Du lịch Việt Nam, nỗ lực trở lại sau thời gian “ngủ đông”

09/05/2023

Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên mở cửa đón khách du lịch quốc tế sau đại dịch COVID-19, được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở trên thế giới. Trong bối cảnh hậu COVID-19, ngành du lịch Việt Nam đã gặt hái được những kết quả khả quan dù phía trước vẫn còn một chặng đường dài.

Khởi sắc từ con số "âm"

Ngày 15/3/2023 là dấu mốc quan trọng của du lịch Việt Nam, nỗ lực trở lại sau thời gian dài "ngủ đông" do dịch COVID-19. Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội của Tổng cục Thống kê cho biết, quý I/2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 2,7 triệu lượt người.

Tháng 3 chứng kiến sự trở lại của khách du lịch đến từ Trung Quốc khi ngày 15/3, Việt Nam đã chính thức đón những khách Trung Quốc đi theo đoàn đầu tiên sau khi nước này mở lại hoạt động du lịch quốc tế theo đoàn đến Việt Nam.

Du khách quốc tế đang dần quay lại Việt Nam ngày càng nhiều hơn.

Du khách quốc tế đang dần quay lại Việt Nam ngày càng nhiều hơn.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I/2023 ước đạt 161,1 nghìn tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu du lịch lữ hành quý I/2023 ước đạt 6,8 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước do các hoạt động văn hóa, du lịch những tháng đầu năm diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương trong khi cùng kỳ năm trước không tổ chức do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Có thể thấy, sự phục hồi của ngàng du lịch Việt Nam đã cho thấy những chuyển biến khá tích cực sau hai năm trầm lắng do ảnh hưởng của đại dịch.

Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn có nhiều điểm đến được đánh giá cao trên các bảng xếp hạng. Việc nhận được 16 giải thưởng du lịch tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch Thế giới năm 2022 - khu vực châu Á và châu Đại Dương đã tiếp tục khẳng định thương hiệu, vị thế của du lịch Việt Nam...

Ninh Bình vừa trở thành đại diện duy nhất của Việt Nam nằm trong top 10 địa điểm thân thiện với du khách thế giới do hàng trăm nghìn du khách đã có trải nghiệm thực tế bình chọn tại giải Traveller Review Awards 2023 của Booking.com.

Ninh Bình là điểm đến thu hút nhiều du khách quốc tế đến với Việt Nam.

Ninh Bình là điểm đến thu hút nhiều du khách quốc tế đến với Việt Nam.

"Travel + Leisure", tạp chí chuyên về du lịch nổi tiếng của Mỹ vừa công bố danh sách 21 hành trình “thay đổi cuộc đời mà du khách nên trải nghiệm ít nhất một lần.” Trong đó, hành trình xuyên Đông Nam Á giới thiệu Việt Nam và Thái Lan là điểm đến “không thể bỏ qua đối với bất kỳ du khách nào, đặc biệt là những người sành ăn và yêu thích ẩm thực đường phố.”

Theo Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Paradise Vietnam Cao Anh Tuấn, sau một năm du lịch Việt Nam mở cửa hoàn toàn, Paradise Vietnam ghi nhận có sự tăng trưởng về lượng khách quốc tế. Hệ thống du thuyền và khách sạn của Paradise Vietnam luôn kín chỗ, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết. Lượng khách thị trường quốc tế tuy vẫn chưa hồi phục được như mức trước dịch nhưng cơ cấu khách theo quốc tịch, khu vực có sự dịch chuyển đáng kể.

Hạ Long cũng là điểm đến được du khách quốc tế quan tâm và đánh giá cao.

Hạ Long cũng là điểm đến được du khách quốc tế quan tâm và đánh giá cao.

Cạnh tranh ngày càng… khốc liệt

Nhìn lại năm 2022, mục tiêu 5 triệu lượt khách của Việt Nam đã không đạt được khi chỉ đón được 3,66 triệu lượt khách, hoàn thành 73% kế hoạch đề ra. Mặc dù Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên mở cửa đón khách du lịch quốc tế sau dịch COVID-19, nhưng nếu so với các nước trong khu vực, chúng ta vẫn còn khá khiêm tốn.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Theo biểu đồ Chỉ số phục hồi du lịch sau dịch COVID-19 của Hội đồng tư vấn du lịch TAB, chỉ số phục hồi của ngành du lịch Việt Nam năm 2022 là 18,1%, đứng cuối bảng xếp hạng phục hồi du lịch quốc tế của khu vực. Trong khi các nước có chỉ số này cao nhất là của Singapore 30,9%, của Malaysia là 27,5% hay của Thái Lan là 22%.

