Nắng tràn Côn Đảo

12/11/2012

Tôi không nghĩ mình sẽ có dịp đến với hòn đảo nổi tiếng trong suốt thời kỳ chiến tranh sớm như vậy cho đến khi máy bay đỗ lại nơi sân ga Côn Sơn. Nắng vàng và bầu trời xanh không một gợn mây. 12 km từ sân bay về điểm nghỉ trên con đường dọc bãi biển tuyệt đẹp, những giàn hoa giấy rực rỡ đủ màu sắc tạo thành cổng chào quyến rũ khách phương xa.

Bài và ảnh: Lam Linh, Long Vũ

Một thời “Địa ngục trần gian”

Hai cô gái người Sài Gòn đi cùng chuyến xe với chúng tôi đã lên kế hoạch cho chuyến đi nghỉ cuối tuần của mình ngay từ trên xe. Dự định ngay vào buổi chiều khi đến sẽ đi viếng nghĩa trang Hàng Dương, nơi có mộ các chiến sĩ cách mạng đã bị bắt và lưu đày trên đảo, viếng thăm mộ chị Võ Thị Sáu và tham quan các nhà tù nổi tiếng, ngày hôm sau sẽ là chuyến khám phá hòn đảo xinh xắn và tắm biển. Nghe lịch trình đi lại có vẻ hợp lý, tôi quyết định đi theo hành trình của các bạn đi cùng.

Trên Côn Đảo không có nhiều con đường nên cũng không quá khó để tìm đến những địa danh lưu dấu ấn trong lịch sử trong suốt nhiều năm qua. Những bức tường phủ rêu thẫm màu thời gian. Trong cái nắng vàng ruộm đầu hè và tiếng ve ra rả, vạn vật chói lòa dưới nắng trưa. Hai hàng dương la đà xòa bóng mát xuống nghĩa trang cùng tên. Dường như ai ghé thăm mảnh đất Côn Đảo cũng đến thăm nghĩa trang này đầu tiên. Sau cổng chào Nghĩa trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của rất nhiều chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Khu mộ dài yên tĩnh dưới bóng mát của hàng phi lao xanh. Mộ chị Võ Thị Sáu, người con gái chưa tròn tuổi 20 hy sinh ngoài Côn Đảo nghi ngút khói nhang.

Mua một chiếc vé, bạn có thể đến 4 điểm di tích lịch sử nổi tiếng tại Côn Đảo. Chuồng cọp Pháp và chuồng cọp Mỹ, hai tên gọi cho hai nhà tù nổi tiếng là nơi bạn không thể bỏ qua khi ghé thăm

Côn Đảo. Trong 113 năm, hòn đảo là nơi chứa hệ thống tù giam tàn khốc nhất Việt Nam, do Pháp xây dựng vào năm 1862 và sau đó do quân đội Mỹ cai quản cho đến khi Việt Nam thống nhất vào năm 1975 và nhà tù đóng cửa từ đó. Ngày nay, các nhà tù đã trở thành các di tích lịch sử, là các điểm tham quan chính của du khách khi đến thăm Côn Đảo. Những bức tường cầm cố vững chãi, những sợi dây thép gai chẳng chịt xé nát bầu trời xanh, những phòng giam âm u, bí bách…là hình ảnh của hai chuồng cọp đã giam giữ hơn 20 ngàn chiến sĩ cách mạng trong hàng chục năm. Hệ thống nhà tù này được người Pháp xây dựng để giam giữ những tù phạm đặc biệt nguy hiểm cho chế độ thực dân Pháp như: tù phạm chính trị, tử tù...nơi đây thời Pháp thuộc đã giam giữ những nhân vật cộng sản và những người ái quốc chống lại chính phủ thuộc địa. Đi theo cô gái hướng dẫn viên trẻ trung đến từng địa danh, tôi được nghe những câu chuyện rùng mình, khó có thể tưởng tượng được với những người con được sinh ra trong hòa bình. Một số người không dám bước vào khu nhà tù, ở đó có quá nhiều hình ảnh đau thương của một quá khứ máu lửa. “Địa ngục trần gian” cái tên đã đi vào sử sách vẫn còn đó những tiếng thét, tiếng gào vang vọng.

