Một chuyến du thuyền qua Singapore, Malaysia và Thái Lan

15/02/2023

Nếu không tự mình trải nghiệm, có lẽ tôi vẫn sẽ nghĩ đi du thuyền thật là một phương thức du lịch kiểu cách và xa xỉ. Sau một tuần lênh đênh dọc eo biển Malacca từ Singapore tới Malaysia rồi Thái Lan, tôi nhận ra vì sao "thú đi" này lại hấp dẫn đến thế.

Có lẽ vì điều kiện tăng lên, cả về mặt kinh tế của du khách và sự dễ dàng tiếp cận của các bên cung cấp dịch vụ, mà loại hình du lịch bằng du thuyền đang dần trở nên phổ biến hơn. Từ trước khi dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2020, số lượng các tour du thuyền xuyên quốc gia tại châu Á đã tăng lên đáng kể, đồng thời thu hút được không nhỏ lượt du khách tham gia. Khi tình hình kinh tế ổn định hơn sau các đợt giãn cách toàn cầu, loại hình du lịch tương đối xa xỉ này lại càng được hưởng ứng rộng rãi.

Mới khoảng nửa năm trước, khi cộng tác biên tập cho một đơn vị du lịch trong nước, tôi cũng đã có khoảng thời gian tìm hiểu và sản xuất một số bài viết liên quan đến các dòng du thuyền của Royal Caribbean - một tập đoàn tàu biển khá có tiếng đến từ Mỹ. Lúc ấy tôi không ngờ, chỉ nửa năm sau tôi đã có cơ hội tự mình tận hưởng trọn vẹn một chuyến hải trình của Royal Caribbean.

Vịnh Marina của Singapore.

Vịnh Marina của Singapore.

Maya Beach - bờ vịnh thiên đường của Thái Lan.

Maya Beach - bờ vịnh thiên đường của Thái Lan.

Tháp đôi Petronas biểu tượng của Malaysia.

Tháp đôi Petronas biểu tượng của Malaysia.

Một nhà thờ Hồi giáo tại Malaysia.

Một nhà thờ Hồi giáo tại Malaysia.

Tôi là một người hay đi, nhưng gia đình tôi thì không mấy mặn mà với việc du lịch dịp Tết: tôi chưa đi xa cùng người nhà lúc đầu xuân năm mới bao giờ. Vậy nên, chuyến du xuân năm nay quả thực đặc biệt. Chúng tôi xuất phát từ Nội Bài tới sân bay Changi của Singapore vào lúc 5h sáng ngày 25/1, tức mùng 3 Tết Quý Mão. Ngày đầu tiên, tôi cùng gia đình ghé qua Khu vườn bên vịnh, Đài quan sát Marina Bay, Công viên Sư tử biển và trải nghiệm hệ thống tàu điện ngầm MRT. Khi bạn đi du lịch cùng gia đình, nhất là khi gia đình có lũ trẻ đi cùng, thì những địa điểm “kinh điển” như vậy thực ra lại là sự lựa chọn an toàn. Chúng tôi nghỉ lại Singapore một đêm trước khi khởi hành tới bến cảng vào trưa ngày hôm sau để làm thủ tục lên tàu.

“Nhân vật chính” của cuộc du xuân có tên Spectrum of the Seas, một trong những thành viên mới nhất thuộc dòng Ultra Quantum của hãng Royal Caribbean. Con tàu khổng lồ, cao 16 tầng, được giới thiệu là một “toà lâu đài nguy nga giữa đại dương”. Đã là lâu đài thì không phải ai cũng vào được: chúng tôi trải qua quá trình “nhập cảnh” dài hơn một tiếng đồng hồ, với các bước kiểm tra kĩ lưỡng hơn cả thủ tục hải quan.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Du thuyền Spectrum of the Seas của hãng Royal Caribbean.

Du thuyền Spectrum of the Seas của hãng Royal Caribbean.

Một góc trên du thuyền.

Một góc trên du thuyền.

Theo lộ trình, tàu sẽ cập cảng mỗi ngày một lần, tại ba địa điểm khác nhau lần lượt ở Singapore, Malaysia và Thái Lan. Như vậy, đây là một loại hình nghỉ dưỡng khá thú vị, cho phép du khách vừa tận hưởng dịch vụ tàu biển vừa khám phá ba nước tiêu biểu về du lịch của Đông Nam Á. Nhưng tôi nghĩ, những du khách đã quá quen thuộc với những quốc gia này hoàn toàn có thể ở lại trên tàu suốt chặng đường mà vẫn thấy “đáng đồng tiền bát gạo”.

