Thêm 2 ca khỏi, 96% ca mắc COVID-19 ở Việt Nam đã bình phục
Sáng 10/6, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thông báo trong ngày có thêm 2 trường hợp mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh là các BN290, BN319. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 332 trường hợp mắc bệnh Covid-19; trong đó có 319 trường hợp đã được điều trị khỏi (chiếm tỷ lệ 96%), còn 9 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, chưa có trường hợp nào tử vong.
Bên cạnh đó, bệnh nhân 91 - nam phi công người Anh đang điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy - tiếp tục có thêm những chuyển biến tích cực, đáng kinh ngạc. Bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, vận động cải thiện nhiều, tay có thể thực hiện được các động tác tinh tế như bấm bàn phím và ngồi dậy; phổi đã phục hồi dần, chỉ cần oxy nồng độ thấp. Tính đến nay, bệnh nhân 91 đã trải qua 84 ngày điều trị và đã được ngưng ECMO từ sáng ngày 3/6.
Thêm 2 bộ Kit test COVID-19 của Việt Nam được lưu hành ở châu Âu
Chiều 5/6, Việt Nam chính thức công bố thêm hai bộ kit phát hiện virus SARS-CoV-2 được cấp phép lưu hành rộng rãi tại châu Âu và có mặt trong danh sách sử dụng trong trường hợp khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đó có bộ kit test nhanh chỉ trong 30 phút. Đó là hai bộ kit: One-step RT-PCR COVID-19 kit Thai Duong và RT-Lamp Covid-19 Kit Thai Duong do Công ty cổ phần Sao Thái Dương phối hợp sản xuất.
Đây là thành công từ đề tài nghiên cứu chế tạo kit chẩn đoán SARS-CoV-2 của hai nhóm các nhà khoa học tại Việt Nam đến từ Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm Y tế và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Việt Nam nối lại đường bay với điểm đến 30 ngày không có ca nhiễm
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 sáng 9/6, Thủ tướng đã bàn về việc mở lại các chuyến bay thương mại quốc tế và giao Ban chỉ đạo công bố các vùng an toàn để mở lại các đường bay tới các địa bàn mà trong 30 ngày qua không phát hiện trường hợp mắc Covid-19.
Không chỉ vậy, đối với doanh nhân người Việt Nam, học sinh, sinh viên, người già… có nhu cầu về nước mà chưa về được, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao đưa ra các tiêu chí cụ thể, mở kênh đăng ký cho người dân, kể cả các chuyên gia Việt Nam và nước ngoài.
Thái Lan chuẩn bị các bước để tái khởi động ngành du lịch
Chính phủ Thái Lan đang cân nhắc nới lỏng những hạn chế nhập cảnh đối với khách nước ngoài, có thể là trong quý III hoặc quý IV/2020, với ưu tiên dành cho những người đến từ các khu vực không còn dịch Covid-19.
Truyền thông sở tại ngày 9/6 dẫn lời Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak cho biết, việc nới lỏng hạn chế đối với du khách đến Thái Lan là bước đi đầu tiên để tái khởi động ngành du lịch, nhưng chính phủ phải thận trọng trong việc sàng lọc du khách và áp dụng một hệ thống truy vết hiệu quả nhằm giảm bớt rủi ro về làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới trở lại ngưỡng 50
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết tính đến sáng ngày 10/6, Hàn Quốc có 50 ca nhiễm mới được phát hiện (43 ca lây nhiễm trong cộng đồng), tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn quốc đã được nâng lên thành 11.902 người.
Theo KCDC, số ca nhiễm mới thời gian gần đây chủ yếu liên quan tới hoạt động tôn giáo, các trung tâm thể thao, giải trí... ở khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận. KCDC nhận định các ca lây nhiễm có xu hướng phát sinh tại những nơi khó thực hiện quy tắc phòng dịch như những phòng trọ diện tích hẹp, công trường quy mô nhỏ hay chợ phiên sớm...
Ấn Độ vượt Italy trở thành vùng dịch lớn thứ 6 thế giới
Ấn Độ ghi nhận tổng số ca nhiễm Covid-19 của nước này đã vượt Italy, quốc gia từng là tâm dịch châu Âu. Cụ thể, theo số liệu do Bộ Y tế và phúc lợi gia đình Ấn Độ công bố nước này tiếp tục ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay với 9.887 ca trong trong ngày 6/6. Tính đến sáng 10/6, tổng số người nhiễm trên toàn quốc đã lên đến 275.413 người, trong đó có 7.719 trường hợp tử vong.
Với những con số trên thì hiện Ấn Độ đứng thứ 6 thế giới về số ca mắc bệnh, chỉ đứng sau Mỹ, Brazil, Nga, Tây Ban Nha và Anh. Dù đã áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nghiêm ngặt hơn 2 hai tháng qua, số ca mắc Covid-19 tại Ấn Độ vẫn đang gia tăng và dịch chưa có dấu hiệu đạt đỉnh. Hiện Ấn Độ đang từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế và cho phép nối lại nhiều hoạt động xã hội
Italy và Tây Ban Nha kêu gọi EU mở cửa biên giới đồng bộ
Ngày 6/6, Thủ tướng Italy - Giuseppe Conte và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã gửi thư tới Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen, trong đó đề xuất các nước thành viên Liên minh Châu Âu (EU) cùng phối hợp mở lại biên giới, khởi động lại ngành du lịch vốn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19.
Thủ tướng Pedro Sanchez cho rằng: “Việc loại bỏ các hạn chế về biên giới tại EU phải được thực hiện trên nguyên tắc phối hợp, dựa trên các tiêu chí chung và minh bạch.” Hai nhà lãnh đạo cũng muốn loại bỏ ý tưởng rằng vẫn còn một số quốc gia “bị ảnh hưởng” bởi dịch bệnh và minh chứng người dân châu Âu giờ có thể đi du lịch an toàn tại Italy và Tây Ban Nha.
Đội ngũ y tế Tây Ban Nha giành giải thưởng danh giá
Các nhân viên chăm sóc sức khỏe của Tây Ban Nha đã giành được giải thưởng uy tín Princess of Asturias (Công chúa xứ Asturias), được xem như giải Nobel của cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha.
Hội đồng chấm giải đã ca ngợi “tinh thần hy sinh” của đội ngũ nhân viên y tế nước này trên tuyến đầu chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, đưa họ trở thành biểu tượng trong cuộc chiến chống dịch bệnh ở Tây Ban Nha, một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch này.
Đức gia hạn cảnh báo đi lại với hơn 160 nước
Ngày 9/6, Đức đưa tin chính phủ nước này có kế hoạch gia hạn cảnh báo đi lại đối với hơn 160 quốc gia ngoài khu vực Liên minh Châu Âu (EU) cho đến ngày 31/8 tới do lo ngại nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Kế hoạch trên đã nhận được sự nhất trí từ Bộ Ngoại giao và Bộ Nội vụ nước này. Tuy nhiên, Chính phủ Đức cũng sẽ xem xét và dỡ bảo cảnh báo đi lại sớm hơn đối với một số quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở mức thấp.
Trước đó, hôm 3/6, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas thông báo Chính phủ Đức sẽ dỡ bỏ cảnh báo đi lại đối với các nước thành viên EU cùng với Anh, Iceland, Na Uy, Lichtenstein và Thụy Sĩ từ ngày 15/6 trong thời gian các nước này không áp đặt cấm nhập cảnh hoặc phong tỏa trên diện rộng.
Pháp mở cửa Tháp Eiffel
Ngày 9/6, công ty vận hành Tháp Eiffel, một trong những địa điểm hút khách du lịch nhất ở thủ đô Paris (Pháp) cho biết sẽ mở cửa trở lại với công chúng từ ngày 25/6 tới. Địa điểm này đã đóng cửa suốt khoảng 3 tháng qua vì các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Đây là đợt đóng cửa lâu nhất của Tháp Eiffel kể từ Chiến tranh thế giới thứ II.
Theo kế hoạch, sau khi mở cửa trở lại, địa điểm này ban đầu sẽ chỉ tiếp nhận một số lượng khách thăm quan hạn chế và yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang với mọi du khách từ 11 tuổi trở lên.
Anh cách ly bắt buộc người nhập cảnh
Kể từ ngày 8/6, Chính phủ Anh yêu cầu hầu hết người nhập cảnh nước này phải tự cách ly trong 2 tuần để phòng dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Quy định trên được áp dụng đối với cả công dân Anh và người nước ngoài nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ hai từ nước ngoài.
Tuy nhiên, ngành hàng không và khách sạn không ủng hộ quy định cách ly này vì sẽ mất gần hết cơ hội kinh doanh trong mùa hè này. Trong một tuyên bố chung, 3 hãng hàng không British Airways, EasyJet và Ryanair cho rằng bước đi này của hính phủ "không phù hợp và không công bằng đối với công dân Anh cũng như du khách nước ngoài nhập cảnh Anh.”
Nga có kế hoạch khai trương mùa du lịch từ đầu tháng 7
Ngày 8/6, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã tuyên bố chuẩn bị khai trương mùa du lịch ở nước này. Ông nhấn mạnh dù thiệt hại do đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, du lịch vẫn là một trong những ngành có triển vọng nhất của nền kinh tế Nga. Ông cho rằng du lịch có tiềm năng cao và trong điều hiện hiện nay đóng một vai trò chiến lược trong kinh tế Nga.
Phó Thủ tướng Dmitry Chernyshenko, phụ trách việc phát triển du lịch, cho biết Nga có kế hoạch khai trương mùa du lịch từ ngày 1/7 giữa các địa phương với nhau. Dự kiến, trong những tuần tới, các khách sạn sẽ mở cửa tại khoảng 50% số địa phương, trong khi chính quyền có kế hoạch hỗ trợ cho những người làm việc hợp pháp, phục vụ du khách trong khu vực tư nhân.
New York mở lại hoạt động một phần sau 2 tháng rưỡi phong tỏa
Ngày 8/6, thành phố New York đã chính thức mở cửa lại một phần hoạt động sau đúng 100 ngày kể từ khi ca dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên được phát hiện tại đây. Khoảng 400.000 người lao động được trở lại làm việc tại 32.000 công trường xây dựng, chưa kể các công ty sản xuất và các cửa hàng bán lẻ.
Thành phố New York đã có không khí nhộn nhịp bình thường như thời điểm trước khi dịch xảy ra. Chỉ có điều New York giờ đây sẽ phải thích nghi với những điều hoàn toàn mới: các cửa hàng, các cơ quan làm việc đều dự trữ rất nhiều khẩu trang và găng tay. Thành phố New York là khu vực cuối cùng của bang được mở lại hoạt động sau khi đáp ứng 7 tiêu chí do thống đốc Andrew Cuomo quy định. Một số khu vực khác của bang New York đã bước sang giai đoạn 2 trong lộ trình mở cửa lại hoạt động.
Cuba tuyên bố kiểm soát thành công đại dịch COVID-19
Chủ tịch Miguel Díaz-Canel Bermúdez tuyên bố dịch bệnh Covid-19 hiện “nằm trong tầm kiểm soát” của Cuba, sau hơn một tuần không ghi nhận thêm bất cứ ca tử vong nào.
Nhà lãnh đạo Cuba khẳng định kết quả trên là thành quả của chính sách triển khai quyết liệt và tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng ngừa và giãn cách xã hội, những nỗ lực của đội ngũ y, bác sỹ, cùng các nhà khoa học - những người đã có các công trình nghiên cứu kịp thời giúp giảm tỷ lệ tử vong do virus SARS-CoV-2.