Báo cáo của Công ty Du lịch Vietravel cho thấy, từ giữa tháng 3/2022 đến nay, khách nước ngoài đến Việt Nam thông qua công ty chỉ đạt 25% so với năm 2019. Con số này vẫn còn kém xa so với mục tiêu đề ra là phục hồi khoảng 70%.

Chỉ số phục hồi của ngành du lịch Việt Nam năm 2022 chỉ là 18,1%.

Chỉ số phục hồi của ngành du lịch Việt Nam năm 2022 chỉ là 18,1%.

Ông Lê Công Năng, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Wondertour cho rằng, năm 2022, du lịch Việt Nam mở cửa từ sớm nhưng lượng khách quốc tế đến chưa được như kỳ vọng, thậm chí về sau cùng trong khu vực Đông Nam Á, nằm trong nhóm quốc gia phục hồi chậm nhất về khách quốc tế. Đó là điều vô cùng đáng tiếc. Do đó, để đạt được mục tiêu tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2023, ngành du lịch cần vào cuộc đồng bộ và quyết liệt trên cơ sở phối hợp, hỗ trợ giữa cơ quan quản lý, các địa phương và cả doanh nghiệp lữ hành, du lịch.

Năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón và phục vụ 8 triệu lượt khách quốc tế. Đây là con số khiêm tốn so với mức đã đạt được năm 2019, nhưng lại là mục tiêu đầy thách thức do thị trường du lịch quốc tế có nhiều biến động sau đại dịch.

Cứu cánh từ visa – Vẫn câu chuyện cũ

Trong 3 năm trước đại dịch COVID-19, trung bình khách quốc tế đến Việt Nam chỉ bằng 1/5 khách nội địa nhưng đóng góp khoảng hơn 55% tổng thu nhập từ khách du lịch. Năm 2019, tổng thu từ khách du lịch quốc tế chiếm 18,3 tỷ USD trong tổng doanh thu 32,8 tỷ USD mà toàn ngành tạo ra. Như vậy, thu hút khách quốc tế vẫn là điều tiên quyết để thực sự vực dậy ngành du lịch Việt Nam.

Theo các chuyên gia, vẫn có nhiều nguyên nhân khiến khách quốc tế đến Việt Nam chưa nhiều. Trong đó, một trong những câu chuyện các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành nhắc nhiều đến vẫn là câu chuyện visa.

Việc cấp thị thực nhập cảnh thuận lợi có khả năng làm tăng lượng khách quốc tế từ 5-25% mỗi năm.

Việc cấp thị thực nhập cảnh thuận lợi có khả năng làm tăng lượng khách quốc tế từ 5-25% mỗi năm.

Theo UNWTO và Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), việc cấp thị thực nhập cảnh thuận lợi có khả năng làm tăng lượng khách quốc tế từ 5-25% mỗi năm. Nghiên cứu về tác động từ việc miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu của Hội đồng Tư vấn Du lịch cho thấy, lượng khách trung bình từ các quốc gia này tới Việt Nam đã tăng gần 20%. Điều này chứng minh, những thay đổi về chính sách visa theo hướng linh hoạt, cởi mở hơn luôn là “chìa khóa” thu hút khách quốc tế, tạo ra sự bứt phá ngoạn mục cho du lịch.

Nhiều quốc gia đang cạnh tranh thu hút khách quốc tế bằng chính sách miễn visa. Trong khi Việt Nam mới chỉ miễn thị thực cho 24 quốc gia theo hình thức đơn phương và song phương thì Malaysia, Singapore miễn cho 162 nước, Philippines miễn cho 157 nước, Thái Lan 64 nước...

Thêm vào đó, các quốc gia trên hầu hết cấp và cho phép nhập cảnh bằng thị thực điện tử với thời gian lưu trú dài lên 6 tháng và nhiều lần nhập cảnh ra vào.

