Du lịch thế giới phục hồi 95% so với trước dịch

09/05/2023

Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới đánh giá ngành du lịch đã phục hồi 95% và sẽ bình thường như trước dịch vào 2024, thậm chí tăng trưởng mạnh.

Sau khi sụt giảm mạnh mẽ vào năm 2020 vì dịch bệnh, ngành du lịch toàn cầu tăng trưởng gần 25% năm 2021, tăng thêm 22% vào 2022, theo báo cáo thường niên của Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC). Năm 2019, ngành du lịch đóng góp hơn 10% GDP toàn cầu và năm 2023, dự kiến tạo ra hơn 9.500 tỷ USD, đạt hơn 95% so với 2019.

Theo đó, sự phục hồi toàn cầu sẽ diễn ra vào 2024. Sự quay trở lại chậm nhưng ổn định của thị trường khách Trung Quốc là một trong những yếu tố giúp ích cho sự phục hồi. Từ đó, lĩnh vực này sẽ tiếp tục phát triển.

Đường phố Bangkok, Thái Lan kín khách tới tham dự Tết té nước Songkran 2023. Ảnh: Reuters

Đường phố Bangkok, Thái Lan kín khách tới tham dự Tết té nước Songkran 2023. Ảnh: Reuters

"Chúng tôi kỳ vọng năm 2024 sẽ vượt qua năm 2019", Julia Simpson, chủ tịch kiêm CEO của WTTC nói.

Theo nghiên cứu, đến cuối năm 2022, các hoạt động du lịch ở 34 quốc gia, trong số 185 quốc gia được nghiên cứu, đã trở lại mức trước dịch (xét về đóng góp GDP). Hai quốc gia dẫn đầu là Mỹ và Cộng hòa Dominica. Cũng theo WTTC, ít nhất 50 quốc gia nữa sẽ phục hồi 95-100% so với trước dịch vào cuối năm nay.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Trong nghiên cứu, WTTC cũng chỉ ra Bắc Mỹ và châu Mỹ Latin là những khu vực sẽ phục hồi về mức trước dịch vào cuối 2023. Châu Âu, Trung Đông, châu Phi và châu Á - Thái Bình Dương sẽ phục hồi vào 2024, tiếp đến là quốc gia trong khu vực Caribe năm 2025.

Sự phục hồi không có nghĩa là số lượng chuyến đi bằng trước dịch. Lạm phát và chi phí đi lại gia tăng, khiến các chuyến du lịch đắt đỏ hơn. Nhu cầu đi lại ở nhiều khu vực tăng mạnh vào 2021 và 2022, do các nước lần lượt mở lại biên giới. Nhưng 2023, số lượng các chuyến đi không tăng trưởng mạnh.

Theo báo cáo của Riskline, công ty chuyên đánh giá rủi ro về du lịch toàn cầu có trụ sở tại Đan Mạch, giá vé máy bay và khách sạn cao hơn sẽ "hạn chế đáng kể việc đi lại vào năm 2023". Sự bất ổn chính trị là nguyên nhân tiếp theo. Còn theo số liệu từ Morning Consult, một trong những công ty công nghệ phát triển nhanh nhất Bắc Mỹ, mức độ sẵn sàng đi du lịch ở các khu vực khác nhau. Xu hướng muốn đi tăng cao ở Hàn Quốc và Tây Âu.

Khách du lịch sẽ cắt giảm chi phí đi lại hơn là hủy chuyến đi. Một trong các ví dụ là nhu cầu đi lại trong nước của người Mỹ năm nay đang hạ nhiệt, nhưng họ lại có kế hoạch du lịch nước ngoài thường xuyên hơn.

Năm 2019, ngành du lịch đã mang lại công việc cho 334 triệu người, cao nhất mọi thời đại. Năm 2020, khoảng 70 triệu người mất việc. Năm 2021, 11 triệu việc làm được phục hồi và thêm 21,6 triệu vào năm 2022. Năm 2023, ngành du lịch đã cung cấp hơn 300 triệu việc làm, đạt 95% so trước dịch.

Năm 2033, WTTC dự báo lĩnh vực du lịch sẽ sử dụng khoảng 430 triệu người khắp thế giới, chiếm gần 12% lực lượng lao động toàn cầu, đóng góp 15,5 nghìn tỷ USD và chiếm 11,6% GDP toàn cầu.

Phương Thảo - Nguồn: Vnxpress
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES