Mùa đông không lạnh ở vùng biển Địa Trung Hải

16/12/2018

Mùa đông có nhất thiết phải đi trượt tuyết và đón Giáng Sinh hay không? Nếu bạn không phải dân ưa thể thao hay theo đạo Thiên Chúa thì có lẽ những điều đó không quá quan trọng. Nice, Palermo và Valletta là những thành phố nghỉ đông dành cho những du khách yêu biển, văn hoá, kiến trúc và không thích giá lạnh.

Thành phố nghỉ dưỡng lý tưởng Nice

Hình ảnh đặc trưng của Nice chính là bờ biển thơ mộng xanh thẫm ngập nắng vàng. Điểm đặc biệt của thành phố này là quanh năm khí hậu ôn hoà, kể cả vào mùa đông. Mùa đông không thể tắm biển nhưng bù lại là không khí tĩnh lặng, ít khách du lịch. Đi du lịch trái mùa nên giá phòng ở trung tâm không quá đắt, mọi người nên chọn khách sạn ở khu Vieux-Nice và Place Masséna, hai khu phố cổ gần bờ biển.

Empty

Trong chuyến đi Nice vừa rồi, tôi có dịp tới thăm bảo tàng Masséna (Masséna Musée) nằm trên con đường dọc bờ biển nổi tiếng tên là Promenade des Anglais. Bảo tàng trước đây là dinh thự của André Masséna, một trong những thống chế xuất sắc nhất thời Napoléon I. Ngoài kiến trúc đẹp, bảo tàng Masséna còn là nơi lý tưởng để tìm hiểu lịch sử thành phố Nice từ cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20.

Empty
Empty
Empty

Trong lúc đang ngắm nhìn những bức tranh vẽ Nice từ thời còn chưa có khách du lịch, tôi bắt gặp một chân dung khổ lớn của Nữ hoàng Anh Victoria (1819 – 1901). Thì ra những năm cuối đời, Nữ hoàng Victoria đến thăm Nice khá nhiều lần và có hẳn nơi ở riêng chính là cung điện Excelsior Regina, xây vào khoảng năm 1895 và 1897. Thậm chí lúc lâm chung, Nữ hoàng còn nói: “Ôi, giá như ta ở Nice, ta đã khỏi rồi.” (“Oh, if only I were at Nice, I should recover").

Empty
Từ Nice có thể dễ dàng đi Monaco trong ngày bằng cách đặt tour hoặc tự đi xe buýt. Monaco là một trong những quốc gia nhỏ nhưng giàu nhất thế giới. Chi phí ở Monaco cực kì đắt đỏ nên tốt nhất là nghỉ đêm ở Nice và chỉ thăm quan Monaco trong ngày. Trừ khi bạn là fan ruột của giải đua xe Công thức 1, hãy đặt phòng và mua vé thật sớm để có cơ hội theo dõi trực tiếp giải đua này tại Monaco. Nếu muốn có một dấu ấn thật đặc biệt từ Monaco, hãy mang theo hộ chiếu tới Văn phòng Du lịch tại số 2 Boulevard des Moulins để lấy dấu tem nhập cảnh miễn phí.

Đến Nữ hoàng Anh còn không cưỡng lại được sức hút của Nice nên ngày nay, Nice đã trở thành một điểm du lịch không thể bỏ qua của nước Pháp. Để tận hưởng một ngày thảnh thơi ở Nice, mọi người có thể bắt đầu bằng bữa sáng kiểu Pháp ở tiệm bánh Boulangerie Jeannot, rồi đi dạo thăm thú chợ trời Cours Saleya và Nhà thờ lớn Nice ở khu phố cổ Vieux-Nice. Sau đó, bạn có thể đi mua sắm ở trung tâm thương mại sang trọng Galeries Lafayette rồi ăn trưa ở nhà hàng thuộc Michelin guide tên là Le Séjour. Món nổi tiếng nhất của Le Séjour là cơm risotto tôm hùm.

Buổi chiều hãy dành thời gian chiêm ngưỡng kiến trúc và tìm hiểu lịch sử ở Villa Masséna. Nếu bạn đam mê nghệ thuật, cách Villa Masséna không xa là Bảo tàng Mỹ thuật của Nice (Museé Beaux-Arts de Nice), trưng bày các tác phẩm từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 20. Cuối cùng, thưởng thức cocktail hoặc bữa tối ở Le Méridien và ngắm trọn vẹn cảnh biển từ trên cao là một trải nghiệm tuyệt vời.

Empty
Empty
Empty

Xứ sở “sống chậm” Malta

Malta không phải một địa điểm du lịch quá nổi tiếng, nhưng tôi vẫn luôn tò mò về nó vì Malta là quốc đảo duy nhất ở Nam Âu. Hòn đảo này tuy diện tích chỉ có 316 km2 và dân số 460.297 (vào năm 2017) nhưng là một quốc gia độc lập thuộc khối Schengen. Và điểm độc đáo của Malta không chỉ dừng ở đó.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty

Điểm đến đầu tiên của tôi là Valletta, thủ đô của Malta. Một trong những ấn tượng đầu tiên của tôi về Malta là sự “chậm chạp” của thành phố này. Từ con người đến xe cộ đều cho tôi cảm giác như một cuốn phim quay chậm. Tôi và em họ mỗi khi nhắc lại vẫn còn thấy buồn cười vì mỗi khi bắt chuyện với người bản địa, phản ứng của họ luôn khá chậm. Ví dụ lúc chúng tôi hỏi mua vé bảo tàng, phải một phút sau nhân viên mới ngẩng đầu lên trả lời. Còn về giao thông thì cực kì chậm, nhất là khi đi xe buýt vì đường rất ngoằn nghèo. Nếu có điều kiện và muốn đi nhiều nơi ở Malta thì thuê ô tô tự lái sẽ chủ động hơn.

Empty
Empty
Empty
Ngoài thủ đô Valletta, Malta còn rất nhiều điểm tham quan thú vị. Một trong những thành phố tôi thích nhất ở Malta là Mdina, cố đô của quốc đảo từ thời cổ đại đến trung cổ. Kiến trúc của cố đô không những cổ kính mà còn khá là dễ thương vì cái gì cũng nhỏ xinh. Còn Sliema là một thành phố sôi động tụ tập đông người trẻ. Đến Sliema du khách thường hay mua sắm, đi dạo và ra bờ biển để ngắm trọn vẹn đường chân trời độc đáo của Valletta. Đối với những ai yêu biển, thích khám phá thiên nhiên thì nên đến thăm đảo Comino và Gozo hoặc đi thuyền vào thăm các hang động ở Blue Grotto để ngắm nhìn màu xanh thăm thẳm của đại dương.

Một lần, trong lúc đi dạo ở gần Nhà thờ Thánh John, tôi bắt gặp một hình ảnh vô cùng quen thuộc của những năm tháng còn là sinh viên ở Anh, đó chính là chiếc bốt điện thoại màu đỏ. Sao mà bỗng dưng Malta giống Anh Quốc thế nhỉ! Sau khi tìm hiểu, tôi được biết Malta từng là thuộc địa của Anh từ năm 1813 đến năm 1964. Thảo nào người Malta cũng có phong cách thanh lịch và... “sống chậm” giống người Anh. Nhiều người thậm chí còn tới Malta để học tiếng Anh.

Trong năm 2018, Valletta là thủ đô văn hoá của châu Âu nên có nhiều sự kiện văn hoá nghệ thuật đáng chú ý, ví dụ như hoà nhạc cổ điển trong bảo tàng. Những nơi tham quan không thể bỏ qua dành cho du khách yêu văn hoá lịch sử là bảo tàng Khảo cổ học Quốc Gia (National Museum Of Archaeology), nhà thờ Thánh John (St. John's Co-Cathedral) và Cung điện chính (Grandmaster's Palace). Vào thứ 6 cuối cùng hàng tháng, tại quảng trường Thánh George sẽ diễn ra lễ đổi gác lúc 10h30’ sáng. Đây là cơ hội đặc biệt để chụp ảnh những lính gác hoàng gia trong trang phục truyền thống màu đen, đỏ và trắng.

Không cần quá nhiều thời gian để khám phá Valletta, nhưng Valletta thực sự là nơi chốn lý tưởng để tận hưởng những tia nắng ấm áp giữa mùa đông và có một kì nghỉ dưỡng nhẹ nhàng, yên tĩnh.

Empty
Empty
Empty

Sicily, vùng đất của “bố già”

Empty
Empty

Những ai đã xem tuyệt phẩm điện ảnh “Bố Già” (The Godfather) sản xuất năm 1972 thì hẳn rất tò mò về giới mafia xứ Sicily ở miền nam nước Ý. Ngày nay, theo lời cô bạn người Ý của tôi kể thì mafia đã chuyển hết lên phía bắc nước Ý sinh sống, bỏ lại sau lưng một Sicily nghèo nàn. Tuy rằng miền nam nước Ý đang ngày một suy tàn vì kinh tế đi xuống, các kiến trúc kết hợp nhiều nền văn hoá khác nhau, thiên nhiên hoang sơ và lối sống vô lo vô nghĩ của người Sicily vẫn vô cùng cuốn hút du khách thập phương.

Thành phố Palermo chính là thủ phủ của đảo Sicily. Tới Palermo vào mùa đông để tránh rét và cũng là để tìm đến những giá trị lịch sử bị lãng quên. Có lẽ không nhiều người biết Sicily từng bị xâm chiếm bởi rất nhiều đế chế khác nhau. Trước khi thuộc nước Ý, một số phần của Sicily từng là thuộc địa của Hi Lạp cổ đại (750 TCN – 242), La Mã cổ đại (242 – 440), đế chế Byzantine (535 – 965), Ả Rập (831 – 1072), người Norman (1068 – 1194) và nhiều đế chế khác nữa. Khi nhắc tới Sicily, người ta người nghĩ tới một vùng đất đậm chất Ý của các “bố già”, nhưng thực chất Sicily lại là nơi giao thoa của nhiều nền văn hoá khác nhau.

Empty
Để khám phá Sicily có lẽ cả tháng cũng chưa đủ vì hòn đảo khá rộng lớn. Nhưng đã đến Sicily, đừng bỏ qua thành phố biển Cefalù. Từ Palermo tới Cefalù chỉ mất khoảng 45 phút đi tàu. Ngoài phong cảnh yên bình và thành phố vắng lặng lúc nào cũng trong tình trạng như đang “ngủ trưa” thì Cefalù còn nổi tiếng với nhà thờ lớn Cefalù, được xây theo lối kiến trúc Norman từ thế kỉ 12 và là di sản thế giới do UNESCO công nhận. Một di sản thế giới khác gần Cefalù là nhà thờ lớn Monreale. Ngoài những địa danh kể trên, Sicily còn được thế giới biết đến qua núi lửa vĩ đại Etna, thành phố cảng Catania, nhà hát cổ ở Taormina và chocolate Modica.

Lịch sử xâm lược ở Sicily đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lối kiến trúc độc đáo của các công trình như nhà thờ lớn Palermo, cung điện Norman, nhà nguyện Palatine, thác nước Pretoria, và khu Quattro Canti. Mỗi góc của Sicily đều có chút gì đó của Hi Lạp cổ đại, của người Ả Rập và cả người Norman (đến từ miền Bắc nước Pháp). Nhiều lúc tôi còn tưởng như mình đang ở một đất nước Hồi Giáo chứ không phải Thiên Chúa Giáo. Kiến trúc khiến tôi choáng ngợp nhất là nhà hát Massimo, nhà hát lớn nhất Ý và lớn thứ ba ở châu Âu. Ở nhà hát có tour tham quan bằng tiếng Anh rất lý thú, du khách nên tham gia để hiểu thêm về lịch sử của nhà hát. Nhà hát này chính là một trong những bối cảnh quay phim Bố Già.

Một trong những điểm đặc sắc nhất của Palermo chính là ẩm thực địa phương phong phú. Ẩm thực đường phố tại đây rẻ mà lạ. Có lần tôi được anh bạn người bản xứ dẫn tới quán Franco u Vastiddaru ăn thử pane ca’ meusa, bánh mì kẹp lá lách bò. Người địa phương xếp hàng dài để gọi món này. Sicily còn có món dạ dày cừu hay dê nướng. Một món khác phổ biến và đỡ kinh dị hơn là arancine, cơm nắm tẩm bột chiên nhân phô mai hoặc sốt cà chua.

Empty
Empty
Empty

Thế còn món ngọt thì sao? Người dân Sicily nói riêng và người Ý nói chung rất thích đồ ngọt. Những món đồ ngọt nổi tiếng của Sicily gồm có cannoli (bánh quy nhân phô mai ricotta), cassata (bánh ngọt bọc marzipan) và paste di mandorle (bánh quy hạnh nhân). Những món này tuy đẹp mắt nhưng không ăn được nhiều vì quá ngọt. Nhưng dù sao thì đó vẫn là một phần không thể thiếu của “La dolce vita” (Cuộc sống ngọt ngào) của nước Ý.

Empty


THÔNG TIN THÊM

Visa: Cả ba địa điểm Nice (Pháp), Palermo (Ý) và Valletta (Malta) đều thuộc khối Schengen nên chỉ cần xin visa Schengen là có thể nghỉ dưỡng tại những thành phố này. Trong ba nước kể trên, xin visa Pháp là dễ nhất. Thông tin chi tiết về việc xin visa Pháp có thể tham khảo tại trang web chính thức của đại sứ quán Pháp hoặc trung tâm TLSContact.

Hành trình: Hiện tại chưa có đường bay thẳng từ Việt Nam tới Nice, Palermo và Valletta. Nếu muốn bay tới Nice thì nên quá cảnh ở Paris, còn tới Palermo và Valetta thì quá cảnh ở Rome là tiện nhất.

Phương tiện đi lại: Các phương tiện công cộng ở Nice như tàu điện và xe buýt rất thuận tiện nên mọi người có thể đi bộ hoặc dùng phương tiện công cộng, taxi và Uber. Còn ở Palermo và Valletta, nếu muốn đi nhiều nơi thì nên thuê ô tô tự lái là tốt nhất vì hệ thống phương tiện công cộng kém.

Trang phục: Tuy không lạnh như các thành phố châu Âu ở phía Bắc, như đã liệt kê ở trên, nhiệt độ ở Nice, Palermo và Valletta vẫn khá thấp. Mọi người vẫn phải mang theo quần áo ấm, khăn, mũ và giày cao cổ. Nhiệt độ trung bình tháng 12 ở Nice là 6° - 14°C; ở Palermo là 11° - 16°C; ở Valletta là 11° - 17°C (theo www.ncdc.noaa.gov). Đừng quên mang theo cặp kính râm vì mùa đông ở miền nam châu Âu vẫn có nhiều ngày nắng chan hoà.

Những lưu ý khác:

- Nice và Valletta đủ an toàn để du lịch một mình. Còn vùng Sicily do kinh tế kém và đông dân nhập cư nên khá lộn xộn, nên tránh đi một mình đến nơi vắng người.

- Chọn túi đựng tư trang cá nhân là loại túi đeo chéo thật chắc chắn và có nhiều ngăn để đề phòng trộm cướp và móc túi, nhất là khi ở Palermo.

- Malta dùng ổ cắm ba chạc giống Anh nên các ổ cẳm kiểu hai chạc của châu Âu sẽ không dùng được. Mọi người nên mang một adapter đổi điện đề phòng khách sạn không có sẵn
.

Trần Đan Vy
RELATED ARTICLES