"Kỳ quan" kỹ thuật chạy trên độ cao 5.702 m tại "nóc nhà thế giới"

28/10/2024

Đường sắt Thanh Hải - Tây Tạng trải dài trước mắt chúng tôi, chạy qua cao nguyên Himalaya suốt gần 2.000 km, từ Tây Ninh ở trung tâm Trung Quốc đến Lhasa ở Tây Tạng.

Mặc dù hành trình dài vĩ đại như vậy, ngoài cửa sổ hầu như không có dấu tích nào của con người, chỉ có những đồng cỏ màu vàng xuộm trên mái nhà của Trái Đất, gợn sóng chạm vào chân trời, nơi các đỉnh núi cao vút lên như hình răng cá sấu.

Bài liên quan

Đường sắt Thanh Hải - Tây Tạng được khởi công xây dựng vào năm 2001 và hoàn thành vào năm 2006, đóng vai trò là sợi dây huyết mạch kết nối Tây Tạng - vùng đất bị cô lập nhất với Trung Quốc Đại lục. Dự án là một kỳ quan kỹ thuật đáng kinh ngạc. Để có tuyến đường sắt ngày nay, hàng nghìn công nhân đã làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt cùng những thách thức lớn nhất trong lịch sử xây dựng đường sắt, trong đó có băng giá vĩnh cửu và tình trạng không khí loãng. Cũng bởi thế, tàu chở khách lên Tây Tạng được trang bị hệ thống cung cấp oxy, giúp hành khách dễ chịu hơn trong môi trường thiếu oxy của cao nguyên.

Trong rất nhiều năm, không ai nghĩ có thể có một tuyến đường sắt kết nối Lhasa với thế giới bên ngoài

Trong rất nhiều năm, không ai nghĩ có thể có một tuyến đường sắt kết nối Lhasa với thế giới bên ngoài

Tôi đã lên tàu từ Tây Ninh, thủ phủ tỉnh Thanh Hải, để bắt đầu hành trình dài qua dãy Himalaya đến Lhasa. Khởi hành ở một nhà ga đông đúc, tàu từ từ tiến vào vùng hoang mạc mênh mông, bắt đầu hành trình dài 20 tiếng đồng hồ. Cảnh quan thay đổi nhanh chóng, từ những cánh đồng bạt ngàn đến các khu vực núi đá khô cằn.

Tàu ngang qua hồ Thanh Hải - hồ nước mặn đẹp nhất Trung Quốc, nằm ở độ cao 3.205 - 3.260 m so với mực nước biển trên bồn địa của cao nguyên Tây Tạng, với tứ phía là núi, phía Bắc Đại Thông Sơn, phía Đông Nhật Nguyệt Sơn, phía Tây Tượng Bì Sơn và phía Nam Thanh Hải Nam Sơn.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Tàu chạy dọc hồ nước mặn Thanh Hải, rộng mênh mông và xanh ngắt

Tàu chạy dọc hồ nước mặn Thanh Hải, rộng mênh mông và xanh ngắt

Từ khoang tàu còn có thể thấy Côn Luân Sơn, vùng núi thiêng nổi tiếng trong thần thoại Trung Hoa, được mệnh danh là “Vạn sơn chi tông” (Tông của vạn ngọn núi) và “Long mạch chi tổ” (Tổ của long mạch). Dãy núi trải dài trên 3.000 km từ Pamir (Afghanistan) ở phía Tây qua Tân Cương tới Thanh Hải ở phía Đông, và có độ cao bình quân 5.500 - 6.000 m. Tu viện Lạt Ma Shangri-La cũng nằm trong dãy núi này.

Điểm thu hút nhất của hành trình là khi tàu vượt qua Đèo Tanggula, nằm ở độ cao 5.072 m so với mực nước biển, giúp khẳng định Thanh Hải - Tây Tạng là tuyến đường sắt cao nhất thế giới, hành khách phải sử dụng mặt nạ oxy để đối phó với chứng say độ cao. Cảnh quan tại nơi đây hùng vĩ, tráng lệ với những ngọn núi phủ tuyết trắng quanh năm và thung lũng rộng lớn. Đèo Tangula cũng là nơi bắt nguồn của nhiều con sông lớn và nổi tiếng như Dương Tử, Hoàng Hà.

Trạm xe lửa đèo Tanggula đặt ở độ cao 5.068 m, là trạm xe lửa có vị trí cao nhất thế giới

Trạm xe lửa đèo Tanggula đặt ở độ cao 5.068 m, là trạm xe lửa có vị trí cao nhất thế giới

Mỗi khi ngang qua các ngôi làng, tôi lại nghĩ đến sự biến đổi của Tây Tạng kể từ khi chuyến tàu này bắt đầu hoạt động. Những người trẻ Tây Tạng dần học thêm tiếng Quan thoại và chuyển đến các thành phố lớn để tìm kiếm công việc và cuộc sống mới. Các tu viện Phật giáo vẫn còn đó, nhưng cũng có ý kiến cho rằng chúng ngày càng mang tính biểu tượng hơn. Cao nguyên Tây Tạng, với cảnh quan hùng vĩ, núi non trùng điệp, đã in sâu vào tâm trí tôi. Tây Tạng ngày nay là một vùng đất đang đứng giữa hai thế giới: một bên là di sản văn hóa hàng ngàn năm, một bên là sự biến đổi hiện đại mạnh mẽ đang lan toả.

Từ ô cửa sổ tàu nhìn ra những cảnh quan tuyệt đẹp

Từ ô cửa sổ tàu nhìn ra những cảnh quan tuyệt đẹp

Lhasa hiện nay là một thành phố phát triển, với các tòa nhà cao tầng mọc lên cạnh các tu viện cổ kính. Quảng trường trước Cung điện Potala, nơi từng là nơi ở của Đạt Lai Lạt Ma, giờ đây là một không gian công cộng rộng lớn với sự xuất hiện đài phun nước và các màn hình LED. Đối với những người đến Lhasa tìm kiếm một nơi thiêng liêng, họ có thể sẽ cảm thấy thành phố này đã mất đi phần nào cái hồn cốt của nó.

Tây Tạng ngày nay là một vùng đất đang đứng giữa hai thế giới: một bên là di sản văn hóa hàng ngàn năm, một bên là sự biến đổi hiện đại mạnh mẽ đang lan toả

Tây Tạng ngày nay là một vùng đất đang đứng giữa hai thế giới: một bên là di sản văn hóa hàng ngàn năm, một bên là sự biến đổi hiện đại mạnh mẽ đang lan toả

Dù vậy, Tây Tạng vẫn là một vùng đất đặc biệt. Tôi không thể không ngưỡng mộ sức mạnh tinh thần của những người dân nơi đây, những người đã sống qua biết bao biến động mà vẫn giữ được niềm tin của mình. Đường sắt Thanh Hải - Tây Tạng có thể là một kỳ quan kỹ thuật, nhưng người Tây Tạng chính là những nhân chứng sống cho sự bền bỉ của văn hóa và tinh thần.

Thảo Hán - Nguồn: Dịch tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES