Sức mạnh quảng bá văn hóa truyền thống từ phim cổ trang của Hàn Quốc

19/09/2023

Năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc công bố kế hoạch đẩy mạnh quảng bá văn hóa truyền thống Hàn Quốc dựa trên các nền tảng văn hóa đại chúng sẵn có như âm nhạc, phim ảnh, chương trình truyền hình...

Dòng phim lịch sử, cổ trang Hàn hưng thịnh

Một số chính sách được triển khai có thể kể đến như, bình chọn 10 làng nghề truyền thống tiêu biểu của cả nước; đào tạo các chuyên gia có thể bao quát cả văn hóa truyền thống và đương đại; phát triển các lễ hội truyền thống nổi bật của Hàn Quốc.

Du khách nước ngoài đến thăm cung điện Gyeongbokgung, mặc hanbok để chụp hình. Ảnh: Xinhua.

Du khách nước ngoài đến thăm cung điện Gyeongbokgung, mặc hanbok để chụp hình. Ảnh: Xinhua.

Từ đó, các biên kịch, nhà sản xuất phim có chất liệu để khai thác triệt để nguồn tài nguyên dồi dào từ lịch sử, văn hóa truyền thống. Phim cổ trang do Hàn Quốc sản xuất nhanh chóng tạo nên cơn sốt trên toàn châu Á.

Năm 2003, bộ phim “Nàng Dae Jang Geum” trở thành tác phẩm đề tài cổ trang đầu tiên đạt được thành công thương mại rộng rãi ở châu Á, lan sang khu vực Trung Đông, châu Mỹ, châu Âu.

Sau đó, từ “Truyền thuyết Jumong” (2007), “Chuyện tình ở Sungkyunkwan” (2010), “Mặt trăng ôm mặt trời” (2012), “Hoàng hậu Ki” (2013), “Mặt nạ quân chủ” (2017), “Mr. Sunshine” (2018)… lần lượt chứng tỏ sức hấp dẫn từ các bộ phim cổ trang Hàn Quốc đối với khán giả quốc tế.

Không khai thác hướng cung đấu như phim cổ trang Trung Quốc, Hàn Quốc tạo thương hiệu riêng với những câu chuyện tình lãng mạn, những trận chiến tranh hùng đoạt vị gay cấn thời phong kiến. Nhà phê bình văn hóa đại chúng Jeong Deok Hyun nhận xét, đối với khán giả nước ngoài đang tìm kiếm những nội dung khác biệt, phim truyền hình cổ trang Hàn Quốc có rất nhiều nét độc đáo, từ bối cảnh, trang phục, ngoại hình của diễn viên đều được xây dựng chỉn chu, tỉ mỉ và hấp dẫn.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, các nhân vật và sự kiện hư cấu được xây dựng trong phim cổ trang có thể khiến các giá trị lịch sử bị lu mờ, khiến khán giả lầm tưởng về lịch sử đất nước. Dù vậy, Giáo sư Park Chan-seung của Khoa Lịch sử, Đại học Hanyang chia sẻ quan điểm khác về vai trò của phim cổ trang: “Tôi kỳ vọng phim cổ trang sẽ quảng bá văn hóa truyền thống hơn là lịch sử. Theo góc nhìn đó, cả những bộ phim lịch sử hư cấu cũng có ý nghĩa. Các phim có chi tiết hư cấu, viễn tưởng có thể tránh tình trạng bóp méo lịch sử hoặc bị hậu duệ của các nhân vật lịch sử có thật phản đối. Từ đó, các nhà làm phim có thể sáng tạo và phát triển rộng hơn”.

Theo báo chí Hàn Quốc, chỉ trong một thập kỷ, khán giả toàn cầu đã quen thuộc với triều đại Joseon, những bộ hanbok lộng lẫy, các món ăn truyền thống, những nét văn hóa Hàn Quốc...

Phim ảnh là chiến lược quảng bá siêu lợi nhuận

Khi các bộ phim, nhóm nhạc và show truyền hình thực tế trở nên phổ biến toàn cầu, khán giả từ nhiều quốc gia đã đổ xô đến Hàn Quốc để tận mắt trải nghiệm văn hóa Hàn Quốc. Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO) nhanh chóng cung cấp các tour du lịch trọn gói bao gồm hoạt động tham quan các địa điểm quay phim, các địa danh xuất hiện trong các bộ phim điện ảnh và phim truyền hình nổi tiếng.

Chính phủ Hàn Quốc cũng nhanh chóng xây dựng, khai trương “Thung lũng văn hóa K” ở Goyang, một công viên giải trí lấy cảm hứng từ Hallyu (làn sóng Hàn Quốc) trị giá 1,2 tỉ USD.

Trước dịch COVID-19, Hàn Quốc thu về 21,5 tỉ USD từ du lịch, thu hút tổng cộng 17,5 triệu khách du lịch trong năm 2019. Một cuộc khảo sát ý kiến do KTO thực hiện năm 2019 cho thấy tổng chi tiêu của khách du lịch liên quan đến Hallyu là 1,1 tỉ USD; du lịch liên quan đến Hallyu chiếm 55,3% tổng lượng du lịch nội địa. Trong đó, ngành công nghiệp mỹ phẩm và thời trang cũng tăng trưởng như vũ bão nhờ sức lan tỏa của các diễn viên, ngôi sao hàng đầu làng giải trí.

Nhiều địa danh của Hàn Quốc như Cung điện Gyeongbokgung xây dựng vào thời đại Joseon, ngôi làng hơn 600 tuổi Bukchon Hanok, cung điện Deoksugung, cánh đồng Borinara Hagwon trở thành điểm đến hút khách du lịch sau khi được chọn làm bối cảnh cho nhiều tác phẩm đình đám.

Tờ The Guardian khẳng định, mỗi bộ phim cổ trang Hàn Quốc đều truyền đến cho khán giả những bài học mới về văn hóa, lịch sử, ẩm thực Hàn Quốc.

- Nguồn: Lao Động
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES