6 ngày liên tục Việt Nam không có ca mắc mới bệnh COVID-19, WHO đánh giá cao Việt Nam
Sáng ngày 22/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19 nào. Như vậy, đã 6 ngày liên tục, Việt Nam không có ca mắc mới nào.
Tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam là 268 trường hợp và đến nay đã có 216 trường hợp được công bố khỏi bệnh. Dự kiến trong ngày 22/4 sẽ tiếp tục có thêm 6 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Trong 52 ca đang chữa trị, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 12 ca, số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 8 ca.
Về công tác chống dịch COVID-19 của Việt Nam, Giám đốc WHO Tây Thái Bình Dương nhận định: “Việt Nam đã cho thế giới thấy sự lãnh đạo hiệu quả, quyết liệt và xuyên suốt nhiều cấp chính quyền, từ Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng cho đến các địa phương.” Theo thống kê của WHO, Việt Nam đang là quốc gia có tỷ lệ ca mắc COVID-19 trên tổng dân số thấp thứ 2 của khu vực Tây Thái Bình Dương, với tỷ lệ 3 ca bệnh/1.000.000 dân.
Việt Nam trao tặng Lào nhiều trang thiết bị y tế chống dịch COVID-19
Chiều 21/4, tại Hà Nội, Trung ương Hội hữu nghị Việt Nam-Lào đã vận động các tổ chức hội, hội viên, các nhà hảo tâm ủng hộ các y, bác sỹ, nhân dân Lào 500 bộ quần áo bảo hộ y tế; 18.500 khẩu trang, trong đó có 17.000 khẩu trang y tế và 1.000 khẩu trang vải kháng khuẩn.
Hải Phòng cho học sinh khối 9 và khối 12 đi học trở lại từ ngày 23/4
Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cho phép học sinh Trung học cơ sở đối với khối 9 và học sinh Trung học phổ thông đối với khối 12 đi học trở lại từ ngày 23/4/2020; trẻ em bậc Mầm non, học sinh Tiểu học, Trung học cơ sở (khối 6, khối 7, khối 8) và Trung học phổ thông (khối 10, khối 11) đi học trở lại từ ngày 27/4.
Quảng Ninh chủ động chế tạo các trang thiết bị phòng, chống COVID-19
Những sáng kiến, chế tạo vừa làm giảm áp lực về đầu tư từ ngân sách, vừa giúp đơn vị, địa phương chủ động được trang thiết bị tại chỗ trong phòng, chống dịch COVID-19. Trường Đại học Ngoại thương (cơ sở Quảng Ninh), đội ngũ giảng viên và học sinh nhà trường cũng đã chế tạo hàng trăm tấm chắn giọt bắn để phòng, chống COVID-19. Mới đây, ngày 17/4, trường đã tặng 700 sản phẩm tấm chắn giọt bắn cho Ủy ban Nhân dân thành phố Uông Bí.
Trường Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng (Uông Bí) đã nghiên cứu, sáng chế, lắp đặt thành công hàng chục máy phun dung dịch sát khuẩn, thiết bị đo thân nhiệt và buồng khử khuẩn toàn thân. Một số đơn vị sản xuất than thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cũng chung tay vào cuộc, thiết kế các buồng khử khuẩn toàn thân phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 của đơn vị mình.
Diễn biến dịch Covid-19 tại Đông Nam Á
Bộ Y tế Indonesia ngày 21/4 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 375 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh ở quốc gia Đông Nam Á này lên thành 7.135 người. Trong ngày 21/4, Tổng thống Joko Widodo đã quyết định cấm tất cả mọi người về quê trong dịp lễ xả chay Idul Fitri nhằm ngăn chặn dịch lây lan.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện cách ly xã hội thêm 4 tuần, tới ngày 1/6. Bộ Y tế Singapore cho biết số ca nhiễm mới ghi nhận trong ngày 21/4 là 1.111 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại quốc đảo này lên 9.125 ca. Phần lớn các ca nhiễm mới là tại các khu nhà ở của lao động nước ngoài và rất nhiều ca nhiễm không hề có biểu hiện bệnh. Trong khi đó, số ca lây nhiễm chéo trong cộng đồng không rõ nguồn gốc vẫn ở mức trên 20 ca/ngày sau 2 tuần thực hiện cách ly xã hội.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines đã ghi nhận thêm 9 ca tử vong do dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên thành 437 người. Trong khi đó, Philippines có thêm 140 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên thành 6.599 người.
