Bùi Tuyết Minh là người tiên phong giới thiệu trị liệu múa/chuyển động (Dance therapy) vào Việt Nam trong điều trị tâm lý cho những đối tượng dễ tổn thương như trẻ tự kỷ, người già mất trí nhớ, người khuyết tật, phụ nữ bị bạo hành... nhằm tăng tự tin trong giao tiếp, tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống.
Hiện tại, cô đang sống và làm việc ở Mỹ với tư cách là nhà trị liệu tâm lý dùng múa/ chuyển động. Đồng thời, cô đang điều hành tổ chức trị liệu múa/chuyển động ở Việt Nam. Đơn vị chủ yếu cung cấp những hoạt động về trị liệu cho cá nhân, giảng dạy những khóa học ngắn về trị liệu múa/chuyển động và những dự án nâng cao sức khỏe tâm thần cho cộng đồng.
"Chữa lành là cả một hành trình. Có rất nhiều nhà trị liệu tài giỏi và có đạo đức. Tuy nhiên, bạn luôn là người thầy, là nhà trị liệu tốt nhất của chính mình khi thực hành lắng nghe, quan sát cơ thể để làm giàu sự tinh tế và trực giác. Với trị liệu múa, mình luôn tin rằng học múa là học làm người, học cách sống trong chánh niệm để quan sát, kết nối với nguồn yêu và trí tuệ cơ thể (bodifulness). Từ đó, nuôi dưỡng lòng vị tha cùng sự thấu cảm với chính mình và mọi người. Trong thế giới luôn dịch chuyển này, để tìm sự an nhiên thì không đâu bằng nhà mình. Và cơ thể chính là ngôi nhà bình yên đầu tiên của bạn", nhà trị liệu tâm lý Bùi Tuyết Minh chia sẻ.
Phóng viên (PV): Cơ duyên nào mà chị đã bắt đầu với trị liệu múa/chuyển động?
Bùi Tuyết Minh: Cơ duyên với trị liệu múa/chuyển động đến với mình trong hành trình khám phá bản thân qua nghệ thuật. 10 năm trước, mình đã là cô giáo, chuyên gia điều phối sử dụng nghệ thuật trong phát triển tại trường học quốc tế ở Hà Nội, đồng thời làm quản lý giáo dục phụ trách chuyên môn và trực tiếp giảng dạy tại tổ chức nghệ thuật Sol Art và Life Art.
Học viên của mình rất đa dạng và mình nhận ra múa/chuyển động là nhu cầu cơ bản của bất kỳ ai. Múa/chuyển động có thể hỗ trợ mọi người thể hiện những cảm xúc khó mà ngôn ngữ lời nói không đủ để diễn đạt. Mình đã trải nghiệm những thay đổi nội tại từ bản thân. Từng chiều hướng, nhịp điệu, không gian hay trọng lực trong mỗi chuyển động cơ thể tác động trực tiếp đến thái độ, cảm xúc và cách nghĩ.
Chuyển động hay múa cùng nhịp với nhóm giúp mình thoát khỏi sự cô lập, tạo cảm giác thoái mái và cộng hưởng năng lượng tập thể. Trong khi đó, chuyển động tự nhiên theo cảm xúc và trí tưởng tượng từ nội tâm của mỗi cá nhân lại giúp mình nhận ra và tin vào những thôi thúc bên trong lẫn trực giác. Tất cả những cảm giác, ký ức, cảm xúc bị đè nén, chôn vùi trong cơ thể từ sự tuyệt vọng của bản thân được biểu đạt qua những chuyển động dù vô thức hay có ý thức cũng đều dẫn đến sự thay đổi nhận thức sâu sắc. Mình đã luôn cảm thấy gần, thật và “yêu” hơn khi được “sống”, thấu cảm với học viên qua ngôn ngữ cơ thể và đồng sáng tạo.
Với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, khi ấy, mình luôn tin rằng một người thầy thực sự là người cần có đủ đạo đức, tư cách, kiến thức của một nhà giáo, nhà trị liệu và nhà tâm linh. Những yếu tố đó không chỉ đánh thức niềm vui trong sáng tạo và học tập, mà còn chữa lành đồng thời trao quyền cho mỗi học viên. Với niềm tin ấy, mình đã tìm hiểu cũng như nỗ lực dành được học bổng để hoàn thành chương trình thạc sỹ hai năm về trị liệu múa/chuyển động tại Đại học Sarah Lawrence, New York.
Chương trình học với những kiến thức về cơ thể, thần kinh học, khoa học tâm lý, văn hóa và đặc biệt nghệ thuật múa, chuyển động chữa lành thân tâm trí đã giúp mình thỏa mãn hành trình khám phá thế giới rộng lớn từ chính cơ thể - vũ trụ bao la trong chính mình.
PV: Theo chị, trị liệu múa là gì? Khi nào con người ta nên tìm đến múa trị liệu? Đối tượng tham gia bộ môn này có giới hạn không?
Bùi Tuyết Minh: Trị liệu múa là hình thức trị liệu tâm lý kết hợp khoa học và nghệ thuật múa/chuyển động làm phương tiện kết nối, hỗ trợ bản thân. Với mục đích hướng tới đối thoại bình đẳng, kết nối, thấu cảm, tự nhận thức và phát triển toàn diện thân tâm trí. Ngoài việc áp dụng để trị liệu tâm lý cho những cá nhân có nhu cầu đặc biệt (rối loạn phổ tự kỷ, mất trí nhớ, sang chấn tâm lý...) trị liệu múa/chuyển động còn được áp dụng như liệu pháp giảm căng thẳng, phòng chống bệnh tật và quản lý cảm xúc.
Trị liệu múa/chuyển động có thể ứng dụng hiệu quả với cá nhân, nhóm, cặp đôi, gia đình, trẻ sơ sinh, người khuyết tật, thanh thiếu niên, người cao tuổi... và tất cả những ai đang còn thở (cười).
PV: Chị giúp các bạn tham gia khóa học giải tỏa tâm lý bằng múa trị liệu cụ thể như thế nào?
Bùi Tuyết Minh: Những khóa học do trị liệu múa/chuyển động Việt Nam tổ chức là những khóa học cơ bản cung cấp kiến thức nền tảng để học viên có thể ứng dụng một số nguyên lý, kỹ năng và phương pháp thực hành cơ bản trong việc tự chăm sóc bản thân cũng như ứng dụng và phát triển nghề nghiệp, cuộc sống.
Nếu ai bị trầm cảm, rối loạn cảm xúc hay gặp vấn đề về tâm lý thì mình sẽ có bảng câu hỏi đánh giá sức khỏe tâm thần và bài tập chuyển động đánh giá sự linh hoạt cơ thể. Từ đó mới lên kế hoạch trị liệu tâm lý cá nhân trong ít nhất 3 tháng.
PV: Là người tiên phong của trị liệu múa/chuyển động tại Việt Nam. Với chị, có khó khăn gì trong hành trình trị liệu múa?
Bùi Tuyết Minh: 10 năm trước khi tìm hiểu về ngành này, mình đã không có ai để tư vấn vì nó quá mới. Múa/chuyển động là quá trình tự trải nghiệm nên ngôn ngữ lời nói không đủ để diễn đạt. Khi trả lời phỏng vấn học bổng, mình cũng rất tự nhiên yêu cầu cả ban giám khảo nhắm mắt lại: cảm nhận hơi thở, kết nối sâu với cơ thể để chuyển động theo sự hướng dẫn của mình và cả ba vị giám khảo đã làm theo. Đó là cách mình đã thuyết phục ban giám khảo hiểu và trao học bổng cho mình.
Nhiều bạn hỏi “Trị liệu múa là gì, chị có thể múa cho chúng em xem không? Hay dạy em vài bước múa?" Mình cười và nói: "Không, ngược lại, bạn là người múa và tôi chỉ ngồi nghe/quan sát mà thôi”. Mọi người vẫn hay nhầm trị liệu múa là tên của loại hình múa nhưng thực chất không phải vậy. Trị liệu múa là dùng múa/chuyển động cơ thể như một công cụ chính trong quá trình trị liệu tâm lý.
Có thể giải thích thế này. Nhà trị liệu múa không dạy bạn múa theo kỹ thuật mà dẫn dắt bằng câu hỏi, gợi ý, đồng hành và đối thoại với bạn bằng ngôn ngữ chuyển động cơ thể, những nhịp điệu, không gian, tiết tấu phù hợp với điều kiện thể chất, yếu tố văn hóa, niềm tin tôn giáo (nếu có) để giúp bạn tự quan sát, biểu đạt những cảm xúc khó mà bạn không có khả năng tự đối mặt. Nhà trị liệu múa luôn gợi mở để mỗi cá nhân tìm thấy niềm tin vào chính họ, tin vào nội lực và khả năng tự chữa lành của chính cơ thể họ.
PV: Nhiều người cho rằng, múa trị liệu là liệu pháp chữa lành thân tâm trí. Suy nghĩ của chị về ý kiến này?
Bùi Tuyết Minh: Bạn hỏi tôi về múa trị liệu (trong tiếng Việt là múa có tính trị liệu, và tiếng Anh là Therapuetic Dance). Nhưng điều tôi đang làm và giới thiệu với bạn là trị liệu múa (tiếng Việt là trị liệu tâm lý dùng múa và tiếng Anh là Dance therapy). Múa trị liệu và trị liệu múa (Therapeutic dance và dance therapy) là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau về mục đích và tính chất. Theo Barbara Mettler, "Creative Dance Art or Therapy?", tạp chí Hiệp hội múa trị liệu Hoa Kỳ, 1990, mục đích cốt lõi của bất kỳ loại hình nghệ thuật, đặc biệt múa mang lại niềm vui trong sáng tạo và cảm giác thoải mái, thư giãn sau đó. Đây là ý nghĩa của trải nghiệm thẩm mỹ.
Nghệ thuật múa có mục đích cơ bản là mang lại trải nghiệm về vẻ đẹp, tính thẩm mỹ, và một cách gián tiếp múa/chuyển động có thể mang đến những giá trị tích cực khác (như biểu đạt, thư giãn, nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần...). Bạn có thể học múa từ bạn bè, thầy cô hay tự học trên youtube.
Chúng ta phải nhận thức sự khác biệt giữa mục đích thẩm mỹ và thực tế. Trị liệu múa có mục đích thực tế. Mục đích cuối cùng của trị liệu múa là làm lành những tổn thương về thể chất, tinh thần. Trị liệu tâm lý dùng múa là phương pháp trị liệu kết hợp khoa học tâm lý và cùng nghệ thuật múa với mục đích thực tế, kế hoạch điều trị cụ thể và dài hạn để giúp thân chủ vượt qua những chấn thương tâm lý mà họ không có khả năng tự vượt qua.
Trị liệu múa là phương pháp trị liệu tâm lý nhân văn và toàn diện cả về thân tâm trí. Để đạt mục đích trị liệu thực tế này, bạn sẽ làm việc với nhà trị liệu múa/chuyển động, người có chuyên môn và đã hoàn thành tối thiểu trình độ học vấn ở bậc Thạc sỹ chuyên ngành trị liệu múa.
Hiện nay, ở Việt Nam và nhiều nước đang phát triển khác, trị liệu múa/chuyển động vẫn còn là khái niệm mới và chưa có hiệp hội quản lý hay đào tạo về ngành này. Vì vậy, mình vẫn giao lưu học hỏi, tham gia nghiên cứu đề tài để nâng cao chuyên môn và theo chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp tại Hiệp hội trị liệu Múa Hoa Kỳ từ năm 2013.
PV: Xin cảm ơn chị Tuyết Minh rất nhiều!