TÁCH: nơi cũ gặp mới, nơi "ta" gặp "mình"

11/07/2021

TÁCH trong “tách trà", "tách biệt”, hay đơn giản là một tiếng "tách" của chiếc máy ảnh?

Chỉ mới mở cửa hơn một tuần nhưng TÁCH SPACES luôn trong tình trạng "cháy bàn" mỗi ngày, dù chưa hề quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội. Có lẽ đó là lẽ tất yếu, khi lâu lắm rồi ở thủ đô mới xuất hiện một khu tổ hợp giải trí - vừa có quán cafe, vừa có bar, vừa có khu trưng bày nghệ thuật lại vừa có phòng giải trí.

Cũ và mới

Nằm trên con phố Hai Bà Trưng nhộn nhịp, những tưởng TÁCH sẽ hiện diện như một quán cafe với thiết kế trẻ trung, bắt mắt hay "sang chảnh" giống như mô hình của đa phần các quán cafe cho giới trẻ ngày nay. Nhưng không, những gì bạn nhìn thấy ở trước cánh cổng gỗ chỉ là… hai con nghê đá. Bước vào sau cánh cổng đó, bạn tiếp tục đi qua một lối đi hẹp, hun hút, dài chừng 100 mét, mô phỏng những con ngõ đặc trưng Hà Nội của thập niên xưa. Và đích đến của bạn - Cà phê TÁCH, với điểm ấn tượng đầu tiên là chiếc mái còn giữ nguyên những lớp gạch ngói đỏ.

FB_IMG_1625932713056
Empty
Empty

Thoạt nhìn vào không gian bên trong Cà phê TÁCH, sẽ thấy một tinh thần hoàn toàn hiện đại, trẻ trung và "hợp thời", nhưng nếu ngồi lâu, nhìn kỹ, bạn sẽ nhận ra có những chiếc cột gỗ nâu già nua đứng ngăn giữa các gian phòng. Theo một người trong ban điều hành của TÁCH chia sẻ, đó là gỗ Tà Vẹt, "loại gỗ cũ giờ rất hiếm, cả team đã phải dành ra nhiều tháng trời để thu thập đủ số lượng gỗ dùng cho dự án, nay nếu chẳng may cần sửa hay thay thì cũng chưa biết kiếm ở đâu ra". Và, nếu ngước lên trần, có thể bạn sẽ bất ngờ khi thấy nguyên bộ mái của một căn nhà cổ.

Empty
Empty
Empty
Empty

Lối bài trí hiện đại là cách Cà phê TÁCH thu hút các bạn trẻ tìm đến để thưởng thức đồ uống, hàn huyên với bạn bè, nhưng chính những chi tiết cũ kĩ được truyền tải một cách ẩn ý trong nơi này mới là thứ khiến người ta vì ấn tượng, thân thuộc, mà quay lại nhiều lần.

Empty
Empty
Empty

Yếu tố truyền thống không chỉ được đan cài trong thiết kế, mà còn thể hiện rất rõ ở “ngôn ngữ” của quán. Từ cái tên menu, cho đến tên của từng món đồ uống đều là lối chơi chữ hóm hỉnh, dựa trên sự phong phú và đa sắc, gợi hình của tiếng Việt. Bắt đầu từ cái tên được tô vàng trên bìa menu nhé.

CHUA

Bạn có thấy chút vị chua bắt đầu râm ran nơi đầu lưỡi mình?

Nếu có, chắc hẳn bạn - đúng như dụng ý của quán - đã nóng lòng muốn khám phá menu để tìm một thức uống cho thỏa cơn khát mới ập đến. Và cũng như chính cái tên “chua” đã gợi lên, đặc tính các đồ uống ở đây là dựa trên hương vị của citrus (họ nhà cam chanh).

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
received_645500146845894
Empty

Ngoài cà phê, các đồ uống còn lại của Chua thiên về sự biến tấu, kết hợp giữa các loại hoa quả tươi mát theo mùa. Sử dụng nhiều đá xay, trang trí bắt mắt và cầu kỳ, mỗi ly đồ uống sáng tạo có giá trung bình 70.000 đồng - theo quán, đó là mức giá lý tưởng để khách đến đây, thưởng thức đồ uống và ngồi lại tận hưởng không gian; thay vì chỉ đến gọi vài ly đồ uống rồi vội vã mang đi.

"May chua", “Chua chan”, “Chat chua”... tên các loại đồ uống nghe có kì cục và thách thức suy luận quá không? Tưởng khó đọc, nhưng thực tế đó đều là những từ dễ phát âm cho cả người Việt lẫn người nước ngoài. Nhờ công Chua, chúng ta được dịp ôn lại ngữ nghĩa tiếng Việt.

Empty
Empty

Sau cùng, sự đan xen giữa truyền thống và hiện đại ở TÁCH còn được thể hiện rõ trong những vị khách đến đây. Ở đảo cafe là những người có vẻ trầm tĩnh nhất thường ngồi, sâu vào các gian trong là những nhóm bạn trẻ say sưa trò chuyện, đâu đó bên gốc cây ngoài sân là một vài nghệ sĩ bụi bặm, rồi vài người ham việc còn cặm cụi gõ bàn phím…

Ta, và tôi

Nếu không gian Cà phê TÁCH lấy điểm nhấn là những cột gỗ nâu trầm thì khu trưng bày nghệ thuật Ngã lại mang một màu trắng dịu dàng, còn lối vào căn phòng giải trí VIA20 lại mang một tông màu tối bí ẩn và sẽ rực rỡ ánh đèn neon khi đêm xuống. Điểm giao thoa giữa các không gian của TÁCH SPACES là khoảng sân ở giữa. Như gửi gắm của những người chủ, khoảng sân này chính là điểm kết nối cái ta.

Empty
Empty

"Chúng tôi muốn đây là nơi khiến mọi người gác lại công việc bận bịu với laptop hay là điện thoại check-in, để tận hưởng hiện tại, kết nối với nhau" - một người chủ của TÁCH SPACES chia sẻ. Nếu để ý từng chi tiết nhỏ được gom góp cho khoảng sân "công cộng" của TÁCH, bạn sẽ nhận ra họ thực sự mong muốn tạo ra một không gian tự do, cởi mở cho khách đến mức nào.

Từ hồ cá vàng, những cái cây Monstera Deliciosa "chứng kiến việc xây dựng của nơi này", đến những chiếc tường vòm phỏng theo phong cách Địa Trung Hải…, tất cả cùng tạo ra một không gian thư thái và khoáng đạt, nơi những vị khách sẽ muốn ngồi xuống nhìn nhiều hơn, nghe nhiều hơn và chia sẻ nhiều hơn.

Empty
Empty
Empty

Thế còn cái tôi mang đi đâu?

Lúc này, mời bạn lên tầng 2, bước vào Ngã.

Ngã là không gian riêng dành cho nghệ thuật ở TÁCH SPACES. Trong tương lai, nơi này sẽ trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ trẻ trong nước - nơi bạn được ngã vào hội họa; còn hiện tại trong thời gian mới mở cửa, Ngã chỉ là những vách phòng trắng nguyên bản.

Nếu bạn vội nghĩ rằng chẳng có gì để làm trong những căn phòng trắng trống trơn, bạn càng phải bước vào đây.

Nhưng chậm thôi.

Empty
Empty

Có những khung viền uốn cong bay bổng, có khe cửa nơi ánh nắng rọi vào thành những đường sáng lơ lửng giữa không trung, có những bản nhạc không lời vang lên dày đặc - dập dìu trong căn phòng. Dù tưởng chừng không có gì cả, ta vẫn sẽ ngã, ngã vào thực tại, ngã vào sâu trong các giác quan của mình.

Empty

TÁCH SPACES hiện đang trong thời gian "soft opening", vẫn còn một số mô hình chưa hoàn tất, nhưng đã sớm thành công trong việc gửi gắm thông điệp và giá trị của mình tới khách hàng. Song nếu là người cầu toàn và "tham lam", bạn có thể đợi thêm một thời gian nữa rồi tìm đến đây - khi nơi này đã có thêm nhà hàng, phòng giải trí đã được phép hoạt động và quầy bar đã được phép mở đến quá đêm khuya.

IMG_20210710_203037

Bóc "tách"

- TÁCH SPACES nằm ở số 20 Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội), trước đây là một con ngõ dẫn vào khu nhà dân gồm khoảng chục hộ, trong đó có 2-3 căn nhà cổ. Để giữ lại được những chi tiết "cũ" của nơi này, quá trình xây sửa TÁCH mất đến gần 2 năm.

- Được khai trương vào đầu tháng 7, song do những yêu cầu của Thành phố về phòng chống dịch bệnh, hiện tại khu tổ hợp TÁCH SPACES mới chỉ đưa vào hoạt động Cà phê TÁCH và phòng trưng bày Ngã.

Ảnh: Chim - Bài: Oanh
RELATED ARTICLES