Khu nhà Chúa Đảo tọa lạc ngay giữa trung tâm thị trấn là di tích lịch sử quan trọng. Đây là nơi ở làm việc của 53 đời chúa đảo trong suốt 113 năm từ 1862-1975. Trong số đó, có nhiều tên chúa đảo khét tiếng tàn bạo như Andouard từng được mệnh danh là “Tên đao phủ ở Côn Lôn”. Tiếp đó là tên Bouvier làm chúa đảo trong những năm 1927-1942, đã giết hại 802 người tù từ 1930-1934. Ngày nay, nhà Chúa Đảo là một bảo tàng thu nhỏ lưu giữ những dấu tích còn sót lại sau chiến tranh.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Trong ánh nắng rực rỡ, chúng tôi ngồi lại dưới bóng những gốc bàng có tuổi bằng với lịch sử hơn 100 năm qua, nhâm nhi chút cafe đắng. Biển ngoài xa sóng sánh ánh bạc, những con thuyền lặng im, con đường vắng bóng người qua lại. Chỉ nghe tiếng Khánh Ly thánh thót, dìu dặt:

“Em đi bỏ lại con đường
Bỏ lại con đường
Bờ xa cỏ dại vô thường nhớ em
Ra đi, em đi bỏ lại dặm trường
Ngàn dâu cố quận muôn trùng nhớ thêm “

Bình yên chân trần trên cát

Côn Đảo của ngày hôm nay với vỏn vẹn gần 7000 dân là một trong những điểm du lịch hoang sơ và ấn tượng nhất khu vực Đông Nam Á. Sau gần 1 tiếng đồng hồ trên chuyến bay từ thành phố Hồ Chí Minh, biển xanh thẳm cùng nắng vàng rải mật ngọt đón chúng tôi. Bao gồm 16 hòn đảo nhỏ, trong đó Côn Sơn là đảo lớn nhất và cũng thường được gọi luôn là Côn Đảo, thị trấn cách sân bay 12km và cũng là nơi tập trung đông dân nhất hòn đảo. Không có nhiều khu nhà nghỉ vì du lịch trên đảo vẫn chưa thực sự phát triển. Thị trấn đảo bé với vài ba con đường, sạch sẽ cùng những khu vườn hoa và những bức tường rêu phong. Đầu hè, những cây hoa phượng đã nở đỏ rực một góc trời xen lẫn những giàn hoa bằng lăng tím biếc và những dãy phố hoa bọ cạp vàng tuyệt đẹp. Con đường đẹp nhất trên đảo mang tên Tôn Đức Thắng với hai hàng cây bàng cổ thụ xòe tán rợp mát quanh năm. Đường vắng, không nhiều xe cộ qua lại, không có cả cảnh sát giao thông hay tiếng còi xe, cũng chẳng có những gánh hàng rong, chỉ có nắng vàng xiên xiên nhảy nhót mỗi sớm mai.

Bãi biển được người dân giới thiệu mang tên Đầm Trầu, nằm gần với sân bay. Đây là một bãi biển nằm sâu bên trong đảo, lặng sóng với đường biển cong vòng bán nguyệt dài vài km. Từ bãi Đầm Trầu, chỉ cần đi bộ 10 phút, leo qua những bấc núi đá tự nhiêu là đến bãi Nhỏ, nơi không chỉ có một bãi biển kín gió, yêu tĩnh mà còn có một dòng suối nước ngọt mát lành kề sát. Những bạn trẻ rất thích bãi biển này, kín đáo và sạch sẽ, nơi họ có thể tổ chức những buổi cắm trại vui vẻ với những bữa tiệc BBQ hấp dẫn và những buổi ngắm sao lãng mạn trong tiếng sóng vỗ về. Một bãi biển khác được nhiều người dừng lại khi chạy xe máy dọc con đường ven đảo – Bãi Nhát, cách trung tâm thị trấn khoảng 6km về phía Tây. Bãi biển dài tuyệt đẹp này nằm ngay sát ven đường và cũng là nơi ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp. Trong ánh chiều chạng vạng dần khuất nơi cuối chân trời, bạn có thể xuôi thêm 1, 2 km nữa, tới bến Đầm – bến cảng chính của đảo – để ngắm ánh hoàng hôn đỏ rực bao trùm lên những con tàu và mặt biển, tạo nên một vẻ đẹp huyền ảo hiếm có.

