Chè đậu xanh
Trong “bộ sưu tập” các loại chè, hẳn nhiên món chè đậu xanh làm tôi có cảm tưởng dường như đậu xanh và nước cốt dừa - hai nguyên liệu làm nên món quà này - sinh ra là để dành cho nhau, khi vị thơm, ngọt dịu của đậu xanh hòa quyện với độ bùi béo, của nước cốt dừa vừa đủ hương vừa ngọt vị. Nhất là trong những chiều hè nắng oi ả, được thưởng thức một bát chè đậu xanh, cho thêm đá bào mát lạnh, bạn sẽ thấy sảng khoái bất ngờ.
Chè chuối
Món chè này có tên rất đơn giản bởi nguyên liệu chính là chuối, được nấu theo công thức truyền thống. Những trái chuối tây màu vàng nhạt, mũm mĩm, chín vừa tới sẽ được lột vỏ, thái lát, sau đó ướp với một chút đường, muối, rồi đem nấu với nước cốt dừa đặc sánh mềm mịn và lá dứa ngọt mát. Một chén chè hòa quyện đủ vị thơm nức của chuối chín, thoảng vị béo của cốt dừa, bùi bùi của của đậu phộng rang và dừa bào sợi, dù bạn có dùng nóng hay lạnh đều lý tưởng. Sự kết hợp độc đáo giữa chuối và dừa được xử lý một cách khéo léo đầy tinh tế khiến ai một lần được nếm qua chắc chắn sẽ không thể nào quên.
Chè đậu đen
Là một món ăn chơi vốn quen thuộc đối với người Việt, song để đánh giá công bằng, không có nguyên liệu nào có thể "soán ngôi" hạt đậu đen trong tác dụng giải nhiệt cơ thể giữa cái nóng bức của mùa hè. Chẳng thế mà dù các đầu bếp ngày càng sáng tạo ra nhiều loại chè, thì món chè đậu đen truyền thống vẫn không bị mai một và luôn được yêu thích. Giữa một "rừng" chè thập cẩm, chè thái, chè khoai, chè đậu xanh, chè đậu đen chỉ đơn giản với màu nâu đen giản dị, lấm tấm những hạt đậu được nấu chín mềm, và bên trên được rưới chút nước cốt dừa, dừa tươi bào sợi, đậu phộng rang… đủ làm bao tử của bạn thổn thức.
Chè bưởi
Trong những ngày hè nóng nực, nhâm nhi món chè bưởi với cùi bưởi giòn dai, thơm thảo đậu xanh, béo ngậy nước cốt dừa, thêm chút đá mát lạnh là trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời nhất. Bạn đừng nghĩ chè làm từ cùi bưởi sẽ bị đắng. Ngược lại, cùi bưởi được sơ chế thật khéo, nấu vừa định lượng cùng đậu xanh là đủ khiến thực khách khó tính nhất cũng phải gật gù tâm đắc.
Chè thưng
Vị ngậy béo của nước dừa, thơm bùi của đậu xanh là nét đặc trưng của chè thưng, món chè đậm chất Nam Bộ với các nguyên liệu đậu xanh, mộc nhĩ, đậu phộng, bột khoai, bột vani, đường, dừa nạo… Khi nấu chè, nếu muốn đậm đà hơn, bạn có thể cho thêm chút muối, nêm nếm chút đường để bát chè thưng có vị ngon đặc trưng.
Chè hạt sen long nhãn
Chè hạt sen long nhãn vốn là đặc sản của vùng đất cố đô, được nhiều người yêu thích nên đã lan truyền đi khắp nơi. Sự cuốn hút của món chè này ở vị ngọt thanh vừa phải, phần thịt nhãn bên ngoài giòn giòn ngọt ngọt, phần nhân hạt sen bên trong lại bùi bùi thơm thơm. Bát chè trông thật đơn giản, không bắt mắt cầu kỳ như những món chè khác nhưng mùi vị của nó thật khiến người ta phải nao lòng.
Chè sâm bổ lượng
Sâm bổ lượng là một món chè vô cùng phổ biến, lại không đắt tiền. Chỉ cần mươi ngàn đồng là bạn có thể thưởng thức một ly sâm bổ lượng thơm ngon ở hàng quán, chợ… Điểm đặc biệt của món sâm bổ lượng là có thể ăn lạnh khi trời nóng và ăn nóng khi trời lạnh. Nguyên liệu để nấu món chè là những vị thuốc như: nhãn nhục, đại táo, hột sen, bo bo, tuyết nhĩ, phổ tai... rất tốt cho sức khỏe của bạn.
Chè củ năng trái dừa
Chè củ năng trái dừa thì không còn là cái tên xa lạ với người dân Hà Nội nữa, bạn có thể dễ dàng tìm thấy món chè này ở bất cứ con đường nào của Hà Nội, đặc biệt vào những ngày hè.
Chè củ năng trái dừa được đựng trong quả dừa, nhưng điều thú vị nhất nằm ở chỗ, khi ăn, bạn sẽ được tận hưởng hẳn 3 tầng hương vị. Đầu tiên sẽ là phần chè củ năng. Phần này bao gồm nhiều topping như thốt nốt, mít, trân châu củ năng, nhãn...
Củ năng được cắt hạt nhỏ như hạt lựu, phủ bên ngoài là lớp bột trân châu trong suốt màu đỏ hoặc xanh nhạt. Những hạt trân châu củ năng này có vỏ ngoài rất mềm, ăn đến nhân thì lại giòn giòn cực thú vị, cộng thêm vị nước cốt dừa béo ngậy, thơm lừng khiến sự ngọt ngào lan toả. Đặc biệt, chè củ năng chỉ hơi ngọt nhẹ nên ăn rất mát và không bị ngấy. Khi ăn hết lớp chè, bạn sẽ thấy phần thạch dừa với một lớp thạch trắng và một lớp thạch trong. Ngoài cách ăn từng lớp như vậy, chúng ta có thể thử kiểu ăn cùng lúc cả hai lớp, xúc cả phần thạch này để ăn kèm với nước cốt dừa và chè. Tầng thứ ba chính là lớp cùi dừa non, dễ nạo và ăn ngon nên hầu như ai cũng thích.
Chè Thái
Trong những ngày hè oi bức như thế này, có lẽ không gì hơn là được thưởng thức một bát chè Thái bắt mắt, có vị giòn dai của thạch, thơm bùi của sầu riêng, béo ngậy của nước dừa... Tên gọi của chè đã cho bạn biết được nguồn gốc xuất xứ của nó. Món chè này được du nhập vào Việt Nam khoảng 20 năm về trước và được rất nhiều người ưa thích và lựa chọn thưởng thức trong những ngày hè nóng bức. Đây có lẽ cũng là loại chè ngoại nhập phổ biến nhất ở Việt Nam.