Chính thức ra mắt từ năm 2019 và là siêu du thuyền tiên phong của Royal Caribbean hướng tới thị trường châu Á, Spectrum of the Seas có sức chứa lên đến cả nghìn người. Chuyến vừa rồi tôi đi, anh chàng khổng lồ này mang trong mình hơn 4000 hành khách, chưa tính thuỷ thủ đoàn, nhân viên phục vụ và diễn viên biểu diễn. Ngoại trừ 4 tầng cabin, từ tầng 2 đến tầng 16 là tất cả những dịch vụ giải trí và chăm sóc thân-tâm-trí thịnh hành. Gia đình tôi tìm thấy ở đây nào là quán bar, rạp hát, casino, quán cafe, cửa hàng miễn thuế, nhà hàng ẩm thực Á - Âu,… Cùng với đó là những khu massage, tập yoga, bể bơi ngoài trời, khu vực lướt sóng, leo núi nhân tạo,… Mấy hôm đầu chưa quen, ai cũng đi lạc cả, bởi không gian vô cùng rộng và một điều khó là ở đây thì không có mạng. Chẳng ai trong chúng tôi mua gói wifi riêng trên tàu, vì giá lên đến 600.000 nghìn/ngày mà tốc độ kết nối chỉ tương đương mạng 2G. Hầu hết mọi người đều chia nhau tự khám phá, sử dụng ứng dụng Royal Caribbean đã được cài đặt trên điện thoại để cập nhật hải trình chi tiết và các chương trình sắp diễn ra.

Chương trình

Chương trình "Showgirl: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai", phần biểu diễn chủ đề Quá khứ.

Tiết mục uốn dẻo trong chương trình biểu diễn nghệ thuật

Tiết mục uốn dẻo trong chương trình biểu diễn nghệ thuật "Con đường tơ lụa".

Một trong những dịch vụ tôi thấy ấn tượng nhất là các chương trình biểu diễn nghệ thuật. Với nhiều chủ đề rất khơi gợi trí tò mò như “Con đường tơ lụa”, “Showgirl: Quá khứ - Hiện tại - Tương lai”, “Giao hưởng Bollywood”…, chúng mở ra một thế giới âm thanh và ánh sáng đáng kinh ngạc đến nỗi tôi thực lòng đã nghĩ mình đang ngồi tại nhà hát La Scala của Ý chứ không phải trên một con tàu lênh đênh giữa đại dương. Những show diễn này thường được tổ chức vào sau bữa tối, khi các du khách đã trở về tàu và có thời gian nghỉ ngơi sau một ngày khám phá trên đất liền.

Một điều khác mà tôi để ý thấy là hầu hết các du khách Việt Nam và Trung Quốc đều đi theo đoàn và có người dẫn tour. Ngược lại, các du khách đến từ châu Âu, Mỹ và Ấn Độ lại thường xuất hiện một mình hoặc cùng trẻ nhỏ. Sự khác biệt về văn hoá du lịch này được thể hiện rất rõ trong các bữa ăn chính, khi các dãy bàn lớn đặt giữa nhà hàng thường được ưu tiên cho các đoàn nhiều người, còn chỗ ngồi sát cửa sổ nhìn ra biển lại là lựa chọn của những hành khách du lịch độc hành.

Một phòng cabin trên tàu Spectrum of the Seas.

Một phòng cabin trên tàu Spectrum of the Seas.

Dãy hành lang ngoài trời dẫn đến khu vực leo núi nhân tạo.

Dãy hành lang ngoài trời dẫn đến khu vực leo núi nhân tạo.

Trò chơi indoor sky-diving trên tầng cao nhất của tàu.

Trò chơi indoor sky-diving trên tầng cao nhất của tàu.

Với mức giá dao động từ $300 - $1,000 cho một chuyến du hành bằng tàu biển trong một tuần, tôi có thể hiểu vì sao loại hình này được săn đón khá nồng nhiệt. Tôi đồng tình rằng đây là một trải nghiệm đáng giá, vì cho đến lúc về, cả gia đình tôi vẫn không có gì để chê về chất lượng dịch vụ trên tàu (ngoại trừ việc đồ ăn có lẽ không hợp khẩu vị của nhiều người Việt ta).

Đặc biệt ở cuối bài viết này, tôi xin thật lòng cảm ơn tất cả các nhân viên tàu đã phục vụ, hỗ trợ gia đình tôi trong suốt chuyến đi. Chưa một lần tôi phải phàn nàn về bất cứ điều gì trong thái độ phục vụ của họ - những con người thân thiện vô cùng đã làm bạn và khiến chuyến đi của tôi trở nên đặc biệt thú vị, những người mà ai cũng xứng đáng được tiếp xúc và trò chuyện một lần trong đời, nhất là vào một dịp đầu xuân năm mới tràn đầy hy vọng.

Nếu không tự mình trải nghiệm, có lẽ tôi vẫn sẽ nghĩ đi du thuyền thật là một phương thức du lịch kiểu cách và xa xỉ. Sau một tuần lênh đênh dọc eo biển Malacca từ Singapore tới Malaysia rồi Thái Lan, tôi nhận ra vì sao "thú đi" này lại hấp dẫn đến thế. Đây quả thực là một thành phố thu nhỏ trên biển. Không chỉ vì những kiến trúc hiện đại hay địa điểm vui chơi xa xỉ, mà vì mỗi một "người dân" sinh sống tại đây - những người hàng ngày làm việc trên biển và chỉ được xuống bờ mỗi năm một lần - đều có câu chuyện đang chờ bạn khám phá.

An
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES