Mùa đông ấm áp khi bạn biết sống Hygge

13/12/2017

Sống hòa mình vào thiên nhiên, đó là một trong những cách giúp người dân Bắc Âu tận hưởng cuộc sống tràn đầy tinh thần Hygge một cách đơn giản nhất. Hygge là một danh từ trong tiếng Na Uy có nghĩa nguyên gốc là sức khỏe tốt hoặc cái ôm, khi chuyển sang tiếng Đan Mạch lại có nghĩa là hạnh phúc và ấm cúng

Khi mới bắt đầu làm quen với tiếng Na Uy vào khoảng hơn 10 năm trước, tôi có chú ý đến một chi tiết. Đó là bên cạnh rất nhiều từ dùng để chỉ sự thoải mái, thân thiện, ấm cúng và hàng loạt những tính từ mang ý nghĩa tích cực, người dân Na Uy (và dân Đan Mạch hàng xóm cách nhau… một eo biển) đặc biệt thích dùng hai tính từ hyggeligkoselig. Họ có thể dùng nó trong hầu hết mọi hoàn cảnh, mọi tình huống và rất nhiều câu cửa miệng khác. Tất nhiên miễn là những gì được nói đến đều phải mang ý nghĩa vui vẻ.

Ban đầu, tôi sử dụng chúng một cách vô thức, như một thói quen ngôn ngữ mà người ta chỉ có thể giải thích một cách hết sức đơn giản là “vì nó… như thế!” Sau này, khi đã sống ở Na Uy được một thời gian, tôi bắt đầu nghiệm ra và “ngấm” dần cái chất hygge của người phương Bắc.

Hygge là gì?

Hygge (đọc là hue-geh) là một danh từ trong tiếng Na Uy, có nghĩa nguyên gốc là sức khỏe tốt hoặc cái ôm. Khi thêm vào hậu tố -lig thì hyggelig trở thành tính từ mang nghĩa khỏe mạnh hoặc vui vẻ. Đó cũng là lý do vì sao khi lần đầu gặp mặt, sau vài câu chào và giới thiệu tên tuổi, người Na Uy sẽ nói thêm “Hyggelig!” với ý nghĩa là “Rất vui được làm quen với bạn!”

Khi “di chuyển” xuống phía Nam, tức Đan Mạch, hygge hyggelig lại mang một ý nghĩa hoàn toàn khác, đó là niềm hạnh phúc và sự ấm cúng (danh từ) hoặc hạnh phúc và ấm cúng (tính từ). Và cũng chính người Đan Mạch chứ không phải dân Na Uy, đã khiến cho khái niệm hygge trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới: phong cách sống hygge của người Bắc Âu. Ngày nay, Hygge phổ biến đến mức người ta không cần phải tìm một từ tiếng Anh tương đương cho nó mà hoàn toàn có thể sử dụng ngôn ngữ gốc là tiếng Đan Mạch.

Lối sống hygge không chỉ có ở Đan Mạch mà nguời dân Bắc Âu nói chung đều tận hưởng cuộc sống theo tiêu chí này. Tuy nhiên tên gọi thì có phần khác biệt. Tại Na Uy – “quê hương” gốc của từ hygge –ngày nay đó là koselig. Còn với dân Thụy Điển, tinh thần Hygge được thể hiện qua tính từ trevlig mang ý nghĩa tương tự.

Hygge từ trong nhà…

Đối với khí hậu Bắc Âu vốn có đến tận năm tháng mùa đông, với những đêm tuyết rơi mịt mù hay những ngày mặt trời không hề mọc, ngôi nhà phải là nơi ấm cúng và an toàn nhất, giúp họ nương náu qua ngày đông tháng giá.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Nhà của người Bắc Âu truyền thống được xây bằng gỗ thông, với phần tường dày gần 50 cm, đủ để cách nhiệt cho ngôi nhà. Bên ngoài có thể sơn màu, nhưng bên trong thường là vách gỗ thô mộc. Đó chính là yếu tố căn bản nhất để tạo nên tinh thần hygge cho một ngôi nhà của dân xứ lạnh: sự thô mộc của gỗ thông, màu nâu sáng của gỗ kết hợp với ánh đèn vàng là đủ để tạo một không gian ấm cúng trong gia đình.

