Trong không khí rộn ràng và náo nức đón chào xuân mới, phố Ông Đồ tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM lại được tổ chức với quy mô và sắc thái đặc biệt. Từ ngày 13/1/2025 đến 2/2/2025 (tương ứng từ 14 tháng Chạp đến mùng 5 Tết), sự kiện này hứa hẹn trở thành điểm đến quen thuộc và không thể bỏ lỡ cho những ai muốn cảm nhận trọn vẹn hơi thở mùa xuân.
Nét đẹp truyền thống trong không gian xuân
Đến với phố Ông Đồ năm nay, du khách như bước vào một bức tranh xuân sống động. Con đường mai vàng rực rỡ trải dài dọc theo đường Phạm Ngọc Thạch, điểm nhấn bằng những lu nước xếp quanh gốc mai độc đáo, không chỉ thu hút ánh nhìn mà còn gợi nên nét đẹp giản dị trầm mặc của làng quê Việt Nam.
Tại khu vực trung tâm, “Ngôi nhà ngày xuân” được thiết kế tinh tế với hình ảnh nhà sàn truyền thống An Giang. Không gian bếp ấm cúng kết hợp với sân vườn ngập tràn sắc hoa, tạo nên một bối cảnh đậm đà hương quê.
Chị Phan Thảo (27 tuổi, TP.HCM) cho biết: "Tôi cảm thấy Phố Ông Đồ năm nay thật sự rực rỡ, không chỉ đẹp về cảnh mà còn gợi nhớ nhiều ký ức Tết truyền thống. Năm nay tôi đặc biệt thích ngôi nhà sàn này vì rất kỳ công và ấn tượng giữa không gian phố Ông Đồ. Gia đình tôi năm nào cũng ghé đây để xin chữ và chụp ảnh kỷ niệm".
Xin chữ Ông Đồ – Gửi gắm ước nguyện ngày xuân
Mỗi năm, xin chữ Ông Đồ đã trở thành một phần không thể thiếu của Tết Việt. Năm nay, phố Ông Đồ quy tụ hơn 50 ông đồ trẻ với những nét bút bay bổng, thể hiện các chữ Hán - Nôm đậm đà ý nghĩa. Bên cạnh đó, du khách còn được tham gia các workshop viết thư pháp, trực tiếp trải nghiệm nét đẹp nghệ thuật truyền thống.
Những chữ “An”, “Lộc”, “Tài” … được viết lên tấm giấy đỏ, gửi gắm bao nhiêu hy vọng, ước nguyện tốt lành của người xin chữ cho năm mới. Đây không chỉ là trải nghiệm đặc sắc mà còn là một nghi thức mang đầy ý nghĩa tinh thần.
Làng nghề truyền thống – Hơi thở ký ức
Không chỉ có hoa và thư pháp, phố Ông Đồ năm 2025 còn tái hiện hình ảnh các làng nghề truyền thống nổi tiếng như làng chiếu Định Yên (Đồng Tháp), làng gốm Lái Thiêu (Bình Dương), làng đan lát Mỹ An (An Giang). Tại đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những sản phẩm thủ công tinh xảo mà còn tận mắt quan sát các nghệ nhân cần mẫn tạo tác, tái hiện một cách chân thực hơi thở của ký ức và giá trị văn hóa lâu đời.
Là một người trẻ yêu thích các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, nên khi tham quan phố Ông Đồ, Mỹ Ngọc (23 tuổi, Long An) vô cùng thích thú khi được xem và tìm hiểu về các làng nghề. Cô cho biết: "Mình thực sự ấn tượng với cách mà những sản phẩm thủ công truyền thống được tái hiện ở đây. Từng chi tiết từ chiếu, gốm, đến các vật dụng đan lát đều thể hiện sự tinh xảo và tỉ mỉ. Điều này khiến mình không chỉ trân trọng hơn giá trị của những sản phẩm này, mà còn muốn mang về một vài món làm quà Tết ý nghĩa cho gia đình".
Từ lâu, Phố Ông Đồ tại Nhà Văn hóa Thanh niên đã trở thành một phần không thể thiếu trong hình dung ngày xuân của người dân TP.HCM. Đây không chỉ là nơi gặp gỡ của những người con xa quê, mà còn là không gian gắn kết tôn vinh bản sắc văn hóa Việt. Phố Ông Đồ là nơi lưu giữ những giá trị truyền thống và cũng là nhịp cầu kết nối giữa quá khứ và hiện tại, mang đến cho người dân thành phố những phút giây ấm áp, ý nghĩa trong không khí xuân ngập tràn.