Tân Cương, cái tên này bắt nguồn từ thời nhà Thanh, phiên âm tiếng Hán là Xinjiang có nghĩa là “Biên cương mới”, thể hiện cho sự mở rộng bờ cõi của nhà Thanh vào thời bấy giờ. Nằm ở phía tây bắc của Trung Quốc, có biên giới với Nga, Mông Cổ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ, Tân Cương là vùng đất tập hợp nhiều dân tộc khác nhau như Uyghur (Duy Ngô Nhĩ), Hán, Kazakh, Hồi, Kyrguz, Mông Cổ… nhưng tôn giáo chính được người dân nơi đây thờ phụng lại là đạo Hồi.
KASHGAR, ỐC ĐẢO NƠI HOANG MẠC
Hành trình của chúng tôi bắt đầu với những chuyến bay dài từ Hà Nội đến Kashgar, một trong những thành phố cổ nhất thế giới với hơn 2.000 năm tuổi, nằm ở phía tây nam của Tân Cương. Hơn 1.000 năm trước đây, Kashgar từng là một ốc đảo xinh đẹp trên con đường tơ lụa và đây cũng là thủ phủ của người Duy Ngô Nhĩ, là quê hương của nàng Hàm Hương.
Đến Kashgar, bạn không thể bỏ qua chợ gia súc được tổ chức vào ngày chủ nhật hằng tuần, nơi những người nông dân mang trâu, bò, cừu, dê… đến mua và bán theo cách truyền thống. Và đừng quên ghé phố cổ Kashgar, ngắm nhìn những kiến trúc cổ của người Duy Ngô Nhĩ, ăn thử một xiên thịt cừu nướng đậm vị Tân Cương, mua một chiếc bánh naan vừa mới ra lò, tham gia một buổi tiệc trà với những bản nhạc dân tộc sôi động, ngắm các cô gái Duy Ngô Nhĩ xoay tròn trong chiếc váy đỏ… Đi dọc theo những con phố trong thành cổ Kashgar, ngắm vết tích ngàn năm lưu lại trên những mái nhà, nhìn người dân bày bán những sản phẩm từ thảm, đồ gia dụng, gia vị, hay những đồ trang trí nhỏ làm từ đá…, có đôi lúc tôi cảm thấy ngàn năm qua đã trôi qua nhưng mọi thứ dường như vẫn nguyên thủa ban đầu.
Rời Kashgar, chúng tôi đi dọc con đường cao tốc Karakoram được ví như kỳ quan thứ 8 của thế giới đến Tashkurgan, thị trấn nhỏ nằm ở sát đường biên giới của Afghanistan và Tajikistan, cũng là nơi gần kề với biên giới của Kyrgyzstan và Pakistan. Thời điểm chúng tôi đi là đầu tháng 4, bắt đầu của mùa xuân nơi đây. Trên các đỉnh núi cao, tuyết vẫn phủ trắng xoá và hồ Karukal vẫn còn trong trạng thái nửa đóng băng, nước hồ trong phản chiếu bầu trời cao và xanh ngắt tạo ra một cảnh quan kỳ diệu. Dọc hai bên đường, những hàng hoa hạnh tung cánh trắng mỏng manh lẫn với những hàng cây bụi đâm chồi mới sau những ngày tuyết tan, thỉnh thoảng lại có một đàn bò yak hay cừu thơ thẩn gặm cỏ dưới những gốc cây. Thời tiết ở Kashgar đỏng đảnh như một cô nàng tuổi 17 - hôm qua còn nắng trong với trời xanh ngắt, hôm sau đã bão cát sa mạc, bụi cuốn mịt mù.
VẠN DẶM HOA HẠNH Ở Y LÊ, YINING
Trở về Kashgar để đáp chuyến bay tiếp theo, chúng tôi đến với Hạnh Hoa Câu ở Y Lê, Yining (tiếng Việt đọc là Y Ninh). Y Lê nằm ở lưu vực sông Y Lê (Ili) nằm ở phía bắc dãy Thiên Sơn, dân cư chủ yếu là người Duy Ngô Nhĩ và người Kazazh. Vào thời nhà Đường, con đường tơ lụa sau khi ra khỏi Đôn Hoàng, ngoài cách đi qua sa mạc Taklamakan còn có thể vòng qua lưu vực sông Y Lê để đến Ba Tư (thuộc Iran ngày nay). Y Lê cũng từng là cực tây Trung Quốc vào thời nhà Thanh.
