Là loài động vật đặc hữu của đảo Borneo (đảo rộng thứ ba thế giới, phân chia lãnh thổ ba nước Indonesia, Brunei, Malaysia), khỉ vòi hay khỉ mũi dài là một trong những loài linh trưởng kỳ lạ nhất thế giới. Chúng không sống tách biệt mà vui chơi cùng nhau thành một bầy đàn thường thấy trong các khu rừng nhiệt đới và rừng ngập mặn của đảo, bao gồm cả khu vực xung quanh sông Kawa Kawa ở Malaysia.
Khỉ mũi dài là một trong những loài khỉ lớn nhất châu Á. Con đực có cân nặng 16 – 35 kg, còn con cái nhỏ hơn con đực đáng kể. Điểm dễ nhận biết nhất ở loài khỉ này là chúng có chiếc mũi to dài, sệ xuống, đặc biệt ở con đực và có bộ lông màu nâu đỏ. Mũi của con đực lớn hơn con cái với 18 cm và được sử dụng để tạo ra những âm thanh kêu gọi lớn. Chiếc mũi dài chính là điểm giúp con đực thu hút bạn tình vào mùa sinh sản.
Bên cạnh ngoại hình đặc biệt, loài khỉ vòi còn có khả năng nhai lại thức ăn. Chúng sẽ nạp rất nhiều thức ăn vào bụng, sau đó lúc rảnh rỗi chúng sẽ thực hiện công việc nhai lại. Món ăn ưa thích của nó là lá cây, hoa và cả côn trùng.
Muốn tận mắt xem khỉ mũi dài nơi đây, du khách có thể di chuyển bằng thuyền trên dọc bờ sông Kawa Kawa, cách thành phố Kota Kinabalu khoảng 70 km. Để chụp ảnh những loài động vật từ trên cành cao, du khách phải chuẩn bị sẵn dàn máy với ống kính tiêu cự lớn.
Mỗi một đoạn sông khi phát hiện ra khỉ người lái thuyền sẽ giảm tốc độ và dừng lại sát bờ khoảng 15 phút để cho du khách ngắm nhìn, ghi lại khoảnh khắc. Lưu ý, du khách không được quá ồn ào vì sẽ khiến khỉ sợ chạy mất. Trên dọc bờ sông Kawa Kawa, ngoài khỉ mũi dài, du khách còn được tha hồ ngắm nhìn các loại động vật hoang dã khác.
Khỉ mũi dài là loài ăn tạp và ăn nhiều loại trái cây, lá, côn trùng và động vật nhỏ. Chúng là loài động vật xã hội và sống thành từng nhóm từ 10 đến 60 cá thể. Khỉ mũi dài được coi là loài nguy cấp do mất môi trường sống và săn bắn.
Hướng dẫn viên bản địa nơi đây cho hay, hiện nay, số lượng khỉ vòi đã bị sụt giảm nhiều, được xếp vào danh mục động vật nguy cấp trong sách đỏ. Tuy nhiên, trên dọc bờ sông Kawa Kawa, khỉ mũi dài và những loài thú khác sống tự nhiên ở cánh rừng ven sông đều không có sự tác động của con người.