Một hoạt động được nhiều người nhắc đến là đi xem vích và lặn ngắm san hô. Từ tháng 5 đến tháng 10 là mùa vích đẻ trứng, bạn có thể thuê thuyền sang đảo bên cạnh để ngắm những chú vích con rời khỏi cát ẩm tìm về với đại dương. Bạn cũng có thể sang các đảo lân cận để bơi, lội chân trần trên cát mịn, lặn ngắm san hô và đi câu. Có khá nhiều du khách khá giả đã vác cần câu, thong dong tự tại giữa trời và biển. Khu vực bến Đầm, hồ An Hải hay thuê thuyền ra giữa biển câu cá là thú vui của nhiều người khi ra với đảo. Hay bạn có thể đi trekking trong rừng Quốc gia Côn Đảo, nơi sẽ có rất nhiều điều thú vị cho bạn khám phá.

Một ngày với Côn Đảo, thời gian có thể là quá nhanh hay quá chậm. Với một chiếc xe đạp hay một chiếc xe máy thuê, bạn có thể khám phá hòn đảo nhỏ theo cách của riêng mình. Khi chạy xe thong thả trên những con đường nhỏ, đừng quên mang theo bộ đồ bơi để có thể lội xuống bất cứ bãi biển hoang sơ quyến rũ nào. Bạn cũng có thể ghé qua chợ Côn Đảo, mua vài thứ đồ cần thiết cho một chuyến picnic nho nhỏ. Trên đảo không có nhiều đất trồng cây nông nghiệp, các loại lương thực thiết yếu đều nhập từ đất liền vào, hải sản cũng không có nhiều do ngư dân trong vùng không đánh bắt được là bao, nhưng bù lại, bạn có thể tận hưởng những ngày nghỉ không có những thiết bị điện tử, không có cả những bữa ăn linh đình sang trọng, một cuộc sống chậm rãi và bình yên khi những lo toan ngày thường bị gió cuốn đi.

Cuối chiều, chúng tôi đi bộ lững thững trên biển, để đôi chân trần in dấu trên cát và sóng thi thoảng vội vã liếm đi. Hoàng hôn thâm sẫm cuối chân trời.


Thông tin thêm

Côn Đảo nằm cách Vũng Tàu 97 hải lý và thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Để ra Côn Đảo, bạn có thể đi theo đường hàng không, các chuyến bay mất khoảng 1 tiếng. Đi theo đường tàu thủy, bạn mất một đêm trên tàu, đi từ Vũng Tàu, sáng hôm sau là tới.

Hiện hãng hàng không Air Mekong đã có các chuyến bay ra Côn Đảo và trở lại TPHCM hàng ngày. Chuyến bay đến và đi vào buổi trưa, trong vòng gần 1 tiếng, thích hợp cho việc check in và check out khách sạn trên đảo.

Đảo Côn Đảo có khoảng 7000 dân, tập trung chủ yếu tại thị trấn Côn Đảo.Các khách sạn trên Côn Đảo có giá khá đắt, trung bình 350.000/phòng. Một số khách sạn có giá phải chăng và dịch vụ tốt như Khu du lịch Thanh Niên, Khu Six Sence, Saigontourist…

Đồ ăn trên đảo không phong phú và nhiều chủng loại do nguồn đất nông nghiệp hạn chế và công việc đánh bắt cá xa bờ không cao. Hai loại rau có nhiều nhất trên đảo là rau muống và rau mồng tơi.

Đặc sản nổi tiếng và chỉ có tại Côn Đảo là hạt bàng. Có hai loại: hạt bàng rang muối và hạt bàng tẩm đường. Giá 35.000 VND/lạng. Ngoài ra, cá thu nguyên con cũng rất rẻ, giá 100.000/kg.

Tạp chí Travellive

RELATED ARTICLES