Ông Hoàng Nhân Chính Trưởng ban Thư ký, Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) cho rằng, đối với du khách từ các nước trong diện miễn visa, chúng ta rất cần kéo dài thời hạn lên mức tiêu chuẩn là 30 ngày thay vì 15 ngày như hiện nay. Việc này không chỉ thu hút khách du lịch mà còn hấp dẫn cả dòng khách thương mại, đầu tư mong muốn có chuyến đi dài ngày làm việc kết hợp du lịch. Bên cạnh đó là cần miễn thị thực cho khách xuất nhập cảnh nhiều lần thay vì một lần như hiện nay; kéo dài thời hạn miễn từ 3 năm như hiện nay lên 5 năm để các đơn vị lữ hành, du lịch có thời gian xây dựng sản phẩm thu hút khách. Cùng với đó là chính sách miễn thị thực cho dòng khách du lịch ngắn ngày như khách MICE, khách du lịch golf...

Chúng ta rất cần kéo dài thời hạn lên mức tiêu chuẩn là 30 ngày thay vì 15 ngày như hiện nay.

Chúng ta rất cần kéo dài thời hạn lên mức tiêu chuẩn là 30 ngày thay vì 15 ngày như hiện nay.

Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Phó Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam gợi ý, Việt Nam nên chủ động triển khai cả những giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để tạo đòn bẩy mạnh mẽ hút khách quốc tế, bảo đảm sự phát triển bền vững của du lịch.

Về ngắn hạn, Việt Nam cần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, mở rộng thị thực điện tử cho tất cả các nước, xem xét tăng số nước được miễn thị thực, tăng thời hạn lưu trú cho các thị trường trọng điểm. Đồng thời, thúc đẩy các chương trình văn hóa và ngôn ngữ để thu hẹp khoảng cách giữa du khách và người dân địa phương, đầu tư mạnh để quảng bá tại các hội chợ du lịch quốc tế nhằm thu hút các thị trường trọng điểm.

Về dài hạn, ông Nuno F. Ribeiro nhấn mạnh, Việt Nam nên đầu tư mạnh vào giao thông công cộng, nhất là các phương thức giao thông thân thiện với môi trường, tăng cường kết nối giữa các phương tiện vận tải; đầu tư mạnh vào đào tạo nâng cao ở các bậc trung học, đại học và sau đại học; phát triển các khu vực cụ thể cho du lịch và bảo vệ các khu vực khác khỏi hoạt động du lịch quá mức. Trong khi các quốc gia lân cận đang chứng kiến sự phục hồi ngoạn mục, thậm chí vượt qua cả ngưỡng trước đại dịch, Việt Nam cần có chương trình hành động cụ thể, khả thi nào để khơi thông các điểm nghẽn, phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng du lịch đất nước nhằm thu hút mạnh mẽ du khách quốc tế.

Việt Nam nên đầu tư mạnh vào giao thông công cộng

Việt Nam nên đầu tư mạnh vào giao thông công cộng

Còn TS Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch cho hay, nếu cởi mở chính sách visa song song quảng bá du lịch là thúc đẩy phát triển kinh tế, giúp doanh nghiệp du lịch, đặc biệt mang thêm ngoại tệ vào đất nước. Giải cứu du lịch quốc tế không chỉ là cứu các doanh nghiệp du lịch, hàng không, các nhà đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng sơ cấp và thứ cấp, mà còn mang lại nhiều cơ hội bán hàng và tăng thu nhập cho người nghèo bán rong, vắng khách tại các thành phố du lịch, cuộc sống họ khó khăn hơn nhiều.

Đánh giá về triển vọng phục hồi khách du lịch quốc tế, ông Hoàng Nhân Chính cho rằng, với tốc độ tăng trưởng của du khách quốc tế trong 3 tháng đầu năm, du lịch Việt Nam có thể tự tin vượt được 8 triệu khách trong năm 2023, thậm chí đạt từ 10-12 triệu lượt khách quốc tế.

“Đây là thời điểm để ngành du lịch cơ cấu lại thị trường khách. Chúng tôi tin ngành du lịch sẽ quay trở lại tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp không chỉ 9,25% vào GDP cả nước như năm 2019 mà còn cao hơn trong những năm tiếp theo”, ông Hoàng Nhân Chính khẳng định.

An Ngọc - Nguồn: ảnh Unsplash
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES