Nga và Brazil thành tâm dịch mới, Việt Nam có 0 ca nhiễm mới

09/05/2020

Thế giới ghi nhận gần 276.000 người chết vì Covid-19 trong hơn 4 triệu ca nhiễm giữa lúc hoạt động kinh tế xã hội dần khôi phục ở nhiều nước. Nga và Brazil thành tâm dịch mới. Việt Nam hiện có 0 ca mới, 23 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Việt Nam 0 ca mới, 23 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng

Theo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, trong 12 giờ qua Việt Nam không có ca nhiễm mới. Tổng số ca nhiễm cả nước vẫn là 288, trong đó 148 ca nhiễm nhập cảnh. Tính đến 6h ngày 9/5, đã 23 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Empty

Trong ngày 8/5, Việt Nam có thêm 8 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh và ra viện. Tổng số ca khỏi bệnh hiện là 241, chiếm 84% tổng số bệnh nhân. Hiện còn 47 bệnh nhân đang điều trị tại 6 cơ sở y tế. Đa số các bệnh nhân đều có sức khoẻ ổn định.

Đưa hơn 340 công dân Việt Nam từ Mỹ về nước an toàn

Trong các ngày 7-8/5, các cơ quan chức năng Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ, hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam và các cơ quan chức năng Hoa Kỳ đã phối hợp chặt chẽ thực hiện chuyến bay chở hơn 340 công dân Việt Nam từ sân bay San Francisco về nước an toàn.

Hành khách trên chuyến bay đến từ nhiều bang ở Hoa Kỳ, bao gồm nhiều trẻ em dưới 18 tuổi (trong đó có trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi), du học sinh không có nơi lưu trú do ký túc xá đóng cửa, người cao tuổi, người có bệnh nền và các trường hợp đặc biệt khó khăn khác. Ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Vân Đồn, những người tham gia chuyến bay đã được giám sát y tế và cách ly tập trung theo đúng quy định.

Thời gian tới, các chuyến bay đưa công dân về nước sẽ tiếp tục được thực hiện trên cơ sở diễn biến dịch bệnh trong nước và quốc tế, nguyện vọng về nước của công dân và năng lực cách ly tại các địa phương.

Châu Âu tiếp tục hạn chế nhập cảnh thêm 30 ngày

Ngày 8/5, Ủy ban Châu Âu (EC) cho biết khối ủng hộ việc tiếp tục hạn chế nhập cảnh trong 30 ngày nữa, tức đến giữa tháng 6, trong khuôn khổ áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, dù gây thiệt hại lớn cho thương mại và du lịch.

Tây Ban Nha, vùng dịch lớn nhất châu Âu, ghi nhận thêm 229 người chết do Covid-19, nâng tổng số lên 26.299, xếp thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Anh và Ý. Số ca nhiễm tăng 3.262 ca, nâng tổng số lên 260.117. Chính quyền tiếp tục nới lỏng hạn chế với khoảng một nửa dân số 47 triệu người, cho phép quán bar, nhà hàng và cơ sở tôn giáo ở một số khu vực hoạt động trở lại, tụ tập gia đình, bạn bè 10 người trở xuống và đi lại trong tỉnh từ 11/5. Nhưng hai thành phố lớn nhất Madrid và Barcelona không được nới lỏng.

Từ tuần này Ý bắt đầu nới lệnh phong tỏa được áp đặt từ hồi tháng 3

Từ tuần này Ý bắt đầu nới lệnh phong tỏa được áp đặt từ hồi tháng 3

Ý ghi nhận thêm 1.327 ca nhiễm và 243 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 217.185 và 30.201. Cả hai chỉ số đều giảm so với một ngày trước đó. Từ tuần này, Ý bắt đầu nới lệnh phong tỏa được áp đặt từ hồi tháng 3. Người dân được phép đi lại trong vùng để thăm người thân, nhưng phải đeo khẩu trang. Trường học và nhiều hoạt động kinh doanh khác vẫn phải đóng cửa. Các hoạt động tôn giáo và đám cưới chưa được khôi phục.

Chính phủ Anh cảnh báo sẽ không có những thay đổi đáng kể trong lệnh phong tỏa toàn quốc trong tuần tới. Anh hiện là vùng dịch lớn thứ tư thế giới với 211.364 ca nhiễm, tăng 4.649 ca, nhưng là vùng dịch chết chóc thứ hai thế giới với 31.241 ca tử vong, tăng 626 so với hôm trước.

Pháp xác nhận thêm 1.288 ca nhiễm và 243 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 176.079 và 26.230. Pháp dự kiến nới lệnh phong tỏa toàn quốc kéo dài gần 8 tuần từ ngày 11/5.

Đức ghi nhận thêm 1.158 ca nhiễm, nâng tổng số lên 170.588, trong đó 7.510 người chết, tăng 118 ca. Tỷ lệ tử vong tại nước này thấp hơn nhiều so với các quốc gia châu Âu khác. Dù vậy, tại Đức, chỉ vài ngày sau khi công bố kế hoạch mở cửa dần nền kinh tế, chính quyền một số địa phương cho biết sẽ áp đặt lại những biện pháp phong tỏa sau khi xuất hiện ổ dịch mới.

Ngày thứ 6 liên tiếp Nga tăng hơn 10.000 ca bệnh trong 24 giờ

Nga đang nổi lên như một điểm nóng mới của đại dịch khi ngày 8/5, nước này ghi nhận hơn 10.000 ca bệnh Covid-19 mới. Đây cũng là ngày thứ 6 số ca bệnh tăng thêm theo ngày tại Nga có mức hơn 10.000 ca.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Một tranh cổ động người dân hãy ở nhà tại thủ đô Moskva

Một tranh cổ động người dân hãy ở nhà tại thủ đô Moskva

Theo AFP, thống kê của chính phủ Nga cho biết nước này tăng thêm 10.669 ca bệnh trong 24 giờ, nâng tổng số ca bệnh đã xác định của Nga lên 187.859 ca. Cũng đã có thêm 98 người chết, nâng tổng số ca tử vong lên 1.723. Thủ đô Moskva, tâm dịch của nước Nga, ghi nhận thêm 51 ca tử vong, nâng tổng số người chết ở đây lên 951. Thị trưởng Moskva Sergei Sobyanin gia hạn lệnh phong tỏa thành phố tới ngày 31/5. Người dân Moskva cũng được yêu cầu đeo khẩu trang, găng tay ở tất cả các địa điểm và phương tiện giao thông công cộng từ ngày 12/5.

Mặc dù một số quan chức Nga đang xem xét việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch hiện nay song WHO cảnh báo Nga đang trải qua tình huống "dịch bệnh bị trì hoãn".

Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới

Đến ngày 8/5, Mỹ có tổng cộng 1.320.272 ca nhiễm, tăng 27.649 ca so với hôm trước và thêm 1.604 người chết, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 78.532.

www.usnews.com

Mỹ có thể tăng 200.000 ca mắc Covid-19 mới một ngày vào tháng 6, gấp nhiều lần mức khoảng 25.000 ca/ngày hiện nay, số ca tử vong cũng có thể tăng gấp đôi, lên khoảng 3.000 trường hợp/ngày. Con số này dựa trên mô hình lấy dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Tình huống Khẩn cấp Liên bang (FEMA).

Dự báo được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc giục các bang mở cửa trở lại nền kinh tế. Các con số cũng nhấn mạnh thực tế nghiêm trọng rằng những rủi ro đáng kể từ dịch bệnh vẫn tồn tại.

Brazil ghi nhận mức kỷ lục 751 người chết một ngày

Ngày 8/5, quốc gia bị ảnh hưởng dịch Covid-19 nặng nề nhất tại Nam Mỹ thông báo đã ghi nhận số người chết theo ngày tăng lên mức kỷ lục với 751 người chết. Theo đó, tổng số người chết vì Covid-19 tại Brazil đã lên 9.897 người.

Với 10.222 ca mắc mới tăng thêm trong 24 giờ qua, Brazil hiện có tổng cộng 145.328 ca mắc Covid-19. Hơn 20 quan chức chính quyền Tổng thống Jair Bolsonaro đã dương tính với SARS-CoV-2. Nhưng ngay cả như vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng những số liệu này chưa phản ánh đúng thực trạng dịch bệnh ở Brazil.

Paraguay lo ngại nguy cơ lây nhiễm từ Brazil

Tại Paraguay, Tổng thống Mario Abdo đã bày tỏ quan ngại về sự lây lan nhanh chóng của virus SARS-CoV-2 tại Brazil, đồng thời cho rằng, đây là "mối đe dọa lớn" đối với nước này. Trong thông báo, Tổng thống Mario Abdo cho biết đã điều động thêm nhân lực, kể cả huy động quân đội, đến những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên tuyến biên giới với Brazil.

Empty

Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Paraguay Julio Mazzoleni tuyên bố ông cũng lo ngại về khả năng lây lan virus SARS-CoV-2 từ người Paraguay trở về từ Brazil, những người chủ yếu là trong độ tuổi thanh niên và không có triệu chứng bệnh rõ ràng. Ông Mazzoleni cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiểm soát tốt các khu vực biên giới.

Theo dữ liệu của Bộ Y tế Paraguay, hơn một nửa trong số 563 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Paraguay là những người nhập cảnh từ Brazil. Hầu hết những người mắc Covid-19 ở Paraguay bị cách ly trong các nhà tạm trú do quân đội quản lý.

Peru gia hạn lệnh cách ly xã hội

Ngày 8/5, Tổng thống Peru Martín Vizcarra Martin Vizcarra tuyên bố sẽ gia hạn lệnh cách ly xã hội nhằm chống dịch Covid-19 cho đến ngày 24/5, do các ca nhiễm bệnh tại nước này vẫn gia tăng trong thời gian qua.

Đây là lần thứ tư quốc gia Nam Mỹ kéo dài lệnh cách ly xã hội bắt buộc, nơi có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 cao thứ hai ở Mỹ Latin, chỉ sau Brazil. Theo các dữ liệu chính thức ngày 7/5, Peru ghi nhận 58.526 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 1.627 trường hợp tử vong.

Thế giới đang thiếu trầm trọng vật tư y tế để xét nghiệm virus SARS-CoV-2

Phát biểu với báo giới ngày 8/5, người đứng đầu Phòng thí nghiệm y tế của Liên hợp quốc, ông Giovanni Cattoli, cho biết: "Một vài phòng thí nghiệm ở nhiều khu vực trên thế giới không có các thiết bị cần thiết. Họ không có các thuốc thử và quy trình cần thiết để chẩn đoán nhanh virus SARS-CoV-2."

Empty

Ông Giovanni Cattoli cho biết, các loại thuốc thử hóa học để tiến hành xét nghiệm virus đang thiếu trầm trọng do nhu cầu gia tăng ở khắp nơi trên thế giới. Ngay cả phòng thí nghiệm của LHQ cũng đang phải gấp rút đặt mua thuốc thử và tìm kiếm những lựa chọn thay thế thuốc thử.

Phòng thí nghiệm của LHQ do Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO) và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) phối hợp điều hành. Ông Cattoli cho biết, đến nay, 119 quốc gia thành viên đã đề nghị IAEA tài trợ gói thiết bị thử nghiệm để cung cấp cho hơn 200 phòng thí nghiệm. Trong số đó, 18 phòng thí nghiệm đã nhận được nguồn cung ứng. Chi phí cho mỗi gói thiết bị thử nghiệm - hơn 100.000 euro (108.000 USD) - do IAEA chi trả.

Những quốc gia nhận được thiết bị thử nghiệm là Bosnia - Herzegovina, Burkina Faso, Iran, Kenya, Latvia, Liban, Lesotho, Malaysia, Montenegro, Morocco, Nigeria, Bắc Macedonia, Peru, Philippines, Senegal, Sri Lanka, Thái Lan và Togo.

Dịch bệnh lây lan nhanh tại Ai Cập

Truyền thông nhà nước Ai Cập đưa tin, số ca nhiễm Covid-19 ở nước này tiếp tục tăng mạnh khi ghi nhận thêm 495 ca nhiễm mới và 21 trường hợp tử vong bất chấp nhiều biện pháp ngăn chặn, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Ai Cập lên 8.476 trường hợp và 503 ca tử vong. Bên cạnh đó, cũng đã có thêm 58 người khỏi bệnh và được ra viện, nâng tổng số bệnh nhân mắc Covid-19 bình phục lên 1.945 người.

Ai Cập đang hướng tới những nỗ lực nhằm mở cửa nền kinh tế sau tháng lễ Ramadan

Ai Cập đang hướng tới những nỗ lực nhằm mở cửa nền kinh tế sau tháng lễ Ramadan

Theo người phát ngôn nội các Nader Saad, Ai Cập sẽ phải cùng chung sống với Covid-19 bắt đầu từ tháng 6 tới khi quốc gia Bắc Phi tiếp tục hướng tới những nỗ lực nhằm mở cửa nền kinh tế sau tháng lễ Ramadan. Chính phủ Ai Cập đang hy vọng có thể “bắt đầu một giai đoạn mới” vào ngày 1/6, đồng thời sẽ xem xét và đánh giá các biện pháp hạn chế liên quan đến dịch bệnh này trước kỳ nghỉ lễ Eid Al-Fitr, bắt đầu vào ngày 23/5 tới.

Iran mở cửa lại các nhà thờ Hồi giáo

Iran vẫn là vùng dịch lớn nhất với 104.691 ca nhiễm, tăng 1.556 ca trong vòng 24 giờ. Nước này cũng ghi nhận thêm 55 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì Covid-19 lên 6.541.

Lần đầu tiên trong hơn hai tháng, các buổi lễ cầu nguyện ngày 8/5 đã được tổ chức tại nhiều tỉnh nhưng chưa được tại thủ đô Tehran. Iran hiện mới chỉ mở cửa lại các nhà thờ Hồi giáo tại một số vùng được cho là có nguy cơ thấp, sau khi thông qua kế hoạch nối lại hoạt động của doanh nghiệp theo giai đoạn từ hôm 11/4.

Đông Nam Á vẫn ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới tăng cao

Đông Nam Á ghi nhận thêm 1.300 người nhiễm và 24 người chết do Covid-19, nâng tổng số của toàn khu vực lên lần lượt hơn 55.000 và 1.800. Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 21.707 ca nhiễm và 20 ca tử vong. Indonesia đứng thứ hai về số ca nhiễm nhưng đứng đầu khu vực về số ca tử vong, lần lượt là 13.112 và 943. Philippines là vùng dịch lớn thứ ba, ghi nhận 10.463 người nhiễm Covid-19 và 696 trường hợp tử vong.

Người dân xếp hàng tại siêu thị ở Manila, Philippines

Người dân xếp hàng tại siêu thị ở Manila, Philippines

Tại Malaysia, ngày 8/5, đã ghi nhận thêm 68 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh trên toàn quốc lên thành 6.535. Malaysia cũng cho biết không ghi nhận thêm ca tử vong mới nào trong 2 ngày liên tiếp và tổng số ca tử vong vẫn ở mức 107.

Trong khi đó, tại Thái Lan, tổng số ca mắc Covid-19 tính đến chiều 8/5 đã tăng lên 3.000 sau khi có thêm 8 ca nhiễm mới. Trong 24 giờ qua, nước này không ghi nhận thêm ca tử vong mới nào và tổng số ca tử vong vẫn là 55.

Hà Lê - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES