Hướng về cội nguồn, tổ tiên
Theo truyền thuyết dân gian của người Việt, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị thần trông coi việc bếp núc. Ông Công, ông Táo được Trời phái xuống trần gian theo dõi và ghi chép những việc làm của con người trong một năm. Với mong muốn cho gia đình mình được nhiều may mắn, hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, các gia đình sẽ làm lễ tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời để báo cáo Ngọc Hoàng các công việc và mong ước của gia chủ.
Do nếp sống và thói quen sinh hoạt, lễ cúng ông Công, ông Táo của người Việt ở các vùng, miền có sự khác nhau. Ở miền Bắc, với quan niệm sau 12h trưa ngày 23 tháng Chạp là ông Táo lên chầu trời nên thông thường các gia đình đều cố gắng thu xếp làm mâm cơm cúng trước thời gian đó. Nhà nào bận việc, có thể tổ chức làm lễ cúng sớm hơn 1-2 ngày.
Mâm cơm cúng ông Công, ông Táo được thực hiện cầu kỳ hay đơn giản, tùy vào điều kiện của từng gia đình. Thông thường, lễ cúng có một bộ mã ông Công, ba bộ mã ông Táo và cá chép. Ngoài mâm ngũ quả, nhiều gia đình cũng chuẩn bị mâm cỗ mặn với đầy đủ các món truyền thống: Gà, xôi, nem, canh măng miến, giò, xào… Có gia đình chuẩn bị lễ cúng đơn giản gồm hoa, quả, bộ đồ mã hoặc làm mâm cúng chay. Tùy theo quan niệm từng nhà, mâm cúng ông Công, ông Táo được đặt tại ban thờ gia tiên hoặc ở khu vực bếp. Sau lễ cúng, các gia đình sẽ hóa vàng và thả cá chép ở khu vực ao, hồ gần nhà.
Trong khi đó, ở miền Trung, vật phẩm không thể thiếu là tượng của tam vị Táo quân. Ở miền Nam, người dân thường làm lễ cúng muộn hơn, vào buổi tối ngày 23 tháng Chạp và một lễ cúng vào ngày 7 tháng Giêng để đón ông Táo trở về nhà.
Cùng với nhịp sống hiện đại ngày càng hối hả, những phong tục tập quán truyền thống của người Việt Nam cũng không ngừng biến đổi. Nếu như thời bao cấp, khi đời sống còn nhiều khó khăn, các nghi lễ, lễ vật thường được đơn giản đến mức tối đa thì ngày nay, cùng với sự phát triển kinh tế, những phong tục này đã được phục hồi và nâng lên một tầm cao mới.
Trước đây, mâm cơm cúng gia tiên thường chỉ bao gồm những món ăn đơn giản như bánh chưng, thịt luộc, hoa quả. Tuy nhiên, ngày nay, mâm cỗ cúng đã trở nên đa dạng và phong phú hơn với nhiều món ăn cầu kỳ, tinh tế, thể hiện sự tinh hoa ẩm thực của từng vùng miền. Bên cạnh đó, các lễ vật như vàng mã, hoa tươi, trái cây cũng được chọn lựa kỹ lưỡng, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc.
Người ta vẫn hay nói "phú quý sinh lễ nghĩa", sự thay đổi này không chỉ thể hiện sự tôn trọng của con cháu đối với tổ tiên mà còn phản ánh sự no đủ, ấm no của cuộc sống hiện đại. Việc chuẩn bị một mâm cỗ cúng thịnh soạn không chỉ là một nghi lễ mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, cùng nhau ôn lại những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Lễ cúng ông Công, ông Táo, cũng như các phong tục tốt đẹp khác của dân tộc luôn luôn hướng con người tới những điều thiện, điều tốt lành. Phong tục thả cá chép không chỉ mang ý nghĩa phóng sinh thể hiện tính nhân văn trong truyền thống của người Việt mà còn góp phần làm đa dạng sinh học tại những khu vực cá được thả. Trên thực tế, một bộ phận người dân không hiểu đúng bản chất của phong tục cúng ông Công, ông Táo nên họ đã có những cách hành xử kém văn hóa, gây lãng phí tiền của và ảnh hưởng tiêu cực đối với môi trường sống.
Giữ nét đẹp truyền thống đi cùng với thời gian
Cuộc sống hiện đại với nhịp sống hối hả và những ảnh hưởng từ văn hóa ngoại lai đã khiến cho phong tục thờ cúng ông Công ông Táo, một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt, trải qua nhiều biến đổi sâu sắc. Nhiều gia đình, đặc biệt là thế hệ trẻ, không còn am hiểu tường tận về ý nghĩa và nghi thức của lễ cúng này. Việc tiếp cận với thông tin một cách dễ dàng qua mạng xã hội đã dẫn đến tình trạng nhiều người hiểu sai lệch về các nghi lễ, lễ vật, thậm chí là mục đích của việc thờ cúng. Một số người coi việc cúng ông Công ông Táo chỉ là một hình thức lễ nghi mang tính hình thức, hoặc đơn giản hóa các nghi thức truyền thống, làm mất đi ý nghĩa sâu sắc vốn có.
Hiện tượng đốt vàng mã quá mức và thả cá chép không đúng cách trong lễ cúng ông Công ông Táo đã trở thành một vấn đề xã hội đáng báo động. Việc đốt vàng mã tràn lan không chỉ gây ô nhiễm môi trường, lãng phí tài nguyên mà còn làm mất đi ý nghĩa tâm linh sâu sắc của nghi lễ. Nhiều người thường đốt một lượng lớn vàng mã với niềm tin sai lầm rằng càng nhiều vàng mã thì càng thể hiện lòng thành.
Bên cạnh đó, việc thả cá chép cũng tiềm ẩn nhiều nguy hại. Không ít người khi thả cá đã để cả túi ni lông xuống nước, gây tắc nghẽn cống rãnh, làm ô nhiễm môi trường sống của các loài thủy sinh. Thậm chí, có những trường hợp người dân thả cá ở những khu vực cấm, như hồ, ao công cộng, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái tại đây. Việc thả cá chép không đúng cách không chỉ làm mất đi ý nghĩa tâm linh của việc phóng sinh mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường.
Để gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp trong tục cúng ông Công ông Táo, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh tuyên truyền văn hóa ứng xử. Theo ông, việc hình thành ý thức đúng đắn về các hoạt động tín ngưỡng dân gian là vô cùng cần thiết. Bằng cách tuyên truyền rộng rãi về nguồn gốc, ý nghĩa và các nghi thức đúng đắn của lễ cúng, chúng ta có thể giúp mọi người hiểu rõ hơn về giá trị văn hóa sâu sắc ẩn chứa trong mỗi nghi lễ, từ đó thực hiện các nghi lễ một cách ý nghĩa và trang trọng hơn.
Phóng sinh cá chép ngày tết ông Công, ông Táo không chỉ là một nghi lễ tâm linh mà còn hướng con người đến những điều thiện, giá trị tốt đẹp trong cuộc sống. Ngoài ra, trong tâm thức người Việt, “cá vượt Vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp. Nhiều người dân dẫn theo con em mình để đi phóng sinh cá, truyền lại những nét đẹp truyền thống trong văn hóa, phong tục mà người đời xưa để lại cho đến ngày nay. Nhằm giáo dục con em của mình phải biết giữ gìn, bảo vệ những nét đẹp nguồn cội.
Nơi góc bếp nhà nào, dù là vách lá đơn sơ hay trong căn biệt thự sang trọng, bàn thờ ông Táo vẫn có một vị trí quan trọng. Đó đã là một phần của văn hóa cha ông từ ngàn xưa còn lại. Có lẽ trong ngày 23 tháng Chạp, nhìn mọi nhà nô nức ra bờ sông thả cá chép vàng, mỗi người chúng ta đều cảm thấy sự ấm áp ngày giáp Tết, cảm thấy rằng Tết đã đến rất gần. Với những ý nghĩa tốt đẹp của phong tục truyền thống này, nét đẹp tín ngưỡng thờ cúng ông Công ông Táo được người dân duy trì trở thành truyền thống văn hóa tốt đẹp, mang tính nhân văn, hướng đến chân, thiện, mỹ. Gìn giữ và bảo vệ môi trường cho cuộc sống tốt đẹp hơn.