PHỦ THỜ CÔNG CHÚA NGỌC SƠN – GÓC LẮNG SÂU HỒN HUẾ

10/05/2012

Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn là ngôi nhà vườn danh tiếng ở cố đô Huế, có sức hấp dẫn đối với du khách thập phương. Đó là một khuôn viên biệt lập quanh năm tỏa mát bóng cây, tọa lạc nơi vùng đất Gia Hội xưa, nằm về phía đông Kinh Thành Huế.

 

Sự kết hợp hoàn hảo giữa một ngôi nhà 3 gian làm tiền đường của phủ thờ với hàng cột hiên và những chi tiết trang trí kiểu Âu ở phần móng

Đây là nơi thờ tự công chúa Ngọc Sơn, nhũ danh là Nguyễn Phước Hỷ Hỷ, con gái của vua Đồng Khánh (1885 - 1889). Bà kết hôn với Trung quân Đô thống Nguyễn Hữu Tiễn, con trai của Đông Các đại học sĩ Nguyễn Hữu Thảng, đại thần triều Nguyễn. Sau khi hạ sinh được một bé gái, công chúa Ngọc Sơn mắc bạo bệnh và qua đời khi mới 20 tuổi. Thể theo nguyện vọng của bà, phò mã Nguyễn Hữu Tiễn tục huyền với một người trong hoàng phái nhà Nguyễn là quận chúa Công Tôn Nữ Thị Trân, con gái của Kiên quận công Nguyễn Phước Ưng Quyến, em trai vua Đồng Khánh.

Không gian thờ tự được bài trí theo nguyên tắc “tiền Phật, hậu linh”

Năm 1921, ông Nguyễn Hữu Tiễn cho xây dựng trên mảnh vườn rộng gần 2.400m2 một biệt phủ theo lối kiến trúc điển hình của nhà vườn Huế, làm nơi thờ tự vong linh công chúa Ngọc Sơn, chánh thất của ông. Đây cũng là nơi ăn ở của gia đình ông, cùng 7 người con với người vợ thứ hai là bà quận chúa Công Tôn Nữ Thị Trân. Trải hơn 90 năm, phủ thờ Ngọc Sơn công chúa đã được các hậu duệ của vị phò mã Nguyễn Hữu Tiễn gìn giữ, phụng thờ và bảo tồn gần như nguyên vẹn mặc cho cố đô Huế và vùng đất Gia Hội nói riêng đã trải bao phen dâu bể.

Phần lớn phủ đệ của các ông hoàng bà chúa thời Nguyễn (mà nay trở thành phủ thờ) hoặc đã bị chia năm xẻ bảy bởi nạn nhân mãn, hoặc đã bị biến tướng do quá trình đô thị hóa. Trong khi đó, phủ thờ công chúa Ngọc Sơn dường như vẫn lưu giữ được hình hài xưa, từ cảnh quan khuôn viên ở bên ngoài, đến lối bài trí, thờ tự bên trong nội thất, lẫn nền nếp sinh hoạt gia giáo của các thế hệ hậu duệ trong gia đình.

Đây cũng là một trong những thư viện tư nhân có tiếng ở cố đô Huế 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Điều thú vị đầu tiên là phủ thờ công chúa Ngọc Sơn không có kiến trúc cổng tam quan ở phía trước nhà như các phủ thờ khác ở Huế. Lối vào phủ thờ được mở từ phía sau ngôi nhà bởi một con đường uốn lượn giữa hai hàng chè tàu và hai hàng cau ở đầu hồi phía trái của ngôi nhà. Điểm cuối của con đường ấy là khoảng sân rộng, phía trước có một tổ hợp kiến trúc gồm cái bể cạn trồng hoa súng và hòn non bộ được tạo tác từ những khối đá và các mô hình đình, tạ, cầu, tháp thu nhỏ lạ mắt và kỳ thú. Khác với các ngôi nhà truyền thống ở Huế, trước phủ thờ công chúa Ngọc Sơn không có bức bình phong án ngữ. Chính hòn non bộ xinh xinh kia đảm nhận vai trò tiền án cho ngôi nhà. Chủ nhân của ngôi nhà đã tận dụng triệt để các yếu tố phong thủy, kết hợp với cảm quan thẩm mỹ tinh tế để tạo nên các tổ hợp kiến trúc và trang trí rất hợp lý: hòn non bộ không quá thấp, đủ để che chắn cho ngôi phủ thờ khỏi mọi tai ách đến từ bên ngoài, nhưng lại không quá cao để che chắn tầm nhìn khiến chủ nhân không thể thưởng ngoạn hương sắc của các loài thảo mộc và làn gió mát lành đến từ chiếc hồ rộng trồng sen ở phía trước phủ thờ.

Bể cạn và hòn non bộ nhìn từ nội thất phủ thờ

Ở hai đầu hồi của tòa tiền đường có hai khoảnh vườn nhỏ, mỗi bên có một hòn kỳ thạch đảm nhiệm vai trò “tả long, hữu hổ” chầu vào trước phủ, cùng với những chậu hoa, bon sai, tiểu cảnh… tạo nên những không gian đượm tính triết lý và ý vị trong khuôn viên của phủ thờ.

Công trình kiến trúc chính của phủ thờ công chúa Ngọc Sơn là một tòa nhà kép: tiền đường ba gian có hàng cột hiên bằng gạch trát vữa, quét vôi màu vàng, với những chi tiết trang trí theo kiểu nhà Âu, vốn rất thịnh hành ở Huế vào hồi đầu thế kỷ XX; chính đường ba gian hai chái, theo đúng phong cách nhà rường Huế với mái lợp ngói liệt, có đắp các chi tiết trang trí bằng vôi vữa chủ đề “mây hóa long”, có khung sườn bằng gỗ với bốn hàng cột mỗi chiều và những bộ vì kèo được chạm trổ tinh tế, cùng với những bức hoành phi, đối liễn chạm khắc chữ Hán trang hoàng khắp ba gian nhà.

Nội thất phủ thờ công chúa Ngọc Sơn

Ngay giữa chính đường là gian thờ trung tâm, được bài trí theo nguyên tắc “tiền Phật hậu linh”, phía trước thờ Phật, phía sau thờ phụng vong linh các vị: Đông Các đại học sĩ Nguyễn Hữu Thảng, phò mã Nguyễn Hữu Tiễn, hai bà công chúa, quận chúa, cùng các thế hệ hậu duệ đã khuất của gia tộc. Những kỷ vật của vị phò mã, từ những chiếc huy chương do vua Khải Định (1916 - 1925) ban tặng, cho đến những vật dụng để giải trí của ông như bộ xăm hường bằng xương, bộ đầu hồ bằng gỗ, những món đồ sứ ký kiểu từ Trung Hoa, bộ đồ ăn trầu bằng bạc hay bằng ngà, bộ khay trà chạm cẩn rất tinh xảo… đều được các thế hệ con cháu gìn giữ cẩn thận và trưng bày trong những chiếc tủ gỗ nhuốm màu quá khứ, khiến cho phủ thờ giống như một bảo tàng tư nhân nho nhỏ. Cùng với những cổ vật gia bảo là cả ngàn cuốn sách quý với đủ thứ ngôn ngữ, khiến cho nơi đây trở thành một trong những thư viện gia tộc lớn và quý hiếm ở vùng đất cố đô.

Nối với tòa nhà chính là một hành lang dẫn ra khu nhà phụ ở phía phải, nơi ngày trước là “thế giới của kẻ ăn người ở”, còn bây giờ là không gian sinh hoạt chung của gia đình.

Nhìn tổng thể, tổ hợp kiến trúc chính của phủ thờ công chúa Ngọc Sơn là một khối kiến trúc có sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc truyền thống của Huế - kiến trúc “trùng thiềm điệp ốc” - với những chi tiết trang trí và vật liệu kiểu Âu được thể hiện rõ nét ở hàng cột hiên của tiền đường, ở phần trang trí nơi móng nhà, ở những ngọn đèn gương gắn ở hàng cột hiên và hệ thống con-xơn bằng xi măng đỡ bộ mái ở hai đầu hồi nhà. Tổ hợp kiến trúc ấy được khéo léo đặt vào một khuôn viên có sự “xếp đặt” dựa theo các nguyên tắc phong thủy và triết lý Á Đông, với tiền án (hòn non bộ), minh đường (hồ sen và bể cạn), tả long và hữu hổ (hai kỳ thạch bài trí ở hai bên tiền đường). Trong khuôn viên ấy, ngoài ngôi nhà vừa là nơi thờ tự vong linh của người đã khuất, vừa là nơi ăn ở của các thế hệ con cháu của vị phò mã Nguyễn Hữu Tiễn, còn có ngôi mộ của bà quận chúa. Huế là nơi mà người sống không e ngại, mà sẵn lòng chia sẻ không gian sống của mình cho người đã khuất. Tinh thần ấy hiển hiện một cách cụ thể trong khuôn viên phủ thờ công chúa Ngọc Sơn suốt mấy chục năm qua. Giữa sự sống và sự chết ấy là một không gian của cỏ cây, hoa lá, của sự nhàn và sự sang trong cốt cách, thần thái của con người Huế và trong chuẩn mực của văn hóa Huế.  

Mộ phần bà quận chúa Công Tôn Nữ Thị Trân trong khuôn viên phủ thờ công chúa Ngọc Sơn

Người thừa tự hiện thời của ngôi phủ thờ là bà Nguyễn Thị Sương, cháu nội phò mã Nguyễn Hữu Tiễn. Chồng của bà là nhà sử học danh tiếng xứ Huế, ông Phan Thuận An. Sự am hiểu về lịch sử và văn hóa Huế, tấm lòng tôn kính đối với tổ tiên của ông Phan Thuận An và bà Nguyễn Thị Sương chính là yếu tố quan trọng khiến cho ngôi phủ thờ Ngọc Sơn công chúa được bảo lưu đúng mực và gìn giữ trọn vẹn. Tấm lòng ấy, tinh thần ấy đã được ông bà trao truyền cho ba người con của họ, những người đang làm các công việc liên quan đến sự nghiệp bảo tồn và xiển dương các giá trị của di sản văn hóa Huế, trong đó có ngôi phủ thờ công chúa Ngọc Sơn, đến với cộng đồng và thế giới bên ngoài.

Đến thăm phủ thờ công chúa Ngọc Sơn, người ta không chỉ có dịp tham quan một mẫu mực của kiến trúc nhà vườn xứ Huế, mà còn có cơ hội tìm hiểu “nếp nhà” của người Huế, khám phá những góc khuất sâu lắng trong tâm hồn Huế, cũng là một bộ phận cấu thành di sản văn hóa Huế.

Thông tin thêm:

- Từ Đại Nội Huế, ra cửa Thượng Tứ, rẽ trái vào đường Trần Hưng Đạo, đi ngang chợ Đông Ba, qua cầu Gia Hội, rẽ trái vào đường Bạch Đằng đi đến chân cầu Đông Ba, rẽ phải vào đường Nguyễn Chí Thanh; hoặc từ trong Kinh Thành Huế, qua cửa Chính Đông (cửa Đông Ba) ở phía trái, rồi qua cầu Đông Ba để vào đường Nguyễn Chí Thanh, đi thêm 200m đến địa chỉ số 31, chính là phủ thờ công chúa Ngọc Sơn.

- Có thể đi đến phủ thờ công chúa Ngọc Sơn bằng taxi, xích lô, hay xe ôm. Phủ thờ mở cửa hàng ngày và sẵn sàng đón khách tham quan. Những ai muốn nghe nhà sử học Phan Thuận An nói chuyện về giá trị của phủ thờ, về lịch sử, văn hóa và kiến trúc Huế thì nên đăng ký trước qua số điện thoại (054) 3 525 411.

Bài và ảnh: Trần Đức Anh Sơn

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES