Mở Cửa Penang

18/05/2016

Penang với tôi là những lần mở cửa: mở cửa những ngôi nhà cổ lắng nghe câu chuyện đã qua hàng trăm năm, mở cửa gian phòng nhỏ ngắm nhìn những bức tranh 3D trên phố cổ, mở cửa hít hà hơi biển từ những đợt sóng vỗ về…

Bài: Các Trúc

Ảnh: Penang Global Tourism

CHUYỆN NHỮNG NGÔI NHÀ CỔ

Pinang Peranakan Mansion

Đây là một trong những tư gia lộng lẫy nhất ở George Town, thành phố thủ phủ bang Penang. Được xây dựng bởi một trong những nhân vật lừng lẫy nhất Malaysia vào thế kỷ 19, ngôi nhà có một lịch sử lâu đời và rực rỡ. Sau nhiều thập kỷ bị bỏ hoang, ngôi nhà cổ được một nhà phát triển bất động sản mua lại và phục dựng, trở thành bảo tàng trưng bày bộ sưu tập đổ cổ Peranakan.

Người Peranakan là cộng đồng con lai đặc biệt tại Straits Settlements - các khu định cư bên eo biển thuộc Anh trước đây - bao gồm Penang, Malacca, Labuan và Singapore. Người Peranakan tại Penang đã tạo ra một phong cách sống độc đáo giao thoa giữa Anh, Mã Lai và Trung Quốc. Họ để lại cả một di sản khổng lồ từ ngôn ngữ, ẩm thực đến bất động sản…

Nhà cổ Pinang Peranakan Mansion là một biểu tượng của lối sống giàu có, hưng vượng từ thế kỷ 19 với hơn 1.000 mảnh đồ cổ và các vật dụng sưu tầm. Trong ngôi nhà, bạn có thể thấy hình ảnh của ông Chung Keng Quee, vị chủ nhân đầu tiên và con cháu của ông. Bạn thậm chí có thể thấy được những tấm áo vải lụa quý hiếm, những hộp phấn, cây son trên bàn trang điểm từ hơn 200 năm trước hay bộ sưu tập gốm thời Victoria…

   

Pinang Peranakan Mansion 

29 Church Street, 10200 Penang

Mở cửa từ 9:30AM đến 5:00PM hàng ngày

Website: www.pinangperanakanmansion.com.my

Miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi

Chong Fatt Tze Mansion

Chong Fatt Tze Mansion, còn gọi Blue Mansion bởi màu xanh biển vô cùng nổi bật, là một ngôi nhà có lịch sử vô cùng đặc biệt. Chủ nhân đầu tiên của ngôi nhà Cheong Fatt Tze là một chính trị gia tài giỏi, một trong những thương gia giàu nhất Đông Nam Á thời bấy giờ. Ông có 8 người vợ ở Trung Quốc, Indonesia , Singapore , Hong Kong và Malaysia và là cha của 8 người con trai. Trong đó, người vợ thứ 7 ở Penang, Malaysia là người vợ được ông yêu quý nhất, nhưng đây lại chính là nguyên nhân diễn ra kết thúc đau buồn của ngôi nhà này sau đó.

Cheong Fatt Tze mất đi, để lại tất cả tài sản cho người con trai út, con của người vợ thứ 7, lúc bấy giờ chỉ mới 2 tuổi. Ở độ tuổi quá nhỏ để giữ lấy khối tài sản khổng lồ của người cha, người con trai này lớn lên chứng kiến gia tài sự nghiệp của cha mình bị xâu xé, và trở nên túng quẫn, tài sản duy nhất còn được bảo vệ lại là ngôi nhà. Thế nhưng sau khi anh chết, ngôi nhà lập tức bị thâu tóm và bỏ phế. Về sau, khi ngôi nhà được chính phủ bán lại và tu bổ, các vật dụng trong ngôi nhà gần như chẳng còn gì.

Nhà cổ Cheong Fatt Tze Mansion hiện nay còn là một khách sạn dạng boutique, được gọi là The Blue Mansion by Samadhi. Một ngày ở đây sẽ đem lại cho bạn trải nghiệm về một lối sống sang trọng trong những năm đầu thế kỷ 20.

Chong Fatt Tze Mansion

14 Leith Street, 10200 Penang, Malaysia

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Website: www.thebluemansion.com.my/www.cheongfatttzemansion.com

 

Cầu cảng Clan Jetties

Là di sản thế giới đã được UNESCO công nhận, khu nhà gỗ trên sông này được xây dựng từ giữa thế kỷ 19 bởi những người di cư từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Nơi đây từng là thương cảng sầm uất nhất Malaysia thế kỷ 19, luôn tấp nập tàu hàng, thương nhân từ các nơi. Clan Jetties bao gồm 75 ngôi nhà trong phạm vi bảo vệ di sản. Không cần phải bước vào bên trong mà ngay khung cảnh bên ngoài đã khiến bạn cảm nhận được không gian đậm nét cũ kỹ giữa lối đi nhỏ bằng gỗ, tiếng quạt máy ù ù bên trong như những năm thập niên 1980. Bạn có thể thấy hình ảnh của các cụ nằm dài trên chiếc ghế lười ngày xưa, tay phe phẩy cây quạt nan giấy. Dọc cầu cảng rải rác một vài gian nhà bán kem sầu riêng nhà làm, hay bánh puff sầu riêng.

Một điều khá hay ho là những gia đình sống trên các nhà gỗ trên sông này không phải trả bất kỳ thuế đất hay thuế nhà cửa gì, từ khi mới được xây dựng cho đến ngày nay, bởi vì họ không sống trên mặt đất. Thời gian lý tưởng nhất để ghé thăm các cầu cảng Clan Jetties, đặc biệt là khu cầu cảng Chew Jetty là hoàng hôn. Lúc này, bạn có thể ngồi thư thả bên cây cầu gỗ nhìn ngắm, và tranh thủ lưu giữ lại hình ảnh của màu biển xanh ngọc lam ánh lên dưới ánh nắng vàng cam bên những chiếc thuyền cá.

 

NGHỆ THUẬT ĐƯỜNG PHỐ TRÊN PHỐ CỔ GEORGETOWN

Ngày 7/7/2008, George Town chính thức được UNESCO trao tặng danh hiệu Di sản văn hóa Thế giới. Tản bộ dọc các con phố nhỏ trong khu George Town vào buổi chiều mát mẻ, ngắm nhìn các tòa nhà cổ cũ kỹ, khám phá các bức tác phẩm nghệ thuật rải rác trên các bức tường là trải nghiệm có sức hút kỳ lạ nhất khi đến với Penang. Đây cũng là một trong những khu phố được check-in nhiều nhất, đi đâu cũng thấy dân du lịch canh me chụp hình, tạo dáng với các bức tranh 3D, hay graffiti. Điều đáng nói là người dân rất thân thiện, họ chẳng càu nhàu khi thấy du khách túm tụm trước tường nhà mình để ngắm nhìn các bức tranh, thậm chí có du khách mải mê chụp hình làm cản trở lưu thông tại góc đường, xe hơi vẫn kiên nhẫn chờ chứ không hề bấm còi inh ỏi hối thúc.

Phố nghệ thuật (Street Art) ở George Town có 2 hình thức cơ bản: Tranh vẽ 3D và Tranh uốn bằng thép được giới thiệu trên bản đồ “Marking George Town” tại sân bay. Ngoài ra còn có một số dạng khác như tượng, điêu khắc tuy nhiên không có trên bản đồ, và việc khám phá ra các tác phẩm này tùy thuộc vận may của bạn.

Tất cả các tác phẩm nghệ thuật đều nói về các phong tục, văn hoá từ xa xưa tới nay của phố cổ George Town. Nếu bạn tìm kiếm chút kỳ quặc và hài hước, hãy thử kiếm bức 3D “Ông Chồng Ngoại Tình”(Cheating Husband) trên đường Love Lane. Bức tranh châm biếm những ông chồng giàu bụng to trốn vợ giấu nhân tình treo lủng lẳng bên khung cửa sổ sẽ khiến bạn bật cười. Bức “Quá Hẹp” (Too Narrow) trên Lorong Soo Hong mô tả hình ảnh người lái xe Trishaw chạy phăng phăng làm rớt luôn hai vị khách phía sau. Hay bức “Phong Cách Dây Thừng” (Rope Style) tại Jalan Pintal Tali gợi nhớ đến bím tóc thô như sợi dây thừng của cô bạn hàng xóm.

Hoặc bạn có thể thử thách mình lên hành trình tìm kiếm “101 Con Mèo Bị Lạc” (101 Lost Kittens), đúng như cái tên. Phố George Town giấu trong mình 101 “con mèo” trong bộ sưu tập gồm 12 tác phẩm của nghệ sĩ Thái Natthapon Muangkliang và hai nghệ sĩ Malaysia Louise Low và Tang Yeok Khang nhằm tạo ra nhận thức đối với động vật đi lạc. Đó là bức : “Skippy đến Penang” (Skippy Comes To Penang), “Hãy Chăm Sóc Và Tắm Cho Mèo” (Please Care & Bathe Me) trên phố Armenien Street Ghaut, “Cuộc Sống Hạnh Phúc Của Mèo Và Người” (Cats & Humans Happily Living Together) trên phố Cheah Kongsi…

 

NGHỆ THUẬT VẼ TAY TRÊN VẢI BATIK

Xưởng gia công vải Batik chắc hẳn là một trong những điểm phải đến tại Penang dành cho du khách yêu thích văn hóa. Ngày nay càng ngày càng ít người sử dụng loại vải vẽ tay Batik như xưa do công nghệ dệt càng ngày càng phát triển, nhưng nghệ thuật Batik vẫn luôn là niềm tự hào của người dân Malaysia.

Photo: Phu Tho

Tôi đến thăm Penang Batik Factory vào một trưa nóng, thế nhưng cái nóng ngoài trời chẳng thấm vào đâu khi bước vào xưởng vẽ, nơi các nghệ nhân phải làm việc liên tục cạnh bếp lò nấu chảy sáp ong. Thành lập từ năm 1973, Penang Batik Factory chuyên về các loại batik vẽ taytruyền thống.Thời xưa, chỉ có giới quý tộc hoặc nhà giàu mới có thể bận đồ làm từ vải Batik có hoa văn nhiều và phức tạp. Ngày nay, người ta dùng vải Batik trong mọi thứ, từ quần áo, khăn quàng cổ đến ga trải giường, khăn trải bàn…

Photo: Phu Tho

Để có được một tấm vải Batik, người nghệ nhân dùng sáp ong vẽ các hoạ tiết lên mặt vải. Giai đoạn vẽ tay thường được giao cho những nghệ nhân khéo tay và nhiều kinh nghiệm nhất trong xưởng. Các nghệ nhân hay sử dụng một dụng cụ trông như chiếc tẩu nhỏ với cán bằng gỗ, hoặc kim loại để đựng sáp ong nóng chảy và một đầu ống kim như đầu ngòi viết để vẽ lên những họa tiết tinh xảo.Vải sau khi được vẽ sẽ mang đi nhuộm rồi phơi khô. Sau đó, Batik được nhúng vào một dung môi để hòa tan hết sáp, các đường nét vẽ từ sáp ong sẽ không bị nhuốm màu và tạo thành hoa văn trắng đặc trưng. Nghệ nhân Batik có thể dùng khuôn in, cọ vẽ, thậm chí cả muối để tạo các hoa văn khác nhau.

Nhìn những nghệ nhân chảy mồ hôi thành dòng, tỉ mẩn đun sáp, vẽ họa tiết, nhuộm màu cho các thớ vải, mới thấy vải Batik không chỉ đơn thuần là một sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mà là các tác phẩm nghệ thuật, biểu tượng văn hoá của Malaysia với những nét độc đáo riêng.

 

MẠO HIỂM Ở ESCAPE THEME PARK

Tầm 25 phút chạy xe từ trung tâm phố cổ George Town, bạn sẽ đến với một trong những công viên độc đáo nhất của đất nước Malaysia: Escape Theme Park. Khi chúng tôi hào hứng đến với Escape Theme Park, ông Sim Choo Kheng – người đã thiết kế ra công viên mạo hiểm – ngay lập tức kéo chúng tôi trải nghiệm hàng loạt những trò chơi mạo hiểm nơi đây. Nuối tiếc trước sự biến mất của những trò chơi tuổi thơ như đu dây, đi cà kheo, nhào lộn, leo cây,…ông quyết tâm xây dựng một nơi để mọi người có thể “thoát khỏi” (Escape) sự ràng buộc của laptop, điện thoại và hòa vào thiên nhiên.

Thế nhưng ở Escape Theme Park, mọi trò chơi đều được nâng lên thành một hành trình mạo hiểm thật sự. Trước mỗi trò chơi, người chơi sẽ được hướng dẫn kỹ lưỡng qua một đoạn clip hướng dẫn, và luôn có người đi theo để kiểm tra các thiết bị an toàn. Nếu như khi bé bạn thích trèo từ nơi này sang nơi kia, và tưởng tượng mình trở thành Tarzan? Vậy thì đừng bỏ qua khu Chuyện Của Khỉ (Monkey Business), gồm hàng loạt các thách thức leo trèo, đu đây, lê lết đủ mọi cấp độ. Bạn sẽ phải treo mình giữa tầng cao (dĩ nhiên với dây đeo an toàn) để bước qua cầu treo, và bò xuyên qua các bánh xe cheo leo. Nghe có vẻ dễ dàng, nhưng nếu bạn đã thật sự lựa chọn trò chơi này, bạn sẽ phải hoàn tất hết một vòng mà không được quay đầu lại, trừ những trường hợp bất khả kháng. Điều này khiến bạn phải có tinh thần “thép”, tuyệt không bỏ cuộc giữa chừng.

Tại đây còn có khu vực nghỉ ngơi được thiết kế từ các container, và khu vực cắm trại giữa rừng xanh. Đây là khu vực quen thuộc của các trường học ở Malaysia khi đưa học sinh đến đây để rèn luyện sức khỏe và vui chơi giữa tự nhiên.

Một trong những trò chơi hấp dẫn ở Escape Theme Park là trò thả mình tự do từ độ cao 15m và 20m, tuyệt đối thu hút những ai đam mê mạo hiểm. Khác với trò Bungee, một khi nhảy là khó mà dừng lại giữa chừng, với trò chơi nhảy tự do, bạn sẽ chỉ rơi tự do trong vài giây đầu và dần được kéo chậm lại để tiếp đất an toàn. Khi đứng trên đỉnh tháp, phóng tầm mắt ra một không gian xanh thẳm đầy cây, bạn sẽ có cảm giác như đang đứng bên bờ vực, sẵn sàng thả mình sau tiếng kêu “1,2,3, Nhảy!” Đừng ngại ngùng la to khi chơi mạo hiểm, bạn sẽ do dự, sợ hãi khi nhìn xuống dưới, sẽ thấy phấn khích khi rơi tự do trong vài giây, và tự hào khi chân chạm đất. Tất cả tạo nên cảm giác rất tuyệt vời.

Escape Theme Park

Website: www.escape.my

Giá vé vào cửa: Khoảng 350.000 đồng cho trẻ em và 500.000 đồng cho người lớn.

 

--------------------------------------------

Thông tin thêm:

+ Hành trình: Cách đơn giản nhất là đặt vé máy bay đi thẳng từ TP.HCM đến Penang với vé giá rẻ của hãng AirAsia. Đây là hãng duy nhất mở đường bay thẳng TP.HCM - Penang. Đường bay thẳng từ Penang đến TP. HCM được khai thác với tần suất 4 chuyến khứ hồi/tuần vào các ngày thứ Hai, Tư​, Sáu,​ Chủ nhật​. T​hời gian bay mỗi chặng khoảng 1 giờ 40 phút. AirAsia thường có khuyến mãi lớn để quảng bá đường bay mới này trong đợt cuối năm.

+ Sự kiện: Đến Penang vào mùa hè, bạn hãy chung vui cùng người dân địa phương trong các lễ hội Sầu Riêng, thường diễn ra từ tháng 6 đến tháng 7 hàng năm. Penang là nơi tập trung những trái sầu riêng được mệnh danh ngon bậc nhất Đông Nam Á.

RELATED ARTICLES