Số ca tử vong giảm mạnh tại hầu hết các nước, Việt Nam có 0 ca nhiễm mới

11/05/2020

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 76.472 ca mới mắc Covid-19 và 3.387 ca tử vong. Đại dịch tiếp tục xu thế hạ nhiệt trên thế giới. Dù số ca mắc bệnh trong ngày vẫn khá cao ở Mỹ, Brazil và Nga, song các ca tử vong đã giảm đáng kể so với tuần trước.

Việt Nam 25 ngày không có lây nhiễm trong cộng đồng

6h ngày 11/5, Bộ Y tế không ghi nhận ca dương tính Covid-19 mới, đánh dấu ngày thứ 25 không lây nhiễm trong cộng đồng. Tổng số ca nhiễm 288, trong đó 241 người khỏi bệnh. 47 bệnh nhân đang điều trị, đa số sức khỏe ổn định, trong đó 6 ca âm tính lần một, 14 ca âm tính lần hai trở lên. Hiện có hơn 25.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly theo dõi sức khỏe.

161 công dân Việt Nam từ Mỹ về nước đang cách ly tại Sư đoàn 390, Quân đoàn 1 (Thanh Hóa) đều có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính với virus SARS-CoV-2.

Hơn 270 công dân Việt Nam từ Malaysia đã về nước an toàn

Ngày 10/5, các cơ quan chức năng Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia và hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam đã tổ chức chuyến bay đưa hơn 270 công dân Việt Nam hạ cánh an toàn tại sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ngay sau khi hạ cánh tại Việt Nam, toàn bộ phi hành đoàn và hành khách đều được kiểm tra sức khoẻ và cách ly tập trung theo quy định.

Empty

Hành khách trên chuyến bay bao gồm trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi, người ốm đau, du học sinh không có nơi lưu trú do trường học và ký túc xá đóng cửa, người lao động hết hạn thị thực và hợp đồng lao động, một số khách du lịch bị kẹt lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Trên cơ sở nguyện vọng của công dân, diễn biến thực tế của dịch bệnh trong và ngoài nước, năng lực cách ly của các địa phương, các cơ quan chức năng Việt Nam và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục phối hợp với các hãng hàng không trong nước tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước.

Bệnh viện Bạch Mai khám chữa bệnh bình thường trở lại

Từ 11/5, Bệnh viện Bạch Mai tiếp đón các bệnh nhân và khám chữa bệnh bình thường trở lại sau hơn 1 tháng cách ly y tế và ổn định lại hoạt động.

Theo thông báo của bệnh viện, trước diễn biến có chiều hướng tích cực của dịch COVID-19, Bệnh viện Bạch Mai đã có một số điều chỉnh trong kế hoạch triển khai công tác khám chữa bệnh trong giai đoạn mới của dịch COVID-19. Theo đó, từ ngày 11/5, hoạt động khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú, tái khám và khám theo yêu cầu trở lại hoạt động bình thường (hoạt động cả ngày thứ bảy và chủ nhật). Bệnh viện tiếp nhận người bệnh từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác chuyển đến và từ cộng đồng; khôi phục hoạt động mổ phiên.

Số ca nhiễm và tử vong ở Mỹ giảm mạnh

Mỹ vẫn là quốc gia dẫn đầu thế giới về hầu hết các chỉ số liên quan tới dịch Covid-19. Trong vòng 24 giờ qua, nước này ghi nhận 18.223 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 và 695 người tử vong. Song đây là tín hiệu cho thấy đại dịch đang thuyên giảm, khi số người mắc bệnh và tử vong đều giảm mạnh so với mấy ngày trước. Tới nay, Mỹ có tổng cộng 1.365.532 ca mắc Covid-19 và 80.732 ca tử vong.

