Luang Prabang, một sớm mai trong về trên đất Phật

14/01/2019

Tôi đã ngồi rất lâu trên bậc tam cấp, ngắm những mái vòm cong cong vàng óng ả trong nắng, ngắm cây xoài đung đưa vô số những chùm trái trĩu nặng trên cành, ngắm các chú tiểu ngồi tụng kinh trong gian điện với đôi mắt trong trẻo sáng ngời. Ngồi thiền trong khu chính điện, nhắm khẽ đôi mắt, thả lỏng toàn thân, tôi như nghe tiếng trái tim mình thở đều đều, khe khẽ là tiếng gió làm lao xao đám lá khô, tiếng bước chân của ai đó loẹt quẹt, tiếng ho húng hắng của vị sư già, tiếng của cuộc sống chầm chậm trôi qua.

Luang Prabang, tôi và mối tình tròn thập kỷ

Những ngày cuối tháng 2, tôi theo một chuyến ô tô đường dài, vượt qua vô số những đèo dốc của các tỉnh miền Bắc Việt Nam sang đến miền Bắc Lào, đến với mảnh đất cố đô xinh đẹp nằm bên bờ sông Mê Kông hiền hòa của đất nước Lào láng giềng - Luang Prabang.

Tôi đã phải lòng nơi này ngay từ lần đầu tiên đặt chân đến từ cách đây 10 năm trước. Phải lòng không gian tĩnh tại, những ngôi chùa tuyệt đẹp nằm yên bình bên dòng sông xanh biếc. Phải lòng những bước chân khất thực buổi sáng của các nhà sư đều đặn hàng ngày. Phải lòng phiên chợ đêm đủ sắc màu lấp lánh và những món đồ nướng hấp dẫn. Phải lòng cả những điều nhỏ nhặt nhất như cái hàng rào gỗ cọt kẹt mỗi khi mở và cả tiếng chim lảnh lót trên giàn sứ quân tử mỗi ban sáng. Thế nên, dù đã đi khắp nơi mọi chốn, tôi vẫn sẵn lòng trở lại Luang Prabang bất cứ khi nào có cơ hội.

Empty

Như một cái duyên, tôi lại chọn trở về với Luang Prabang vào mùa xuân này với mong muốn vùng đất thanh thản này sẽ mở màn cho một năm mới thật yên lành. Vậy là tôi đặt xe, đặt phòng và xin nghỉ thêm vài ngày sau Tết và lên đường. Tôi muốn dành trọn thời gian với mảnh đất xinh đẹp này, nơi chắc chắn sẽ không làm bất cứ ai thất vọng.

Ngày về với cố nhân

Chiếc ô tô lắc lư theo nhịp leo đèo. Dốc không quá cao nhưng cũng khá ngoằn ngoèo, đủ để những người đang thiu thiu ngủ trên xe ngả nghiêng theo. Gần trọn 24 giờ đồng hồ trên xe quả là một hành trình không dành cho những người thiếu sức khỏe nên hầu hết khách du lịch đều sẽ chọn đường bay, dù chi phí có cao hơn nhưng lại đỡ vất vả hơn rất nhiều. Tôi thì chọn đường bộ, chẳng phải chỉ vì còn trẻ và có sức khỏe, mà vì sau khi trải qua một chặng đường vất vả, cảm giác chạm đến cái đích mình hằng nhớ, hằng mơ sẽ tuyệt diệu hơn gấp bội phần.

Tờ mờ sáng, bác tài thông báo cuối cùng cũng đã đến nơi.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty
Empty
Empty

Màn sương nhè nhẹ bủa vây lấy tôi khi rời khỏi chiếc xe chật chội và bám đầy bụi đường. Vươn đôi cánh tay lên bầu trời, không khí ẩm ướt, lành lạnh của buổi sớm mai khiến tôi hơi rùng mình rũ bỏ hết những mệt mỏi của chặng đường dài. Nhảy lên một chiếc tuk tuk cạnh đó, tôi lên đường về khách sạn. Mặt trời ló rạng sau mây tựa như vén một tấm rèm, theo nhịp xe đi mà nhảy nhót, nhấp nhô lên xuống dưới những mái nhà thấp. Xe lướt nhanh qua phố, rẽ vào một con ngõ được tô điểm bởi hàng rào hoa giấy hồng tím rồi dừng lại trước một cánh cổng gỗ. Rời xe, khoác chiếc balo nặng trĩu trên vai, tôi tần ngần đứng trước cổng hàng rào toàn hoa là hoa ấy giây lát rồi mới khẽ đẩy cửa gỗ bước vào.

Empty
Empty

Căn phòng của tôi được bố trí trên tầng 2 với ban công nhìn xuống khu vườn yên tĩnh, rợp cây xanh. Trong phòng còn có bộ bàn gỗ mộc mạc cùng vài quyển sách, rất thích hợp cho những buổi trà chiều. Chủ nhà trọ là một đôi vợ chồng người Lào tầm tuổi 40, tiếng Anh chỉ biết cơ bản nhưng chẳng cần nhiều, họ còn có một cô con gái 15 tuổi với ngoại ngữ tốt hơn nên thường giúp bố mẹ đón khách. Họ chào đón tôi bằng gương mặt phúc hậu của người dân xứ Phật hiền lành, nở nụ cười thương mến, bình an như lời báo hiệu những ngày ngao du êm ả của tôi sắp tới.

Empty
Empty
Empty

Cố đô của những đôi chân trần khất thực

Ở Luang Prabang, mọi con ngõ dù lớn hay nhỏ đều dẫn ra trục phố chính và đầu bên kia sẽ dẫn ra hai dòng sông xinh đẹp là Mê Kông và Nam Khan. Những con đường nơi đây song song nhau, được nối bởi các ngõ nhỏ xinh xắn ngập hoa, dẫn đến những quán café yên bình khẽ cựa mình bừng tỉnh dưới nắng sớm mai. Vì không nhớ nổi những cái tên viết bằng tiếng Lào nên tôi tự mình đặt tên cho những quán đi qua: quán Hoa Chămpa, quán Hoa Giấy, quán Hoa Lan Tiêu, quán Chim Sáo, quán Gió… Lưu luyến lướt qua những quán nhỏ xinh xắn, tôi lại lạc vào không gian của những hàng rào gỗ phủ hoa, của hương thơm thoang thoảng trong không khí, của những ngôi nhà được ôm trọn bởi khu vườn ngát xanh. Không gian yên tĩnh quá! Nghe rõ cả tiếng bước chân mình và tiếng lũ chim sâu lích chích trên cành.

Dãy phố nhộn nhịp nhất nằm trên khu phố chính vẫn còn nhiều cửa hàng chưa mở cửa. Vẫn còn quá sớm để bắt đầu một ngày làm việc nhưng đã muộn với những vị sư đang đi khất thực buổi sáng dọc trên con phố. Tôi ngồi lại bên một vài người dân bản địa, mở túi lấy chút đồ, hai tay kính cẩn dâng lên các vị sư tăng. Những khuôn mặt hiền từ lướt qua tôi trên những đôi chân trần. Những món đồ mộc mạc với xôi, hoa quả, bánh trái vừa nhận ấy lại được các vị sư chuyển đến tay những người nghèo khác trên đường về lại chùa. Cảnh khất thực quen thuộc mỗi sáng ấy đã trở thành nét đẹp đẽ, thiêng liêng của nơi đây. Và cứ như thế, một ngày mới ở Luang Prabang lại bắt đầu!

Empty

Thác ngọc và chùa thiêng

Những ngày ở Luang, tôi thuê một chiếc xe đạp để đi lại trong phố. Chẳng có gì phải vội vàng khi sống ở nơi này. Ngày đầu tiên, tôi lóc cóc đạp xe đến tận thác Kuang Si cách thành phố chừng 30 km. Quãng đường tuy có hơi xa nếu di chuyển bằng xe đạp nhưng cũng rất đáng để thử bởi hành trình đến Kuang Si thú vị vô cùng. Là thác nước đẹp nhất Luang Prabang, Kuang Si hấp dẫn du khách bởi màu nước xanh như ngọc bích tạo thành những bể bơi tự nhiên, đặc biệt với các tầng thác và thảm thực vật phong phú. Cảnh sắc phong phú nơi đây rất thích hợp cho hoạt động bơi lội hoặc các trò chơi hơi mạo hiểm như đu bám những tán rễ cổ thụ rồi lao mình xuống dòng nước mát lạnh. Sau những giờ đùa nước thỏa thuê, du khách có thể điểm tâm nhẹ bằng vài món đồ ăn vặt mang theo trước khi đạp xe trở về thành phố, thưởng thức một bữa ăn ngon tuyệt đỉnh với cá sông nướng cùng bia Lào mát lạnh bên dòng Mê Kông, trong bóng hoàng hôn nhuộm đỏ chân trời.

Empty
Empty

Ngày thứ hai, tôi dành cả buổi để ghé qua vô số những ngôi chùa tuyệt đẹp nằm hai bên bờ sông Nam Khan và Mê Kông. Lào là đất nước Phật giáo, tỉ lệ số chùa trên số dân cao nhất thế giới với những ngôi chùa cổ đẹp, được bảo tồn rất tốt. Trong đó, Luang Prabang chính là nơi có nhiều chùa chiền nhất quốc gia. Ở Luang Prabang hiện có 40 ngôi chùa cổ, hầu hết trong số đó được xây dựng từ thế kỷ 14, cùng với đó là nhiều cung điện tráng lệ có từ thời phong kiến cách đây hơn một nghìn năm. Các ngôi chùa và cung điện ở đây được bảo quản gần như nguyên vẹn, hoặc được trùng tu nhưng vẫn giữ được những nét độc đáo vốn có. Nổi tiếng nhất phải kể đến chùa Wat Xieng Thong. Dựa xe vào tường, tôi lững thững bước vào từng ngôi chùa. Lần nào cũng như lần nào, mỗi khi đến chùa tôi lại vào chính điện, xin một sợi chỉ buộc cổ tay cầu bình an. Giữa mùi hương trầm quyện hương hoa, tôi dành chút thời gian ngồi lại bên thềm, ngắm các chú tiểu ngồi tụng kinh trong gian điện với đôi mắt trong trẻo sáng ngời, lắng nghe tiếng kinh nguyện của các vị sư vang lên đều đều trong không gian cổ kính và trầm mặc.

Rực rỡ chiều tà trên đỉnh Phousi

Ngày cuối của chuyến hành trình, tôi đã dành thời gian leo lên đỉnh Phousi, nơi được xem là địa điểm ngắm hoàng hôn đẹp và toàn cảnh nhất Luang Prabang. Trong tiếng Lào, “Phou” nghĩa là “núi” và “si” nghĩa là “màu”. Ngọn núi nhỏ cao chỉ tầm 80 m, với khoảng hơn 300 bậc thang xây gạch đỏ lại được gọi là Núi màu. Có lẽ bởi mỗi mùa, núi lại khoác trên mình một màu sắc sặc sỡ khác nhau. Mùa xuân trắng tinh khôi bởi những chùm hoa Chămpa, vàng rực rỡ sắc hoa muồng; mùa hạ đỏ thắm bởi những chùm phượng vĩ chen lẫn với màu xanh mát của cỏ cây hoa lá, màu rêu phong cổ kính của mái chùa, màu vàng lấp lánh của tháp Chomsi trên đỉnh núi hay màu đỏ ối của bóng hoàng hôn. Màu hoàng hôn đẹp rực rỡ ấy cũng chính là lý do thu hút khách du lịch tới đây, khiến ngọn núi nhỏ vốn thường tĩnh lặng bỗng trở nên nhộn nhịp vào mỗi buổi chiều tà. Và nhớ hãy nhanh chân chút nhé, nếu không bạn sẽ chẳng còn chỗ đứng mà ngắm hoàng hôn đâu.

Khi hoàng hôn đã tắt hẳn, màn đêm dần buông, thời tiết cũng lạnh hơn, tôi lạc mình vào phiên chợ đêm đủ sắc màu ngay dưới chân núi. Chợ đêm Luang Prabang bán hàng từ khá sớm. Khoảng 6 giờ tối, người ta đã dựng rạp, thắp đèn suốt con phố chính trải dài vài trăm mét từ Bảo tàng Hoàng cung đến tận gần chùa Wat Xieng Thong. Trên con phố dài ấy, bạn có thể tìm thấy đủ thứ mặt hàng lưu niệm mang dấu ấn đất Phật. Những chiếc lắc tay bạc hay cánh tay Phật, những chiếc đèn với lá bồ đề hay tranh vẽ và đủ các loại khăn choàng… Đi dạo trong chợ, dù có khi chẳng mua được gì, lòng người vẫn thấy vui náo nức khi nghe tiếng cô gái tuổi đôi mươi duyên dáng mời chào những chiếc khăn đẹp đẽ, bà cụ móm mém chỉ cho xem những món đồ thú vị, tiếng lũ trẻ theo mẹ ra chợ bán hàng ríu rít bên tai.

Những ngày ở Luang, hãy sống thật chậm và thả hồn trôi theo những khoảnh khắc tĩnh lặng, bình yên bạn nhé.

Empty

THÔNG TIN THÊM

  • Visa: Du khách người Việt được miễn visa, chỉ cần mang theo hộ chiếu còn thời hạn trên 6 tháng. Phí xuất cảnh ở hải quan Việt Nam: 10.000 đồng. Phí nhập cảnh vào Lào: khoảng 5$.

  • Hành trình: Hàng không: từ Hà Nội, hiện đã có đường bay thẳng đến Luang Prabang của Vietnam Airlines và Lao Airlines, thời gian bay khoảng một tiếng, giá vé khoảng 7 triệu đồng/khứ hồi. Đường bộ: Các chuyến ô tô đi Hà Nội - Luang Prabang khởi hành vào buổi chiều tối tại bến xe Nước Ngầm, quãng đường di chuyển khá dài và vất vả, khoảng 20 tiếng đồng hồ, di chuyển qua cửa khẩu Cầu Treo hoặc Nậm Cắn (Nghệ An).

Empty
  • Tiền tệ: đơn vị tiền tệ dùng ở Lào là Kip nhưng bạn cũng có thể trả bằng USD lẻ và bath Thái

  • Ẩm thực: Cá nướng, gà nướng và lạp (món thịt bò tái chín) tại các quán ăn ven bờ sông Mê Kông cực kỳ hấp dẫn.

  • Trang phục: Mang trang phục lịch sự khi đến các điểm tâm linh như áo có tay, quần dài đến gối.

  • Thời tiết: Luang Prabang mát mẻ và nóng vào ban ngày, se lạnh vào buổi tối và sáng sớm. Nên mang áo khoác mỏng giữ ấm.

  • Thời gian: Từ tháng 2 đến tháng 6 là thời điểm xuân sang ở Lào, trong đó có tết Té nước cổ truyền diễn ra vào 13/14 đến 15/16 tháng 4 hàng năm, là thời điểm đẹp nhất đến Luang.

  • Lưu ý khác: Thời điểm khất thực buổi sáng của các nhà sư diễn ra trong khoảng 6 giờ sáng, bạn nên lịch sự và tránh làm ồn khi chụp ảnh; mua bán tại chợ đêm nhớ mặc cả ở mức 1/3 so với giá bán

  • Chi phí dự kiến: Khoảng 10 triệu đồng cho chuyến đi từ 5 - 7 ngày (chưa bao gồm vé máy bay).

Lam Linh
RELATED ARTICLES