sự cam kết toàn cầu
Liên minh “Chấm dứt buôn bán động vật hoang dã" (#endthetrade) được thành lập bởi 3 tổ chức: WildAid, Global Wildlife Conservation và Wildlife Conservation Society (WCS), nhằm kêu gọi chấm dứt vĩnh viễn việc kinh doanh và buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD), đặc biệt là các loài chim và động vật có vú tại các thị trường tiêu thụ thông qua trang https://endthetrade.com/. Chỉ sau hơn một ngày ra mắt, đã có hơn 158 tổ chức bảo tồn tham gia ký kết và CHANGE là một trong những tổ chức đầu tiên ở Việt Nam ký vào bản tuyên bố chấm dứt hoạt động thương mại này.
“Do Việt Nam vẫn luôn là điểm nóng về tiêu thụ và vận chuyển ĐVHD trái phép, tôi nghĩ đây chính là thời điểm chúng ta phải hành động cương quyết để chấm dứt tình trạng này" - bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc CHANGE chia sẻ. "Tôi hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ sớm đưa ra lệnh cấm, vừa để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vừa thể hiện rõ quyết tâm của nước ta đóng góp vào nỗ lực toàn cầu phòng tránh các dịch bệnh tương tự trong tương lai”.
Liên minh #endthetrade cũng đã hợp tác với Ủy ban Châu Âu để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa vào tiến trình xây dựng một mạng lưới tiếng nói toàn cầu về cuộc khủng hoảng buôn bán động vật hoang dã này. Theo đó, Liên minh Châu Âu đã đưa ra cam kết chống nạn buôn bán ĐVHD và thực hiện “Thỏa thuận Xanh”.
1 triệu chữ ký để chấm dứt buôn bán động vật hoang dã
Với mục tiêu thu thập hơn 1 triệu chữ ký, Liên minh #endthetrade đang kêu gọi các nhà bảo tồn, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia y tế, và toàn thể công chúng cùng tham gia thúc đẩy sự chuyển dịch mô hình toàn cầu để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai, bằng cách ký Tuyên bố chấm dứt hoạt động thương mại.
Theo đó, bản kiến nghị này sẽ được tổng hợp gửi tới Chính phủ các quốc gia để kêu gọi: 1) Ban hành luật pháp phù hợp để chấm dứt vĩnh viễn hoạt động thương mại và buôn bán động vật hoang dã trên cạn tại các thị trường, đặc biệt với mục đích tiêu thụ; 2) Trao quyền cho các cơ quan có liên quan để thực thi pháp luật; 3) Xây dựng các biện pháp chuyển dịch có đạo đức và công bằng cho những người có sinh kế bị ảnh hưởng trong chuỗi thương mại.
Trong số các chiến lược đề ra, Liên minh #endthetrade đang hỗ trợ các khu bảo tồn thiên nhiên tăng hiệu quả quản lý, giúp giảm thiểu nạn buôn bán ĐVHD cũng như sự lây lan của mầm bệnh từ ĐVHD. Chiến lược này sẽ hỗ trợ các địa bàn thực địa kiểm tra và giám sát sự bùng phát mầm bệnh ở các cán bộ tuyến đầu để đảm bảo sức khỏe và sự an toàn của họ, cũng như giảm nguy cơ lây truyền trở lại tự nhiên, đặc biệt là lây cho loài linh trưởng lớn do chúng có nguy cơ lây nhiễm cao. Ngoài ra, chiến lược này cũng tạo một cơ chế phản ứng nhanh giúp duy trì sinh kế của các cộng đồng dễ bị tổn thương và các kiểm lâm để họ có thể tiếp tục bảo vệ các hệ sinh thái có giá trị cao.
“Nếu bạn quan tâm đến sức khỏe của mình, bạn nên quan tâm đến việc bảo tồn động vật hoang dã” - trích lời ông Peter Knights, Giám đốc Điều hành của tổ chức WildAid.
THÔNG TIN THÊM
- Virus corona gây ra Covid-19 chuyển từ vật chủ mà nó đã cộng sinh hàng thiên niên kỷ - có khả năng là một loài dơi móng ngựa - sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp với dơi và/hoặc chất thải của nó, hoặc thông qua tiếp xúc gián tiếp với vật chủ trung gian (như lợn, gà hoặc một động vật hoang dã khác) đã nhiễm mầm bệnh từ dơi rồi lây truyền dọc theo chuỗi buôn bán động vật.
- Virus corona gần đây chỉ là một ví dụ trong số một loạt các mầm bệnh lây nhiễm sang người có nguồn gốc từ việc buôn bán động vật hoang dã trên cạn hoặc tiếp xúc giữa động vật hoang dã và động vật nuôi. Những tương tác này thường dẫn đến việc truyền mầm bệnh gây bệnh ở người, bao gồm AIDS, SARS, Ebola, cúm gia cầm, cúm lợn, và các dịch bệnh khác.
- Theo báo cáo từ tổ chức Zoological Society of London và trường Đại học Y tế Công cộng Hà Nội, mỗi năm, các căn bệnh lây nhiễm từ động vật sang người gây ra hơn hai tỷ ca mắc bệnh ở người và hơn hai triệu ca tử vong. Các chuyên gia ước tính rằng, trong số 1,6 triệu loại virus tiềm tàng ở động vật có vú và chim, 700.000 loại có thể gây rủi ro về sức khỏe cho con người trong tương lai.