Có lẽ với tôi, Rome là một thành phố không mấy xa lạ dù chưa đặt chân đến. Bao nhiêu bộ phim Hollywood đã làm ở đây rồi nhỉ? Từ những bộ phim tình cảm lãng mạn như "Eat, Pray, Love", "When in Rome", đến hồi hộp gây cấn "Angels & Demons", "Spectre" và cả hài hước "EuroTrip". Điểm đáng ghét khi nhắc về Rome chính là việc “Rome được nhắc tới quá nhiều”. Nhưng tôi đến Rome ở một điểm khác, sẽ không nói về những Colosseo, Foro Romano, Fontana di Trevi kỳ vĩ, tôi sẽ nói về những điều kém rộn rã hơn, không bộn bề khách du lịch xô đẩy chen nhau từng góc hình ở Fontani di Trevi, không lo sợ cướp giật ở trước Colosseo.
Hôm nay, chúng ta hãy đi trên những con đường lát đá. À, trước khi ra đường nhớ mặc chút áo ấm, một chiếc trench coat sẽ giúp chúng ta thêm lung linh giữa đường phố vốn dĩ đang lung linh này.
Việc tôi đắm chìm vào không khí Giáng sinh cũng bất ngờ như cách tôi bị lạc hành lý khi vừa tới sân bay Fiumicino. Tôi rời khỏi những suy nghĩ rằng mình phải tới những điểm đánh dấu sao trên bản đồ này, đến những nhà hàng trên TripAdvisors kia, và cứ thế chọn việc đi lạc nhẹ nhàng vào những khu phố. Lúc này trên người vẫn đang mặc chiếc sweatpants cũ mặc ở trên máy bay vì đã chẳng còn quần thay, nhưng chẳng sao, chiếc trench coat người yêu đưa cho mặc lên che lấp đi chút xíu lỗi thời trang. Tới Via della Scala, không khí đã ấm cúng dần.
Cách tôi biết rằng Giáng sinh ở Rome đang đến gần cứ như cách ta thấy đông về trên những xe chở cúc hoạ mi giữa phố cổ Hà Nội vậy. Điều khiến tôi biết nơi đây đã tới Giáng sinh chính là từ những ngôi nhà, những cửa hàng, những quán ăn đã bắt đầu giăng đèn vàng, gắn những cây tầm gửi hình tròn hay cây thông xanh lên xung quang cửa nhà. Một vài bước chân dạo quanh Via della Scala đủ cho tôi thấy được không khí ấy ngập tràn giữa phố.
Từ Lâu đài của những thiên thần, tôi băng qua một cây cầu bắt ngang qua dòng sông Tevere nhỏ nhắn, cảm tưởng như đang bước trên một cây cầu của Paris vậy, có chút nhớ dịp Giáng sinh năm ngoái có dịp quá cảnh ở Paris nửa ngày và ngắm được không khí Giáng sinh nơi này.
Sẵn chuyện lại muốn luận bàn về những cái tên của nước Ý bị phiên âm khác đi nhiều sang tiếng Anh mà không được giữ bản gốc. Như dòng sông Tevere, khi phiên âm sang tiếng Anh lại thành Tibre, hay không phải Roma mà lại thành Rome, Venezia thành Venice, Firenze thành Florence, Milano thành Milan. Tìm kiếm trên Google thì chẳng có câu trả lời cụ thể nào, chỉ biết những tên có nguồn gốc Latin thường bị dịch thành tên khác trong tiếng Anh vì lý do khó đọc. Nhưng tôi vẫn thích cái tên gốc của những thành phố, dòng sông trong tiếng Ý, nghe có chút gì lãng mạn trong đó.
Có thể thấy Giáng sinh ở các nước châu Âu (với kinh nghiệm đón Giáng sinh ở Paris, Reykjavik và chút gì đó ở Rome) có không khí “không rộn rã” diễn ra xuyên suốt. Vài khu chợ Giáng sinh sẽ đặc biệt nhộn nhịp, nhưng “nghe đồn” chỉ có một số thành phố, thị trấn như Strasbourg (Pháp), Munich (Đức)… chứ Giáng sinh ở những thành phố châu Âu chỉ thể hiện qua menu có món eggnog hay bánh cinnamon thơm ngon cho mùa Giáng sinh ấm áp, và những đồ vật trang trí quanh phố phường.
Giáng sinh ở Rome cũng vậy, không ồn ã, không khoa trương, chỉ là cái không khí se lạnh thêm chút đèn ấm màu vàng khiến ta chẳng cần quá nhiều, chỉ cần ngồi xuống một quán ăn ven đường lát đá và gọi special menu mà dùng thôi.