Trước khi cùng gia đình chuyển ra sinh sống ở vùng ngoại ô Oslo (Na Uy), tôi đã từng sống trong một căn hộ chung cư ngay giữa thủ đô hoa lệ. Sự tiện nghi của một căn hộ kiểu mới khiến tôi có phần lo lắng khi mua lại căn nhà từ người chú trong gia đình, vốn được xây cất cách đây 30 năm. Vậy mà sau khi trải qua mùa đông đầu tiên trong ngôi nhà nhỏ ở ngoại ô ấy, vợ chồng tôi đã thôi không còn luyến tiếc những tiện nghi trước đó nữa.

Khi mùa thu đến mang theo những cơn mưa buồn đến nao lòng, người dân bắt đầu chuẩn bị củi cho lò sưởi. Củi sau khi được chẻ thành khúc nhỏ sẽ được sắp ngăn nắp vào chỗ riêng, thường là phần chái nhà ngay cạnh garage, có mái che để tránh mưa làm ướt củi. Khi nhiệt độ bắt đầu giảm xuống 0ºC, người ta bắt đầu đốt lò sưởi, thường là vào lúc chiều, khi mọi người trong gia đình đã về đến nhà và đang chờ đợi bữa tối. Sau bữa ăn ấm cúng, cả nhà sẽ quây quần quanh lò sưởi đang cháy lách tách, uống cà phê hoặc cacao nóng, mặc cho bên ngoài tuyết trắng đang ngày một thêm dày. Buổi tối như vậy, người ta chắc chẳng cần đòi hỏi gì thêm, ngoài một chút peisekos – niềm hạnh phúc bên lò sưởi.

Hygge ra ngoài phố

Thụy Điển là quốc gia tiêu thụ cà phê nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ xếp sau Phần Lan. Người Đan Mạch và Na Uy hẳn cũng không chịu thua kém khi cả hai đều đứng trong danh sách top 10 quốc gia tiêu thụ cà phê nhiều nhất thế giới. Vì vậy ở những thành phố lớn, bạn cứ ra ngõ là đã gặp quán cà phê.

Nếu không kể đến những thương hiệu cà phê quốc tế với tên tuổi và phong cách trang trí giống hệt nhau ở tất cả mọi nơi, thì một quán cà phê đúng kiểu Bắc Âu, tất nhiên là phải mang đến cảm giác ấm cúng Hygge ngay khi vào quán.

Những quán nhỏ ấy thường nằm bên trong một ngôi nhà xưa trong phố cổ với trần thật thấp, đèn thật mờ và vát lót sàn thật cũ, cũ đến mức kêu lên răng rắc mỗi khi có bước chân người dẫm lên. Nếu không thì quán cũng phải là một không gian nhỏ, vừa đủ để kê chừng dăm ba bộ bàn ghế bên trong, thêm dăm ba bộ nữa bên ngoài quán.

Một ngày mùa đông nhiều năm trước, gia đình tôi có chuyến đi chơi cuối tuần ở Copenhagen, Đan Mạch. Ngắm phố ngắm phường thấm mệt, chúng tôi tìm đến một quán cà phê rất nhỏ trong một góc phố cũng nhỏ không kém, mà bây giờ tôi không tài nào nhớ được làm sao mình đến được đó. Tôi chỉ nhớ mãi khi đẩy cửa bước vào bên trong, cảm giác lúc đó rất dễ chịu, không giống như khi bạn bước vào một quán cà phê trong một thành phố lạ. Cảm giác đó, giống như bạn đi xa về, mở cửa bước vào chính căn bếp thân thuộc của mình, nghe mùi cà phê nóng ai đã pha sẵn để chờ mình cùng uống. Uống một ly cà phê nóng với người thương trong một quán lạ-mà-quen như thế, chẳng phải cũng đã hyggelig lắm sao?

Bốn mùa Hygge

Người Na Uy có câu ngạn ngữ: “Không có thời tiết xấu, chỉ có quần áo không phù hợp”, ý nói rằng bất cứ mùa nào bạn cũng có thể cảm thấy dễ chịu và thoải mái, miễn là bạn mặc đúng loại quần áo thích hợp. Và vì thế mới có cảnh ngày mưa thì dân tình lại rủ nhau… vào rừng hái nấm, hay những ngày đông tháng giá lại kéo nhau ra hồ băng ngồi hàng giờ đồng hồ để… câu cá!

Sống hòa mình vào thiên nhiên, đó là một trong những cách giúp người dân Bắc Âu tận hưởng cuộc sống Hygge một cách đơn giản nhất. Trong suốt mười hai tháng của năm, lúc nào người ta cũng có một cái cớ để ra ngoài trời vận động. Thậm chí tới mùa khắc nghiệt nhất là mùa đông, người ta cũng có lý do là ra phố uống cà phê cùng bạn bè hoặc chơi các môn thể thao trên tuyết để tự “lôi” mình ra khỏi nhà, vận động cơ thể và hít thở khí trời.

Sống ở ngoại ô một thời gian, tôi nhận thấy một điều rất thú vị: vào mùa hè, trong các siêu thị ở đây hầu như không thấy bày bán các loại trái mọng (berries) như thanh dâu hay phúc bồn tử. Mãi một thời gian sau tôi mới nghiệm ra rằng, những thứ trái thơm ngon ấy mọc hoang đầy những lối đi trong rừng, thậm chí ở những bụi cây ven đường trong phố. Vậy thì tại sao phải mua hàng trong siêu thị, trong khi tự tay bạn có thể hái chúng ăn ngon lành và nhất là… miễn phí!

Mùa thu đến mang theo những cơn mưa thu bất tận, người dân Bắc Âu có thể lười biếng ngồi trong nhà mà nhìn ra ngoài hiên, nhàn nhã hớp ngụm cà phê thơm và thưởng thức miếng bánh mì nướng phết mứt phúc bồn tử tự làm, thơm lừng. Niềm hạnh phúc giản đơn ấy đơn giản được gọi tên là Hygge.

7 cách để sống Hygge như người Bắc Âu

Không cần phải là người Bắc Âu hay sống ở Bắc Âu, bạn hoàn toàn có thể tạo cho mình một phong cách sống Hygge chỉ với những điều đơn giản như mô tả dưới đây thôi.

1. Dành thời gian cho gia đình

Người Bắc Âu rất trân trọng thời gian dành cho gia đình. Nếu đi ăn ở ngoài, đó phải là những dịp rất đặc biệt như đám cưới hoặc một sự kiện nào đó. Vì thế, dù có bận cách mấy, hãy cố gắng ăn cơm tối cùng gia đình.

2. Nấu ăn tại nhà

Song song với việc dùng bữa tối cùng gia đình, tự tay nấu ăn cũng là một cách giúp bạn kết nối với gia đình thông qua việc tìm hiểu khẩu vị của mọi người trong nhà, hay nấu ăn cùng mẹ hoặc con cái, đặc biệt là trẻ nhỏ.

3. Hòa mình vào thiên nhiên

Nếu sống ở thành thị và không có điều kiện để lên rừng xuống biển thường xuyên, ngày cuối tuần bạn có thể đi dạo trong công viên và hít thở không khí trong lành vào buổi sáng sớm, hoặc cắm trại ở ngoại ô cùng bạn bè.

4. Năng vận động

Đó có thể là đi bộ buổi sáng, đạp xe ra chợ thay vì đi xe máy, đi bơi vào một ngày nóng nực, hoặc đơn giản nhất là sử dụng thang bộ thay vì đi thang máy nếu bạn chỉ di chuyển vài tầng lầu.

5. Hạn chế sử dụng đồ điện tử và đọc sách ngày mưa

Cắt giảm thời gian xem TV, bớt dùng các thiết bị điện tử, đặc biệt là trong bữa ăn với gia đình. Thay vào đó hãy đọc một quyển sách, xem tin tức từ báo giấy, hoặc đơn giản là trò chuyện cùng những người xung quanh mình. Đặc biệt, những ngày mưa lạnh, sẽ không còn gì tuyệt hơn là được cuộn tròn trong chăn, đọc quyển sách mình ưa thích và uống cà phê hoặc cacao nóng.

6. Trang trí nhà cửa theo phong cách tối giản

Nếu không thể trang trí lại toàn bộ ngôi nhà, ít nhất hãy để phòng ngủ của bạn theo phong cách tối giản kiểu Scandinavia. Một căn phòng thoáng đãng sẽ khiến tâm hồn bạn thư thái hơn và khiến chất lượng giấc ngủ tốt hơn.

7. Luôn suy nghĩ tích cực

Tất nhiên, trong cuộc sống sẽ có lúc bạn cảm thấy chán nản, thất vọng, mệt mỏi hay vô vàn những cảm xúc tiêu cực khác. Lúc đó, thay vì tập trung vào điều khiến mình buồn phiền, hãy tập nhìn sự việc theo chiều hướng tích cực, chẳng hạn như điều không hay đó đã giúp bạn nhận ra bài học gì, rút được kinh nghiệm nào

Ngọc Quyên
RELATED ARTICLES