Khác biệt với các vùng đất khác ở Tân Cương, nơi sỏi đá khô cằn, Yining được bồi đắp bởi phù sa của dòng sông Y Lê, với những cách đồng xanh mướt trải dài, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và chăn nuôi gia súc. Hạnh Hoa Câu ở Y Lê, Yining, là một thung lũng hoa mơ, được các thanh niên Trung Quốc trồng trong thời kỳ Cách mạng Văn hoá và là một điểm du lịch nổi tiếng trong 10 năm gần đây. Thật đáng tiếc là do thời tiết quá nóng nên năm nay hoa nở sớm hơn dự kiến của tôi, khi đến Hạnh Hoa Câu thì các đồi hoa đã bước vào trạng thái hoa tàn. Nhưng có một điểm may mắn là nhờ sự giúp đỡ của bác tài xế nhiệt tình, chúng tôi đã tìm được một tiểu Hạnh Hoa Câu gần đó.
Đồi hoa hạnh mà chúng tôi tìm được rất ít khách du lịch biết tới nên cả đội đã khá vất vả khi tìm đường lên đồi. Nhưng công sức chúng tôi bỏ ra đã được bù đắp vô cùng xứng đáng. Khi ngồi dưới một gốc hạnh đại thụ đang nở trắng xoá và nhìn xuống phía dưới thung lũng, tôi tưởng mình đang đứng giữa rừng đào của Chiết Nhan trong tiểu thuyết “Tam sinh tam thế, thập lý đào hoa” của tác giả Đường Thất Công Tử. Hoa hạnh ở Yining khá đặc biệt, lúc mới nở thì có màu hồng phớt sau đó dần chuyển sang màu trắng nên những cây hoa hồng phớt với trắng đan xen nhau tạo ra một khung cảnh như chốn bồng lai.
Cách thành phố Yining hơn 120 km là hồ Sayram (trong tiếng Kazakhstan, Sayram có nghĩa là “phước lành”). Theo quan niệm của người địa phương, hồ này là biểu tượng cho tình yêu, là nước mắt của đôi trai gái bị chia cắt, là viên ngọc lung linh nằm dưới chân những ngọn núi tuyết bạc đầu. Kiến trúc khu du lịch được xây dựng ở gần hồ chịu ảnh hưởng của văn hoá Nga và Kazakhstan nên trông như một ngôi làng nhỏ của châu Âu, toàn bộ khu du lịch được dựng bằng gỗ thông với mùi gỗ thơm lừng.
Tân Cương là một trong 5 khu tự trị của Trung Quốc, khác với Tây Tạng - bạn phải có giấy phép và phải thông qua một công ty du lịch, hầu hết các điểm du lịch ở Tân Cương cho phép khách du lịch nước ngoài chỉ cần visa và đi du lịch tự do, nhưng bạn sẽ thường xuyên bị cảnh sát kiểm tra hộ chiếu cũng như các thông tin cá nhân, lịch trình. Trong một ngày hành trình, bạn có thể phải vào đồn cảnh sát đến 3-4 lần và khá tốn thời gian để hoàn thành các thủ tục, nhưng đồn cảnh sát ở Sayram để lại cho tôi nhiều ấn tượng đẹp nhất trong hành trình về sự thân thiện và mến khách vượt qua những rào cản về ngôn ngữ.
THIÊN ĐƯỜNG ẨN GIẤU Ở KANAS
Rời phía đông của Tân Cương, chúng tôi tiếp tục hành trình tiến lên phía bắc để đến Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kanas và làng Hemu (Hòa Mộc). Nhắc đến Kanas là liên tưởng đến hồ Kanas, một hồ nước có hình như trăng lưỡi liềm nằm dọc trong thung lũng được bao bọc bởi dãy Altay. Sau khi băng tan, hồ có màu nước xanh như ngọc, là hồ nước ngọt sâu nhất Trung Quốc và được hình thành từ hơn 200.000 năm trước. Kanas trong tiếng Mông Cổ là “vẻ đẹp bí ẩn”, có cái tên như vậy vì hồ thường xuyên có sương giăng che kín mặt hồ. Từ Vịnh Mặt Trăng, bạn có thể nhìn ngắm dòng sông băng Kanas uốn lượn chảy qua những rừng dương như dải lụa xanh ngọc bích vắt mình qua dãy núi.
Nằm sâu trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kanas là làng Hemu, một trong những ngôi làng đẹp nhất Trung Quốc. Làng Hemu nằm sâu và biệt lập với các khu vực khác, giống như thiên đường bị ẩn giấu. Chúng tôi đến làng khi tuyết đã tan gần hết, không phải mùa cao điểm nên lượng khách du lịch khá vắng vẻ, điều đó giúp giữ được nét thanh bình của ngôi làng.
Dành một buổi sáng ngồi nhâm nhi cà phê ở ngôi nhà gỗ cạnh con suối chảy róc rách, mọi thứ đều lắng đọng lại sau một hành trình dài. Buổi chiều, chúng tôi đi bộ lên đài quan sát ngắm nhìn hoàng hôn buông xuống và khói bếp bốc lên từ những ngôi nhà. Những ngôi nhà ở Hemu hoàn toàn được làm bằng gỗ, từ mái nhà, tường cho đến nhưng chiếc đinh cũng bằng gỗ. Đặc biệt, tường nhà là những khúc gỗ có đường kính 30 hoặc 40 cm xếp chồng lên nhau làm cho ngôi nhà vừa ấm áp vừa chống ẩm. Cửa vào nhà luôn đặt ở phía đông. Khi cất một ngôi nhà mới, gia chủ đặt lên dầm nhà một miếng rèm trắng sẽ để cầu chúc bình an - đây cũng là nét văn hoá đặc trưng của người Tuvas, dân cư chính của làng Hemu.
Vào thời gian này, tuyết tuy đã tan gần hết nên chúng tôi thật may mắn khi được ngắm làng Hoà Mộc trong tuyết trắng như xứ sở cổ tích. Những bông hoa vàng nở dọc sườn đồi báo hiệu một mùa xuân đã về và hành trình của chúng tôi cũng gần đến ngày kết thúc.
Nếu đã đến Tân Cương, bạn hãy dành một ngày ở Urumqi. Buổi sáng là thời gian thích hợp để ghé thăm bazaar, nơi bán những đặc sản địa phương nổi tiếng như táo đỏ và nho. Nhờ vị trí địa lý nằm xa biển, cũng như chất đất và cách canh tác đặc biệt nên táo đỏ và nho của Tân Cương có vị ngọt cũng như chất lượng nổi bật. Ở Tân Cương, khi táo và nho chín, chúng được giữ nguyên trên cây cho tới khi gió sa mạc hong khô, người ta sẽ rung gốc cho táo rụng xuống và thu hoạch - đó cũng là một điều đặc biệt khiến cho chất lượng của táo đỏ Tân Cương hơn hẳn các khu vực khác.
Hãy dành nửa ngày còn lại để đi thăm quan bảo tàng Urumqi, nơi tái hiện lịch sử, văn hoá, của vùng đất đặc sắc này. Và đừng quên ghé tầng hai của bảo tàng để thăm khu vực xác ướp, nơi trưng bày hàng trăm xác ướp được khai quật ở khu vực Tân Cương, đặc biệt là xác ướp nổi tiếng “Người đẹp Lâu Lan”, cùng với một loạt các xác ướp khác được khai quật tại khu vực Tân Cương.
Tân Cương là nơi bạn không nên bỏ lỡ, dù bạn là người yêu thiên nhiên hay văn hoá, hãy đến đây ít nhất một lần trong đời, để thấy được sự đa dạng và khác biệt so với các vùng đất khác của Trung Quốc.
THÔNG TIN THÊM
Visa: Trung Quốc đang cấp visa loại phổ thông có thời hạn 3 tháng cho phép nhập cảnh 1 lần hoặc nhiều lần với thời gian lưu trú từ 15-30 ngày/lần. Nếu hành trình của bạn dài hơn, hãy lựa chọn loại visa có hạn 6 tháng hoặc 1 năm, không hạn chế số lần nhập cảnh.
Hành trình: Từ Việt Nam đến Urumqi, thủ phủ của Tân Cương không có đường bay thẳng mà thường phải nối chuyến tại một thành phố khác của Trung Quốc. Chúng tôi chọn dịch vụ của hãng China Southern Airline với đường bay đi từ Hà Nội đến Kashgar và trở lại từ Urumqi về Hà Nội; đặt vé nội địa qua các trang web của Trung Quốc như http://www.chinatraveldepot.com (có hỗ trợ tiếng Anh), http://www.qnuar.cn (chỉ có tiếng Trung Quốc) hoặc qua Wechat.
Thời điểm: Nếu bạn thích ngắm tuyết và hoa hạnh thì bạn nên đi vào cuối tháng 3, đầu tháng 4. Bạn có thể đến Tân Cương vào mùa hè để ngắm hoa oải hương nhưng mùa thu mới là mùa đẹp nhất của Tân cương. Mùa hè và mùa thu là mùa cao điểm du lịch ở Tân Cương nên giá du lịch cũng đắt gấp rưỡi các mùa khác.
Phương tiện di chuyển: Ngoại trừ bay nội địa từ Kashgar lên Yining thì chúng tôi thuê xe toàn hành trình. Bạn có thể sử dụng tàu để di chuyển từ Urumqi đi Kashgar hay Yining; và giữa Kashgar với Yining.
Ẩm thực: Khu vực Kashgar theo đạo Hồi nên chủ yếu ăn cừu và bánh naan, tuy nhiên, bạn vẫn dễ dàng tìm được một nhà hàng Trung Quốc ở Tân Cương. Bạn cũng có thể mang các đồ ăn khô từ Việt Nam đi nhưng lưu ý về quy định mang thực phẩm khi nhập cảnh theo các giai đoạn khác nhau.
Trang phục: Do nhiệt độ ở Tân Cương chênh nhau tới 20oC giữa ngày vào đêm nên mặc theo nhiều lớp để thuận tiện điều chỉnh với chênh lệch nhiệt độ.
Tiền tệ: Tân Cương sử dụng nhân dân tệ với tỷ giá 3.400 đồng/tệ. Lưu ý chỉ mang nhân dân tệ, hoặc các loại thẻ visa hay mastercard, không mang đô la Mỹ vì rất khó đổi tiền ở Trung Quốc.
Những lưu ý khác:
- Các khu vực khác ở Tân Cương thì bạn chỉ cần visa Trung Quốc là có thể thăm qua được, riêng Taskgurgan thì phải có giấy phép riêng. Đối với khu vực này, bạn buộc phải liên hệ qua các công ty tour để xin giấy phép. Khu vực này cũng có độ cao tầm trên 3.000 m, nên một số người sẽ có biểu hiện sốc độ cao nhẹ.
- Không phải tất cả các khách sạn ở Tân Cương đều cho phép người nước ngoài cư trú, nên bạn phải tìm hiểu đầy đủ thông tin trước khi đặt phòng.
- Sân bay Urumqi ở Tân Cương không cho phép hành khách ngủ qua đêm tại sân bay, nhưng các hãng hàng không đều có hỗ trợ khách sạn và phương tiện di chuyển từ sân bay về khách sạn cho các hành khách có chuyến bay đến sau 1 giờ đêm và sẽ bay luôn vào sáng cùng ngày. Bạn có thể đăng ký trước với hãng hàng không hoặc cầm boarding pass đăng ký tại sân bay sau khi máy bay hạ cánh để nhận sự hỗ trợ.
Chi phí chuyến đi: Chi phí trung bình cho một ngày ở Tân Cương (không kể vé máy bay) là 1.000.000 đồng/người. Tổng chi phí chuyến đi 15 ngày là 34.000.000 đồng.