Hướng đi nào khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế?

01/04/2021

Việt Nam cần chuẩn bị sẵn sàng và có lộ trình để mở cửa đón khách du lịch quốc tế, tránh chậm chân vì nhiều quốc gia đã đi trước một bước. Trong đó, hộ chiếu vaccine không phải là điều kiện duy nhất.

CHẬM MỘT BƯỚC

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã có những giải pháp để mở cửa du lịch như Indonesia đã chọn Bali để nghiên cứu mô hình mở cửa đón khách quốc tế, Thái Lan đã chọn Phuket để có thể hồi phục ngành du lịch vào tháng 7 tới đây. Quan trọng hơn, khi vaccine ngừa Covid-19 được tiêm đại trà, những quốc gia này, vốn là đối thủ của du lịch Việt Nam, đã sẵn sàng mở cửa đón khách. Điều này có nghĩa cơ hội của du lịch Việt Nam sẽ giảm và không biết khi nào ngành du lịch nước ta mới đuổi kịp, bởi việc chuẩn bị cũng mất ít nhất vài ba tháng.

Hiện nay, Việt Nam cũng đang triển khai tiêm vaccine Covid-19

Hiện nay, Việt Nam cũng đang triển khai tiêm vaccine Covid-19

Trong khi đó, nếu chỉ phục hồi du lịch nội địa thì khó có thể phục hồi hoàn toàn ngành du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp du lịch, khách sạn... vốn chịu đòn đau từ cú giáng Covid-19. Hơn nữa, doanh thu từ khách quốc tế lên tới 18,3 tỷ USD, trong khi lượng khách chỉ chiếm 1/5; còn doanh thu từ 85 triệu khách nội địa chỉ 14,5 tỷ. Một khách quốc tế đến Việt Nam chi trung bình trên dưới 1.000 USD, còn khách Việt chỉ chi 170 USD, nếu mở cửa đón khách quốc tế nguồn thu sẽ tăng lên đáng kể.

Có một thực tế là, không thể phục hồi được du lịch quốc tế nếu chưa phục hồi du lịch nội địa. Vì thế, xét về thứ tự ưu tiên, khách du lịch quốc tế xếp sau. Song, Việt Nam cần sớm chuẩn bị. Singapore, dù chưa mở cửa đón khách, nhưng đã lên các phương án và lộ trình chi tiết chuẩn bị đón khách từ tháng 12 năm ngoái, khi cần có thể triển khai ngay.

HỘ CHIẾU VACCINE KHÔNG PHẢI LÀ CÁCH DUY NHẤT

Hiện nay, Việt Nam cũng đang triển khai tiêm vaccine đến trên 37.000 người. Đó là cơ sở để Việt Nam bắt đầu nghiên cứu lộ trình mở cửa với khách du lịch quốc tế với "hộ chiếu vaccine". Việc áp dụng "hộ chiếu vaccine" cũng như sự hợp tác giữa các nước sẽ tạo thuận lợi cho đi lại công dân, giúp hồi phục kinh tế và chủ trương này đang nhận được sự đồng thuận lớn. Đây có thể là giải pháp để thu hút khách nước ngoài vào Việt Nam, giúp ngành du lịch vượt khó khăn vì du khách có thể đến mà không phải cách ly.

Theo Công ty Tư vấn Quản lý Toàn Cầu McKinsey & Company, dù đã tạo được những "luồng gió mát" nhờ du lịch trong nước, Việt Nam vẫn sẽ phải phụ thuộc vào các thị trường quốc tế, với tổng mức chi tiêu lên đến 12 tỷ USD. Thế nhưng mở cửa bầu trời hay đón khách du lịch quốc tế cần được thực hiện như thế nào để đảm bảo vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế? Chúng ta có thể học được gì các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia?

Đại diện Tổng cục Du lịch cho rằng để mở cửa đón khách quốc tế bằng “hộ chiếu vaccine”, cần phải có mô hình thí điểm, trong đó lựa chọn loại hình du lịch ít tiếp xúc, doanh nghiệp tham gia có năng lực đảm bảo an toàn cho du khách lẫn cộng đồng. Hơn nữa, mỗi quốc gia có phương án mở cửa khác nhau dựa theo đặc thù hạ tầng, điều kiện sẵn có. Ở Việt Nam, lộ trình mở cửa sẽ theo cách thức thí điểm từng bước, không mở cửa ồ ạt. Việc mở cửa cũng sẽ được chọn loại hình du lịch, ưu tiên du lịch ít tiếp xúc.

Hiện nay, Tổng cục đã nhận được đề xuất từ đại sứ Hàn Quốc về mô hình tour du lịch cách ly kết hợp chăm sóc sức khỏe, chơi golf.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

"Hộ chiếu vaccine" sẽ tạo thuận lợi cho du lịch và giúp hồi phục kinh tế

Ngoài ra, quá trình mở cửa cũng sẽ lựa chọn doanh nghiệp tham gia có tiềm lực, đủ năng lực thực hiện quy trình an toàn và xử lý khi có sự cố. Ngoài ra, phải có đồng thuận với địa phương, chuẩn bị cơ sở hạ tầng - phối hợp với Bộ Y tế để triển khai thẻ thông hành (travel pass).

Đại diện Tổng cục Du lịch cũng cho rằng nhiều người nghe nói "hộ chiếu vaccine" sẽ nghĩ ngay họ phải thêm thủ tục. Tuy nhiên, cần hiểu "hộ chiếu vaccine" là thẻ thông hành, để quản lý quản lý sức khoẻ của người xuất nhập cảnh, đủ kiện để du khách chứng minh đảm bảo sức khoẻ, không mang mầm bệnh lây nhiễm.

SẼ MỞ CỬA DU LỊCH TỪ QUÝ 3?

Theo ông Tô Việt Thắng - phó tổng giám đốc Vietjet Air, đây là thời điểm hàng không và lữ hành phải cùng nhau bàn giải pháp đưa khách quốc tế trở lại Việt Nam an toàn, kịp lúc. Thị trường đón khách phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch tốt nhất, được Chính phủ đồng ý, có thỏa thuận hai chiều trong đưa và đón khách.

Còn bà Trần Thị Nguyện, đại diện lãnh đạo Tập đoàn Sun Group, cho biết ngành du lịch đang sống nhờ vào du lịch nội địa và thị trường này vẫn còn rất nhiều dư địa để khai thác. Tuy vậy, mảng khách quốc tế vẫn rất quan trọng khi hơn 50% doanh thu đến từ nhóm khách này. Nếu Việt Nam không khởi động sớm sẽ bỏ qua cơ hội để đón khách.

Theo bà Nguyện, Phú Quốc là địa điểm "hoàn hảo" để thí điểm mở cửa du lịch quốc tế, sau đó có thể từng bước mở cửa với những địa phương có thành tích chống dịch tốt khác. Đặc biệt, đây cũng là cơ hội để Phú Quốc mở thêm thị trường khách Nga với những “vị khách có mức chi tiêu cao, thích nắng ấm, không di chuyển nhiều và thời gian lưu trú dài ngày.”

"Một trong những lý do Phuket hay Bali hấp dẫn du khách là chính sách miễn thị thực visa. Do đó, cùng với xây dựng lộ trình mở cửa an toàn, Việt Nam cũng cần nghiên cứu chính sách visa" - bà Nguyện đề xuất.

Phú Quốc là địa điểm

Phú Quốc là địa điểm "hoàn hảo" để thí điểm mở cửa du lịch quốc tế

Ông Soo-Youn Cho, giám đốc điều hành GAON travel, cho biết nhu cầu của người Hàn Quốc du lịch đến Việt Nam hiện rất lớn. "Chúng tôi vẫn đang duy trì mỗi tuần một chuyến bay từ Hàn Quốc đến Việt Nam cho các chuyên gia, cũng như vận chuyển hàng hóa. Nếu Việt Nam có một lộ trình mở cửa bầu trời, chắc chắn khách Hàn Quốc đến Phú Quốc sẽ tăng nhanh", ông Soo-Youn Cho nói và cho biết Việt Nam cần phải xem xét hình thức du lịch phù hợp sau dịch.

Trước đây, người Hàn Quốc muốn du lịch ngắn hạn khoảng 3 ngày. Tuy nhiên, các tour du lịch sẽ phải kéo dài ngày hơn, sẽ có các đoàn khách lớn và đoàn khách mang tính riêng tư cao, đến các khu nghỉ dưỡng của Việt Nam để chơi golf, tập trung nghỉ dưỡng hơn là khám phá.

Ông Phan Văn Nghiệp, phó chủ tịch UBND TP. Phú Quốc, cho biết mới đây địa phương cũng nhận được đề nghị từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ về việc có sẵn sàng đón khách nhà giàu từ Ấn Độ hay không. Hiện khách nhà giàu Ấn Độ rất bức bối, họ muốn đi du lịch và chọn điểm đến Phú Quốc, đó là nhu cầu rất thực tế.

"Chúng tôi sẵn sàng đón khách, nhưng chưa hình dung sẽ thực hiện như thế nào. Dù theo cách thức nào, các tour du lịch quốc tế sẽ được tổ chức theo cách thức khép kín. Việc mở cửa cũng sẽ đặt câu hỏi: Khách du lịch đến sẽ sử dụng dịch vụ gì, khép kín như thế nào. Hiện Phú Quốc đang đón khoảng 18.000 lượt khách nội địa mỗi ngày. Việc đón khách quốc tế cũng cần tính toán đến làm sao đảm bảo an toàn của du khách trong nước", ông Nghiệp bày tỏ.

Qua đó, có thể thấy, dù vẫn còn những rủi ro nhất định, “hộ chiếu vaccine” là một giải pháp để mở cửa đón du khách quốc tế trở lại Việt Nam một cách có kiểm soát, với điểm đến được lựa chọn thí điểm một cách phù hợp.

Hà Lê - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES