Mới đây, tại Hàn Quốc một món "tăm chiên giòn" vô cùng độc lạ đã xuất hiện dày đặc và được nhiều nhà sáng tạo chuyên làm về nội dung ăn uống làm theo. Theo đó, để chế biến món ăn kỳ quái này, những người này đã sử dụng một hộp tăm dùng để vệ sinh răng miệng của Hàn Quốc. Tiếp theo, họ chiên những chiếc tăm này trong chảo ngập dầu để những chiếc tăm phồng lên tựa như món phồng tôm.
Loại tăm dùng trong các video trên làm từ tinh bột khoai tây hoặc bột ngô, có tẩm chất tạo màu thực phẩm để lên màu xanh ngọc. Chúng được xem là sản phẩm thân thiện với môi trường, xuất hiện phổ biến tại các nhà hàng ở Hàn Quốc. Do đó, về cơ bản, những chiếc tăm này đều được làm từ thành phần hữu cơ tự nhiên, có khả năng phân hủy sinh học và hòa tan trong nước.
Trong các video trên, những người làm nội dung thường dùng bột phô mai để tẩm ướp và thả các bó tăm vào chảo dầu, tạo nên món ăn hình sợi có bề ngoài lạ mắt. Các video ăn tăm xỉa răng nhanh chóng nhận lượng tương tác và chia sẻ lớn, trở thành trào lưu thịnh hành tại quốc gia này.
Tuy nhiên, bất chấp những đặc tính có vẻ thân thiện với môi trường của chúng, các quan chức y tế tại quốc gia châu Á này vẫn cảnh báo không nên tiêu thụ những dụng cụ nha khoa này theo cách coi chúng như một món ăn vì chúng chưa được phê duyệt cho con người sử dụng.
Hiện, Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm cảnh báo chưa thể xác minh mức độ an toàn của loại tăm chiên này. "Xin đừng sử dụng chúng, đây không phải đồ ăn", Bộ nêu rõ trong một thông báo trên nền tảng X (trước đây là Twitter). Cơ quan này nhấn mạnh tăm là vật dụng để vệ sinh răng miệng, không được dùng làm thực phẩm.
Trào lưu ăn tăm chiên bắt nguồn từ một số clip Mukbang, nơi người làm nội dung thưởng thức nhiều loại đồ ăn và phát trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội. Sau đó, nhiều thanh thiếu niên bắt kịp xu hướng, tìm mua sản phẩm này và tự chế biến tại nhà. Các video Mukbang với những loại đồ ăn kỳ lạ từ lâu đã cực kỳ nổi tiếng ở Hàn Quốc. Sự xuất hiện của tăm chiên là một ví dụ điển hình của các video thế này.
Năm 2018, chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực áp đặt các quy định đối với loại hình nội dung trên, nhằm ngăn chặn hành vi cổ xúy thói quen ăn uống vô độ, thiếu lành mạnh có hại cho sức khỏe cộng đồng.