Galette Des Rois - Pháp
“King’s Cake” là tên gọi bằng tiếng Anh của chiếc bánh này. Theo truyền thống của người Pháp, chiếc bánh ngọt này được ăn sau Giáng sing hay trong tuần đầu tiên của tháng giêng. Chiếc bánh thường có một hình nộm em bé nhỏ (được cho là đại diện cho Chúa lúc bé) làm bằng nhựa được giấu bên trong chiếc bánh. Người nào ăn phải miếng bánh có chứa bức tượng trên sẽ nhận được nhiều quyền lợi và đi kèm với đó là cả nghĩa vụ nữa. Tại Pháp, bánh thường bán kèm thêm một chiếc vương miện bằng giấy để nếu người nào tìm thấy hình nộm, người đó sẽ đội vương miệng và trở thành vua hoặc nữ hoàng của buổi tiệc.
Galette Des Rois được làm bằng bột bánh mì khô rắc chút đường. Loại bánh này khá phổ biến và bạn sẽ không quá khó khăn để tìm thấy nó tại các cửa hàng bánh hoặc tiệm cà-phê ở Pháp.
Black Forest Cherry Cake - Đức
Loại bánh ngọt này có nguồn gốc từ phía Đông Nam nước Đức, khu vực Rừng Đen (Schwarzwälder). Khu rừng này có rất nhiều cây anh đào. Theo một tục lệ từ xưa, khi mỗi đôi trai gái cưới nhau, họ đến đây và trồng một cây anh đào, cũng chính vì câu chuyện đó mà Rừng Đen trở thành một địa điểm thu hút nhiều khách du lịch ở Đức. Từ hình ảnh khu rừng đen thăm thẳm với những cây anh đào chín mọng, những người thợ làm bánh đã truyền tải câu chuyện vào bột mì và trứng để biến chúng thành chiếc bánh truyền thống nổi tiếng của Đức như ngày nay.
Nguyên liệu đặc trưng của bánh là rượu anh đào (Kirsch), màu đen của bánh tượng trưng cho khu rừng đen. Black Forest Cherry gồm nhiều lớp bánh sô-cô-la cách nhau bởi một lớp quả cherry và kem, ngoài ra còn có sôcôla vụn và một vài quả anh đào trang trí giúp cho chiếc bánh thêm hấp dẫn. Người Đức quả thật rất tinh tế khi đã truyền tải nhiều ý nghĩa vào chiếc bánh Black Forest Cherry.
Mochi - Nhật Bản
Mochi là món bánh truyền thống của Nhật Bản được làm bằng bột gạo, thường được chuẩn bị vào đêm giao thừa. Tuy nhiên, người ta không chỉ ăn Mochi vào đêm giao thừa. Mochi khá phổ biến cũng bởi vì nguyên liệu của nó là bột gạo - loại bột dễ dàng mua được ở bất cứ đâu và kết hợp được với nhiều thành phần khác.
Người Nhật cúng bánh Mochi vào các ngày Tết, Tết Trung Thu… để cầu nguyện cho sự trường thọ. Vào những ngày truyền thống, người Nhật cột bánh Mochi trên thanh tre dài và nướng trong đống lửa. Họ tin rằng ăn bánh Mochi nướng tại lễ Dondo-yaki sẽ mang lại sức khỏe suốt cả năm. Bánh Mochi cũng có mặt trong lễ dựng nhà mới Choto-shiki của người Nhật.
Pavlova - New Zealand & Australia
Được đặt theo tên của vũ công ba lê nổi tiếng người Nga – Anna Pavlova, chiếc bánh ngọt này được tạo ra trong chuyến thăm New Zealand của nữ vũ công. Nhắc tới Pavlova, lập tức người ta nghĩ đến đặc trưng nổi bật của nó - chiếc bánh không làm từ bột mì hay các nguyên liệu ngũ cốc.
Pavola đơn thuần là làm từ lòng trắng trứng đánh bông với đường (hỗn hợp này còn được gọi là meringue), không có cốt bánh bông lan như những loại bánh kem khác. Điều đặc biệt, nhân của Pavlova chính là marshmallow bông xốp ngọt ngào và được bao phủ bởi rất nhiều loại trái cây khác nhau như dâu tây, chanh dây, việt quất… Cũng có người ví những chiếc bánh này như là “Thiên đường trái cây”. Những thành phần này đã tạo nên một chiếc bánh độc nhất vô nhị trên thế giới mà không có một quốc gia nào có được.
Tres Leches Cake - Mexico
Tres Leches Cake không chỉ là chiếc bánh truyền thống của Mexico mà nó đã trở thành một loại bánh phổ biến ở khắp Nam Mỹ. Tres Leches Cake được ngâm trong ba loại sữa (chính vì thế Tres Leches Cake còn có một tên gọi khác là Three Milks Cake). Sau khi ngâm, sữa trong bánh sẽ bốc hơi và trở nên cô đặc. Lớp kem trang trí phía trên cùng của bánh thường được đánh bằng kem hoặc từ lòng trắng trứng đánh bông với đường. Sự kết hợp giữa các nguyên liệu này khiến cho chiếc bánh có sự mềm, xốp và có vị hơi béo của lòng trắng trứng.