Gần 200.000 ca tử vong do Covid trên toàn thế giới

25/04/2020

Tính đến ngày 25/4, cả thế giới ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 đã lên đến gần 200.000 người với hơn 2,7 triệu người nhiễm. Số ca tử vong ở Mỹ tăng gấp đôi trong 10 ngày. Việt Nam chuẩn bị đón gần 10.000 người ở nước ngoài về nước.

Việt Nam ghi nhận 5 bệnh nhân dương tính trở lại với COVID-19

Chiều 24/4, Bộ Y tế công bố thêm 2 trường hợp mắc bệnh COVID-19, đều là du học sinh từ Nhật Bản về nước và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Như vậy, từ ngày 23/1/2020 đến nay, tại Việt Nam ghi nhận tổng cộng 270 ca mắc COVID-19.

bn-covid-1-

Về tình hình điều trị, theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, có 5 bệnh nhân dương tính trở lại sau khi được công bố khỏi bệnh. Các bệnh nhân này vẫn đang trong thời gian cách ly tập trung và theo dõi tại các bệnh viện nên không có tình trạng lây lan trong cộng đồng.

Việt Nam đưa 200 công dân từ Singapore về nước an toàn

Ngày 24/4, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore và Hãng hàng không Vietjet Air đã phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại đưa về nước an toàn hơn 200 công dân Việt Nam từ Singapore, bao gồm trẻ em dưới 18 tuổi, người ốm đau, người đang chữa bệnh tại Singapore và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn khác.

Ngay sau khi hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Cần Thơ, toàn bộ phi hành đoàn và hành khách đã được kiểm tra y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.

Việt Nam chuẩn bị đón gần 10.000 người ở nước ngoài về nước

300 người Việt ở Mỹ về TP.HCM ngày 27/4, hơn 9.000 người ở các nước khác lần lượt về trong thời gian tới, đều được đưa thẳng đến các khu cách ly tập trung theo dõi.

Chiều 24/4, trong cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội quý I, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở ngành chuẩn bị phương án cách ly 300 người về thành phố trong đợt đầu.

"Uớc tính khoảng 10.000 người Việt sẽ về. Sở Y tế liên hệ với Bộ Y tế, đại sứ quán các nước, nắm số người về TP.HCM trong từng khoảng thời gian. Chúng ta không được bị động khi đón con em về, hạn chế tối đa việc cách ly tại nơi cư trú", ông Phong nói.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hữu Hưng cho biết công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Hiện, thành phố có hơn 11.000 giường tại các khu các ly tập trung, nhiều nhất là ở ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM với 8.000 giường. Các cơ sở cách ly khác tại nhiều trường quân sự của thành phố có khoảng 2.000 giường.

Ngoài ra, Sở Y tế và Đại học Quốc gia cũng chuẩn bị thêm 7.000 giường trong khu ký túc xá. Nếu sinh viên quay trở lại học, thành phố vẫn có nơi cách ly tập trung.

Đông Nam Á: Singapore vẫn "nóng" nhất khu vực

Bộ Y tế Singapore ngày 24/4 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 897 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Như vậy, số người mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này là 12.075 người, trong đó có 12 người tử vong. Hầu hết các ca mắc COVID-19 mới là những người lao động nhập cư sống tại các ngôi nhà tập thể. Hiện đảo quốc với 5,7 triệu người dân này vẫn là nước có số người mắc COVID-19 cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Cũng trong 24 giờ qua, Indonesia đã ghi nhận thêm 436 trường hợp mắc COVID-19, mức cao nhất trong ngày kể từ khi trường hợp đầu tiên được phát hiện tại nước này, và 42 ca tử vong. Tính đến nay, nước này đã ghi nhận 8.211 người mắc COVID-19, trong đó có 689 người tử vong. Cùng ngày, số ca mắc Covid-19 mới tại Philippines, Malaysia và Thái Lan lần lượt là: 221 ca, 88 ca và 15 ca.

Philippines gia hạn lệnh phong tỏa

Ngày 24/4, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gia hạn lệnh phong tỏa tại thủ đô Manila và các tỉnh có nguy cơ cao trên đảo Luzon thêm 2 tuần cho đến ngày 15/5 tới. Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Chính phủ Philippines nêu rõ biện pháp này sẽ được mở rộng sang những khu vực bùng phát mạnh, nhưng sẽ được điều chỉnh với những vùng có nguy cơ thấp.

1920px-COVID-19_Community_Quarantine_Checkpoint_in_Cagayan

Trung Quốc phong tỏa thành phố Cáp Nhĩ Tân

Trung Quốc đã ra lệnh phong tỏa thành phố gần 11 triệu dân Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ của tỉnh Hắc Long Giang, do lo ngại làn sóng bùng phát dịch COVID-19 lần thứ hai. Đây là thành phố đông dân thứ 8 của Trung Quốc và là trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa và truyền thông quan trọng ở vùng Đông Bắc Trung Quốc. Với lệnh phong tỏa nêu trên, thành phố Cáp Nhĩ Tân cấm tất cả người nước ngoài đi vào khu vực dân cư.

Quyết định được đưa ra sau khi ngày 21/4, một bệnh nhân ở thành phố này đã lây nhiễm cho 78 người khác, trong đó 55 người đã được khẳng định và 23 người khác được xét nghiệm dương tính nhưng không có các biểu hiện nhiễm bệnh.

Ấn Độ cho phép mở lại cửa hàng không thiết yếu từ ngày 25/4

Trong một thông báo đêm 24/4, Bộ Nội vụ Ấn Độ chính thức cho phép các cửa hàng bán đồ không thiết yếu được mở cửa trở lại từ ngày 25/4.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Theo đó, các cửa hàng nhỏ và tiểu thương tại các khu chợ dân cư có thể hoạt động trở lại với 50% công suất, nhưng vẫn phải đảm bảo giãn cách xã hội và đeo khẩu trang. Siêu thị và trung tâm thương mại chưa được phép hoạt động. Chính sách mới này không áp dụng tại các "điểm nóng" dịch Covid-19.

Các hoạt động thương mại vẫn bị cấm. Động thái bất ngờ này được cho là bước chuẩn bị cho nền kinh tế Ấn Độ trở lại trạng thái bình thường sau thời điểm kết thúc phong tỏa toàn quốc lần 2 vào này 3/5 tới. Ngoài ra, cơ quan chức năng Ấn Độ cũng bày tỏ lạc quan trước khả năng nước này chặn được đà tăng của dịch bệnh Covid-19 vào ngày 3/5.

FDA khuyến cáo không sử dụng thuốc chữa sốt rét trong điều trị COVID-19

2020_0423-coronavirus-vaccine-1200x811

Ngày 24/4, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA) đưa ra khuyến cáo không nên sử dụng 2 loại thuốc chữa sốt rét là hydroxychloroquine và chloroquine trong điều trị các bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2. Theo FDA, các thuốc này có thể khiến tim đập bất thường một cách nguy hiểm. Nhịp tim có nguy cơ đập nhanh khi dùng kết hợp hai loại thuốc này với các thuốc khác như thuốc kháng sinh azithromycin cũng như ở những bệnh nhân có bệnh lý tim và thận.

Khuyến cáo được đưa ra sau khi thuốc hydroxychloroquine từng được Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi là "vũ khí" điều trị bệnh COVID-19.

IMF và WTO cảnh báo nguy cơ từ hạn chế xuất thiết bị y tế

Ngày 24/4, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) hối thúc các quốc gia không áp đặt các biện pháp hạn chế về xuất khẩu và các hoạt động thương mại khác trong bối cảnh thế giới đang đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tuyên bố khẳng định tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và sự chệch hướng cung cấp các sản phẩm thiết yếu có nguy cơ "kéo dài và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế hiện nay."

Anh chủ trì hội nghị thượng đỉnh vắc-xin toàn cầu trực tuyến

Hội nghị thượng đỉnh vắc-xin toàn cầu trực tuyến sắp tới sẽ diễn ra ngày 4/6 tới. Anh sẽ chủ trì Hội nghị này với mục đích nhằm đảm bảo thế giới cùng chung tay đáp ứng đủ các nguồn lực cần thiết cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển những vắc-xin mới, những phương pháp điều trị và chẩn đoán để thế giới có vượt qua đại dịch này.

Ngoài ra, Anh cũng sẽ cùng với Ủy ban Châu Âu tiến hành tổ chức hội nghị thượng đỉnh ứng phó đại dịch COVID-19 toàn cầu trực tuyến vào ngày 4/5. Anh hiện là một trong những nhà tài trợ lớn nhất trên thế giới cho các hoạt động đối phó đại dịch COVID-19 với khoản tiền cam kết tài trợ lên tới 744 triệu bảng Anh.

Bỉ lên kế hoạch về việc dỡ bỏ cách ly xã hội theo 3 giai đoạn

GettyImages-1207141701-1160x773

Ngày 24/4, Thủ tướng Bỉ Sophie Wilmès thông báo Hội đồng an ninh quốc gia Bỉ đã quyết định các biện pháp dỡ bỏ cách ly xã hội vào tháng 5 như mở lại trường học, cửa hàng, dịch vụ, mang khẩu trang bắt buộc tại một số nơi công cộng, dựa theo đề xuất của nhóm 10 chuyên gia về khoa học và kinh tế.

Phóng viên TTXVN tại Bỉ dẫn thông báo của chính phủ cho biết việc dỡ bỏ cách ly sẽ được thực hiện từng bước và dựa trên một số điều kiện như số người nhập viện vì virus phải trong tầm kiểm soát, tối đa 200 người/ngày, hay số ca xét nghiệp thực hiện phải đạt tối thiểu 25.000 ca/ngày.

Tây Ban Nha: số ca tử vong mới thấp nhất trong vòng hơn 1 tháng

Mặc dù quốc gia châu Âu này vẫn đứng thứ 2 trên thế giới về tổng số ca nhiễm và tử vong do COVID-19, nhưng trong ngày 24/4 vừa qua, Tây Ban Nha đã đón nhận tin mừng khi số ca tử vong mới giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 1 tháng qua (367 ca).

Trong khi đó, một tin vui khác cũng được xác nhận khi số bệnh nhân hồi phục lần đầu tiên vượt số ca nhiễm mới được ghi nhận kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại Tây Ban Nha.

Trước những thông tin tích cực nói trên, ông Fernando Simón, điều phối viên của Trung tâm Y tế Khẩn cấp thuộc Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết những nỗ lực của Tây Ban Nha đã bắt đầu có hiệu quả và đưa tình hình dịch bệnh tại nước này vào tầm kiểm soát.

Italy nới lỏng các biện pháp hạn chế trong 4 tuần tới

Ngày 24/4, Italy cho biết nước này sẽ nới lỏng dần các lệnh phong tỏa trong vòng 4 tuần tới. Tuy nhiên, tiến độ còn phụ thuộc vào mức độ lây nhiễm dịch bệnh. Nếu số ca mắc bệnh không tăng quá nhanh thì các nhà máy sản xuất trang thiết bị nông-lâm nghiệp có thể mở cửa trở lại vào ngày 27/4, trong khi các ngành may mặc và thời trang có thể hoạt động từ ngày 4/5.

Sau đó một tuần, các cửa hàng quần áo, giày dép và nhiều cửa hàng khác có thể mở cửa hoạt động và cuối cùng là các quán bar, nhà hàng và tiệm cắt tóc được phép mở cửa lại từ ngày 18/5. Các cơ sở mở cửa hoạt động trở lại đều phải tuân thủ những biện pháp vệ sinh nghiêm ngặt và tiếp tục giãn cách xã hội.

Séc gia hạn tình trạng khẩn cấp

Chính phủ Séc đã thông qua kế hoạch đề nghị Hạ viện nước này gia hạn tình trạng khẩn cấp quốc gia đến ngày 25/5. Bộ trưởng Nội vụ Séc - Jan Hamacek cho biết kế hoạch này sẽ được trình lên Quốc hội vào ngày 28/4 tới.

w1240-p16x9-2020-03-09t110140z_1172754309_rc2bgf9lxpz6_rtrmadp_3_health-coronavirus-italy

Tình trạng khẩn cấp hiện tại ở Séc theo kế hoạch sẽ có hiệu lực đến hết ngày 30/4, cho phép chính phủ áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại và đóng cửa các lĩnh vực không thiết yếu. Séc đến nay có 7.188 ca mắc bệnh COVID-19 và 213 ca tử vong.

Dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lây lan mạnh tại Nga, Ukraine và Đức

Nga cho biết, tính đến trưa 24/4, nước này ghi nhận thêm 5.849 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua tại 82 chủ thể liên bang, đưa tổng số người nhiễm lên 68.662 người. Nga cũng ghi nhận thêm 60 ca tử vong, đưa tổng số người tử vong tại đây lên 615 ca. Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số người nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đông nhất. Chỉ tính riêng trong 24 giờ qua, Moskva có 2.957 ca mắc mới.

Bộ Y tế Ukraine thông báo tính đến 9h sáng 24/4, nước này đã ghi nhận thêm 477 ca nhiễm mới, đưa tổng số người nhiễm lên 7.647 người. Cùng ngày, Trung tâm Y tế cộng đồng của Ukraine đã nhận được 1.460 thông báo về các trường hợp bệnh nghi ngờ.

Empty

Theo thông báo của Cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Đức, nước này ghi nhận thêm 2.337 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số người nhiễm lên 150.383, trong đó có 5.321 ca tử vong (tăng 227 ca). Phát biểu tại Hạ viện Đức ngày 23/4, Thủ tướng Angela Merkel cho biết những "kết quả tạm thời này rất mong manh" và chỉ trích một số địa phương đã quá "nóng vội" trong xử lý dịch bệnh, yêu cầu tất cả các địa phương phải tiếp tục cẩn trọng, cân nhắc kỹ để tránh nguy cơ khiến công sức chống dịch của chính phủ đổ bể.

Nga lập bệnh viện dã chiến

Ngày 23/4, một bệnh viện dã chiến với hơn 1.000 giường chuyên điều trị bệnh nhân mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở thành phố St. Petersburg được công bố sẽ đi vào hoạt động từ hôm nay 25/4.

Bệnh viện dã chiến này được xây dựng tại Trung tâm triển lãm Lenexpo ở St. Petersburg và đang trong công tác chuẩn bị cuối cùng. Bệnh viện này sẽ tập trung điều trị cho những bệnh nhân mắc COVID-19 nhẹ và những bệnh nhân không thể điều trị y tế tại nhà.

Số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ Vượt mốc 50.000 ca, tăng gấp đôi sau 10 ngày

Theo thông tin từ trang worldometer, tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Mỹ tính đến sáng nay đã lên tới 52.185 người, tăng gấp đôi trong 10 ngày qua, và ghi nhận 925.038 ca nhiễm Covid-19 trên toàn quốc.

Có những dấu hiệu lạc quan cho thấy đỉnh dịch đã qua ở New York, San Francisco hay Seattle. Nhưng một số nơi khác lại đang tăng vọt về số ca nhiễm, cho thấy cuộc chiến ở Mỹ vẫn còn dài, theo New York Times. Một số khu vực như Goldsboro, North Carolina, ghi nhận tỷ lệ ca nhiễm mới trên 1.000 dân cao hơn cả thành phố New York.

Untitled-15-1

Mỹ không tham gia sáng kiến chống dịch COVID-19 toàn cầu của WHO

Ngày 24/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ hỗ trợ phát động một sáng kiến toàn cầu nhằm chống lại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tuy nhiên, người phát ngôn của Phái đoàn thường trực Mỹ tại Liên Hợp Quốc khẳng định, Washington sẽ không tham gia sáng kiến nói trên của WHO. Quan chức trên cho biết Mỹ muốn tìm hiểu thêm về sáng kiến này để có thể ủng hộ quá trình hợp tác quốc tế một cách hợp lý.

Canada đầu tư 780 triệu USD để nghiên cứu vắcxin và điều trị COVID-19

HEALTH-CORONAVIRUS-CANADA

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 23/4, Thủ tướng Canada - Justin Trudeau cho biết Chính phủ nước này sẽ chi 1,1 tỷ CAD (780 triệu USD) để "tổng động viên" các chuyên gia nghiên cứu vắc-xin và tìm cách điều trị bệnh COVID-19. Khoản tiền này cũng được dành để hỗ trợ mở rộng xét nghiệm COVID-19 và tiến hành các thử nghiệm lâm sàng. Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 người Canada. Số ca nhiễm bệnh đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 14 ngày qua, lên hơn 42.000 người.

My Tống - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES