Phong vị dừa Bến Tre

29/09/2014

Dừa có vị trí vô cùng quan trọng thế trong nền ẩm thực của Bến Tre. Không có nơi nào mà dừa chiếm vị trí quan trọng trong đời sống sinh hoạt nói chung và văn hóa ẩm thực nói riêng như ở Bến Tre, từ thân tới lá, từ hoa tới quả đều cung cấp nguyên liệu quý giá để ra đời những món ăn thơm ngon, độc đáo.

Cơm dừa
Làm cơm dừa, người ta dùng gạo ngon, sau khi vo sạch bằng nước dừa, để cho ráo rồi cho vào trái dừa đem chưng cách thủy. Trái dừa dùng nấu cơm phải là dừa xiêm, sau khi chọn được trái vừa ý, người ta không đả động gì đến phần bên trong quả dừa, chỉ gọt cho quả dừa có hình dáng bắt mắt. Kế đó, cắt ngang một phần trên quả dừa để trút nước ra và dùng miếng cắt đó như cái nắp để đậy “nồi cơm dừa”. Kế tiếp đầu bếp sẽ trổ tài cho gạo vào trái dừa, sau đó đổ nước dừa tươi vào vừa đủ rồi đậy nắp lại.

Nấu cơm dừa cái khó nhất là phải canh nước dừa và gạo phải đều nhau, nếu nhiều nước ít gạo và ngược lại thì cơm dừa sẽ nhão nhoẹt hoặc cứng ngắc, hỏng mất mùi vị. Cơm dừa ăn nóng mới ngon. Nếu để lâu, hạt cơm trắng ngần sẽ bị thấm thêm hơi dầu từ dừa sẽ ngả sang màu vàng nhạt. Cơm dừa phải ăn cùng tôm rang dừa mới hợp khẩu vị. Tôm đất, tôm bầu, tôm lóng, tôm càng xanh sau khi lặt chân, rửa sạch và ướp gia vị từ đường, muối, bột ngọt để một lúc cho ngấm. Rang dừa cũng đơn giản, sau khi bỏ tôm lên chảo rang người ta cho nước cốt dừa vào chảo để lửa riu riu. Đến khi tôm ngấm nước cốt dừa chuyển sang màu đỏ quạch là coi như đã xong món tôm rang dừa. Lúc này thịt tôm ngấm dừa sẽ có mùi vị dai, giòn.
Tới Bến Tre mà chẳng nán lại dùng cơm dừa, tôm rang dừa thì xem như cuộc du lịch tới xứ dừa chưa trọn vẹn.


Kẹo dừa
Ở Nam Bộ có nhiều nơi sản xuất kẹo dừa, nhưng thơm ngon nhất vẫn là kẹo dừa Bến Tre, và đặc biệt là kẹo Mỏ Cày. Thế nên mới có câu ca dao lưu truyền từ ngàn xưa đến nay “Chợ Mỏ Cày có kẹo nổi danh”.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+


Nguyên liệu làm kẹo dừa, đầu tiên và không thể thiếu là những quả dừa. Thế nhưng, để tạo ra đúng hương vị đặc trưng của kẹo dừa Bến Tre thì phải dựa vào kỹ thuật độc đáo của nghề. Cách thức chế biến kẹo dừa Bến Tre trong mắt người dân địa phương dường như là cả một nghệ thuật. Đầu tiên là phải thật tinh tế trong việc chọn nguyên liệu. Nếp nấu mạch nha phải là nếp mùa vụ xuân, hạt nảy to, chín đều. Những trái dừa để làm kẹo cũng được lựa chọn rất cẩn thận. Đó là những trái dừa bắt đầu khô để có hương vị dừa đặc trưng nhất, nước cốt ngọt thanh và tạo nên độ béo rất riêng của kẹo dừa. Đường thô để chế biến kẹo cũng phải là loại đường tốt, mới, có màu vàng tươi như nghệ, có độ dẻo nhất định ...Tất cả cộng với tay nghề, kinh nghiệm và thuật đánh kẹo nhuần nhuyễn để tạo ra những mẻ kẹo thơm ngon đậm đà, trước sau như một làm hài lòng cả những thực khách khó tính nhất.
 
Rượu dừa
Rượu dừa là một đặc sản lạ của Bến Tre. Không giống như các loại rượu khác, rượu dừa uống không say mà chỉ khiến người uống ngất ngây và phảng phất giữ lại một dư vị rất đặc biệt. Không phiêu du như rượu cần, không cay nồng như Bàu Đá, không chan chát mặn ngọt như rượu táo mèo, rượu dừa có hương của đất, của người, của cây dừa quê đến độ đậm đà. Uống rượu dừa không phải để say men mà để say lòng, một cái gì đó phảng phất nhưng đầy dư vị. Rượu có vị ngọt mát với hương thơm đặc trưng của trái dừa bản xứ, vừa nồng nàn, vừa thanh tao, dịu nhẹ.

Rượu dừa ngày nay đã trở thành một sản phẩm thương mại. Những “vò” rượu mang hình trái dừa ngộ nghĩnh, đựng trong túi lưới nhỏ đã trở thành những món quà tao nhã, đậm tình quê dừa được giới thiệu trên khắp mọi miền. Cùng với đó, rượu dừa đang góp phần quảng bá cho đặc sản Bến Tre mà còn góp thêm vào kho tàng vốn phong phú của các loại rượu ở Việt Nam.


Đuông dừa
Đuông dừa - một trong những đặc sản Bến Tre - là tên gọi một loại sâu dừa. Món này đặc biệt không dành cho các bạn yếu đuối bởi chỉ nhìn mấy con sâu mũm mĩm, ít ai có đủ can đảm để thưởng thức.
Từ đuông dừa, người ta có thể chế biến thành nhiều món khác nhau, như đuông lăn bột chiên, đuông nướng, thậm chí, ăn sống.



Nhà văn Vũ Bằng, một người sành ăn trên văn đàn Việt Nam cũng phải công nhận đuông dừa là món ngon được liệt vào “siêu hạng”, vượt hẳn các thức ăn khác. Chính vì thế đuông dừa không cần món bổ trợ như rau củ, ăn đuông dừa chỉ cần “ăn trơn một thứ đuông không” là đã đủ vị lắm rồi.


Củ hũ dừa
Trái tim của dừa, củ hũ dừa, là phần non nhất trên đọt cây dừa. Nó ngọt, mát dịu, là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe.

Từ xưa, người dân đã biết lột vỏ ngoài để lấy phần ngon lành nhất này, chế biến thành vô vàn món ăn hấp dẫn, quyến rũ. Đó là củ hũ dừa xào lòng gà, củ hũ dừa chiên bánh xèo, củ hũ dừa xào tôm, củ hũ dừa bóp xổi, củ hũ dừa nấu tôm thịt, gỏi củ hũ dừa, canh củ hũ dừa nấu thịt viên, hoặc đơn giản là ăn sống…
Bao nhiêu tinh túy của đất trời và chắt chiu của cây đều được thể hiện khi dùng món. Vị ngọt ngọt, mà giòn giòn khi nhai, chất tươi, nước trong từng miếng củ hũ dừa làm món ăn dễ thẩm thấu và phù hợp với nhiều người.

 

RELATED ARTICLES