Đến Thái Lan dự hội Loy Krathong cầu an lành

10/10/2012

Cách nhau trong khoảng một tuần lễ trong tháng 11, hai lễ hội tâm linh – một diễn ra “trên trời” và một ở dưới nước – sẽ mang lời cầu nguyện tốt đẹp của những người tham gia đến với thế giới siêu nhiên. Đó là ý nghĩa nhân sinh của lễ hội được ví như Tết của người Thái.

Bài: Kim Vân.  Ảnh: Ngọc Hưng, Flickr

“Tối nay sẽ rất đông. Chúng ta cần xuất phát sớm thì mới có chỗ. Các bạn cẩn thận bám đoàn vì rất dễ lạc nhau” – chị Karin, phụ trách hành chính của khóa học, dặn chúng tôi ngay từ buổi sáng.

16 giờ, đoàn gần 20 người lên hai chiếc songtaew (một phương tiện vận chuyển phổ biến ở Chiang Mai, Thái Lan, gần giống xe lam của Việt Nam) chờ sẵn trước cổng, đến trường Đại học Mae Jo, nơi tôi nghe nói hàng ngàn chiếc đèn lồng (khom loy) sẽ được thả lên trời vào cùng một thời điểm, đánh dấu sự mở đầu của lễ hội Loy Krathong.

Hội đèn trời …

Chúng tôi dễ dàng nhận ra xe gần đến nơi khi hai bên đường xuất hiện san sát những hàng bán đèn lồng, hoa lan. Xe vào bãi đậu, chị Karin cẩn thận dặn lại một lần nữa: “Nếu ai đó bị lạc đoàn thì cứ ra chỗ đậu xe này đứng chờ”. Mọi người đều giơ máy hình chụp biển số xe vì không ai muốn mình bị bỏ lại. Chúng tôi tìm được một vị trí phù hợp trên bãi cỏ mênh mông của trường Mae Jo. Mọi người trải chiếu ra, ăn cơm rang, trái cây trong lúc chờ đợi.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Trời trong xanh, gió mát lồng lộng. Mặt trăng lên mỗi lúc một tỏ. Người đến mỗi lúc một đông. Chẳng mấy chốc, những khu vực xung quanh đều đã kín chỗ. Trong số họ có không ít khách nước ngoài giống chúng tôi, cũng đang háo hức chờ đón một cảnh tượng ngoạn mục. Chúng tôi ngồi ăn uống, chụp hình, nói chuyện râm ran cho đến khi giờ cầu nguyện bắt đầu. Cả một biển người chìm vào im lặng, chỉ còn tiếng cầu kinh của nhà sư trụ trì ngôi chùa bên cạnh. Trong không gian yên ả, lác đác có tiếng pháo nổ. Thi thoảng, một chiếc khom loy lại bay lên trên nền trời tối sẫm. Không hiểu ngôn ngữ Thái nhưng tôi vẫn cảm nhận được một bầu không khí trang nghiêm và tấm lòng đầy tôn kính của hàng ngàn Phật tử nơi đây.

Loy Krathong là lễ hội hàng năm, thường rơi vào tháng 12 theo lịch của Thái Lan (nhằm vào tháng 11 dương lịch), và kết thúc vào ngày rằm. Đây là dịp người dân Thái tạ ơn thần nước Phra Mae Khongkha khi mùa mưa kết thúc.
Việc thả đèn trời, thả đèn nước đều mang ý nghĩa tượng trưng: những điều không may trong cuộc sống sẽ bị cuốn đi và mỗi người lại chuẩn bị cho một cuộc sống tốt đẹp hơn. Cũng vào dịp lễ hội này, người dân thường đi cắt tóc, cắt móng tay như là cách để bỏ đi những phần xấu xa, tồi tệ của chính mình.

Lễ cầu nguyện diễn ra khoảng 30 phút. 19 giờ, thời khắc mong đợi đã đến. Chúng tôi đứng cả dậy để chuẩn bị đèn. Các tình nguyện viên của lễ hội bắt đầu đi châm lửa vào tất cả những chân nến được dựng sẵn. Chị Karin cho biết, phải dùng đúng lửa này để thắp đèn trời thì những lời cầu nguyện mới linh ứng. Cứ 3, 4 người vào một nhóm, chúng tôi nâng những chiếc khom loy lên và châm lửa. Khi ngọn lửa đủ mạnh để làm căng chiếc đèn, tôi bắt đầu cảm thấy một lực nâng, đẩy chiếc đèn ra khỏi tay mình. Chúng tôi đứng thành những vòng tròn nhỏ xung quanh chiếc đèn để cảm nhận được hết sự ấm cúng nhờ lửa và sự bình yên trong cõi lòng.

“Một, hai, ba!” Nghe hiệu lệnh, tất cả cùng thả tay một lúc và hàng ngàn khom loy mang theo ánh lửa từ từ bay lên trời. Những tiếng suýt soa, trầm trồ: “Đẹp quá!” “Thật tuyệt vời!” vang lên cùng tiếng vỗ tay. Lần đầu tiên chứng kiến một cảnh ấn tượng như vậy, chúng tôi như ngợp đi trong những ngọn lửa lung linh đang bay cao dần. Lẫn trong số đó có chiếc đèn trời của chúng tôi, mang theo những lời cầu nguyện vào với không gian vũ trụ. Những chiếc đèn vẫn tiếp tục bay lên cùng những chùm pháo hoa muôn sắc. Còn tôi cứ ngẩn ngơ ngắm nhìn, lòng tự hỏi không biết có dịp lại được sống trong bầu không khí này nữa không.

… Và ánh sáng trên dòng nước thiêng

Nếu như Loy Krathong mở đầu bằng việc thả đèn trời thì một tuần sau đó, chúng tôi lại được ngắm cảnh thả đèn trên sông khi Loy Krathong kết thúc. Khu phố cổ ở Chiang Mai trở thành khu vực dành cho người đi bộ. Hòa cùng dòng người, chúng tôi như đang sống trong không khí Tết ở Việt Nam với những tiếng pháo đì đùng, mùi pháo thơm thơm, cùng những chùm pháo hoa. Trên dòng sông Ping êm đềm là vô số ngọn lửa nhỏ lung linh trôi. Người dân, đa phần là các bạn trẻ, thắp sáng những chiếc đèn nước được làm từ bẹ chuối, trên đó là một nhành lan tím, một thẻ hương, một cây nến và thả cho chúng trôi trên dòng nước.

Nếu như chính trường Thái Lan đang diễn ra đầy những bất ổn, sóng gió thì đời sống văn hóa của người dân nơi đây vẫn rất hiền hòa, thanh bình. Đến xứ sở nụ cười trong những ngày giữa tháng 11, bạn sẽ may mắn được chứng kiến lễ hội độc đáo này.

RELATED ARTICLES