Khám phá Chiang Mai - đoá hồng phương Bắc của Thái Lan

19/06/2019

Nguyễn Hải Vinh là một photographer đang sống và làm việc ở Sài Gòn. Hải Vinh vừa có chuyến khám phá và trải nghiệm thành phố Chiang Mai, Thái Lan trong thời gian 4 ngày 3 đêm. Dưới đây là một số kinh nghiệm mà Hải Vinh muốn chia sẻ để giúp bạn đọc Travellive+ có một chuyến du lịch Chiang Mai trọn vẹn nhất.

Thời điểm để du lịch Chiang Mai

Chiang Mai cũng có mùa du lịch cao điểm và thấp điểm. Mùa cao điểm bắt đầu từ tháng 11 cho tới tháng 4 năm sau, thời điểm này có lễ hội Loy Krathong nổi tiếng và thời tiết mát mẻ, thậm chí se lạnh vào tháng 1, 2 nên rất đông du khách ghé thăm. Mùa thấp điểm thường từ tháng 5 tới tháng 10 do rơi vào mùa mưa.

Hào nước bao quanh khu Old City ở Chiang Mai

Hào nước bao quanh khu Old City ở Chiang Mai

Vinh đi vào tháng 6 - thời điểm bắt đầu mùa mưa, khi ở Chiang Mai cũng dính mưa mất hai ngày. Thời tiết ban ngày rất nắng và nóng, nhiệt độ khoảng 34-35 độ C, từ 7h sáng cho tới 5h chiều, không khí oi bức. Tuy nhiên, Chiang Mai có rất nhiều cây xanh và quanh khu vực thành cổ Old City có hào nước bao bọc nên cũng hạn chế phần nào sự oi bức này.

Di chuyển

Từ Sài Gòn bạn có thể bay trực tiếp đến Chiang Mai chỉ mất khoảng 2-3 tiếng, qua hãng hàng không Vietjet Air, tuy nhiên không phải ngày nào cũng có chuyến bay. Thời gian bay cũng rất hợp lí cho du khách. Giá vé thì tuỳ thời điểm, lúc Vinh đặt thì khoảng 3,4 triệu cho cặp vé khứ hồi.

Trên máy bay, tiếp viên sẽ phát cho mọi người phiếu điền thông tin xuất nhập cảnh của Thái Lan, chỗ nào chưa hiểu rõ thì bạn cứ hỏi tiếp viên họ sẽ hướng dẫn chi tiết.

Sau khi hạ cánh, mình đi theo bảng hướng dẫn của sân bay tới khu vực quản lý xuất nhập cảnh, xếp hàng theo thứ tự từng người một, mỗi người cầm trên tay passport và phiếu thông tin đã khai trước đó trên máy bay, ai trên máy bay chưa ghi thì ở đây đứng ghi cũng được, có một bạn nhân viên người Thái sẽ kiểm tra trước và hỗ trợ du khách.

Một góc sân bay Chiang Mai

Một góc sân bay Chiang Mai

Thủ tục nhập cảnh rất đơn giản, bạn sẽ được quét vân tay bốn ngón là bốn ngón trái, bốn ngón phải và sau cùng là hai ngón trỏ, mất chừng 1-3 phút cho việc này. Xong xuôi thì cầm hộ chiếu ra khu vực lấy hành lý - trước khi ra tới cổng bạn sẽ phải cho hành lý qua máy soi chiếu an ninh một lần nữa.

Sử dụng sim du lịch Thái Lan như thế nào?

Sim 4G rất tiện lợi cho việc tìm kiếm thông tin, sử dụng Google Map (rất nhiều), giữ liên lạc với gia đình, bạn bè và cả book Grab nữa. Có nhiều nhà mạng của Thái cung cấp dịch vụ này, còn Vinh đã mua từ trước ở Việt Nam với sim 4G của True Move, được sử dụng trong vòng 7 ngày kể từ ngày kích hoạt, có 3GB 4G tốc độ cao và 100 bath để gọi điện ở Thái.

Sim du lịch Thái Lan của nhà mạng True Move

Sim du lịch Thái Lan của nhà mạng True Move

Sim Vinh sử dụng đã được kích hoạt trước đó, sau khi tới Chiang Mai chỉ việc lắp sim vào điện thoại và bật chế độ Dữ liệu di động là dùng được luôn.

Ngoài ra, ngay tại khu vực lấy hành lý ở sân bay có một quầy bán sim của hãng True Move, bạn có thể mua sim tại đây và nhân viên sẽ kích hoạt giúp bạn. Bạn cũng có thể nhờ họ hỗ trợ, nhân viên ở đây đều rất thân thiện.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Taxi sân bay về trung tâm thành phố

Trung tâm Chiang Mai được hiểu là khu vực nằm trọn trong Old City, sẽ có rất nhiều người cầm bảng taxi để mời bạn lên xe. Vinh bỏ qua chỗ này và đi thẳng ra phía ngoài cổng, vừa may có một anh taxi mới trả khách xong, nhóm mình lên xe luôn và chốt giá 150 bath từ sân bay về khách sạn, quãng đường chỉ tầm 4-5 km. Đây dường như là giá chung rồi nên mình không trả giá, ngày về Vinh cũng đi taxi với giá này ở chiều ngược lại ra sân bay.

Song Thaew, phương tiện di chuyển rất phổ biến ở Chiang Mai

Song Thaew, phương tiện di chuyển rất phổ biến ở Chiang Mai

Ngoài taxi thì có Song Thaew (Vinh đọc là Song Thẻo), tuk tuk và bus từ sân bay về trung tâm thành phố, nhưng Vinh chưa thử nên cũng không rõ về chi phí.

Đặt khách sạn ở Chiang Mai

Chiang Mai có vô số hotel, hostel, resort, homestay… xinh xắn để các bạn lựa chọn. Tập trung đông đảo nhất vẫn là vòng quanh khu Old City, khu vực này thuận tiện cho việc khám phá, ăn uống, giải trí về đêm nhưng cũng sẽ đông đúc, ồn ào hơn. Vinh thì chọn nơi nghỉ chân khác cách thành cổ chừng 10 phút đi bộ - một Boutiuqe Hotel rất đẹp và yên bình trên con đường Wualai, nơi yên tĩnh và ít du khách hơn hẳn.

Tên khách sạn là Wualai Sabaidee, mình đặt trên Booking, tiêu chuẩn tầm 3 sao nhưng chắc chắn sẽ khiến bạn ngạc nhiên vì nó quá đẹp, sạch sẽ, với những căn phòng cổ kính kiểu xưa xưa, hai anh chủ khách sạn và các bạn nhân viên thì vô cùng chuyên nghiệp.

Khách sạn Wualai Sabaidee

Khách sạn Wualai Sabaidee

Các bạn đừng ngại hỏi thêm thông tin từ các chủ nhà, họ sẽ mang đến cho bạn rất nhiều bất ngờ mà bạn có search hết Google cũng không có. Tại đây, giá phòng sẽ không bao gồm ăn sáng, chỉ có một ít bánh ngọt để ăn nhẹ và cafe, nước cam buổi sáng.

Có nên thuê xe máy tự lái không?

Như Vinh có nhắc ở trên, phương tiện công cộng ở Chiang Mai đủ để đưa bạn đi bất kì đâu ở trong cũng như ngoài thành phố, gồm có: taxi, Song Thaew, tuk tuk, xe của công ty du lịch… Tuy nhiên, với bản chất thích khám phá và trải nghiệm cái mới nên Vinh chọn xe máy làm phương tiện chính trong những ngày ở đây.

Trải nghiệm tự đổ xăng ở Chiang Mai

Trải nghiệm tự đổ xăng ở Chiang Mai

Sướng một cái là kế bên khách sạn có luôn chỗ thuê xe, 200 bath/ngày cho xe nhỏ, thường là xe tay ga, 250 bath/ngày cho xe lớn hơn. Vinh thuê xe nhỏ hai ngày hết 400 bath, thủ tục rất đơn giản, chỉ cần điền thông tin cá nhân và hộ chiếu vào hợp đồng thuê xe, bên cho thuê sẽ giữ passport của bạn và khi trả xe nhận lại passport. Xăng lúc bạn nhận xe ở mức nào thì khi trả xe bạn cũng trả lại ở mức ấy, nhân viên sẽ đổ tạm cho bạn một ít xăng đủ để chạy tới cây xăng gần nhất, yên tâm quanh khu Old City có rất nhiều cây xăng, giá cũng tương đương ở Việt Nam. Vinh chỉ đổ một lần duy nhất hết 80 bath là đủ chạy dư dả cho hai ngày.

Cần lưu ý, giao thông đường bộ ở Chiang Mai và cả Thái Lan nói chung ngược lại với Việt Nam, các phương tiện đi bên tay trái. Các bạn cũng nên đội mũ bảo hiểm, ngoài việc để an toàn cho bản thân thì mũ bảo hiểm còn giúp bạn tránh bị CSGT chú ý.

Tham quan ở Chiang Mai

Cái này thì bạn search trên Google thì sẽ ra một núi thông tin để mình lựa chọn, Vinh chỉ chia sẻ những nơi Vinh ghé qua thôi.

Thứ nhất là các ngôi chùa cổ, có rất rất nhiều chùa ở Chiang Mai, cả khu trung tâm lẫn ngoại ô. Chùa Vinh ghé thăm có Wat Chendi Luang, Wat Umong, Wat Chiang Man và một số chùa không nhớ tên. Đợt này đi may mắn vì trùng ngay một lễ hội khá lớn được tổ chức ở Wat Chendi Luang là Inthakin City Pillar.

Wat Chendi Luang

Wat Chendi Luang

Wat Umong

Wat Umong

Đường hầm bên trong Wat Umong

Đường hầm bên trong Wat Umong

Tiếp theo là làng Baan Kang Wat, nơi rất đẹp và tập trung nhiều Store trưng bày, hướng dẫn làm các món đồ thủ công mĩ nghệ của Thái, cách trung tâm chừng 10 km và cũng dễ đi. Gần đó là Cafe No39 với nhà sàn, hồ nước rất đẹp, nhiều du khách ghé đây để chụp ảnh. Trên đường vào Baan Kang Wat có rất nhiều quán cafe với phong cách khác nhau để bạn lựa chọn, thường mở cửa vào tầm 10-11h.

Một góc làng Baan Kang Wat

Một góc làng Baan Kang Wat

Món yook samai ở Baan Kang Wat

Món yook samai ở Baan Kang Wat

Mua sắm thì có Trung tâm Thương mại Maya, kế bên là khu One Nimam sầm uất thu hút rất đông du khách, đặc biệt là các bạn trẻ vì ở đây bán đủ thứ hàng hoá, ăn uống, giải trí và nhiều góc sống ảo nữa. Buổi tối thì nên ghé chợ đêm Night Bazzar, nơi đây như mê cung vì độ rộng lớn với hàng trăm gian hàng đủ thể loại. Nếu bạn muốn đi chợ bản địa thì Warorot Market là sự lựa chọn hàng đầu, cũng gần với Night Bazzar.

Bên trong TTTM Maya

Bên trong TTTM Maya

Thích nhất vẫn là dạo chơi trong khu Old City, cafe quán ăn cứ vài mét là có, bạn thích quán nào thì vào quán đó, trung tâm sẽ là Tha Pae Gate, cổng thành cổ tập trung đông du khách từ sáng cho tới nửa đêm. Đi bộ dọc hai bờ kênh vòng quanh thành cổ cũng thú vị vô cùng.

Ẩm thực đường phố ở Chiang Mai

Người Thái khá chuộng các món chiên xào và ít rau xanh, đó là cảm nhận đầu tiên của Vinh khi bắt đầu hành trình khám phá ẩm thực đường phố Thái Lan. Phải kể đến Pad Thái ăn ở một quán dọc đường khá ngon và lạ miệng. Tối ngày đầu tiên Vinh lạc ngay vào chợ đêm gần Wat Chendi Luang, ở đây cơ man nào là đồ ăn từ xúc xích nướng, bạch tuộc hấp với muối ớt xanh ăn kèm, bạch tuộc nhào bột chiên giòn, trà sữa Thái Lan trứ danh, tomyum cay cay với hải sản, bánh quế kẹp kem béo ngậy, bánh hình như trái bầu với nhân thịt ở trong, cá chiên bột với lá chanh, côn trùng chiên giòn nhìn hơi… ghê nhưng ăn bùi và béo, hay khao soi…

Empty
Pad Thái trứ danh

Pad Thái trứ danh

Empty
Cá trộn lá chanh chiên

Cá trộn lá chanh chiên

Hãy bỏ qua những quán ăn nhìn sang sang, nhà hàng treo bảng hiệu đẹp mắt, Vinh đã ăn thử vài quán và nhìn chung thấy không ngon mà lại đắt. Còn những quán nhìn không bắt mắt nhưng tấp nập người ăn (đặc biệt là người bản địa) thì hãy thử liền. Tinh hoa ẩm thực đường phố nằm ở những quán này và trên các xe đẩy, xe hàng rong đó. Sáng ngày cuối Vinh ăn một tô mì với nước dùng tuyệt vời, nhân là trứng lòng đào xắt hình cánh quạt, bò viên, gan, thịt đầy ắp, ăn xong thấy cuộc đời mãn nguyện hẳn.

Empty

Hy vọng một số thông tin về trải nghiệm của bản thân Vinh khi tới Chiang Mai sẽ giúp các bạn đa chiều hơn trong việc tìm kiếm khi lựa chọn Chiang Mai là điểm đến tiếp theo cho chuyến đi của mình. Riêng Vinh chắc chắn sẽ quay lại nơi này trong thời gian tới. Sự kết hợp giữa Hội An và Đà Lạt thì không yêu sao cho được chứ.

Nguyễn Hải Vinh
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES