Mỗi khi Tết đến gần, Phan Thành Đạt - một người trẻ đam mê nhiếp ảnh hiện đang sống và làm việc tại TP.HCM, lại cảm nhận rõ nét sự khác biệt giữa không khí Tết ở TP.HCM và quê hương miền Tây. Đối với anh, dù Sài thành luôn tấp nập, sôi động và đầy rực rỡ sắc màu, nhưng trong lòng người con miền Tây, những ký ức về Tết quê hương luôn hiện hữu, tạo nên một sự nhung nhớ, nôn nao khó tả.
Tết ở TP.HCM là những ngày nhộn nhịp với các lễ hội, chợ hoa, đường phố ngập tràn sắc xuân. “Sài thành có không khí Tết rất rộn ràng, đông đúc hơn hẳn miền Tây, nhiều lễ hội, chợ hoa... Tuy mỗi nơi sẽ có một nét riêng nhưng Tết ở TP.HCM và Tết ở miền Tây đều mang những nét văn hoá truyền thống rất đặc trưng của Việt Nam như chuẩn bị dọn dẹp trang trí nhà cửa, đi chợ hoa, chợ Tết, cúng Ông Táo, cúng tất niên...", Đạt chia sẻ.
Tuy nhiên, không khí ở TP.HCM lại mang đến cho anh một cảm giác khác biệt, đặc biệt là khi anh vẫn phải ở lại thành phố để làm việc trong những ngày cận Tết. Nhìn mọi người đổ xô đi mua sắm, chuẩn bị đón xuân, lòng Đạt cũng cảm thấy rộn ràng theo. Dẫu vậy, anh vẫn không khỏi nhớ về quê hương, nơi Tết luôn được chuẩn bị một cách bình dị và đầm ấm. “Có những kỷ niệm Tết ngày xưa mà ngày nay ta ít tìm thấy được ở cuộc sống hiện đại như gói bánh tét, bánh chưng, làm mứt. Cuộc sống ở thành phố vội vã nên dường như mọi người thích ra chợ mua cho tiện. Từ đó, Tết cũng thiếu đi một chút không khí quây quần của gia đình", anh bày tỏ.
Mỗi khi nhắc đến Tết, Đạt không quên hình ảnh những món ăn mẹ nấu, như mứt dừa, mứt gừng, bánh tét, thịt kho hột vịt. Đó không chỉ là những món ăn đặc trưng trong dịp Tết mà còn là biểu tượng của tình yêu thương và sự gắn kết trong gia đình. Mẹ làm mứt, còn ba anh thì tay xách những chậu hoa vạn thọ về chưng trước nhà. Những mùi hương ấy không chỉ tạo nên một không gian Tết thật ấm cúng mà còn là ký ức vĩnh viễn trong tâm trí anh, dù có đi đâu, làm gì.
Dù Tết ở TP.HCM và miền Tây có những nét tương đồng, nhưng Đạt cũng nhận thấy sự khác biệt rõ rệt trong cách chuẩn bị. Người miền Tây vẫn giữ được những truyền thống lâu đời như tự chăn nuôi, trồng trọt và làm bánh Tết. “Ở miền Tây, mọi người tự tay chuẩn bị nguyên liệu, tự làm bánh tét, mứt Tết, và đặc biệt là thói quen tụ họp gia đình để cùng nhau chuẩn bị đón Tết”, Đạt cho biết. Đối với anh, điều thú vị nhất là những buổi đi chợ Tết cùng mẹ, lỉnh kỉnh với túi đồ, rồi về nhà cùng mẹ làm mứt dừa, mứt gừng.
Trong những năm gần đây, Tết ở TP.HCM có sự thay đổi rõ rệt. Thành phố không chỉ sôi động hơn với các hoạt động lễ hội, mà không khí Tết cũng phong phú và đa dạng hơn. Các đường phố được trang trí lộng lẫy, chợ Tết bày bán đủ loại mặt hàng, từ hoa tươi đến bánh kẹo. “Mỗi năm, TP.HCM lại có thêm nhiều hoạt động, những lễ hội mới, và những con phố được trang hoàng càng làm tăng thêm sự phấn khởi trong mùa xuân”, Đạt nói. Điều đặc biệt là văn hóa chụp ảnh áo dài Tết đã trở thành một phần không thể thiếu trong dịp Tết của giới trẻ. Những bộ ảnh chụp trong những không gian rực rỡ sắc xuân không chỉ là xu hướng mà còn là cách để mọi người lưu giữ những khoảnh khắc Tết đẹp đẽ.
Tuy nhiên, theo Đạt, nếu muốn ghi lại khoảnh khắc Tết chân thực nhất ở thành phố mang tên Bác, anh sẽ chọn những khu chung cư cũ, những con hẻm nhỏ và các chợ truyền thống. “Tại những nơi này, không khí Tết được thể hiện rõ rệt nhất. Các bà, các mẹ lục đục chuẩn bị đồ ăn, làm củ kiệu, bánh mứt… Những âm thanh quen thuộc ấy tạo nên một không khí Tết sống động và gần gũi", Đạt chia sẻ.
TP.HCM như một bức tranh sống động, rộn ràng và đầy màu sắc. Những con phố ngập tràn ánh đèn, chợ Tết tấp nập, không khí sum vầy len lỏi khắp mọi ngóc ngách. Dù nhịp sống vội vã vẫn không ngừng, nhưng trong những khoảnh khắc này, thành phố mang đến cảm giác ấm áp, gần gũi, như một lời mời gọi trở về, chào đón mùa xuân đầy hy vọng.