Đâu là 7 nhà thờ lâu đời nhất tại Sài Gòn?

19/10/2023

Những nhà thờ lâu đời không chỉ là nơi lui tới thường xuyên của các giáo dân, mà còn là điểm đến hấp dẫn cho những kẻ lữ thích hành khám phá lịch sử, văn hóa, kiến trúc. Hãy cùng Travellive điểm qua 7 nhà thờ lâu đời nhất tại Sài Gòn trong bài viết dưới đây!

1. Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn (Saint Joseph Seminary of Saigon)

Đại chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn được xây dựng từ năm 1863 bởi linh mục Wilbaux và Hội Thừa sai Paris, ngày nay nằm tại địa chỉ số 6 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, Quận 1. Trước kia, đây vốn là một tổ hợp lớn gồm Đại chủng viện, Nhà thờ Thánh Phaolô, Chủng viện Thánh Phaolô, nhà nguyện, tu viện... được trùng tu lần cuối vào năm 1960.

Nhà nguyện bên trong Đại chủng viện.

Nhà nguyện bên trong Đại chủng viện.

Nhà thờ hiện nay là nơi thường cử hành lễ cho giáo dân người nước ngoài ở thành phố. Tại nhà trưng bày có ba dãy lầu gồm các phòng lưu trữ đồ cổ, sách cổ, di tích các Thánh tử đạo (như xương các thánh, gươm giáo, xiềng xích...), các tượng điêu khắc, tranh nghệ thuật tôn giáo và dân gian.

2. Nhà thờ Tân Định (Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Tân Định)

Nhà thờ Tân Định được khởi công vào năm 1870, khánh thành vào năm 1876. Tổng thể mang phong cách kiến trúc Romanesque. Từ năm 1957, nhà thờ được sơn màu hồng phấn cả bên ngoài và bên trong, khiến nhà thờ có biệt danh là "nhà thờ màu hồng". Dù trải qua nhiều lần tu sửa, mở rộng trong nhiều sự kiện khác nhau, nhưng nhà thờ Tân Định không hề xóa đi nét kiến trúc ban đầu.

Nhà thờ Tân Định nổi bật với màu hồng ngay giữa trung tâm thành phố.

Nhà thờ Tân Định nổi bật với màu hồng ngay giữa trung tâm thành phố.

Tòa tháp chính của nhà thờ cao 52,6 mét, trên đỉnh là cây thánh giá làm bằng đồng cao 3 mét. Hai tháp phụ có những tháp đèn, nhiều cửa sổ hoa gió với những hoa văn độc đáo gắn kết chặt chẽ với nhau. Nội thất nhà thờ khá bề thế với hai hàng cột với lối kiến trúc Gothic dẫn tới bàn thờ chính làm bằng đá cẩm thạch của Ý. Hàng cột biên bên trái là nơi có các bệ tượng các vị thánh nữ, bên phải là bệ tượng các thánh nam. Đặc biệt, trong tòa còn có 5 quả tháp chuông, với tổng trọng lượng 5,5 tấn.

3. Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn (Cathédrale Notre-Dame de Saïgon)

Được khởi công vào năm 1863 và hoàn thành vào năm 1880, Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn là kết quả của sự kết hợp giữa kiến trúc Gothic và kiến trúc Pháp. Trước đây, Nhà thờ Đức Bà là nhà thờ chính của giáo phận Đông Dương. Hiện nay, đây là một trong những nhà thờ chính tòa lớn nhất ở Việt Nam.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Nhà thờ Đức Bà là một trong những biểu tượng kiến trúc nổi bật của thành phố.

Nhà thờ Đức Bà là một trong những biểu tượng kiến trúc nổi bật của thành phố.

Đặc biệt, toàn bộ vật liệu xây dựng công trình đều nhập khẩu từ Pháp, trong đó gạch đỏ cam không tô trát vẫn giữ nguyên màu đến hiện tại. Hai đỉnh nhọn trên tháp chuông được gắn thêm năm 1984, từng là nơi cao nhất thành phố bấy giờ, du khách coi là cột mốc nhận biết Sài Gòn từ xa. Hiện nay, Nhà thờ vẫn đang trong quá trình trùng tu.

4. Nhà thờ Chợ Quán (Nhà thờ Thánh Tâm Chúa Giêsu)

Nhà thờ Chợ Quán (đường Trần Bình Trọng, quận 5) khi mới xây dựng có kiến trúc đơn giản, chỉ gồm một nhà nguyện nhỏ và một bàn thờ bên trong. Nhà thờ có kiến trúc Gothic, đã nhiều lần bị phá hủy rồi lại được xây lại vào các năm 1727, 1733, 1793, 1862, 1882. Trong vòng một thế kỷ, nhà thờ bị tàn phá do chiến tranh, loạn lạc phải xây lại nhiều lần. Đến năm 1882, trên nền đất cũ, cha Hamm quyết định cho xây nhà thờ mới khang trang, kiên cố và tồn tại đến bây giờ.

Nhà thờ Chợ Quán nhìn từ trên cao.

Nhà thờ Chợ Quán nhìn từ trên cao.

Nhà thờ mang kiến trúc Gothic, mái lợp ngói đỏ. Công trình này phải xây trong 14 năm mới xong cơ bản và tiếp tục được bổ sung sau này. Tổng diện tích khu đất nhà thờ khoảng 16.000 m2.

5. Nhà thờ Cha Tam (Nhà thờ Giáo Xứ Phanxicô Xaviê)

Nhà thờ Cha Tam được xây dựng năm 1900 - 1902, dành cho giáo dân người Hoa ở khu vực Chợ Lớn đến hành lễ, sử dụng chữ và tiếng Hoa từ xưa đến nay. Nét riêng biệt của nhà thờ này là kiến trúc pha lẫn giữa phong cách Gothic châu Âu và Trung Hoa. Ngay từ cổng vào đã thấy sự khác biệt với mái đầu đao, tất cả đều được khắc bằng chữ tiếng Trung. Đây là thiết kế theo kiểu tam quan một lối kiến trúc thường hay gặp ở cung đình và chùa chiền.

Nhà thờ Cha Tam.

Nhà thờ Cha Tam.

Đi vào sâu bên trong mới thấy được phong cách Gothic châu Âu trong công trình này trong lối đi vào thánh đường. Tuy nhiên, đa số các hoa văn, họa tiết trang trí đều ảnh hưởng bởi văn hóa, kiến trúc Trung Hoa. Các cột được sơn đỏ, vốn là nét quen thuộc trong tôn giáo Trung Hoa. Ở giữa là hình tượng chúa Giêsu bị đóng đinh và ở bên cạnh có bức liễu sơn được sơn son thiếp vàng và khắc chữ tiếng Trung.

6. Nhà thờ Chí Hòa

Theo Lược sử giáo xứ Chí Hòa, nhà thờ Chí Hòa đã được xây dựng từ khoảng năm 1890, khánh thành vào năm 1903. Công trình mang phong cách kiến trúc Gothic Pháp giống như nhà thờ Huyện Sỹ và Tân Định, nhưng Nhà thờ Chí Hòa dường như được giản lược, không cầu kỳ. Ban đầu họ đạo nơi đây có tên Thạnh Hòa, sau đổi tên thành Chí Hòa năm 1910.

Nhà thờ Chí Hòa  tọa lạc ở số 149 đường Bành Văn Trân, phường 7, quận Tân Bình.

Nhà thờ Chí Hòa tọa lạc ở số 149 đường Bành Văn Trân, phường 7, quận Tân Bình.

Nhà thờ Chí Hòa còn gọi là Chí Hòa Nam, như một khẳng định sinh hoạt, lề lối tôn giáo theo phong cách miền Nam, cho tới nay vẫn là cách hành lễ, đọc kinh, sinh hoạt tôn giáo... rất riêng, rất Nam Bộ, rất Sài Gòn.

7. Nhà thờ Huyện Sỹ

Nhà thờ Huyện Sỹ, còn gọi là nhà thờ Chợ Đũi, được thành lập năm 1859. Nhà thờ do ông bà Lê Phát Ðạt, tức Huyện Sỹ, hiến đất và xuất 1/7 gia tài để xây dựng. Nhà thờ được khởi công xây dựng năm 1902 theo thiết kế của LM Bouttier, đến 1905 thì được khánh thành. Nhà thờ Huyện Sỹ tọa lạc trên một khu đất cao và rộng hơn một mẫu, nằm ở góc đường Frère Louis (nay là đường Nguyễn Trãi) và đường Frère Guilleraut (nay là đường Tôn Thất Tùng).

Nhà thờ Huyện Sỹ.

Nhà thờ Huyện Sỹ.

Ban đầu nhà thờ có tên là Nhà thờ Chợ Đũi, do thuộc họ đạo Chợ Đũi. Tuy vậy, dân gian vẫn gọi là Nhà thờ Huyện Sỹ, và sau đó dần trở thành tên chính thức của nhà thờ này. Tháp chuông chính cao 57 m kể cả chiều cao thánh giá và con gà trống Gaulois.

Bi Lê - Nguồn: Ảnh: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES