ khi Phúc một mình rời khỏi quê nhà, mang theo ký ức về mối tình không bao giờ phai nhạt.
Từ trang sách đến màn ảnh
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh không giấu được cảm xúc khi chia sẻ về hành trình chuyển thể bộ truyện dài này. "Một tác phẩm văn học khi được chuyển thể thành phim sẽ có nhiều thay đổi. Tôi đã ấp ủ dự án này suốt bốn năm và tìm đến biên kịch Nhi Bùi để hợp tác. Chúng tôi đã từng làm việc ăn ý với nhau trong 'Thưa mẹ con đi', điều này giúp cả hai dễ dàng có tiếng nói chung khi chuyển thể truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh".
Trong quá trình dựng kịch bản, ekip đã phải chọn lọc và loại bỏ các chi tiết không cần thiết, nhằm làm nổi bật những yếu tố quan trọng nhất của câu chuyện. Một số chi tiết về nhân vật Phúc được thay đổi để phù hợp hơn với cảm xúc trong phim.
"Cuộc gặp gỡ giữa Phúc và bé Su được biến thành một cuộc gặp vô tình thay vì có chủ đích, tạo nên sự tự nhiên cho nhân vật. Nhân vật Vinh cũng được xây dựng mạnh mẽ và quyết đoán hơn, khi thay vì chờ đến sáng hôm sau, anh đã quay lại ngay trong đêm để chứng minh sự quyết liệt trong tình yêu của mình", đạo diễn chia sẻ cùng khán giả.
Đạo diễn cũng khéo léo chia câu chuyện thành các mốc thời gian khác nhau, từ năm 1987 đến 2000, giúp khán giả dễ dàng theo dõi diễn biến cảm xúc của nhân vật. Anh cho biết, bộ phim còn giữ lại chi tiết Miền đọc Trà Hoa Nữ như một cách tôn vinh nội tâm phong phú của cô gái trẻ, đồng thời phản ánh sự trưởng thành sớm về tâm lý so với hai nam nhân vật.
Những thước phim đậm chất hồi ức
Để mang đến không khí hoài niệm của câu chuyện, đạo diễn đã chọn nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh sáng tác nhạc nền cho phim. Trước ý kiến cho rằng việc chọn Phan Mạnh Quỳnh là lối mòn bởi những tác phẩm trước đây chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh cũng dùng nhạc của anh, Trịnh Đình Lê Minh khẳng định: "Âm nhạc của Phan Mạnh Quỳnh là lựa chọn tuyệt vời cho không gian thanh xuân và hoài niệm. Nhạc của Quỳnh có 'hương xưa' nhưng vẫn phảng phất tinh thần hiện đại, rất phù hợp với 'Ngày xưa có một chuyện tình'".
Phim được bấm máy tại Phú Yên và đã nhận được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương để tái hiện bối cảnh của những năm 90. Đoàn phim đã phải tạo cơn mưa nhân tạo đến sáu lần, nhờ sự giúp đỡ của xe cứu hỏa địa phương. Đạo diễn còn hé lộ rằng, một cảnh đá banh trong phim đã phải quay dưới bùn sau cơn mưa lớn, tạo nên nét mộc mạc rất riêng cho cảnh quay, mặc dù điều này nằm ngoài kế hoạch ban đầu.
Một trong những cảnh đắt giá của phim là cảnh rẫy bắp, nơi đạo diễn hình ảnh Nguyễn Trinh Hoan đã phải trồng bắp trong suốt ba tháng. Tuy nhiên, vì thời tiết xấu, đoàn phim đã phải mua lại 3.600 cây bắp để trồng lại ngay trước ngày quay. Những nỗ lực này cho thấy sự cẩn trọng và tâm huyết mà đoàn phim đặt vào mỗi thước phim.
Dàn diễn viên chính của bộ phim bao gồm Avin Lu, Ngọc Xuân và Nhật Hoàng, mỗi người đều mang đến màu sắc riêng cho nhân vật của mình. Avin Lu đã có nhiều kinh nghiệm diễn xuất nhưng với Ngọc Xuân và Nhật Hoàng, đây là lần đầu tiên họ thử sức trong vai chính. Ngọc Xuân gây ấn tượng mạnh với đôi mắt trong trẻo, đầy nhạy cảm, phản ánh được nội tâm sâu sắc của nhân vật Miền. Nhật Hoàng, với sự trẻ trung và vô tư, cũng mang đến hình ảnh mới mẻ và chân thật cho vai Vinh.
Thông điệp tinh tế về tình yêu và sự mất mát
"Ngày xưa có một chuyện tình" không chỉ là một bộ phim tình cảm mà còn là câu chuyện về sự trưởng thành, về những hy sinh và nỗi đau. Đạo diễn chia sẻ: “Tôi chỉ muốn nói rằng nếu trong phim có đến hai ba tình huống có thể tạo ra một trận 'drama' cho ra trò. Nhân vật chắc hẳn lao vào nhau, cắn xé nhau, thốt lên những lời khủng khiếp nhất, tát, đấm vào mặt nhau, quỵ ngã, máu phun ra khỏi miệng... Những tình huống như vậy vừa là cơ hội, mà cũng có thể lại là cái bẫy. Với tôi đó không hẳn là kịch tính. Kịch tính là khi con người ta đối diện với nỗi đau của mình và của người dối diện, bất lực không biết làm gì, như thể có chiếc lưỡi lam cứ cứa vào tay bạn... Chắc hẳn nếu Vinh hay Miền hành xử như vậy, họ đã không phải Vinh hay Miền trong tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh, và trong hình dung của tôi, ekip sáng tạo và cả diễn viên".
Bộ phim kết thúc với hình ảnh Phúc cô đơn rời xa quê nhà, để lại phía sau một mối tình đầu chỉ còn trong ký ức. Chính sự giản dị trong cách kể và cảm xúc sâu lắng của các nhân vật đã tạo nên một tác phẩm điện ảnh chạm đến trái tim người xem. "Ngày xưa có một chuyện tình" là câu chuyện về tình yêu đầu đời, là những cảm xúc ngọt ngào và vụng dại của tuổi trẻ, khiến khán giả đắm mình trong những hồi tưởng sâu lắng, khó quên.