Bên cạnh đó, ngày 21/4, Thái Lan tiếp tục ghi nhận những dấu hiệu tích cực trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Theo đó, trong 14 ngày qua, 36/77 tỉnh, thành trên cả nước không có ca nhiễm mới. Trung tâm quản lý tình hình dịch COVID-19 (CCSA) của Chính phủ Thái Lan cho biết: ngày 21/4, nước này đã ghi nhận thêm 1 ca tử vong và 19 ca nhiễm, mức thấp nhất tính theo ngày trong vòng hơn một tháng qua.
Thái Lan tự động gia hạn thị thực cho người nước ngoài đến 31/7
Chính phủ Thái Lan, ngày 21/4, đã thông qua việc tự động gia hạn thị thực cho người nước ngoài thêm 3 tháng nữa trong nỗ lực ngăn chặn dòng người dài xếp hàng chờ đợi ở các trung tâm xuất nhập cảnh và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan cho biết, những người nước ngoài có thị thực hết hạn từ ngày 26/3 sẽ được phép ở lại nước này đến ngày 31/7 mà không phải xin gia hạn.
Số ca mắc COVID-19 ở Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục tăng mạnh
Ngày 21/4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - Tayyip Erdogan thông báo dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở Thổ Nhĩ Kỳ đang bắt đầu đạt đỉnh và mục tiêu Thổ Nhĩ Kỳ hướng tới là trở lại cuộc sống bình thường sau khi kết thúc tháng lễ Ramadan vào cuối tháng 5 tới. Trước đó, Tổng thống Erdogan tuyên bố lệnh phong tỏa trong thời gian 4 ngày sẽ được áp đặt tại 31 thành phố từ ngày 23/4.
Trong 24 giờ qua, số ca nhiễm virus corona chủng mới ở nước này đã tăng thêm 4.611 trường hợp, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên tới 95.591 người. Số ca tử vong hiện là 2.259 trường hợp sau khi có thêm 119 người tử vong do COVID-19 được ghi nhận trong ngày 21/4.
Israel phong tỏa toàn quốc trong Ngày lễ độc lập
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 21/4 đã ra lệnh phong tỏa đất nước trong Ngày lễ độc lập diễn ra vào ngày 28/4. Việc phong tỏa đất nước sẽ ảnh hưởng đến Ngày Tưởng niệm quốc gia của Israel, do việc đóng cửa các nghĩa trang và thân nhân những người đã thiệt mạng trong các cuộc chiến sẽ không được đến viếng thăm mộ.
Trong thời gian phong tỏa, người dân sẽ bị cấm di chuyển giữa các thành phố và chỉ được phép rời khỏi nơi ở để mua sắm vật dụng cần thiết hoặc đi làm.
Môt số quốc gia nới lỏng dần các biện pháp hạn chế
Chính phủ các nước Tây Ban Nha, Áo, Cộng hòa Cyprus, Australia và một số nước khác đang bắt đầu nới dần các biện pháp hạn chế do dịch COVID-19 và khởi động lại nền kinh tế.
Ngày 21/4, chính quyền thành phố Madrid (Tây Ban Nha) xác nhận hệ thống chia sẻ xe đạp "BiciMAD" sẽ mở lại cho người dân sử dụng vào ngày 22/4. Một nửa số xe đạp sẽ được đưa vào sử dụng trong sáng 22/4, trong khi số còn lại sẽ đưa vào hoạt động sau khi được khử trùng. Người dùng sẽ buộc phải đeo găng và đảm bảo các khuyến cáo về vệ sinh và giãn cách xã hội của giới chức y tế. Cùng ngày, chính quyền thành phố Pamplona của Tây Ban Nha đã thông báo huỷ lễ hội đấu bò tót San Fermin nổi tiếng do dịch COVID-19.
Tại Cộng hòa Cyprus, chính quyền đã có những bước đi đầu tiên nhằm nới lỏng biện pháp hạn chế do dịch COVID-19 và khởi động lại nền kinh tế. Theo kế hoạch, các biện pháp hạn chế, bao gồm lệnh giới nghiêm vào buổi tối, sẽ chỉ còn hiệu lực đến ngày 30/4.
Ngày 21/4, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz thông báo sẽ nới lỏng lệnh phong tỏa do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vào ngày 15/5 tới, qua đó cho phép các nhà hàng, quán cà phê mở cửa và các dịch vụ tôn giáo được nối lại hoạt động.
Tại châu Á, Iraq đã cho phép một số doanh nghiệp mở cửa trở lại, đồng thời nới lỏng lệnh giới nghiêm kéo dài suốt 1 tháng qua nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Các văn phòng chính phủ có thể duy trì tối đa 25% nhân viên, trong khi một số cửa hàng có thể mở lại. Những nơi tụ tập đông người như các trung tâm mua sắm, công viên, đền thờ và trường học vẫn sẽ đóng cửa. Việc nới lỏng lệnh giới nghiêm sẽ kéo dài cho đến ngày 22/5.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cùng ngày tuyên bố nước này đang trên đường phục hồi khi số ca nhiễm mới hầu như không còn. Ông cho biết các bệnh viện sẽ nối lại một số kế hoạch phẫu thuật không khẩn cấp, và các trường học sẽ được mở lại.
EU kêu gọi tổ chức hội nghị đặc biệt hỗ trợ ngành du lịch
Ngành du lịch, đóng góp hơn 10% GDP và tạo ra 12% số việc làm của EU, đã rơi vào tình trạng đình trệ vì các hạn chế đi lại và lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Ngày 21/4, Ủy viên thị trường nội khối của Liên minh châu Âu (EU), Thierry Breton, đã kêu gọi tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt để bàn thảo các giải pháp hỗ trợ ngành du lịch châu Âu vượt qua những khó khăn do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra vào tháng 9/2020 hoặc tháng 10/2020 .
Thụy Sĩ đưa vắc-xin chống COVID-19 vào tiêm chủng trong tháng 10
Người đứng đầu ngành miễn dịch học tại trường Đại học Bern Martin Bachmann khẳng định có cơ hội để điều chế vắc-xin thành công và hy vọng sẽ là cơ sở đầu tiên sản xuất vắc-xin chống dịch COVID-19.
Nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học Bern (Thụy Sĩ) hy vọng sẽ là cơ sở đầu tiên sản xuất vắcxin chống dịch bệnh COVID-19 nguy hiểm này và sẽ đưa vào chương trình tiêm chủng vào tháng 10 tới. Vắc-xin này có cách tiếp cận khác khi sử dụng cái được gọi là các hạt giống virus, không lây nhiễm - không giống như khi sử dụng virus, và cung cấp phản ứng miễn dịch tốt.
Nga ghi nhận số ca mắc COVID-19 vượt quá 52.000 người
Trung tâm đối phó cuộc khủng hoảng dịch COVID-19 của Nga, ngày 21/4, cho biết nước này đã ghi nhận thêm 5.642 ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm virus trên toàn quốc lên thành 52.763 người. Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có số người nhiễm virus trong 1 ngày nhiều nhất với 3.083 ca.
Biểu tình phản đối phong tỏa nổ ra trên khắp nước Mỹ
Làn sóng đòi mở cửa kinh tế, phản đối lệnh ở nhà vẫn nổ ra ở nhiều bang trên khắp nước Mỹ bất chấp việc nước này có 792.938 ca mắc COVID-19, trong đó hơn 42.000 người tử vong.
Hiện tại, ở Mỹ đang có khoảng 22 triệu người đã mất việc làm vì các hoạt động kinh doanh bị đình trệ do đại dịch. Do đó, nhiều người muốn dỡ bỏ phong tỏa để trở lại làm việc. Các cuộc biểu tình đã diễn ra ở nhiều nơi. Đặc biệt ở New York, tâm dịch của nước Mỹ cũng diễn ra biểu tình nhưng là của các nhân viên y tế xuống đường đòi hỏi các điều kiện bảo vệ tốt hơn khi chống dịch.
Mexico tuyên bố COVID-19 bước sang cấp độ đại dịch
Ngày 21/4, Chính phủ Mexico tuyên bố dịch COVID-19 đã bước sang cấp độ đại dịch tại nước này. Phát biểu với báo giới, cơ quan y tế dự báo đỉnh dịch tại Mexico sẽ diễn ra từ ngày 8-10/5 tới và có thể kết thúc chu kỳ đầu tiên của dịch, khi 95% các ca bệnh được xác định vào ngày 25/6.
Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, cơ quan chức năng kêu gọi người dân tuân thủ nghiêm những khuyến cáo về phòng bệnh, ở nhà, tránh ra đường khi không cần thiết và thực hiện giãn cách xã hội tới ngày 30/5. Tính tới thời điểm hiện tại, Mexico đã ghi nhận 8.772 ca mắc COVID-19, trong đó có 712 trường hợp tử vong.