Lênh đênh trên “Đệ nhất hồ”

10/05/2010

Người xưa gọi hồ Ba Bể là “Thiên nhiên đệ nhất hồ” bởi vẻ đẹp quyến rũ cùng với những truyền thuyết ly kỳ giữa đại ngàn núi rừng. Giờ đây hồ Ba Bể còn được biết đến là một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất của thế giới cần được bảo vệ.

Từ Hà Nội, chuyến xe khách Hà Nội - Bắc Cạn chạy theo đường số 3 qua Thái Nguyên, đến thị xã Bắc Cạn. Xe rẽ trái sang quốc lộ 279, qua những bản, làng, tôi cứ mênh mang với truyền thuyết về hồ Ba Bể. Ngày đó ở vùng Bắc Cạn, mỗi năm dân làng Năm Mẫu đều tổ chức lễ cúng Phật rất lớn, gọi là lễ Vô giá. Có một bà tiên giả làm người ăn mày để thử lòng người trần gian. Đi đến đâu bà cũng bị xua đuổi. Mãi gần tối, đến cuối một làng nhỏ, người ăn mày mới được mẹ con một bà goá cho vào nhà ăn cơm và ngủ qua đêm. Ăn xong, người ăn mày trao cho mẹ con bà goá một hạt thóc, một túm tro và dặn khi nào có lụt thì rắc tro quanh nhà, bóc vỏ trấu ra làm thuyền. Nửa đêm, bỗng nhiên mặt đất rung chuyển, sụt lở ầm ầm. Mẹ con bà goá thức dậy không thấy người ăn mày đâu cả. Nhớ lời dặn, bà goá đem gói tro ra rắc xung quanh nhà. Sau cơn mưa kéo dài suốt bảy ngày, bảy đêm. Nước bắt đầu ngập, bà goá bóc hạt thóc lấy vỏ trấu thả xuống nước, vỏ trấu biến thành chiếc thuyền độc mộc. Và cũng lúc đó, mặt đất tụt xuống, ngôi nhà bà goá trở thành hòn đảo giữa mênh mông nước, đó là Pò Giả Mải bây giờ, còn hồ ấy được gọi là hồ Ba Bể (ba hồ)… Gọi là Ba Bể bởi hồ được tạo thành bởi ba nhánh sông lớn (Pé Lầm, Pé Lù và Pé Lèng (tiếng Tày, pé là hồ) hợp lưu mà thành. Câu chuyện thẫm đẫm triết lý Phật giáo ấy đưa tôi đến hồ Ba Bể trong làn sương mờ bao phủ, cảnh vật lung linh huyền ảo.

Theo dòng sông Năng hiền hòa luồn qua những lau, sậy trên vách núi tôi bắt gặp không ít những chiếc thuyền độc mộc như trong truyền thuyết kể trên. Người dân sống ven sông Năng và lòng hồ Ba Bể thường sử dụng thuyền độc mộc như một phương tiện đi lại phổ thông. Quả thật, chiếc thuyền giống như một vỏ trấu, vừa bé vừa dài một cách mong manh. Nó có thể lướt nhanh, thậm chí có thể ngược dòng mà không mất quá nhiều sức và đặc biệt loại thuyền này có lẽ không bao giờ bị dò nước. Những lúc cần tốc độ hoặc dùng để đánh cá nhỏ trên hồ thì không có loại thuyền nào thay thế được độc mộc.

Chiếc thuyền lướt qua chân núi đá vôi, giữa những bờ vách đứng, xuyên núi Lung Nham đưa tôi đến với động Puông. Động Puông chập chờn trong ánh sáng mờ ảo. Cửa động mở ra như miệng một con cá lớn đang chừng như muốn nuốt chửng những con thuyền theo dòng sông Năng chảy về vùng lòng hồ. Trong động tối om nhưng cũng vương vất chút ánh sáng đủ để nhận ra những nhũ đá óng ánh có hình thù kỳ lạ trên đỉnh nóc và vách động. Khi ra khỏi động là một khung cảnh thần tiên của vùng sơn cước vỡ òa. Những bản làng mờ ảo hai bên bờ sông. Những gốc cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi uốn mình, ngả nghiêng bên dòng Năng như một bức tranh thủy mặc hiển hiện giữa trần gian. Có những đoạn hai bên là vách núi đá dựng đứng cao hàng trăm nghìn mét như những tòa tháp nơi thành phố.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Đi khỏi cửa động chừng 4 km thì đến lối rẽ vào hồ. Giữa lòng hồ thuộc một trong 20 hồ nước ngọt lớn nhất thế giới (dài hơn 8km, rộng 3km và sâu chừng 20-30m, diện tích mặt nước là hơn 650 ha) khiến chúng tôi không khỏi có cảm giác mênh mang. Theo các tài liệu khoa học thì hồ Ba Bể đã được hình thành từ cách đây 200 triệu năm do những cuộc kiến tạo địa chất. Điều đáng ngạc nhiên là ở độ cao trên 145m so với mực nước biển và nằm trên lưng chừng vùng núi đá vôi vốn có rất nhiều các loại hang động thường là thủng đáy khiến cho việc hình thành và tồn tại của hồ Ba Bể thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học. Giữa mênh mang trời - nước – đảo – đá là những thảm thực vật nguyên sinh tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Sự có mặt của du khách khiến những cánh cò đậu trên mặt hồ có phần hoảng hốt. Điều đặc biệt là nước trên hồ trong xanh đến lạ lùng. Một màu xanh rêu nhưng trong vắt như cảm tưởng có thể nhìn sâu xuống tận đáy hồ. Những đàn cá vẫn ung dung khỏa nước, tí tách trên mặt hồ và trong những hốc cây cổ thụ ngà xuống mặt nước.

Đi một vòng lòng hồ, lên đảo An Mã thắp hương tại ngôi đền thờ mẫu tôi quay ra cửa bến. Lên đến bờ, cô gái bán rượu đon đả mời những khách dừng chân. Bên bờ hồ, nâng lên đặt xuống chén rượu tầm gửi với vài xâu cá nướng, tôi bỗng thấy cảnh thần tiên cứ hiện ra trước mắt. Hồ Ba Bể vẫn đẹp nguyên sơ như những gì thiên nhiên đã ban tặng. Phong cảnh nơi đây như một bức tranh thuỷ mặc hữu tình. Một buổi sáng thật trong với ánh mặt trời lấp lánh, mặt hồ long lanh in đậm bóng núi và mây trời lồng lộng.

Thông tin thêm:

Ba Bể cách Hà Nội 300km, cách thị xã Bắc Cạn 50km. Từ Hà Nội có thể đi xe máy nh ưng tiện hơn là đón xe khách đi Bắc Cạn. Đến thị xã Bắc Cạn, tiếp tục đón xe đi thị trấn Chợ Rã, khoảng 35km đến thị trấn Nà Phặc, sau đó rẽ trái sang quốc lộ 279, và khoảng 10km là đến hồ Ba Bể.

Nếu du khách chọn theo tour, có thể chọn tour 2 ngày 1 đêm với giá trọn gói 800.000 đồng. Liên hệ Công ty CP Thương mại và Du lịch Rạng Đông (Vietnam Down Travel), 40 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội. ĐT: (84.4) 73077888 Fax (84.4) 73087888.

Khách có thể ăn nghỉ tại thị trấn hoặc nghỉ tại nhà khách của Vườn quốc gia Ba Bể giá phòng từ 100.000-200.000 đồng phòng/2 người. Khách cũng có thể nghỉ trọ tại các nhà sàn người Tày tại bản Pc Ngòi, Pó Lù với giá 15.000-20.000 đồng người.

Ẩm thực nổi tiếng là lẩu cá, cá nướng, gà núi nướng, thịt dê nướng ăn với xôi nếp nương. Đội văn nghệ địa phương sẵn sàng biểu diễn hát then và hát dân gian, chơi đàn tính nhiệt tình. Ngoài ra, khách có thể tự do thuê xe hoặc mời hướng dẫn viên địa phương dạo chơi hay leo núi, câu cá khám phá thiên nhiên, hưởng thụ khí hậu mát mẻ, trong lành cùng với cảnh sống thanh bình của người dân bản xứ, tìm hiểu sự độc đáo, đặc sắc hiếm có của phong tục tập quán kết hợp với nhiều nét văn hoá của các dân tộc khác nhau.

Thân Tình

RELATED ARTICLES