Đi lễ Chùa Bà, dự hội đấu giá lồng đèn

24/01/2013

Diễn ra suốt nửa tháng đầu năm âm lịch, chính lễ là vào ngày rằm tháng Giêng, Lễ hội chùa Bà ở Bình Dương thu hút đông đảo du khách hành hương đến từ các tỉnh miền Tây Nam bộ.

Bài và ảnh: Huỳnh Mỹ Thuận

Mỗi dịp Xuân về, từ mùng 1 tết Nguyên đán, người dân khắp nơi đổ về chùa Bà Bình Dương tọa lạc trên đường Cách Mạng Tháng 8, P. Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương để thắp hương cầu tài lộc, mua may bán đắt. Nhiều nhất là người Hoa sống ở thành phố Hồ Chí Minh hành hương về đây. Khách hành hương liên tục đổ về chùa, và kéo dài đến ngày hội Rằm tháng Giêng, dịp tết Nguyên tiêu.

Vào dịp này, hàng ngàn lượt người hội tụ chùa Bà tham gia lễ hội rước kiệu Bà Chúa Xứ - Bà Thiên Hậu do Hội người Hoa lập ra thờ vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Theo các bang hội người Hoa, tương truyền Bà sinh ngày 23 tháng 3 năm Giáp thân (1044). Năm lên tám tuổi, Bà đã biết đọc, mười một tuổi Bà tu theo Phật giáo. Mười ba tuổi Bà thọ lãnh thiên thơ tìm được dưới giếng một xấp cổ thư rồi luyện tập theo đó mà đắc đạo.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Một lần, cha và hai anh chở muối đi bán ở tỉnh Giang Tây (Trung Hoa) giữa đường gặp bão lớn. Lúc đó Bà đang ngồi dệt vải cạnh mẹ nhưng xuất thần để đi cứu cha. Bà dùng răng cắn lấy chéo áo của cha và hai tay nắm lấy hai anh. Đúng lúc đó mẹ gọi Bà; hé môi trả lời mẹ thì sóng cuốn cha đi mất, chỉ cứu được hai anh. Từ khi cha mất, Bà thường xuyên cứu người bị nạn khi đi biển gặp gió bão. Sau khi bà mất người dân nơi đây lập đền thờ. Đến năm Canh Dần (1110 ), Bà được sắc phong là Thiên Hậu Thánh Mẫu. Ý nghĩa thờ phụng Bà vẫn được người Hoa lưu truyền khi lập chùa thờ Bà tại đất Bình Dương, nơi để khách hành hương đến chiêm bái và cầu tài lộc, may mắn vào mỗi dịp tết đến xuân về.

Trong lễ hội, kiệu Bà được rước đi vòng quanh các đường phố, phường trong khu vực trung tâm thành phố Thủ Dầu Một, ban lộc cho mọi nhà rồi trở về chùa. Thời gian diễn ra hội rước Bà vào khoảng 15 giờ. Đi trước kiệu Bà là các đoàn Lân Sư Rồng từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận về dự với hàng trăm con đủ sắc màu rực rỡ. Các em bé mặc trang phục y hệt như các Tiên Đồng Ngọc Nữ gánh hoa, tung hoa từ những xe hoa diễu hành tạo thành những tràng pháo hoa suốt đoạn đường gần năm cây số. Nối tiếp theo là các đoàn hoá trang Phước, Lộc, Thọ cùng thầy trò đường tăng Tam Tạng, đi cà kheo, các ban nhạc Tây, nhạc Hoa… trong không khí vô cùng náo nhiệt.

Kiệu Bà đi đến đâu, mọi người tranh nhau thắp hương đến đó để cầu xin Bà ban phước, lộc. Trước mỗi nhà điều đặt bàn thờ trang trọng đầy hoa quả, hương khói nhang đèn; các bao lì xì được phát ra khi các đoàn Lân, Sư, Rồng đi qua và vào múa biểu diễn đem may mắn cho từng nhà.

Đặc biệt, trước khi diễn ra lễ hội tại chùa, có lễ thức bán đấu giá lồng đèn từ các chùa đem về đây. Lồng đèn có từ 9 đến 12 chiếc, tuỳ theo chùa. Mỗi chiếc lồng đèn đều có tên và ý nghĩa riêng. Tên gọi các lồng đèn: Nhất bổn vạn lợi, Đinh tài lưỡng vượng, Tam tinh lộc thọ, Tứ quý hưng long, Hưu phước lâm môn, Lục mã phù trì, Thất tinh phùng huyệt, Bát tiên hộ thọ, Trường trường cửu cửu. Đèn được bán đấu giá từ vài triệu đến gần trăm triệu do các nhà doanh nghiệp người Hoa ở địa phương và thành phố Hồ Chí Minh mua về làm lộc cho năm mới mong cho công việc làm ăn được may mắn suốt cả năm. Toàn bộ số tiền thu về được dùng làm từ thiện.

Lễ hội chùa Bà Bình Dương là lễ hội đặc sắc của cộng đồng người Hoa đồng thời cũng là ngày hội xuân của người dân ở Bình Dương. Lễ hội thu hút mọi người từ khắp nơi đổ về cùng thưởng thức nét văn hoá dân gian và cùng nhau hái lộc đầu năm, cùng chúc cho nhau “mưa thuận gió hoà, nhà nhà hạnh phúc”.

Lễ hội chùa Bà Bình Dương là lễ hội đặc sắc của cộng đồng người Hoa, thu hút mọi người từ khắp nơi đổ về cùng thưởng thức nét văn hoá dân gian và cùng nhau hái lộc đầu năm, cùng chúc cho nhau “mưa thuận gió hoà, nhà nhà hạnh phúc”.

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES