Sự nữ tính trong văn chương qua góc nhìn của nữ nhà văn 9x

07/03/2023

Văn chương dường như có mối liên hệ kỳ lạ, mật thiết tới cả tính nam và tính nữ thông qua các câu chuyện của chúng. Nhưng nếu như tính nam có cách thể hiện thẳng thắn, rõ như ban ngày thì tính nữ có phần ngầm ẩn, thách thức hơn. Cùng Travellive tìm hiểu điều này qua bài viết sau đây.

Vào một buổi chiều mùa xuân, tại quán cafe trên con đường Kim Mã nhộn nhịp, phóng viên Travellive đã có dịp trò chuyện với nữ nhà văn trẻ Hiền Trang và nghe cô chia sẻ nhiều hơn về sự nữ tính trong văn chương. Cùng theo dõi xem cô nàng thể hiện sự nữ tính của mình nhé!

Văn chương của nữ giới giảm bớt “cái tôi”

Hiền Trang là nữ nhà văn thuộc thế hệ 9x. Cô sinh năm 1993, hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Chia sẻ với tạp chí, cô nói rằng mình bắt đầu viết cuốn sách đầu tiên vào năm 22 tuổi, với tất cả sự hồn nhiên và thoải mái của một người trẻ đang dấn thân vào lĩnh vực tưởng chừng như chỉ dành cho đàn ông: “Khi còn nhỏ, đọc sách giáo khoa, tôi thường thấy các nhà văn đều là nam giới. Điều đó khiến cho tôi tự hỏi, phụ nữ có viết văn không nhỉ? Tất nhiên đâu đó cũng được học những nhà văn nữ. Nhưng họ thường viết về những vấn đề cảm tưởng rất nhỏ, thậm chí với tôi khi ấy là vụn vặt, trong khi văn chương đàn ông thường đề cập tới những chủ đề lớn lao”.

Nhà văn Hiền Trang và những bộc bạch về sự nữ tính trong văn chương.

Nhà văn Hiền Trang và những bộc bạch về sự nữ tính trong văn chương.

“Đến mãi sau này, khi tôi bắt đầu đọc Virginia Woolf, Margaret Atwood, và thật ra là cả J.K. Rowling nữa, tôi mới nhận ra văn chương nữ giới cũng thách thức chẳng thua gì đàn ông cả”, Hiền Trang cho rằng phụ nữ có cách tiếp cận riêng cho những vấn đề trên. Khác với đàn ông, phụ nữ đi sâu vào từng chi tiết, ngóc ngách, khám phá cả những thứ “tủn mủn” nhất mà vẫn giữ nguyên tính hiệu quả cho văn chương. Cách họ truyền tải thông điệp tới độc giả có nét lôi cuốn mà đàn ông chưa chắc có được: “Tính nữ tự nhiên cho phép họ không cần phải gào thét về cái tôi to lớn, vĩ đại của mình. Tôi thích sự nhạy bén của văn chương nữ giới, họ có một cấu trúc ngôn ngữ khác, đàn ông nhìn theo chiều bổ dọc thì phụ nữ nhìn theo chiều bổ ngang. Ví dụ như với Annie Ernaux, tôi nhớ khi đọc một mẩu nhật ký của Ernaux, bà viết về một lần đánh rơi kính áp tròng lên cơ thể người tình. Tôi nghĩ những kiểu chi tiết như vậy, vô hình nhưng ám ảnh, chỉ có phụ nữ mới có thể viết ra”.

Văn chương nữ giới kể câu chuyện đời mình

Hiền Trang cho rằng mỗi người phụ nữ đều có những câu chuyện riêng và phong cách kể chuyện của các nhà văn nữ không ai giống ai: “Có nhiều kiểu phụ nữ và cũng không có giới hạn cho tính nữ. Biên kịch Bình Bồng Bột từng nói với tôi đại loại rằng, văn em có nhiều nam tính, còn văn anh thì có nhiều nữ tính, lúc viết thì em là đàn ông còn anh là phụ nữ. Điều đó không khiến tôi không là nữ sĩ còn anh Bình không là nam sĩ. Tôi nghĩ một phụ nữ cứ kể câu chuyện mình muốn kể ra thì đó đã là câu chuyện về tính nữ rồi. Tính nữ để dấu vân tay lên mọi thứ mà nó đi qua”.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Cô còn cho rằng văn chương nữ giới không nhất thiết chỉ là chuyện về phụ nữ: “Tôi nghĩ với mọi nhà văn chỉ có một nguyên tắc: ta muốn kể câu chuyện này vì không kể nó ra thì ta không chịu được. Ta là ta và ta không cần phải cố gắng trở thành ai khác cả, dù là người đàn ông hay người phụ nữ khác. Ví dụ như Rowling, cô kể chuyện về một cậu bé trở thành một người anh hùng, điều đó không khiến văn chương cô không phải văn chương phái nữ. Ta chỉ cần là đúng cái người phụ nữ mình là, thì đó chính là nữ quyền”.

Hiền Trang có nhiều góc nhìn mới lạ và độc đáo khi nói về văn chương.

Hiền Trang có nhiều góc nhìn mới lạ và độc đáo khi nói về văn chương.

Đàn ông cũng có anima (tính nữ bên trong đàn ông) và đàn bà cũng có animus (tính nam bên trong đàn bà). Có thể nam giới có tư duy logic rành rọt, khúc chiết, còn tư duy nữ giới thì nhiều đường vòng, nhưng có lẽ vì đi vòng nên hay thấy những thứ mà người ta dễ bỏ qua. Cả hai lối tư duy ấy đều tốt cả, và thậm chí có thể hài hoà với nhau.

“Người phụ nữ muốn viết văn phải có một căn phòng riêng”

Hiền Trang tâm sự thêm về quá trình viết văn của bản thân. Cô thích đọc sách và được thừa hưởng niềm yêu văn học từ gia đình, đặc biệt là bà ngoại. Cô luôn viết sách trong tâm thế “đây là cuốn sách đầu tiên và cũng là cuốn sách cuối cùng” nhưng không hiểu sao hành trình văn chương của bản thân đã chạm mốc tám năm: “Cuộc đời cho tôi gặp nhiều người đàn anh, đàn chị trong nghề, những người mang đến cho tôi nhiều cơ hội mới mà chính tôi chưa bao giờ mường tượng ra. Nếu không có họ thì có khi giờ này tôi đã làm một điều gì đó khác buồn tẻ hơn. Bây giờ thì tôi viết đủ thứ, truyện ngắn, truyện dài, tiểu luận, thậm chí là thơ ca. Tôi cố gắng không chỉ viết cho vui như ngày xưa nữa, mà coi viết là một nghề. Đã làm nghề thì mình phải nghiêm túc hơn, không thể kiểu như rắn ăn đuôi được mà phải tự học thêm để không phụ thuộc vào cảm hứng. Lúc nào cũng phải có cảm hứng hết, cứ ngồi vào bàn là phải có”.

Tiếp nối câu chuyện về văn chương, Hiền Trang có đề cập tới nữ nhà văn Virginia Woolf và nhắc tới câu nói nổi tiếng của bà: “Người phụ nữ muốn viết văn thì phải có một căn phòng riêng”.

Bất cứ người phụ nữ nào cũng cần có một căn phòng riêng, không nhất thiết phải là một nhà văn.

Bất cứ người phụ nữ nào cũng cần có một căn phòng riêng, không nhất thiết phải là một nhà văn.

Quả thực, với mỗi nữ nhà văn, việc có không gian viết lách thoải mái cũng như có nơi chốn dành riêng cho việc sáng tác là điều tối quan trọng. Hiền Trang chia sẻ sâu hơn về điều này: “Có một căn phòng riêng nghĩa là có hai thứ: một là sự riêng tư và hai là điều kiện tài chính cơ bản. Người ta nói văn chương là con đường gian khổ, dù đến giờ này tôi cũng chưa thấy khổ lắm, nhưng dù sao thì tôi nghĩ, có được những thuận tiện như thế sẽ giống như cái gối êm cho ta tựa vào mỗi lúc muốn buông nghề”.

Tạm gác lại những nhận định về nữ giới nói chung cùng sự nữ tính trong văn chương nói riêng, Travellive mong rằng bài viết có thể đem đến những luồng gió mới cho độc giả đồng thời giúp chúng ta hiểu hơn về người phụ nữ trong đời sống văn học đương đại.

Hà Chuu - Nguồn: Ảnh nhân vật cung cấp
RELATED ARTICLES