Du lịch tình nguyện khác với những chuyến du lịch thông thường nằm ở mục đích. Chuyến đi là sự kết hợp tham quan, nghỉ ngơi, khám phá với các hoạt động từ thiện, tình nguyện như bảo vệ môi trường, phòng chống và khắc phục thiên tai, đóng góp vật chất để duy trì các hoạt động giáo dục hay xây dựng cơ sở vật chất như trường học, nhà ở…Điều này đồng nghĩa với việc, người tham gia chuyến hành trình sẽ vừa là một du khách, vừa là một tình nguyện viên.
Hành trình bắt đầu vào một ngày mùa hạ
Hằng năm IUCN (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources) phối hợp với VQG Côn Đảo tổ chức kêu gọi các tình nguyện viên tham gia bảo tồn rùa biển trong mùa cao điểm của khi rùa đẻ trứng từ tháng 6 cho đến tháng 9. Đây là một cơ hội tuyệt vời dành cho các bạn trẻ yêu thích du lịch, lặn biển và bảo vệ môi trường,
Uyên Vũ, một tình nguyện viên chia sẻ với Travellive rằng mỗi năm sẽ có gần một ngàn hồ sơ được gửi đến nhưng chỉ có khoảng một trăm bạn tình nguyện viên được chọn để hỗ trợ tại các đảo Bảy Cạnh, Hòn Cau, Hòn Tàu, Hòn Tre Lớn và bãi Dương. Để rùa lựa chọn đẻ trứng thì bãi biển nơi ấy phải giữ được môi trường trong lành, hoang sơ và ít có dấu hiệu ảnh hưởng bởi con người. Chính vì thế mỗi bãi biển ở đây đều được bảo tồn trọn vẹn sự hoang sơ nguyên bản khiến cho bất kì ai đến đây đều muốn dành một phần tuổi trẻ để khám phá vẻ đẹp trong trẻo và thuần khiết của thiên nhiên.
Du lịch dài ngày với khoản chi ít ỏi
Khác với việc được chọn lựa vị trí đắc địa khi đi du lịch, bạn sẽ được trải nghiệm cuộc sống mộc mạc và giản dị khi ở nhà của người dân địa phương, tự nấu nướng và ăn uống cùng họ, mượn phương tiện giao thông của họ để phục vụ đi lại. So với một chuyến du lịch thông thường, du lịch tình nguyện chỉ tốn bằng ⅕ chi phí. Ví dụ như khách du lịch tới Côn Đảo, phải thuê ca nô riêng hay công ty du lịch hoặc đặt tour tại Vườn Quốc gia để ra các hòn, còn các tình nguyện thì được đơn vị kiểm lâm của Vườn Quốc gia hỗ trợ đón trả tại Hòn Bảy Cạnh và Hòn Cau.
Ngoài dự án Bảo tồn rùa biển, VQG Côn Đảo cũng đang triển khai loại hình du lịch kết hợp với trải nghiệm thả rùa con để nâng cao nhận thức bảo vệ động vật và môi trường cho du khách. Trung bình mỗi năm có trên 450 cá thể rùa mẹ đến các bãi cát ở Côn Đảo làm tổ và đẻ trứng. Qua đó số lượng rùa con được cứu hộ, ấp nở và thả về biển khoảng 150,000 rùa con hằng năm, chiếm tới 80% tổng số trứng rùa ở các vùng biển Việt Nam. Tuy nhiên cứ mỗi 1,000 rùa con được thả về biển chỉ có 1 con có thể sống sót và trưởng thành. Chính vì thế việc bảo vệ trứng rùa để tăng tỉ lệ rùa con được sinh ra rất là quan trọng.
Khi du lịch gắn với lao động và trải nghiệm cuộc sống địa phương
Ở hòn Bảy Cạnh, với vai trò là Tình nguyện viên rùa biển, một ngày mới sẽ bắt đầu theo giờ giấc và các sinh hoạt của đội kiểm lâm ở đây. Ban ngày các TNV sẽ hỗ trợ các anh trồng cây, thu gom và xử lý rác thải đại dương, trang trí và vệ sinh khuôn viên trạm, hướng dẫn khách du lịch tham quan trải nghiệm thả rùa.
Đến với hành trình này đa số đều là những người trẻ thích "xê dịch", sau những giờ hoạt động tích cực, những cuộc trekking đến ngọn hải đăng biệt lập hay những trải nghiệm lặn biển đều gắn với những kiến thức, những câu chuyện về con người, thiên nhiên tại nơi này.
"Ở trên ngọn hải đăng biệt lập ấy, có 3 anh bộ đội canh gác, bầu bạn cùng 18 chú chó gầy dơ xương nom rất thương. Chúng mình thực sự rất khâm phục các anh vì đã không quản mọi điều kiện bất tiện để hoàn thành nhiệm vụ và cống hiến thầm lặng trong việc canh gác bảo vệ biển đảo quê hương", Thương Huyền - TNV Viên Bảo tồn và Cứu hộ Rùa biển tại Côn Đảo, đợt IV kể lại.
Và hoạt động đặc biệt nhất phải kể đến là lặn biển ngắm san hô. Các dụng cụ lặn biển như áo phao, kính lặn, ống thở, chân vịt đều có thể mượn từ trạm kiểm lâm hoặc của nhà dân quanh đó. Những bài học lặn làm sao tay chân không tác động lực mạnh gây ảnh hưởng tới san hô, tránh những vết thương do san hô cứa cũng đều được các chú kiểm lâm tại đây tận tình hướng dẫn.
Với đặc trưng của một vùng biển nông và sở hữu làn nước trong vắt, chỉ cần xuống dưới làn nước khoảng 4-5 m bạn sẽ bắt gặp các loại san hô đủ màu sắc, từ san hô cành, san hô não, cho đến san hô mềm, san hô bắp cải. Những đàn cá tung tăng bơi lội, những con hải sâm, cùng các loại ốc đủ hình thù ấn tượng như ốc vú nàng, ốc tai tượng đủ khiến cho bất kỳ ai cũng phải choáng ngợp trước vẻ đẹp phong phú của tự nhiên.
Huyền vui vẻ kể với Travellive thời gian nấu ăn cũng là thời gian đông vui nhất khi mọi người cùng chung tay nấu bữa cơm nhà. Đa số đồ ăn đều là thực phẩm tự nuôi trồng hoặc được dân địa phương buôn bán, vì thế mà bữa ăn nào cũng rất tươi và ngon.
Những đêm nằm nghe sóng và trông rùa... "vượt cạn"
Hầu hết mọi hoạt động đều sẽ diễn ra vào tối khuya hoặc rạng sáng theo thời gian thủy triều lên. Rùa mẹ sẽ theo con nước lên bờ và về lại biển trước khi thủy triều rút. Tùy theo mỗi bãi mà số lượng rùa lên đẻ sẽ khác nhau. Như ở bãi Bảy Cạnh, một đêm có đến gần hai mươi rùa mẹ lên bờ đẻ trứng, các tình nguyện viên sẽ phải chia nhau làm . Trong vòng sáu tiếng sau khi đẻ, cô và các tình nguyện viên sẽ đào lại ổ trứng mà rùa mẹ đã lấp để di dời ổ trứng về hồ ấp trứng trong trạm. Việc này giúp trứng rùa tránh các loài vật khác mò đến và ăn hết trứng rùa, hoặc một rùa mẹ khác đào ổ lại vô tình trúng phải ổ trứng vừa lấp, và tệ nhất là con người trộm trứng rùa để mang về bày bán.
Và khi trời sáng dần, nếu có rùa con ngoi lên từ ổ trứng đã nở, các tình nguyện viên sẽ lại bắt đầu công việc của ngày đó là thả chúng về với biển. Lần đầu để rùa con trên tay Huyền vô cùng xúc động khi cô đã góp phần giúp cho sinh mệnh bé nhỏ này được sinh ra. Các tình nguyện viên sẽ đặt rùa con cách mép biển khoảng 2-3 mét và để tự chúng bò ra biển. Đây cũng là quãng đường và thời gian chúng ghi nhớ địa phương này để quay lại khi đến kì sinh sản.
Du lịch tình nguyện luôn là một hành trình đáng giá
Đưa rùa con về nhà không chỉ đơn thuần là một hoạt động du lịch tình nguyện mà còn là một trải nghiệm gắn kết sâu sắc với thiên nhiên mà hiếm có một dịch vụ du lịch nào có thể mang lại. Khi rùa con đã bơi xa bờ, chúng sẽ ngoi lên và nhìn về phía bờ biển như muốn trao đi một lời cảm ơn đến những ai đã nâng niu và chăm sóc ổ trứng để chúng được nở ra và trở về nhà. Hoặc cũng có thể chúng muốn ghi nhớ nơi chúng được sinh ra để một ngày nào đó lại quay trở về khi đã trưởng thành. Cái nhìn này chính cách thiên nhiên đang trò chuyện với tất cả những người đang cố gắng bảo vệ lấy sự sống của trái đất này.
Du lịch tình nguyện được dự đoán sẽ trở thành một trong những xu hướng du lịch tuyệt vời dành cho những tâm hồn yêu thiên nhiên, muốn trở về tìm lại chính mình trong sự rộng lớn, tỉnh lặng và nhiều năng lượng tích cực từ biển cả.