Tâm dịch Covid-19 của Mỹ, tiểu bang New York, chứng kiến số ca tử vong giảm đột ngột với chỉ 41 trường hợp được ghi nhận trong ngày, dù vẫn đứng đầu toàn quốc về số ca mắc. New Jersey (với 142 ca) và Massachusetts (với 139 ca) là hai tiểu bang có số ca tử vong cao nhất tại Mỹ trong vòng 1 ngày qua. Thống đốc New York, ông Andrew Cuomo cho biết chính quyền có thể sẽ cho phép những khu vực có tình trạng dịch bệnh ít nghiêm trọng hơn, chủ yếu là vùng nông thôn, mở lại hoạt động vào cuối tháng này. Còn "điểm nóng" thành phố New York, ông cho rằng hiện không ai có thể khẳng định khi nào có thể mở lại các hoạt động.

Quảng trường Thời Đại, New York

Quảng trường Thời Đại, New York

Cùng ngày, Thư ký Báo chí của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã bác bỏ thông tin ông Pence đang phải tự cách ly, sau khi một thư ký thân cận được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2. Ông Pence luôn nhận kết quả âm tính trong các lần xét nghiệm thời gian qua, mới nhất là vào ngày 10/5. Theo nguồn tin này, Phó Tổng thống Mỹ sẽ có mặt tại Nhà Trắng trong ngày 11/5.

Hàn Quốc hỗ trợ Mỹ 2 triệu khẩu trang để chống dịch COVID-19

Theo Yonhap, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, ngày 11/5, nước này đã gửi 2 triệu khẩu trang để hỗ trợ khẩn cấp cho Mỹ trong nỗ lực đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 sau khi Tổng thống Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Donald Trump thảo luận về sự hợp tác của hai nước chống lại đại dịch COVID-19 trong cuộc điện đàm hôm 24/3. Số khẩu trang này sẽ được phân phối cho các tổ chức y tế trong đội tiên phong chống dịch.

Nga trở thành điểm nóng nhất châu Âu

Với 11.012 ca dương tính trong ngày 10/5, Nga là quốc gia có số ca mắc Covid-19 nhiều thứ hai thế giới trong vòng 24 giờ qua, chỉ đứng sau Mỹ. Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Nga cho biết, tính tới hết ngày 10/5 (theo giờ địa phương), nước này đã ghi nhận tổng cộng 209.688 người mắc bệnh. Cơ quan trên cho hay có tới 42,4% trong tổng số ca nhiễm mới ở Nga không có các biểu hiện lâm sàng.

Trong một ngày qua, Nga có thêm 2.390 ca bình phục, đưa tổng số bệnh nhân khỏi bệnh lên 34.306 người. Bên cạnh đó, có thêm 88 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 1.915 người. Thủ đô Moskva vẫn là địa phương có nhiều ca nhiễm mới nhất với 5.551 ca, đưa tổng số ca tại thủ đô của nước Nga lên 109.740 ca.

Quảng trường Đỏ, Moskva

Quảng trường Đỏ, Moskva

Trung tâm báo chí Bộ Y tế Ukraine cho biết, tính đến rạng sáng 11/5 (giờ Việt Nam), nước này đã ghi nhận thêm 522 ca nhiễm, đưa tổng số bệnh nhân Covid-19 tại Ukraine lên 15.232 người, trong đó có 391 ca tử vong (tăng 15 ca so với 1 ngày trước đó) và 3.060 bệnh nhân đã bình phục.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Ngày 10/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo lệnh phong tỏa tại nước này do dịch Covid-19 sẽ được kéo dài đến ít nhất là ngày 1/6 tới, trong bối cảnh nước này đã chứng kiến gần 32.000 người chết do mắc Covid-19 - mức cao nhất châu Âu và thứ 2 thế giới (sau Mỹ). Trong vòng 24 giờ qua, Anh ghi nhận 3.923 ca dương tính và 268 ca tử vong vì virus SARS-CoV-2, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong vì đại dịch tại Anh lên lần lượt 219.183 và 31.855 ca.

Cùng ngày, Điện Elysee thông báo Thủ tướng Anh Johnson và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhất trí rằng hiện không có biện pháp cách ly nào đối với hành khách từ Pháp đến Anh. Trước đó cùng ngày, ông Johnson nói rằng Anh sẽ sớm cách ly những hành khách từ nước ngoài tới nước này bằng đường hàng không do đại dịch Covid-19. Một số thông tin cho rằng London dự định cách ly bắt buộc 14 ngày đối với mọi hành khách tới từ bên ngoài quần đảo Anh.

Tại Pháp, tính đến 6 giờ sáng 11/5 (theo giờ Việt Nam), số ca tử vong vì bệnh dịch Covid-19 là 26.380 người, tăng 70 ca trong 24 giờ qua. Đây là số ca tử vong trong ngày thấp nhất tại Pháp kể từ khi nước này bắt đầu các biện pháp phong tỏa hôm 17/3. Pháp bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp phong tỏa kể từ ngày 11/5, tuy vẫn tỏ ra thận trọng đối với 4 vùng xếp loại nguy cơ cao là Ile-de-France, Hauts-de-France, Bourgogne-Franche-Comté và Grand-Est.

Đấu trường Colosseum, Rome

Đấu trường Colosseum, Rome

Cùng ngày, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý thông báo nước này ghi nhận 1.083 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại đây lên 219.070 trường hợp. Trong đó, số ca tử vong hiện là 30.560 trường hợp (tăng 165 ca) và số ca hồi phục là 105.186 ca (tăng 2.155 ca).

Trong khi đó, Tây Ban Nha tiếp tục ghi nhận số ca tử vong vì Covid-19 trong ngày giảm. Theo số liệu của Bộ Y tế Tây Ban Nha công bố ngày 10/5, trong 24 giờ qua, nước này có thêm 143 ca tử vong, giảm so với 179 ca của ngày trước đó. Đây là số ca tử vong trong ngày thấp nhất ở Tây Ban Nha kể từ giữa tháng 3 vừa qua. Như vậy, tính đến nay, Tây Ban Nha xác nhận 26.621 ca tử vong do Covid-19 trong tổng số 224.390 ca mắc bệnh.

EU yêu cầu các hãng hàng không và khách sạn phát hành voucher

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang len lỏi vào từng ngõ ngách của các nền kinh tế châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) đang lên kế hoạch yêu cầu các quốc gia thành viên cho phép các hãng hàng không và khách sạn phát hành phiếu du lịch ưu đãi (voucher) để đền bù cho những chuyến đi đã bị hủy, thay vì hoàn trả bằng tiền mặt. Ngoài ra, Liên minh cũng được khuyến khích từng bước gỡ bỏ hạn chế biên giới nội bộ để cứu vãn mùa du lịch hè 2020 đang tới rất gần. Lĩnh vực du lịch đóng góp đến gần 1/10 sản lượng kinh tế của EU và là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh đó, Đức và các quốc gia thành viên khác đã kêu gọi EU tạm đình chỉ những quy tắc nhằm buộc các hãng hàng không và khách sạn, vốn đang gặp nhiều khó khăn về thanh khoản, phải hoàn trả bằng tiền mặt khoản chi phí bay hoặc chuyến đi đã bị hủy. Thay vào đó, trong cuộc họp vào ngày 13/5 tới, Ủy ban châu Âu sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên chấp nhận hình thức hoàn trả bằng voucher dành cho khách hàng.

Cùng với đó, EC sẽ kêu gọi 27 nước thành viên dần gỡ bỏ các hạn chế biên giới nội bộ và khởi động lại một số tuyến đường để giúp vực dậy ngành du lịch vốn đang ốm yếu. Theo số liệu của EC, trong giai đoạn cao điểm từ tháng 6 đến tháng 8, ngành du lịch châu Âu thường đón tiếp khoảng 360 triệu lượt khách quốc tế và mang về 150 tỷ euro/năm.

Nhiều hãng hàng không có nguy cơ phá sản vì đại dịch Covid-19

Nhiều hãng hàng không có nguy cơ phá sản vì đại dịch Covid-19

Hiện nay, để hạn chế đà lây lan của virus, các đường biên giới bên ngoài của khu vực đều đang đứng trước nguy cơ bị chặn đến ít nhất là giữa tháng 6 đối với những chặng di chuyển không cần thiết. Với việc người dân châu Âu nhiều khả năng sẽ chỉ ở nhà hoặc đi du lịch gần vào mùa hè này, các khu vực và hòn đảo ngoại vi của EU có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn để nhộn nhịp trở lại.

Trung Quốc có 14 ca nhiễm mới, phong tỏa một thành phố

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 10/5 xác nhận 14 ca nhiễm mới ở Trung Quốc đại lục, trong đó đáng lo ngại là 12 ca lây nhiễm trong nước gồm 11 ca ở thành phố Thư Lan thuộc tỉnh Cát Lâm, Đông Bắc nước này và 1 ca tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc. Đây là ca nhiễm đầu tiên ở Vũ Hán trong vòng hơn 1 tháng qua. 14 ca nhiễm mới trong ngày cũng là mức cao nhất ở Trung Quốc đại lục kể từ ngày 28/4. Tỉnh Cát Lâm đã nâng cảnh báo dịch bệnh ở thành phố Thư Lan từ mức trung bình lên mức cao.

Hiện Trung Quốc đang trong quá trình nới lỏng các biện pháp hạn chế để khôi phục cuộc sống thường nhật của người dân và hoạt động kinh tế trên cả nước để giảm thiểu những thiệt hại do Covid-19 gây ra.

Những em bé được bảo hộ cẩn thận tại sân bay quốc tế Bắc Kinh

Những em bé được bảo hộ cẩn thận tại sân bay quốc tế Bắc Kinh

Ngày 10/5, tại một cuộc họp báo, người phát ngôn Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) Mễ Phong nhấn mạnh: Cần duy trì các biện pháp phòng dịch cá nhân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn là một mối đe dọa với sức khỏe cộng đồng.

Số ca nhiễm ở Hàn Quốc tăng mạnh

Hàn Quốc ngày 10/5 ghi nhận số ca nhiễm tăng đột biến trở lại với 34 ca sau khi xuất hiện ổ lây nhiễm mới ở Itaewon. Thời điểm Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm cao nhất trong ngày là ngày 29/2 vừa qua với 909 ca.

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy tính tới 10 giờ (giờ địa phương) ngày 10/5, chỉ sau gỡ bỏ quy định giãn cách xã hội 4 ngày, với 34 ca mới được phát hiện, số ca nhiễm Covid-19 ở Hàn Quốc đã tăng lên thành 10.874 ca. Số ca tử vong vẫn là 256 ca, trong đó hơn 50% là bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh lý nền từ trước. Số bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn thêm 42 người nâng tổng số lên 9.610 người, chiếm 88,3%.

Empty

Trước nguy cơ bùng phát ổ dịch mới ở thủ đô Seoul, Thị trưởng thành phố này Park Won-soon đã ban hành mệnh lệnh hành chính yêu cầu các quán bar, vũ trường, hộp đêm trên toàn thành phố phải tạm thời dừng mọi hoạt động, sau khi xuất hiện hàng chục người dương tính với virus SARS-CoV-2 do đã tiếp xúc gần với một bệnh nhân nam 29 tuổi được xác nhận dương tính vào ngày 5/5 vừa qua.

Israel hỗ trợ Palestine trong mùa dịch Covid-19

Bộ trưởng Tài chính Israel Moshe Kahlon cho biết Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã chỉ thị cho ông cấp khoản vay trên cho Chính quyền Palestine. Các nhóm cánh hữu ở Israel phản đối và cho rằng động thái này là "không tưởng". Hồi đầu tuần, các tổ chức tài chính ở khu Bờ Tây đã bắt đầu "đóng băng" tài khoản của các tù nhân Palestine khi Israel đang chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các ngân hàng nhận tiền gửi vào tài khoản của những người Palestine bị kết án tù.

Ngày 8/5, Thủ tướng Palestine Mohammad Shtayyeh cho biết các quan chức ngân hàng đã đồng ý và đợi quyết định cuối cùng cho đến khi Palestine đưa ra danh sách các khuyến nghị về vấn đề này.

Empty

Tính đến tối 10/5, Bộ Y tế Israel thông báo đã có tổng số 16.477 ca dương tính với virus SARV-CoV-2, riêng ngày 10/5 ghi nhận 5 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong lên 252. Đến nay 11.430 bệnh nhân đã hồi phục. Hiện Israel đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế, theo đó trung tâm mua sắm, chợ ngoài trời và phòng tập thể dục trên cả nước đã mở cửa trở lại từ hôm 7/5 sau hơn 6 tuần phong tỏa. Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố có thể sẽ bãi bỏ mọi biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19 vào giữa tháng 6. Tuy nhiên, ông nêu rõ các cơ quan hữu quan sẽ phải xem xét lại việc nới lỏng, nếu vẫn có khoảng 100 ca nhiễm mới mỗi ngày hay số ca bệnh nặng vẫn trên 250 người.

Nguy cơ Covid-19 tái bùng phát ở Iran

Các nhà chức trách Iran cảnh báo nguy cơ làn sóng Covid-19 thứ 2 xuất hiện ở nước này khi có thêm 51 bệnh nhân tử vong sau gần một tháng bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa toàn quốc.

Phát ngôn viên Bộ Y tế Iran cho biết, dịch bệnh ở nước Cộng hòa Hồi giáo vẫn chưa được kiểm soát, trong đó tình hình tại tỉnh Khuzestan và thủ đô Tehran vẫn "rất nghiêm trọng". Hai địa phương này hiện vẫn duy trì báo động đỏ - mức cao nhất trong thang cảnh báo các nguy cơ của dịch Covid-19 ở Iran.

Empty

Một thành viên đội đặc nhiệm chống Covid-19 của Iran nêu ra rằng các biện pháp phòng dịch hiện nay ở Tehran không giúp khống chế dịch lây lan một cách hiệu quả, và còn quá sớm để đưa cuộc sống nơi đây trở lại bình thường.

Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh Khuzestan Ali Shariati thông báo các cơ quan nhà nước, ngân hàng và doanh nghiệp không thiết yếu ở 9 huyện sẽ đóng cửa trở lại. Các hoạt động di chuyển ra ngoài tỉnh này cũng bị hạn chế.

Ấn Độ sản xuất vaccine phòng Covid-19

Bộ Y tế Ấn Độ ngày 10/5 cho biết trong vòng một ngày qua, nước này đã ghi nhận thêm 111 ca tử vong do dịch Covid-19 và 4.353 ca nhiễm bệnh, nâng tổng số ca tử vong lên 2.212 ca và tổng số ca nhiễm lên 67.161 ca.

Hiện tại tổng số ca đang được điều trị ở nước này là 41.472 người. Giới chức Ấn Độ cho biết Hội đồng Nghiên cứu y học (ICMR) và Hãng chế tạo vaccine Bharat Biotech International (BBIL) sẽ hợp tác để sản xuất vaccine phòng Covid-19. Theo ICMR, hội đồng này sẽ phối hợp với BBIL để sản xuất loại vaccine trên và quá trình sản xuất vaccine sẽ liên tục được ICMR và Viện nghiên cứu virus quốc gia Ấn Độ (NIV) hỗ trợ.

Số ca tử vong do Covid-19 tại châu Phi trong năm nay có thể lên tới 190.000

Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Châu Phi (ACDC) thông báo, tính đến hết ngày 10/5, châu lục 1,3 tỷ dân này đã ghi nhận 61.165 ca mắc virus SARS-CoV-2, trong đó có 2.239 trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo số người tử vong do Covid-19 tại châu Phi trong năm đầu tiên của đại dịch có thể lên tới 190.000 người nếu những biện pháp ngăn chặn không có tác dụng. Ngoài ra, trong cùng thời gian này, khoảng 29 triệu đến 44 triệu người tại đây sẽ nhiễm virus SARS-CoV-2.

Diễn biến dịch Covid-19 tại Đông Nam Á có xu thế "hạ nhiệt"

Tới rạng sáng 11/5, Đông Nam Á ghi nhận tổng cộng trên 58.601 ca mắc Covid-19, tăng 1.521 ca so với ngày hôm trước, và 1.883 ca tử vong, tăng 29 ca so với ngày hôm trước. Trong 24 giờ qua, chỉ có 2 nước Indonesia và Philippines ghi nhận ca tử vong vì bệnh dịch; Singapore có trên 870 ca dương tính mới với virus SARS-CoV-2, song không ghi nhận ca tử vong nào. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công tăng lên 15.763 trường hợp.

Hà Lê - Nguồn: Tổng hợp
RELATED ARTICLES