Theo đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì các doanh nghiệp du lịch cần có chính sách tài chính nhất định để vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Cụ thể, gói tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp phát hành "phiếu mua tour" có thời hạn 12-18 tháng với giá trị tương đương tour đã đặt cho các khách hàng nhưng không thể thực hiện được chuyến đi do tình hình dịch bệnh hoặc các trường hợp bất khả kháng khác. Ngoài ra, chính sách tài chính này cũng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay).
Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cũng đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo các hãng hàng không hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành giải phóng tiền đặt cọc mua vé máy bay trong thời gian dịch bệnh. Đồng thời, Bộ cũng đưa ra một số giải pháp và phương hướng phục hồi cho ngành du lịch Việt Nam, trong đó đề nghị chính phủ có các gói kích cầu tiêu dùng, trong đó có kích cầu người tiêu dùng trong nước sử dụng dịch vụ du lịch.
Dự kiến trong tương lai, các nước trong khu vực châu Á có khả năng hết dịch sớm hơn thì ngành du lịch sẽ cơ cấu lại thị trường khách du lịch quốc tế, tập trung quảng bá khách đến và đi du lịch các thị trường đã hết dịch. Lúc này cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi như miễn thị thực, miễn giảm phí thị thực nhập cảnh cho khách du lịch đến Việt Nam. Đặc biệt, ngành du lịch sẽ tập trung kích cầu thị trường nội địa, phối hợp các hãng hàng không, vận chuyển và các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các điểm tham gia... miễn hoặc giảm có thời hạn giá dịch vụ hàng không, lưu trú, phí tham quan.
Trước đó, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến nước ta trong quý I/2020 chỉ đạt gần 3,7 triệu lượt người, giảm 18,1% so với cùng kỳ và giảm ở hầu hết thị trường nhất là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ... Hiện phần lớn các doanh nghiệp đều đang "ngủ đông" do vắng cả khách nội địa và quốc tế.