60 năm trước, vào ngày 1 tháng 10 năm 1964, Nhật Bản đã mở ra kỷ nguyên của tàu cao tốc với chuyến tàu Shinkansen đầu tiên trên hành trình Tokyo – Osaka. Đoàn tàu bóng loáng màu xanh trắng, lướt qua khu đô thị và vùng nông thôn của Nhật Bản, đánh dấu bước tiến vượt bậc về công nghệ, giao thông và vận tải.
Cái nôi thay đổi ngành đường sắt tốc độ cao thế giới
Sự an toàn của việc di chuyển bằng tàu cao tốc Shinkansen là biểu tượng cho tính hiệu quả của Nhật Bản trong phòng chống thiên tai, quốc gia đã truyền cảm hứng phát triển tàu tốc độ cao trên thế giới.
Đây là tàu cao tốc cực kỳ an toàn, kể từ khi nó được đưa vào sử dụng cách đây 60 năm (năm 1964), Shinkansen đã chạy gần 19.000 ngày mà không ghi nhận một vụ tai nạn hành khách gây tử vong nào. Thành tích tuyệt vời này được cho là nhờ sự quan tâm sát sao, thường xuyên kiểm tra chất lượng phát triển công nghệ kỹ thuật và ý thức an toàn cao độ của toàn thể nhân viên, từ tài xế đến kỹ thuật viên chịu trách nhiệm bảo trì đoàn tàu và đường ray.
Hệ thống cảnh báo động đất trên Shinkansen luôn hoạt động tốt và dừng tàu nhanh chóng mà không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến phương tiện và hành khách. Phải nói rằng, cư dân đất nước mặt trời mọc không bao giờ ngủ quên trên chiến thắng và họ luôn tìm cách cải thiện, tự hào vì chưa từng xảy ra tai nạn chết người nào trên tàu Shinkansen. Các nhân viên luôn cố gắng làm hết sức mình để đảm bảo rằng kết quả mẫu mực này sẽ tiếp tục được duy trì.
Shinkansen cũng nổi tiếng thế giới về sự đúng giờ. Thống kê cho thấy với hơn 200.000 chuyến Shinkansen trên tuyến Tokaido mỗi năm, tỷ lệ khách đến Shinkansen đạt 96,1% mà không bị chậm một giây nào.
Đằng sau thành công mang tính biểu tượng của Shinkansen là cả một hệ thống vận hành với sự chuyên nghiệp, nghiêm túc. Những nhân viên bảo dưỡng tàu Shinkansen trong bộ đồng phục đang bận rộn với công việc dọn dẹp, bảo dưỡng tàu tốc độ cao Shinkasen. Việc giữ cho biểu tượng đường sắt Nhật Bản sạch sẽ, đúng giờ, an toàn từ lâu đã trở thành một công việc nghiêm túc. Một lịch trình bảo dưỡng tỉ mỉ có nghĩa là các đoàn tàu luôn sáng bóng cả bên ngoài lẫn bên trong.
Trong hơn nửa thế kỷ, công nghệ "made in Japan", nguồn gốc của những đoàn tàu cao tốc với đường nét tinh xảo, vẫn tiếp tục có những cải tiến như tốc độ tối đa đã tăng từ 210 đến 320km/h và lượng hành khách vận chuyển hiện là một triệu người mỗi ngày.
Hệ thống con lắc cho phép tàu nghiêng theo những đoạn đường cong ở tốc độ cao nhằm bù lại lực ly tâm, độ bám vượt trội của đoàn tàu giúp giảm thiểu rung động, đảm bảo hành trình yên bình, êm ái cho người ngồi bên trong.
Đi trước sự phát triển của nhân loại
Nhật Bản vẫn là quốc gia hàng đầu thế giới về công nghệ đường sắt. Các tập đoàn lớn như Hitachi và Toshiba hàng năm xuất khẩu hàng tỷ USD các đoàn tàu và thiết bị đến khắp nơi trên thế giới.
Địa hình đầy thách thức và khí hậu thay đổi rộng rãi của Nhật Bản, từ mùa đông giá lạnh ở phía bắc đến khí hậu nhiệt đới ẩm ở xa hơn về phía nam, cũng như không thể bỏ qua là hoạt động địa chấn. Nhật Bản là một trong những nơi có địa chất không ổn định nhất trên hành tinh, dễ xảy ra động đất và sóng thần và là nơi có khoảng 10% núi lửa trên thế giới.
Sự ra đời của tàu Shinkansen không chỉ đơn thuần là một bước đột phá trong ngành giao thông vận tải mà còn là một cuộc cách mạng về lối sống của người dân Nhật Bản. Việc di chuyển giữa các thành phố lớn trở nên nhanh chóng và thuận tiện hơn bao giờ hết, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng và tăng cường giao lưu văn hóa.
Chứng kiến thành công của Shinkansen, nhiều quốc gia đã quyết định đầu tư vào hệ thống đường sắt cao tốc riêng của mình. Pháp, với tuyến TGV nối liền Paris và Lyon, là một trong những quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có những đặc điểm riêng. Nếu Shinkansen nổi tiếng với độ tin cậy và hiệu quả, thì TGV lại được biết đến với thiết kế sang trọng và dịch vụ cao cấp. Còn tại Tây Ban Nha, mạng lưới đường sắt cao tốc AVE đã kết nối hầu hết các thành phố lớn, góp phần đưa đất nước này trở thành một trong những trung tâm giao thông quan trọng của châu Âu.
Ngoài hệ thống tàu tốc độ cao Shinkansen, Nhật Bản đang dự tính đưa vào sử dụng tàu tốc độ cao không người lái trong tương lai và thúc đẩy một tuyến tàu tốc độ cao chạy bằng đệm từ nhằm tăng tốc tàu chạy. Việc này nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn và duy trì hoạt động ổn định trong trường hợp bảo dưỡng hoặc động đất lớn.